Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập, rèn luyện Quân đội nhân dân Việt Nam. Hơn ai hết, Người thấu hiểu những gian nan, vất vả, hy sinh của bộ đội và dành cho bộ đội những tình cảm đặc biệt. Những câu thơ của nhà thơ Minh Huệ, sáng tác năm 1951 “Người cha mái tóc bạc/ Đốt lửa cho anh nằm/ Rồi Bác đi dém chăn/ Từng người từng người một/ Sợ cháu mình giật thột/ Bác nhón chân nhẹ nhàng” phản ánh phần nào tấm lòng yêu thương bao la nhưng cũng rất bình dị của vị cha già kính yêu đối với lực lượng vũ trang.
Với phong cách giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nên Người không đề tên một bài nói, bài viết nào của mình bàn về chủ nghĩa nhân văn nói chung, hay tư tưởng nhân văn quân sự nói riêng. Nhưng chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh đã toát ra từ toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng, tư tưởng và sự nghiệp mà Người đã tạo dựng. Thực tiễn cho thấy, mọi nhận thức và hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo lĩnh vực quân sự của Hồ Chí Minh đều toát lên những giá trị nhân văn cao cả. Tình yêu thương con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chung chung, không trừu tượng, mà luôn cụ thể, sinh động, thiết thực, thể hiện trong thực tiễn. Trong lĩnh vực quân sự, đó là tư tưởng “cán bộ phải thương yêu chiến sĩ”.
Là người lãnh đạo sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nêu gương và nhắc nhở cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp về tinh thần yêu thương cấp dưới, yêu thương chiến sĩ. Trong những lần đến thăm, đến làm việc, kiểm tra hay trong thư gửi các đơn vị, Người thường xuyên căn dặn, nhắc nhở: “Cán bộ, chiến sĩ phải đoàn kết thương yêu đùm bọc nhau, coi như anh em ruột thịt một nhà.”[1]; “cán bộ phải thương yêu đội viên, Đối với anh em ốm yếu, thương tật, cán bộ phải trông nom, thăm hỏi. Người đội trưởng, người chính trị viên phải là người anh, người chị, người bạn của đội viên”[2]; “phải thật lòng thương yêu binh sĩ. Phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của binh sĩ, phải coi binh sĩ như anh em ruột thịt của mình”[3].
Bác nhắc nhở cán bộ lãnh đạo cần đối xử với chiến sĩ như anh em ruột thịt một nhà, trong công việc, phải “vừa có lý, vừa có tình”.
Năm 1951, Bác đến thăm và nói chuyện tại Trường Chính trị trung cấp quân đội, Người yêu cầu: “Từ tiểu đội trưởng trở lên, từ tổng tư lệnh trở xuống, phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên, phải xem đội viên ăn uống như thế nào, phải hiểu nguyện vọng và thắc mắc của đội viên. Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt”[4]; “Cán bộ phải thương yêu chiến sĩ. Các chú dù là đại đoàn trưởng, trung đoàn trưởng, hay tiểu đoàn trưởng, cũng chỉ là những người đặt kế hoạch và điều khiển đánh trận. Lúc ra trận, việc đặt mìn, phá lô cốt đều do tay anh em đội viên làm. Nếu anh em tư tưởng vững, chính trị vững, kỹ thuật khá, thân thể khoẻ mạnh thì nhất định thắng. Trái lại, nếu anh em chính trị khá, nhưng quân sự kém, hoặc chính trị quân sự đều khá nhưng thân thể yếu đuối thì cũng không thắng được. Vì vậy, cán bộ phải thương yêu săn sóc đội viên. Cán bộ phải chăm lo đội viên đủ ăn đủ mặc. Cán bộ có coi đội viên như chân như tay, đội viên mới coi cán bộ như đầu như óc”[5].
Bác Hồ ăn cơm cùng bộ đội Hải quân tàu 154 trong chuyến thăm
Vịnh Hạ Long năm 1959. (Ảnh tư liệu)
Tình thương yêu của Bác dành cho cán bộ, chiến sĩ quân đội như tình cảm của người cha dành cho những đứa con ruột thịt của mình. Sinh thời, Bác nhiều lần ra tận trận địa hỏi thăm bộ đội đang làm nhiệm vụ huấn luyện, trực chiến. Trong hoàn cảnh nước nhà kháng chiến còn nhiều khó khăn, Bác luôn động viên nhân dân hăng hái lao động sản xuất để có nhiều lương thực, thực phẩm phục vụ bộ đội, để bộ đội có điều kiện ăn no, đánh thắng. Mong muốn bộ đội có cuộc sống no đủ, Bác huấn thị cho những người làm công tác hậu cần quân đội: “Phải làm thế nào một bát gạo, một đồng tiền, một viên đạn, một viên thuốc, một tấc vải, phải đi thẳng đến chiến sĩ”[6].
