Múa truyền thống như một lối sinh hoạt văn hóa đã hòa quyện sâu vào đời sống tinh thần của người dân Khmer Nam Bộ. Mỗi điệu múa là kết tinh của những giá trị thẩm mỹ, khả năng sáng tạo, vốn tri thức của cá nhân và cộng đồng qua nhiều thế hệ, tạo nên bản sắc và sức hấp dẫn riêng có.
Múa Apsara truyền thống của người Khmer là một trong những vũ điệu cung đình độc đáo, ấn tượng. Ảnh: baodantoc
Người Khmer có câu rằng: “Trẻ con Khmer biết múa, biết hát trước khi biết đọc, biết viết”, để thấy rằng, múa giống như bản năng của người Khmer, có vai trò quan trọng trong quá trình sinh trưởng của mỗi cá nhân. Chính vì vậy, trong mọi hoạt động của cuộc sống, từ học tập, lao động, giải trí cho đến những nghi thức tín ngưỡng, múa truyền thống đều hiện diện một cách sinh động, gần gũi nhưng cũng chứa đựng màu sắc tâm linh huyền bí.
Nghệ thuật múa Khmer phản ánh nhiều dấu ấn của lịch sử giao lưu và tự chủ văn hóa. Nền văn hóa Khmer mặc dù chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Ðộ, nhưng mang đậm yếu tố bản địa và sáng tạo, làm nên sự độc đáo, cộng hưởng và củng cố nền văn hóa dân tộc. Trong các loại hình nghệ thuật biểu diễn, múa Khmer ra đời từ rất sớm, gắn liền với kích hát Rơbăm, trong đó ngôn ngữ chủ đạo để biểu đạt nội dung và tư tưởng chính là múa. Về sau, nghệ thuật múa phát triển hình thức mô phỏng biểu tượng, diễn tả sự vật, rồi được quy ước thành những ý nghĩa khác nhau, xây dựng nên những cốt truyện, truyền thuyết phản ánh lịch sử, phong tục, khát vọng của nhân dân.
Các hình thái chính của múa Khmer là múa cung đình và múa dân gian. Hình thái múa cung đình là bộ môn nghệ thuật có tính hệ thống, các vũ công thường được đào tạo bài bản, yêu cầu về tính chuẩn mực cao, đòi hỏi mức độ khổ luyện và tinh thần tập trung cho nghệ thuật. Múa cung đình thường mang tính mực thước, trang trọng và cổ kính, với đặc trưng của những điệu múa là cử chỉ, động tác rất mềm mại, khoan thai. Các động tác tay, chân đều nhịp nhàng theo tiết tấu chậm rãi, tạo điệu bộ uyển chuyển như toát lên ngôn từ của nghệ thuật. Có lẽ vì đặc tính mềm mại, nhẹ nhàng, múa cung đình phần lớn danh cho nữ, nữ đảm nhiệm hầu hết các vai trò trong điệu múa. Trang phục múa cung đình uy nghi và sang trọng, thể hiện qua màu sắc lấp lánh, qua tầm vóc của mão đội. Đặc trưng dễ nhận thấy của múa cung đình là đội hình được sắp đặt cầu kỳ, khi di chuyển thì nhịp nhàng, thanh thoát và linh hoạt. Nổi bật với những điệu múa như: Apsara, tiên giáng trần, dâng hoa…, múa cung đình xuất phát từ những hoạt động nghi lễ hoặc giải trí cho vua chúa, phát triển đến tầm cao nghệ thuật và dần được phổ biến rộng rãi trong dân gian, trực tiếp được dân gian tiếp thu và đưa vào biểu diễn trong cộng đồng nhân các dịp lễ hội, cầu an. Ngày nay, sân khấu cởi mở cho nhiều loại hình nghệ thuật, múa cung đình càng có thêm nhiều không gian phát triển.
