Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng diễn ra từ ngày 11 đến ngày 19/02/1951. Với mục tiêu “Tổ chức Đảng Lao động Việt Nam”, Đại hội đã quyết nghị nhiều vấn đề quan trọng về xây dựng hệ thống tổ chức của Đảng cũng như về bản chất giai cấp của Đảng
Tách Đảng Cộng sản Đông Dương thành những chính Đảng cách mạng tại 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia
Xuất phát từ khả năng thực tế của cách mạng mỗi nước, trình độ chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa của ba nước khác nhau. Vì vậy, tính chất và cương lĩnh của cách mạng Việt Nam khác với Lào và Campuchia. Việt Nam phải hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, củng cố và phát triển chế độ dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Lào, Campuchia đấu tranh giải phóng dân tộc, lập chính quyền phản đế, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân. Do vậy, mỗi nước cần có một chính Đảng cách mạng của giai cấp công nhân với Cương lĩnh cách mạng riêng.
Sau nhiều năm rút vào hoạt động bí mật, đã đến lúc Đảng phải ra công khai lãnh đạo kháng chiến. Nếu tiếp tục giữ tên Đảng Cộng sản Đông Dương sẽ ảnh hưởng tới khối đại đoàn kết yêu nước của Lào, Campuchia vì trong đó có những lực lượng yêu nước không cộng sản. Do đó, đế quốc và các lực lượng phản động sẽ lợi dụng tuyên truyền xuyên tạc, phá hoại khối đại đoàn kết, làm ảnh hưởng đến tình đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân ba nước. Nếu thành lập ba Đảng riêng, những người cộng sản Lào và Campuchia sẽ phát huy được tinh thần chủ động, sáng tạo của mình.
Đến năm 1951, cách mạng Lào và cách mạng Campuchia đã có những bước trưởng thành. Trong phong trào yêu nước, đấu tranh giải phóng dân tộc ở Lào và Campuchia đã có những lực lượng cộng sản làm nòng cốt, có khả năng tập hợp đông đảo quần chúng như Chính phủ kháng chiến Lào, Ủy ban giải phóng dân tộc Cao Miên.
Tuy tách riêng thành ba đảng, nhưng vẫn duy trì sự phối hợp hoạt động chặt chẽ với nhau, Đảng Lao động Việt Nam có trách nhiệm tăng cường giúp đỡ Đảng cách mạng Lào và Campuchia, nêu cao tinh thần quốc tế vô sản, coi giúp bạn là tự giúp mình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày báo cáo tại Đại hội II (Ảnh tư liệu)
Đưa Đảng ra hoạt động công khai với tên Đảng Lao động Việt Nam
Trên thế giới, nhiều nước theo hướng xã hội chủ nghĩa ở Trung và Đông Nam Âu đã lấy tên là Đảng công nhân, Đảng Lao động… Đặt tên Đảng chỉ là vấn đề sách lược, quan trọng nhất là giữ vững bản chất giai cấp công nhân và những nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng.
Trung ương Đảng cho rằng lấy lên Đảng Lao động Việt Nam sẽ tạo ra những thuận lợi sau:
Thứ nhất, đoàn kết được toàn dân kháng chiến, củng cố mặt trận dân tộc thống nhất trên nền tảng liên minh công nông dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân.
Thứ hai, dễ gây ảnh hưởng và phát triển Đảng vào các tầng lớp nhân dân lao động, vì vậy có điều kiện phát triển Đảng mạnh mẽ, rộng khắp hơn nữa.
Thứ ba, Đảng ra công khai, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành lãnh tụ của Đảng, với uy tín của mình trong nước và trên trường quốc tế, sẽ giành được sự ủng hộ của đồng bào trong nước và bè bạn quốc tế.
Thứ tư, năm 1945, Đảng Cộng sản Đông Dương đã tuyên bố tự giải tán, nên khi ra công khai lãnh đạo kháng chiến, Đảng lấy tên khác, sẽ thuận lợi hơn cho công tác tuyên truyền, cổ động.
Thứ năm, đổi tên Đảng, nhưng nội dung căn bản theo chủ nghĩa Mác Lênin, nguyên tắc tập trung dân chủ, phát triển theo quy luật phê bình và tự phê bình… sẽ không thay đổi, nên sẽ không đi chệch mục tiêu, lý tưởng của Đảng đã đề ra từ khi thành lập.
Thứ sáu, lấy tên khác nhưng chủ trương, chính sách và hoạt động của Đảng không thay đổi nên không sợ quần chúng hiểu lầm, mất tin tưởng, không sợ suy giảm uy tín của Đảng trong nhân dân.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ II của Đảng, tại Đại hội thống nhất Việt Minh và Liên Việt từ ngày 3 đến ngày 7/3/1951, Đảng Lao động Việt Nam ra công khai, tuyên bố mục đích của Đảng là đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc; nhiệm vụ của Đảng là kiên quyết lãnh đạo nhân dân kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công; xây dựng nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, phú cường.
Sửa đổi Điều lệ Đảng cho phù hợp với thực tiễn kháng chiến, kiến quốc
Điều lệ của Đảng Lao động Việt Nam có những sửa đổi so với Điều lệ Đảng năm 1935. Điều lệ Đảng lần này nêu ra những quy định chặt chẽ về kết nạp đảng viên, tăng thêm thời gian dự bị đối với một số loại đối tượng, chú trọng kết nạp công nhân và bần, cố nông, nhấn mạnh nhiệm vụ học tập và tinh thần phê bình, tự phê bình của đảng viên, chia chi bộ cho thích hợp với tình hình tổ chức cơ sở Đảng có nhiều đảng viên…
Điều thứ 14 Điều lệ Đảng quy định hệ thống tổ chức của Đảng có các cấp Trung ương, Xứ, Khu hoặc Liên khu, Tỉnh thành phố, huyện thị xã, xã (xí nghiệp, nhà máy, công sở, khu phố…). Ngoài ra, ở những khu vực quan trọng về kinh tế, chính trị, có thể tổ chức các khu bộ đặc biệt.