Lời nói luôn gắn với hành động. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng, tiêu biểu về tình thương yêu đối với cán bộ, chiến sĩ. Bằng những hành động và việc làm hằng ngày của mình, Người đã nêu tấm gương mẫu mực về sự quan tâm, săn sóc, gần gũi với đời sống cán bộ, chiến sĩ một cách chân thành, giản dị, bao dung. Những hành động rất đỗi tự nhiên, nhưng chan chứa tình người của Bác:
Đầu năm 1954, Bác làm việc tại Chiến khu Việt Bắc. Thời tiết giá rét nên một chiến sĩ đi tuần đêm nhiễm lạnh bị ho. Biết chuyện, Bác lấy chiếc áo trấn thủ của mình đưa cho người lính mặc để đỡ rét, nhưng anh không dám nhận. Bác ân cần nói: “Chú cứ giữ lấy mà mặc. Bác đã có áo khác”. Rồi Bác tự tay khoác chiếc áo vào vai người chiến sĩ trẻ khiến anh vừa bối rối, vừa cảm động khôn cùng; Tháng 7-1967, thời tiết giữa hè nóng như thiêu như đốt, thương các chiến sĩ phòng không trực chiến trên nóc Hội trường Ba Đình không đủ nước uống, Bác đã dành số tiền tiết kiệm của mình tặng lực lượng bộ đội phòng không Hà Nội để có tiền mua thêm nước giải khát trong những ngày hè nắng cháy. Bác phê bình đồng chí Tư lệnh Hải quân, khi bộ đội đảo Vạn Hoa ở ven biển mà thiếu cá ăn. Bác tặng chị Lý (người con gái anh hùng đất Quảng ra Bắc điều trị bệnh) nhiều quà, từ lọ nước hoa đến chai mật ong, chiếc áo len chống rét, mấy thước vải hoa, túi chườm nước nóng, chiếc quạt giấy, lọ cắm hoa và cả chiếc va-li Người đang dùng. Bác đi chúc Tết và mời anh em bảo vệ đến xông nhà cho Bác. Bác giúp anh thương binh không còn hai tay khi đi vệ sinh tại Phủ Chủ tịch, khi được Bác mời dự gặp mặt. Bác tặng chiếc đồng hồ của mình cho người chiến sĩ chuẩn bị vào Nam đánh giặc… Sự quan tâm của Bác đối với lực lượng vũ trang nhân dân thể hiện bằng những việc làm cụ thể, bình dị nhưng chứa chan tình cảm của Bác kính yêu. Và cũng vinh dự và tự hào thay, lực lượng chính quy, tinh nhuệ này đã được gọi với cái tên hết sức thân mật - Bộ đội Cụ Hồ.
Bác Hồ với cán bộ, chiến sĩ lực lượng phòng không bảo vệ Thủ đô năm 1966
(Ảnh tư liệu)
Thương yêu bộ đội, trong chiến tranh cũng như trong mọi trận chiến đấu, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ phải biết quý trọng con người, quý trọng máu xương của bộ đội. Bởi lẽ, kẻ thù luôn hiếu chiến và ngoan cố, vì vậy, “Nếu không bị uy hiếp, chúng ta không cần có tự vệ”[7]. Đối với Hồ Chí Minh, việc phải tiến hành vũ trang là để tự vệ, bảo vệ chính dân tộc, nhân dân mình trước sự tiến công của các đội quân xâm lược mà lại là các đội quân có quân số đông, được trang bị vũ khí đầy đủ, hiện đại hơn, được huấn luyện chu đáo, chuyên nghiệp. Cuộc chiến tranh mà chúng ta buộc phải tiến hành là “chiến tranh chính nghĩa”, “chiến tranh tự vệ”; chiến tranh là giải pháp cuối cùng, còn một phút có thể tranh thủ, hy vọng đẩy lùi chiến tranh vẫn cứ tận dụng. Đây là điều mà Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định trước toàn thế giới và được nhân loại có lương tri ủng hộ, giúp đỡ rất to lớn, có hiệu quả. Điều đó cũng là thể hiện tư tưởng nhân văn của Bác đối với lực lượng vũ trang nhân dân.
Trước lúc đi xa, trong Di Chúc, Bác căn dặn nhiều điều quý báu, gửi gắm nhiều thông điệp cho thế hệ mai sau, Người viết: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”[8].
Thật xúc động biết bao trước khi từ giã cõi trần, Bác Hồ nhắc đến và “để lại muôn vàn tình thân yêu cho bộ đội”, cho cán bộ, chiến sĩ quân đội. Vì hơn ai hết, là người sáng lập, rèn luyện, giáo dục và dìu dắt, theo dõi Quân đội ngay từ những ngày đầu thành lập, Bác rất thấu hiểu sự gian khổ, hy sinh to lớn của bộ đội trong sự nghiệp giải phóng dân tôc và bảo vệ độc lập dân tộc. Bác từng nói, trước khi vào quân đội, họ là những thanh niên khỏe mạnh, vui vẻ, nhưng vì trải qua ăn gió nằm sương, hứng chịu những trận mưa bom bão đạn nên nhiều bộ đội, người thì hy sinh tính mạng, người thì tay què, chân cụt và mang nỗi đau thương tật suốt đời. Cho nên, bổn phận của chúng ta là phải trân trọng, yêu thương, nâng đỡ những người con trung hiếu đó.
Như vậy, tư tưởng nhân văn quân sự và cuộc đời Hồ Chí Minh đều toát lên tình yêu thương, sự tôn trọng, thái độ bao dung của Hồ Chí Minh với những người hoạt động trong lĩnh vực quân sự. Bằng hành động và ứng xử của mình, Người không chỉ truyền lại cho mỗi cán bộ quân đội đạo lý làm người là phải biết yêu thương con người và sống với nhau có tình, có nghĩa, mà còn phải biết thương yêu chiến sĩ như những người em, người con, người thân trong gia đình. Đó là phẩm chất, là đạo lý nhân văn cao cả và cốt lõi của người cán bộ của đội quân cách mạng mà Người dày công xây dựng, rèn luyện.
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG - ST, Hà Nội, 2011, tr.571
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG - ST, Hà Nội, 2011, tr.458
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb CTQG - ST, Hà Nội, 2011, tr.131
[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG - ST, Hà Nội, 2011, tr.76
[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG - ST, Hà Nội, 2011, tr.219
[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG - ST, Hà Nội, 2011, tr433
[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG - ST, Hà Nội, 2011, tr.170
[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nxb CTQG - ST, Hà Nội, 2011, tr.624