Sống như thế, làm việc như thế, những cô gái thanh niên xung phong hằng ngày vẫn mang hết sức mình san lấp hố bom, bảo đảm mạch máu giao thông. Và rồi họ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ chiều ngày 24/7/1968, trở thành những đoa hoa bất tử trên mảnh đất Đồng Lộc đầy nắng gió khắc nghiệt và những rình rập hiểm nguy của một thời bom đạn
Sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ Jhonson “Ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra” từ 0 giờ ngày 01/4/1968. Thường vụ Tỉnh ủy nhận định chúng sẽ tập trung đánh Quốc lộ 15A, trọng tâm đoạn qua Hà Tĩnh. Hàng chục cuộc điều quân từ pháo cao xạ, công binh, Tổ máy ủi, Đội xe, Đội cầu, 3 Đội công trình của Ty Giao thông Hà Tĩnh đến 7 Đại đội Thanh niên xung phong thuộc Đội 55. Tuổi trẻ cả tỉnh rầm rập đổ về trấn giữ Ngã ba Đồng Lộc, cống 19, ngầm Cơn Bạng, ngầm Tùng Cốc, Khe Út, Khe Giao trải dài 16Km. Riêng Đại đội 552-N55-P18 của Tần được điều từ đường 28 (Phú Lộc) về bảo đảm giao thông đoạn nam cầu Tối - Ngã ba Đồng Lộc - Truông Kén. Đoạn tuyến chỉ dài 2 cây số, nhưng có 800m từ cầu Tối đến ngã ba Trường Thành đường băng qua giữa cánh đồng trồng lúa và hoa màu, đất sét pha cát, mùa nắng bụi mù mịt, mưa sình lầy, nhão nhoét.
Phản lực Mỹ đã dồn phần lớn trong tổng số 50.000 tấn bom đạn trút xuống đoạn 800m này trong suốt 214 ngày đêm (từ 1/4 đến 31/10/1968). Chúng đánh liên tục cả ngày lẫn đêm, bình quân 28 ngày trong tháng. Ngày ít nhất chúng cũng đánh 20 lần với hàng trăm quả bom các loại, ngày nhiều nhất là ngày 15/7/1968 chúng đánh 103 lần, trút 800 quả bom xuống Đồng Lộc. Ban ngày chúng ném bom phá, bom sát thương, bom bi quả dứa, quả ổi, bom nổ chậm, hẹn giờ, bom từ trường. Ban đêm chúng cho máy bay do thám thả dèn dù đón xe ta vào ra, rồi chúng phóng đạn rốc két (hỏa tiễn), bom bi, bom sát thương hủy diệt. Mỗi mét vuông đất chịu hàng ngàn lần đào lên lấp xuống nên trở thành đất chết, phá hủy tính chất cơ lý của đất. Hai Tiểu đoàn công binh quân khu 4, quân khu 3; 7 tiểu đội công binh Thanh niên xung phong Đội N55 cùng với 2 Trung đội công binh của Ty giao thông vận tải Hà Tĩnh cũng chỉ rà phá nổi trong phạm vi 20m từ tim đường ra mỗi bên.
Tiểu đội 4 của Võ Thị Tần ra mặt đường phía bắc Đồng Lộc và đường 28 đã quen bom đạn kẻ thù, đã đổ biết bao mồ hôi và máu xuống mảnh đất này, bao bộ quân phục màu xanh cỏ úa bị mồ hôi tẩy thành màu trắng, Nhà thơ Phạm Tiến Duật mới có câu thơ “Áo em hình như trắng nhất” là vì thế. Đây là lần đầu, Tiểu đội 4 của Tần được điều về cắm chốt trọng điểm số 1 này từ ngày 12/7/1968. Vừa ổn định chỗ ở trong nhà dân một ngày thì máy bay ném bom ngay vào địa điểm đóng quân của Tiểu đội làm cháy hết tư trang, chỉ còn lại mỗi người một bộ mặc trên người. Phải chờ hai ngày mới được cấp lại quân trang và di chuyển chỗ ở vào nhà mẹ Hải và bác Ý ở xóm Mai Long - xã Xuân Lộc sau eo núi Bãi Dịa. Đã qua bao nhiêu ngày đêm Tiểu đội ra Đồng Lộc vẫn an toàn trở về.