Tạo hình nữ thần trong điệu múa Apsara. Ảnh: dantri
Khác với những ấn tượng về múa cung đình, sự thoải mái, lạc quan, hóm hỉnh chính là màu sắc chủ đạo của múa dân gian Khmer. Các điệu múa Răm vông, Sarikakeo, Saravan… đặc trưng cho múa dân gian, được yêu thích và phổ biến trong sinh hoạt cộng đồng, xuất hiện nhiều trong các lễ hội, trong sinh hoạt vui chơi của nhân dân, đặc biệt là tầng lớp thanh niên. Người ta nói rằng “Nếu không có múa thì không thành lễ hội”. Ở đâu có lễ hội, ở đâu có âm nhạc thì ở đó có múa dân gian. Múa dân gian được phổ biến rộng khắp cũng bởi nó không đòi hỏi sự cầu kỳ, chuyên nghiệp, những động tác đa phần khá đơn giản, nhiều điệu múa đôi hoặc dành cho cả nam và nữ. Múa dân gian thì làng nào cũng có, khi âm nhạc nổi lên, già trẻ trai gái đều thoải mái múa hát hồn nhiên, tự do thả tâm hồn vào từng động tác không gò bó. Các điệu múa mang đậm tính hòa hợp trong cộng đồng, như trong Răm vông (múa vòng tròn), từng đôi trai gái vừa múa vừa đi vòng tròn, vừa quay lại nhìn nhau thật tình tứ, thể hiện sự quấn quýt. Các động tác của nữ khi múa lượn hai cánh tay đưa ra trước ngực, còn nam thì lượn cánh tay rộng ra như để che chở cho người bạn múa của mình; kết hợp với chân, chân nào phía trước thì tay đó ở dưới thấp và ngược lại. Hay như trong điệu Saravan, động tác múa chủ đạo là nhấn cổ tay theo từng phách nhạc. Đặc điểm thường múa theo vòng, múa hàng, múa đôi hay múa đối mặt nhau theo đội hình hàng ngang đuổi nhau theo lối lên xuống hay trái phải. Vị trí hai tay có lúc dang rộng ngang vai, lúc thả buông xuôi theo thân người, có lúc hai tay chéo nhau trước bụng và hai cổ tay nhấn đều như chim én vỗ cánh. Những điệu múa dân gian này đều có xu hướng lan tỏa tinh thần tích cực, hứng khởi, vui tươi, khích lệ sự tham gia của tất cả mọi người. Những tinh hoa tiếp thu được từ nghệ thuật cung đình cũng được dân gian hóa trong những điệu múa này để thích ứng với nhiều hoạt động cộng đồng, gắn với hơi thở của cuộc sống bình dân.
Ngoài múa cung đình và múa dân gian, loại hình múa tín ngưỡng thờ cúng cũng là một bộ phận trong nghệ thuật múa truyền thống Khmer. Loại hình này không còn được phổ biến rộng rãi, ít được biểu diễn, nhiều nơi đã không còn được lưu truyền. Vốn dành cho những lễ cúng thần, lễ chùa, nhiều yếu tố trong múa tín ngưỡng đã hòa nhập vào múa cung đình và múa dân gian, tham gia vào các nghi thức trong nhiều lễ hội.
Tạo hình trang phục và âm nhạc là những thành phần không thể thiếu trong các điệu múa. Trang phục các vũ công nữ khá cầu kỳ với nhiều gam màu sặc sỡ và tinh thế với nét độc đáo riêng, hoa văn trang trí tinh xảo và được điểm bằng những hạt cườm, kim sa lấp lánh, đầu thường đội mão cao, trập trùng như những ngọn tháp theo từng động tác múa, còn các chàng trai thường mặc trang phục tạo nên sự mạnh mẽ, tài hoa và nam tính khi biểu diễn bên dàn nhạc ngũ âm.
Nghệ thuật múa có sức ảnh hưởng lớn tời đời sống tinh thần của người Khmer Nam Bộ. Những dấu ấn của múa truyền thống in đậm trong nhiều công trình kiến trúc, tác phẩm hội họa và trong đời sống tâm linh. Rất nhiều hình tượng con người nhảy múa hoặc những biểu tượng liên quan được lưu giữ ở những ngôi chùa Khmer, trở thành di sản vật thể quý khẳng định giá trị lâu bền của nghệ thuật múa. Bên cạnh đó, những hoạt động múa biểu diễn vẫn thường xuyên được diễn ra ở chùa cũng trở thành di sản phi vật thể tô đậm giá trị văn hóa của cộng đồng hôm nay.
Phù điêu thiếu nữ múa. Ảnh: vovworld
Nghệ thuật múa Khmer đã không ngừng được lưu truyền và phát triển. Hiện nay, hình thức múa sân khấu cũng được mở rộng, chú trọng hơn vào các đề tài ca ngợi cuộc sống hiện tại, sáng tạo thêm nhiều thể loại kịch múa với cốt truyện hấp dẫn, hình thành những đoàn biểu diễn chuyên nghiệp trong toàn quốc.
Không phải chỉ là những gì còn sót lại của lịch sử, múa Khmer trong đời sống hiện đại vẫn có chỗ đứng vững chắc trong nhận thức và hoạt động của con người Khmer, tự nhiên như dòng chảy tâm linh từ quá khứ đến tương lai. Kho tàng nghệ thuật bất tận ấy hiện diện ở khắp phum, sóc, làng, xã như món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa cộng đồng. Nghệ thuật ấy đã thực sự góp phần làm đa dạng hơn nét đẹp văn hóa tinh thần độc đáo trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Hoàng Duyên