Cách đây 65 năm, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa II) đã tập trung bàn về cuộc cải cách ruộng đất, được tiến hành từ cuối năm 1953 đến giữa năm 1956. Bên cạnh kết quả đạt được, cuộc cải cách ruộng đất cũng còn nhiều hạn chế, sai lầm.
Trong thời gian cuối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và những năm đầu miền Bắc được giải phóng, Đảng Lao động Việt Nam đã lãnh đạo tiến hành cuộc cải cách ruộng đất, đem lại ruộng đất cho nhân dân. Trong quá trình thực hiện cải cách ruộng đất, chúng ta đã phạm nhiều sai lầm. Đảng đã phát hiện sai lầm và tiến hành sửa sai, hạn chế hậu quả của những sai lầm đó.
Dưới đây là một số nhận định của Đảng về cuộc cải cách ruộng đất đã được tiến hành. Những nhận định này được nêu rõ trong văn kiện của Đảng tại một số Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cũng như trong một số bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tại phiên họp Quốc hội thông qua Luật Cải cách
ruộng đất, cuối năm 1953 (Ảnh tư liệu)
“Muốn đánh đổ giai cấp địa chủ, xoá bỏ chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất, thực hiện khẩu hiệu người cày có ruộng, phải lập Mặt trận chống phong kiến thật rộng rãi ở nông thôn và triệt để phân hoá giai cấp địa chủ, chĩa mũi nhọn đấu tranh chủ yếu vào bộ phận địa chủ phản động và ngoan cố nhất; phương pháp tiến hành phải là phát động quần chúng đấu tranh kết hợp với chính quyền ra lệnh và cuộc vận động ấy phải do các cấp uỷ đảng, kể cả chi uỷ, trực tiếp lãnh đạo thực hiện”[1].
"Khi phát động quần chúng thực hiện chính sách ruộng đất, do nhấn mạnh quá đáng sức phản kháng của giai cấp địa chủ, cho nên nói chung ta đã không làm đúng sách lược phân hóa giai cấp địa chủ đến cao độ, không chú ý phân biệt đối đãi với từng hạng địa chủ, không chiếu cố đúng mức địa chủ kháng chiến, thậm chí có nơi một số địa chủ kháng chiến đã bị quy nhầm là địa chủ cường hào gian ác”[2].
“Phát động quần chúng trong điều kiện ta đã có chính quyền nhân dân thì nhất định phải kết hợp chặt chẽ biện pháp phát động quần chúng đấu tranh với biện pháp chính quyền ra lệnh, nhưng ta đã coi nhẹ việc kết hợp đó; có nơi đã không sử dụng bộ máy của chính quyền nhân dân để phục vụ cho phát động quần chúng. Do nhận định không đúng về tổ chức cơ sở của ta ở xã, ta đã nhất loạt dùng cách bắt rễ, xâu chuỗi để xây dựng lực lượng đấu tranh mới, không giao việc lãnh đạo phát động quần chúng cho chi bộ xã, vì thế mà cán bộ phát động quần chúng dễ chủ quan và phạm lệch lạc, sai lầm”[3].
"Sai lầm là ở chỗ không thấy số đông bần, cố nông tiền tiến đã tham gia kháng chiến, đi đến không tin và không dựa vào những bần, cố nông đã tham gia “tổ chức cũ”, thậm chí còn đả kích vào một số bần, cố nông ấy”[4].
“Không nhận thức đầy đủ quan hệ giữa hai nhiệm vụ phản đế và phản phong kiến, đã không thấy một cách toàn diện và đúng mức những sự thay đổi về lực lượng so sánh giữa các giai cấp trong nông thôn nước ta từ sau Cách mạng Tháng Tám, đã nhấn mạnh quá đáng thế lực của giai cấp địa chủ và đánh giá quá thấp lực lượng cách mạng của ta ở nông thôn, không thấy rõ bản chất cách mạng của các tổ chức cơ sở của ta ở các địa phương; do đó, chúng ta đã không sử dụng được đầy đủ những điều kiện thuận lợi sẵn có trong quá trình lãnh đạo cải cách ruộng đất”[5].
“Những sai lầm đã đưa đến những tổn thất nghiêm trọng đó có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân quan trọng nhất là do nhận thức lý luận về quan hệ giữa hai nhiệm vụ phản đế và phản phong kiến trong cách mạng Việt Nam có chỗ không rõ; do chủ quan ta đã không xuất phát đầy đủ từ yêu cầu của nhiệm vụ phản đế và phản phong kiến và từ những sự thay đổi quan trọng ở nông thôn Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám để định ra một số chủ trương, chính sách cụ thể về cải cách ruộng đất và để chỉ đạo thực hiện cuộc phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất. Một nguyên nhân khác cũng rất quan trọng là trong một thời gian khá dài những nguyên tắc sinh hoạt của một Đảng theo chủ nghĩa Mác - Lênin đã bị vi phạm, chế độ dân chủ tập trung, phương pháp lãnh đạo tập thể không được luôn luôn tôn trọng, dẫn đến chủ nghĩa mệnh lệnh trong công tác”[6].