Di ảnh của 10 nữ TNXP tại Bảo tàng Ngã ba Đồng Lộc
Chiều ngày 24/7/1968, đường qua Đồng Lộc tắc xe, 40 xe bồn loại 4,8m3 chở xăng vào chiến trường đang nằm chờ đường ở bãi dấu xe. Lệnh đ/c Trần Quang Đạt - Phó Chủ tịch tỉnh - Trưởng ban giải tỏa Đồng Lộc yêu cầu các đơn vị làm thêm ban ngày để kịp thông xe. Tiểu đội Tần được đơn vị điều động đi làm ngày, vừa san lấp hố bom vừa đào hầm chữ T để đợi Lê Thị Hồng chở gỗ rong đanh về làm hầm Triều Tiên.
Tại thời điểm này, Tiểu đội 4 có 16 người (5 người nhiệm kỳ I và 11 người nhiệm kỳ II vừa nhập ngũ 1967), nhưng hôm đó có 3 người được cử đi lấy dụng cụ ở Nga Lộc là Lê Thị Lan, Trần Thị Nhị và Nguyễn Thị Hường đen. Xuân (Đức Hồng) được điều làm cấp dưỡng đơn vị, Bùi Thị Tịnh bổ sung cho tổ công binh và Lê Thị Hồng đang đi chặt gỗ ở đường 21 về làm hầm. Còn lại 10 người ra mặt đường hôm ấy. Đúng 14 giờ, cả Tiểu đội có mặt tại đường 15A cạnh chân núi Trọ Voi. Tần và 9 chị em vừa đào xong hai hầm chữ T giao nhau, cách mép đường phía Tây khoảng 15m. Cúc nhận đào chiếc hầm tròn cá nhân để dành riêng cho “thủ trưởng” Tần. Hai đợt máy bay Mỹ quần đảo dội bom xuống hiện trường rồi bỏ đi, cả Tiểu đội an toàn, Tần cho san lấp hố bom xong đang giải lao. Đợt thứ ba có một tốp ba chiếc máy bay lao đến, Tần cho chị em ẩn nấp, lần này chúng không dội bom mà quần đảo mấy vòng rồi quay đầu ra biển Đông bỏ đi.
Bỗng nhiên, một trong ba chiếc bất thần quay lại. Tần hô chị em xuống hầm cấp tốc, Tần vào sau cùng. Tất cả nháo nhào lao vào hai chiếc hào dài vừa đào xong chưa có nắp đậy. Và một quả bom tấn từ máy bay lao xuống nổ trùm lên cả Tiểu đội, lúc ấy là 16 giờ ngày 24/7/1968.
