Tỉnh Tuyên Quang có 22 dân tộc cùng sinh sống, với trên 52% là người dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Dao chiếm 11,38%. Đây là tộc người có nhiều nhóm người địa phương nhất (9 nhóm Dao: Dao Đỏ, Dao Tiền, Dao Coóc Mùn, Dao Lô Gang, Dao Quần Chẹt, Dao Quần Trắng, Dao Thanh Y, Dao Áo Dài, Dao Coóc Ngáng) và cũng là tộc người cho đến nay vẫn còn duy trì được nhiều nét văn hóa đặc sắc.
Tranh thờ chính trong Lễ cấp sắc của người Dao. Ảnh: Internet
Một trong những sinh hoạt văn hóa đặc trưng của người Dao là lễ cấp sắc, thường gọi là quá tăng nghĩa là "qua đèn". Đây là nghi lễ được coi là chấm dứt thời "thơ ấu" của một chàng trai Dao. Nó công nhận sự trưởng thành cả về thể chất lẫn tinh thần, từ đây anh ta được đặt tên mới, tên cấp sắc, được thực hiện nghĩa vụ bình thường của một người đàn ông trong cộng đồng: đi xa, làm nhà, làm thầy cúng và khi chết "hồn" mới được trở về quê hương. Nói cách khác, chỉ khi được cấp sắc, vai trò của người đàn ông Dao mới chính thức được cộng đồng, xã hội thừa nhận.
Thời gian làm lễ cấp sắc của người Dao ở Tuyên Quang thường được tổ chức vào thời điểm nông nhàn (bắt đầu từ tháng chín Âm lịch năm trước kéo dài sang tháng ba Âm lịch năm sau). Tuỳ theo từng nhóm Dao mà người được cấp sắc có tuổi khác nhau. Cấp sắc có nhiều thứ bậc khác nhau: bậc đầu tiên người thụ lễ được cấp 3 đèn và 36 binh mã, đây là nghi thức thông thường được diễn ra trong lễ cấp sắc của người Dao; bậc 2 người thụ lễ được cấp 7 đèn và 72 binh mã và cuối cùng là 12 đèn và 120 binh mã (Sự tăng bậc cấp sắc đòi hỏi người được thụ lễ phải có thêm trình độ hiểu biết và thành thạo về cúng bái, phép thuật). Các nghi thức diễn ra trong lễ cấp sắc gồm: Nghi thức trình diện, nghi thức đặt tên âm (phạt bùa), lễ lên đèn, lễ thăm thiên đình, lễ tơ hồng (tài slay tỉa), lễ nộp lợn cho ma tổ, lễ tiễn Bàn Vương và các thần linh về trời.
Lễ cấp sắc của người Dao có nhiều nét đặc sắc trong đó phải kể đến hệ thống các tranh thờ khi làm lễ. Phần lớn lễ cấp sắc của người Dao đều có nghi lễ treo tranh. Theo quan niệm của người Dao, khi đã treo tranh có nghĩa là đã có sự hiển diện của các đấng thần linh về chứng giám. Theo các thầy cúng, việc sử dụng tranh đã có từ lâu đời, nhiều thầy cúng giữ được những bức tranh có từ cách đây khoảng ba đến bốn đời. Tranh được cất giữ trong một ống gỗ hoặc ống nứa có trang trí hoa văn, được cất giữ ở vị trí trang trọng trên bàn thờ. Những bức tranh được coi là rất linh thiêng không ai có thể động tới, trừ các thầy cúng sau khi đã làm lễ xin phép. Nét riêng của người Dao ở Tuyên Quang và một số dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta là chỉ dùng tranh cho mục đích phục vụ các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng. Bộ tranh thờ của người Dao thường gồm hai bộ 18 tờ. Đó là các bức: Thích Ca Mầu Ni; Tam Thanh; Sần Tào; Thập Điện Diêm Vương; Kiềm Khảnh...Một số bức vẽ hổ báo, ngựa, các quân âm binh.... Qua cách sử dụng tranh cho thấy thế giới nội tâm của người Dao rất phong phú, sâu sắc. Những chủ đề chính trong các bức tranh của người Dao không phải là sự diễn tả cái nhìn thấy được mà là sự diễn tả cái mà con người cảm nhận được. Nó bao hàm nhiều lĩnh vực của tự nhiên và xã hội. Vì lý do phục vụ chủ yếu cho mục đích tôn giáo, tín ngưỡng, những bức tranh của người Dao luôn mang yếu tố phi thực. Đó là sự tưởng tượng đầy chất lãng mạn, nhưng cũng ẩn chứa trong đó sự sâu sắc của nội tâm con ngừơi về vũ trụ và cuộc sống. Sự diễn tả trong tranh đã đạt tới một trình độ nghệ thuật nhất định có sức khái quát cao, đề cập tới nhiều lĩnh vực: Bản chất thiên nhiên vũ trụ, triết học, huyền thoại, lịch sử, tôn giáo, văn hoá... Thủ pháp chủ yếu của tranh thờ của người Dao là sử dụng hình thức nhân cách hoá các hình tượng để từ đó nhận ra tính chân thực của cuộc sống, đặc biệt thấy được diện mạo của các tầng lớp người: Sang, hèn, tốt, xấu... trong xã hội, những mối quan hệ chằng chịt, những triết lý nhân sinh mang tính giáo dục cao cho con người.