Điều 53 Điều lệ Đảng quy định, ở các địa phương xa Trung ương, Ban Chấp hành Trung ương có thể tổ chức các cục Trung ương để chỉ đạo công tác ở đó. Đây là cơ sở để tháng 6/1951, Trung ương Cục miền Nam được thành lập, lãnh đạo phong trào cách mạng tại Nam Bộ.
Điều lệ Đảng Lao động Việt Nam cũng quy định hệ thống tổ chức của Đảng trong vùng địch tạm chiếm, hệ thống tổ chức Đảng trong quân đội, tùy theo tình hình cụ thể mà xây dựng.
Tung ương Đảng cũng chủ trương thành lập hệ thống Uỷ ban kiểm tra các cấp, giúp các cấp uỷ Đảng theo dõi, kiểm tra hoạt động của các tổ chức đảng và đảng viên.
Trong các cơ quan chính quyền, đoàn thể nhân dân, Đảng lập ra các Đảng đoàn, với nhiệm vụ lãnh đạo thực hiện đường lối, chính sách và các nghị quyết của Đảng, đối với tổ chức đó.
Trong quá trình xây dựng hệ thống tổ chức của Đảng, nguyên tắc dân chủ tập trung là nguyên tắc bất di bất dịch, được Đảng Lao động Việt Nam tiếp tục khẳng định.
Đảng Lao động Việt Nam ra công khai tại Đại hội thống nhất Việt Minh-Liên Viêt, ngày 3/3/1951. Ảnh: Các đại biểu chụp ảnh tại Đại hội (Ảnh tư liệu)Xác định rõ bản chất giai cấp của Đảng
Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi thành lập luôn chú ý đến vấn đề tăng cường và giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng, coi đó là một trong những vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với việc bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, do lúc đầu thiếu cán bộ, thiếu đảng viên, nên Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương phát triển Đảng thành một “Đảng quần chúng”, “Đảng hàng triệu người”. Chủ trương đó dẫn đến việc kết nạp Đảng ồ ạt, số lượng đảng viên tăng vọt từ 20.000 đảng viên cuối năm 1946 lên 766.349 đảng viên tháng 2 /1951[i]. Có những chi bộ ở vùng tự do Liên khu V có tới hàng nghìn đảng viên, vào Đảng theo kiểu “đánh trống ghi tên”. Lẽ dĩ nhiên là trình độ mọi mặt, trong đó đáng chú ý nhất là trình độ giác ngộ giai cấp, lý tưởng của đảng viên rất thấp. Do đó, từ cuối năm 1950, Đảng chủ trương tạm ngừng kết nạp Đảng, đi vào củng cố tổ chức, nâng cao trình độ giác ngộ lý luận cho đảng viên.
Tại Đại hội II, Trung ương Đảng ta khẳng định, mặc dù lấy tên mới, nhưng Đảng Lao động Việt Nam vẫn mang bản chất giai cấp công nhân, Đảng vẫn rèn luyện, phấn đấu theo lập trường quan điểm của giai cấp công nhân, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động, thực hiện lý tưởng xã hội chủ nghĩa, trước mắt là đưa sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc đến thắng lợi.
Về đường lối, các văn kiện Đại hội II của Đảng đều khẳng định nhiệm vụ đưa kháng chiến tới thắng lợi và xây dựng chủ nghĩa xã hội tức là luôn gắn độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, coi đó là ngọn cờ dẫn đường cho cách mạng Việt Nam tiến lên.
Điều lệ Đảng Lao động Việt Nam khẳng định: “ĐẢNG LAO ĐỘNG VIỆT NAM là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam. Mục đích của Đảng là phát triển chế độ dân chủ nhân dân, tiến lên chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam”[ii].
Trong Báo cáo chính trị trình Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định: “Đảng Lao động Việt Nam
Về thành phần, Đảng Lao động Việt Nam sẽ kết nạp những công nhân, nông dân, lao động trí óc, thật hăng hái, thật giác ngộ cách mạng.
Về lý luận, Đảng Lao động Việt Nam theo chủ nghĩa Mác- Lênin.
Về tổ chức, Đảng Lao động Việt Nam theo chế độ dân chủ tập trung.
Về kỷ luật, Đảng Lao động Việt Nam phải có kỷ luật sắt, đồng thời là kỷ luật tự giác.
Về luật phát triển, Đảng Lao động Việt Nam dùng lối phê bình và tự phê bình để giáo dục đảng viên, giáo dục quần chúng.
Về mục đích trước mắt, Đảng Lao động Việt Nam đoàn kết và lãnh đạo toàn dân kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn, tranh lại thống nhất và độc lập hoàn toàn; lãnh đạo toàn dân thực hiện dân chủ mới, xây dựng điều kiện để tiến đến chủ nghĩa xã hội.
Trong giai đoạn này, quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của dân tộc là một. Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”[iii].
Những nội dung về xây dựng Đảng được Đại hội II nêu ra và tổ chức thực hiện đã góp phần xây dựng, củng cố Đảng vững mạnh, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành thắng lợi 3 năm sau đó.
[i] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh-Viện Lịch sử Đảng: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập I (1930-1954), quyển 2 (1945-1954), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2018, tr. 96, 319.
[ii] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t.12, tr. 444.
[iii] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.12, tr. 37-38