Từ đài quan sát C trưởng Nguyễn Thế Linh chạy xuống Tiểu đội 5, Tiểu đội A8 của Trần Triện và các anh lái máy ủi gần đó đều chạy lại. Khi khói bom tản dần ra chẳng thấy người nào A4 xuất hiện, vài cái cuốc xẻng và mũ nón, dày dép bay lên miệng hố bom. Nguyễn Thế Linh ra lệnh cho đào tìm. Sau hai tiếng đồng hồ vừa đào vừa khóc, lúc mặt trời khuất trên eo núi Trọ Voi, hoàng hôn bắt đầu buông xuống thì Trần Triện đào phải cán chiếc cáng và túi thuốc cấp cứu. Gỡ lên, đất vội tụt xuống để lộ mái tóc đen hiện ra. Bới nhẹ đất bồng lên được Võ Thị Tần, thân thể đang mềm, cơ thể còn ấm nhưng trái tim đã ngừng đập, mặt tím tái. Không ai bảo ai, tất cả đều ngã mũ nón: Thế là hết ! Hàng trăm khối đất đá tung lên, lấp xuống, Tần nấp ngoài cùng, đã không còn thì các người nằm trong làm sao sống nổi. Lần lượt bới lên 6 người ẩn nấp hầm ngoài là Nguyễn Thị Xuân (Vĩnh Lộc), rồi đến Nguyễn Thị Nhỏ, Võ Thị Hà, Trần Thị Rạng và cuối cùng là Trần Thị Hường. Tất cả đã hi sinh, cơ thể còn nguyên vẹn, ấm nóng nhưng tim đã ngừng đập. Đào tiếp hầm thứ hai vuông góc với hầm lúc nãy lại tìm thấy Dương Thị Xuân, Võ Thị Hợi và Hà Thị Xanh cũng đã tắt thở.
Cả 9 người được đặt lên 9 cáng xếp một hàng ngang như khi còn sống Tiểu đội tập hợp. Riêng Hồ Thị Cúc - Tiểu đội phó không tìm thấy. Người cho rằng, hy vọng Cúc còn chạy thoát lên núi đâu đó, nhưng Đại đội chỉ huy tiếp tục đào tìm Cúc, Đêm 24/7, theo lệnh đồng chí Trần Quang Đạt, mười cái hòm cấp táng được chở về, đơn vị cho khâm liệm và mai táng cả 9 cô sau eo núi Bãi Dịa. Khu mộ chia làm hai hàng. Hàng trước là mộ Võ Thị Tần bên trái và huyệt Hồ Thị Cúc bên phải còn bỏ trống. Hàng sau là mộ tám người còn lại. Vậy là 9 cô đã mai táng nhưng đợi tìm được thi thể Hồ Thị Cúc mới làm lễ truy điệu. Ngày 25/7/1968, trong khi đang bới tìm Hồ Thị Cúc thì một A4 mới được thành lập gồm: Sáu người A4 cũ và một số đồng chí mới điều sang cho đủ 10 người do Nguyễn Thị Hợi làm A trưởng, Lê Thị Hồng làm A phó để kịp dâng hương trong đêm truy điệu.
Những ngày này, không chỉ Đại đội 552 mà cả Đội N55, Ty giao thông, Tỉnh Đoàn và lãnh đạo Tỉnh chìm trong cảnh nhà có đại tang, đau xót.
Liệt sỹ Hồ Thị Cúc
Hết buổi sáng ngày 25/7, Ty giao thông vận tải điều máy ủi ĐT 54 ra đào tìm Hồ Thị Cúc. Chi bộ C552 do đồng chí Nguyễn Hải Đường người xã Xuân Song (Nghi Xuân) làm bí thư họp đột xuất, ra nghị quyết cho đơn vị tiếp tục đào bằng tay để tìm đảng viên Hồ Thị Cúc và không cho phép đào bằng máy sợ xâm hại thi thể người đồng chí thân yêu của mình. Máy ủi do đồng chí Uông Xuân Lý vận hành ra hiện trường rồi phải đánh quay về.