Hát Páo dung của người Dao ở huyện Lâm Bình. Ảnh: Internet
Một nét đặc sắc nữa trong lễ cấp sắc của người Dao ở Tuyên Quang là múa hát trong buổi lễ, nó có vai trò quan trọng trong sự thành công của buổi lễ. Buổi cấp sắc nào cũng có một dàn nhạc với các nhạc cụ như: trống chêm, kèn pí lè, não bạt, chuông lắc, chũm choẹ, trống một mặt, tù và…và các nhạc công cũng đồng thời giữ vị trí là ngưới múa (âm nhạc được sử dụng vào trong những phần chuyển nghi lễ), tên của các điệu múa được gọi theo tên các nghi lễ như: múa thỉnh mời trong nghi lễ thỉnh mời, múa khai đèn trong lễ khai đèn…Tiết tấu âm nhạc trong đó là 4/4, người múa thường cầm theo các đạo cụ (kiếm, gậy, nhạc cụ…), đội hình múa chủ yếu theo vòng tròn, một động tác phải múa theo bốn hướng (đông, tây, nam, bắc) mới kết thúc. Hát của người Dao gọi là “páo dung”, sự hấp dẫn của điệu hát này chính là hình thức hát, ví dụ: hát trong lễ "tiễn đưa Bàn Vương và các thánh thần về trời" được chia làm hai phe. Việc hình thành các phe hát tạo nên sự kích thích cho người nghe. Lúc đầu, các phe hát ca ngợi công đức của Bàn Vương, thánh thần..., sau đó là hỏi đáp về sự tích, nguồn gốc của người Dao, tiếp theo là hát giao duyên, đối đáp giữa các thanh niên nam nữ. Nội dung của các bài hát đa dạng đề cập đến mọi lĩnh vực: Lao động sản xuất, ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên, lối ứng xử hay tình yêu nam, nữ...Có thể thấy rằng, âm nhạc, múa hát trong lễ cấp sắc của người Dao Tuyên Quang mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện lối sống mộc mạc nhưng nhất quán đó là sự biết ơn, kính trọng tổ tiên, thánh thần, không làm điều ác, hòa hợp với thiên nhiên, đoàn kết, gắn bó, yêu thương con người…và những nét nghệ thuật đặc sắc này được truyền thụ qua các thế hệ, được bảo lưu và phát huy đến bây giờ.
Những bộ trang phục của người thụ lễ cũng như thầy cúng cùng với các thành phần tham gia buổi lễ cũng là một nét đặc sắc tiêu biểu trong lễ cấp sắc, cụ thể: Trang phục của người thụ lễ cũng được chuẩn bị khá công phu. Đó là loại trang phục kiểu nữ, gồm: một áo dài, một áo ngắn, một đai lưng. Trang phục được thêu nhiều hoa văn sặc sỡ, nhất là chiếc áo dài mặc ngoài. Bộ trang phục thường do chính tay bà mẹ hoặc những người phụ nữ đã hết tuổi sinh đẻ trong dòng tộc đảm nhiệm.Đi với trang phục là mũ của người được cấp sắc. Nếu ở bậc ba đèn thì có thể dùng một loại mũ, cũng có thể là khăn vấn nhiều vòng. Nhưng ở bậc bảy đèn thì nhất định phải có hai mũ. Mũ đầu bằng dùng lúc cúng Phật (mụa fèng). Mũ đầu nhọn dùng lúc tế thánh thần (mụa lập). Việc dùng mũ cho thấy rất rõ ảnh hưởng của hai tôn giáo: Phật giáo và Đạo giáo. Về trang phục thầy cúng gồm áo và mũ. Áo thầy cúng là loại áo dài của phụ nữ. Thân áo trước của thầy cúng được thêu nhiều hình ảnh các con vật như rồng, chim, cá, hổ, rùa bằng chỉ ngũ sắc, thân áo sau thêu các vị thần, áo có thắt lưng bằng các dây vải viền các loại chỉ. Mũ của thầy cúng được các nhóm người Dao gọi là lập phèng (mũ Phật) hoặc lập Mụa (mũ Thánh).
Trang phục thầy cúng người Dao tiền xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình. Ảnh: Internet
Lễ cấp sắc là một sinh hoạt văn hoá tâm linh chứa đựng trong đó nhiều giá trị nhân văn phù hợp với cuộc sống của người Dao. Chính những nét đặc sắc trong lễ cấp sắc là sự biểu hiện rõ nét một sinh hoạt hướng thiện mang tính giáo dục cao cho các nhóm Dao ở tỉnh Tuyên Quang nói riêng và ở Việt Nam nói chung. Điều đó đã góp phần vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của người Dao, phù hợp với phong trào xây dựng đời sống văn hóa hiện nay ở tỉnh Tuyên Quang, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng trong xây dựng và phát triển nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Với những giá trị đặc sắc, tháng 11/2013, Nghi lễ cấp sắc và hát Páo dung của người Dao Tuyên Quang đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Trong những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống, trong đó có việc duy trì Lễ cấp sắc của người Dao trên địa bàn toàn tỉnh như: thành lập các câu lạc bộ, đội văn nghệ của người Dao ở các cơ sở có người Dao sinh sống; tổ chức các chương trình (liên hoan văn nghệ quần chúng, hội diễn văn nghệ quần chúng…) nhằm đưa các tiết mục mang đậm bản sắc của từng dân tộc đến với đông đảo người dân và du khách; gắn với du lịch cộng đồng, quảng bá hình ảnh, nét đẹp của đồng bào dân tộc Dao; chú trọng việc sưu tầm bảo tồn các giá trị văn hóa dân gian, khôi phục làng nghề và trang phục của đồng bào Dao.
Lý Thị Hồng Nhung