“Những sai lầm nói trên đã có từ lúc đầu, nhưng càng về sau thì càng thêm nặng”[7].
Cảnh một gia đình nông dân nhận ruộng trong cuộc cải cách ruộng đất (Ảnh tư liệu)
Ngày 29/10/1956, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cử thay mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản báo cáo của Hội nghị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam trước cuộc mít tinh của hàng vạn đồng bào tại Nhà hát lớn Hà Nội, chính thức công nhận những sai lầm nghiêm trọng trong cải cách ruộng đất. Bản báo cáo khá dài, giải thích đường lối nông thôn của Đảng và Chính phủ đã không được chấp hành đầy đủ, phân tích các sai lầm đã phạm phải, chủ yếu là trong các vấn đề quy định thành phần, đánh địch và chỉnh đốn tổ chức. Riêng về mặt lãnh đạo, bản báo cáo nhấn mạnh “Nghị quyết của Hội nghị Trung ương đã phê phán nghiêm khắc và nêu rõ đặc điểm của những sai lầm nghiêm trọng trong cải cách ruộng đất. Sau khi nhắc đến việc hoàn thành về căn bản nhiệm vụ cách mạng phản phong, nghị quyết nói: Tuy nhiên, trong cuộc vận động giảm tô và cải cách ruộng đất, về mặt lãnh đạo, chủ yếu là trong việc chỉ đạo thực hiện chúng ta đã phạm nhiều sai lầm. Đó là những sai lầm nghiêm trọng, phổ biến và kéo dài, những sai lầm về những vấn đề nguyên tắc, trái với chính sách của Đảng, trái với nguyên tắc và điều lệ của một đảng theo chủ nghĩa Mác-Lênin, trái với chế độ pháp luật của Nhà nước dân chủ nhân dân. Những sai lầm đó không những đã hạn chế những thắng lợi thu được mà lại gây ra những tổn thất cho cơ sở của Đảng ở nông thôn cũng như ở thành thị, ảnh hưởng nhiều đến tình cảm và đời sống bình thường của nhân dân ta, làm cho tình hình nông thôn căng thẳng, ảnh hưởng đến tinh thần đoàn kết và phấn khởi trong Đảng và trong nhân dân, đến công cuộc củng cố miền Bắc, đến sự nghiệp đấu tranh để thực hiện thống nhất nước nhà”[8].
Năm 1994, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII đã nghiên cứu và cho ý kiến về một số vấn đề lịch sử trong giai đoạn cách mạng 1945-1975, trong đó có vấn đề cải cách ruộng đất.
Ý kiến của Bộ Chính trị như sau:
“Căn cứ trên những kết quả đạt được và căn cứ vào hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng dân tộc dân chủ thì việc tiếp tục giải quyết vấn đề ruộng đất xóa bỏ những tàn dư của chế độ phong kiến là cần thiết.
Căn cứ tình hình thực tế nông thôn miền Bắc nước ta sau năm 1954, căn cứ vào số ruộng chia cho nông dân trong cải cách ruộng đất, căn cứ tác hại rất nghiêm trọng của sai lầm cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, thì chủ trương cải cách ruộng đất như đã làm là không cần thiết. Đó là vì, trước khi tiến hành cải cách ruộng đất, giai cấp địa chủ chế độ phong kiến đã căn bản bị xóa bỏ và mục tiêu người cày có ruộng đã căn bản thực hiện với tỉ lệ hơn 2/3 ruộng đất đã về tay nông dân, với quyền làm chủ của nông dân trong nông thôn đã được thực hiện từ Cách mạng Tháng Tám đến kháng chiến chống Pháp. Kinh nghiệm ở miền Nam sau khi hoàn toàn giải phóng cho thấy, mặc dầu vấn đề dùng đất có những phức tạp nhưng có thể thực hiện được mục tiêu người cày có ruộng bằng con đường thích hợp nhất”[9].
Rõ ràng là Đảng và nhà nước ta đã nhận rõ sai lầm trong quá trình tiến hành cải cách ruộng đất và tiến hành sửa sai, góp phần hạn chế phần nào hậu quả của những biện pháp sai lầm đó, tiến đến ổn định và phát triển kinh tế -xã hội miền Bắc, làm cơ sở cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.
Hoàn toàn không có chuyện Đảng ta không nhận ra sai lầm hay phủ nhận sai lầm, chỉ nhấn mạnh thành tích, như luận điệu của một số tổ chức và cá nhân vẫn thường rêu rao khi đề cập đến sự kiện này.
Bình Nguyễn
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 19, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 539
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 19, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 553
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 19, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 556.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 19, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 552
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 19, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 539-540.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 19, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 557-558.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 17, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 540.
[8]Bài được đăng trên Báo Nhân Dân ngày 31/10 /1956, dưới nhan đề “Bài nói chuyện của đồng chí Võ Nguyên Giáp”.
[9] Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập II (1954- 1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 71-72.