Chiều 25/7, tức ngày thứ hai đào tìm Hồ Thị Cúc, tôi vào nhà C trưởng Nguyễn Thế Linh, nhìn thấy cái hòm cấp táng còn lại đã được chuyển ra đầu hồi vườn tro nhà ông Biểu (Bố Nguyễn Thế Linh). Tôi bồi hồi thương tiếc nghĩ về số phận hẩm hiu Hồ Thị Cúc. Sống đã khổ, chết rồi vẫn khổ, tôi nấc lên rồi ra ngồi bên hòm Cúc viết bài thơ tạm lấy tên là “Hồn trinh nữ ở đâu”. Viết sau hai tiếng thì xong, chần chừ đề bài xa lạ nên tôi sửa thành “Cúc ơi!” rồi dấu vào túi áo không dám nói với ai sợ bị trách là người vô tình. Sáng hôm sau, sáng 26/7/1968, tôi và đồng chí Bí thư ra ngay hố bom nơi đang tìm Cúc. Cả hai đứng nghiêm trang thắp hương trên chiếc bàn nhỏ có bát cơm úp và lọ hương là một đoạn thân cây chuối đang cháy dở. Tôi cầm giấy đọc rất nhỏ đủ mình nghe cả bài thơ “Cúc ơi” rồi đốt đi, anh Hải Đường, Bí thư đứng bên cạnh tôi chắc cũng nghe được. Xong đó, cả hai chúng tôi quay về đơn vị lúc đó khoảng 8 giờ hơn. Đến gần 10 giờ thì được tin Tiểu đội 8 Trần Triện đã tìm được thi thể Hồ Thị Cúc. Cúc ngồi trong chiếc hầm tròn chiều hôm trước do tay Cúc đào, đầu đội nón bẹp dí, vai còn vác cái cuốc. Hai tay Cúc bầm dập, máu đọng lại đã khô. Có lẽ, sau khi bom vùi lấp Cúc còn sống đã cố gắng bươi quào đất để nhoi lên nhưng trước khối đất đá đồ sộ Cúc đành bất lực hy sinh.
Đêm đó, đêm 26/7/1968, sau khi làm lễ hạ huyệt cho Hồ Thị Cúc là lễ truy điệu Tiểu đội 4 được diễn ra tại sân kho Hợp tác xã. A4 mới xếp hàng dọc do Nguyễn Thị Hợi dẫn đầu, Lê Thị Hồng đi sau cùng (đúng vị trí Cúc đứng mỗi lần Tiểu đội tập hợp hàng dọc) lên dâng hương. Cả đơn vị, cán bộ Đội N55, có cả lãnh đạo, cán bộ Ty giao thông, cán bộ Tỉnh Đoàn và bạn bè đồng hương các O đều có mặt để vĩnh biệt 10 người đồng đội vô cùng thân thiết mới ngày nào chiến đấu bên nhau. Rất tiếc rằng, giờ phút long trọng trang nghiêm này tôi phải đi chỉ đạo bảo đảm giao thông ở Đại đội 551 ở Khe Giao về không kịp nên không đọc được bài thơ “Cúc ơi” trước hương hồn đồng đội.
Tôi gửi bài thơ “Cúc ơi” cho tiết mục “Tiếng thơ” của Đài tiếng nói Việt Nam. Vào một đêm cuối tháng 9/1968, trên Đài tiếng nói Việt Nam vang lên bài thơ “Cúc ơi” qua giọng đọc của nghệ sỹ Văn Thành. Tôi tình cờ mở đài Ôriôngtông nghe được.
Đã năm mươi năm có lẻ, Đồng Lộc đã bạt ngàn thông xanh trên đỉnh núi Trọ Voi, Mũi Mác, hoa sim vẫn nở tím thung lũng Trà Sơn.
Hòa bình, kẻ về người ở
Con gái đã lên bà
Con trai đã làm ông
Tần ơi! trẻ mãi
Trẻ mãi thời chúng mình sôi nổi
Xe đá Cào Cào lát ngầm cầu Tối
Xe em đi… trăng đợi lưng đèo
Xe em về trăng lẻn về theo
Năm mươi mùa sim nở
Anh xòa hai bàn tay, vắt nắm đất rỉ máu
Mười ngón tay rụng xuống
Mười gương mặt hiện lên
Đồng Lộc chiều nay anh thắp cho em
Nén hương đồng đội
Khói bung lên trời cong như dấu hỏi
Thắp cho em hay tự thắp cho mình.[1]
[1] Trích đoạn thơ trong bài “Nén hương đồng đội” của Yến Thanh.