Ngày 18/4/1975, lực lượng cách mạng giải phóng thị xã Phan Thiết và toàn tỉnh Bình Thuận. Đại sứ Mỹ Martin mật báo tình hình tuyệt vọng về Washington: “Các đơn vị đối phương đang hội tụ về khu vực Sài Gòn từ mọi hướng với một lực lượng hậu bị to lớn hơn lực lượng chính phủ (chính quyền Sài Gòn) rất nhiều…”. Trước tình hình đó, chính quyền Mỹ ra lệnh di tản người Mỹ ở Sài Gòn. Để thực hiện kế hoạch đó, cùng ngày 18/4, chính quyền Ford -Kissinger ra lệnh di tản gấp người Mỹ ở Sài Gòn và cử Đin Brao phụ trách lực lượng đặc nhiệm.
01 giờ sáng ngày 21/4/1975 tại Xuân Lộc (nay thuộc tỉnh Đồng Nai), vị trí then chốt nhất bảo vệ Sài Gòn từ xa chính thức bị quân giải phóng phá tung, tình hình chính quyền Sài Gòn càng trở nên u ám. Đầu tháng 4/1975 những thắng lợi dồn dập của quân giải phóng trên khắp các chiến trường làm nội tình chính quyền Sài Gòn rối loạn. Uy tín của Người đứng đầu chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu bị suy giảm nghiêm trọng.
Kết quả cuộc họp Thượng viện lúc đó đã gây áp lực đòi Thiệu phải từ chức. Ngày 20/4/1975, khi Xuân Lộc thất thủ, Nhà Trắng chỉ thị Đại sứ Graham Martin, người vốn ủng hộ Thiệu từ nhiều năm nay, vào thẳng Dinh Độc Lập buộc Thiệu từ chức. Trước mặt các chính khách cấp cao và tướng lĩnh của quân đội Sài Gòn, Thiệu bàn giao quyền tổng thống cho Trần Văn Hương và tuyên bố “tôi từ chức nhưng vẫn không đào ngũ. Từ giờ phút này tôi đặt mình dưới quyền tổng thống và đồng bào…”. Nhưng chỉ vài ngày sau, Thiệu đã bí mật khuân vàng bạc lên phi cơ chuồn thẳng sang Đài Loan.
Thấy trước được tình hình nguy cấp “đã quá muộn để có thể làm bất cứ việc gì nhằm lật ngược tình thế” như Phó Tổng thống Mỹ Rokefeller nhận định, Chính phủ Mỹ thúc ép Quốc hội tăng khối lượng viện trợ khẩn cấp lên 722 triệu USD để sử dụng lực lượng quân sự di tản và bảo vệ di tản. Sự sống cho một chính quyền tay sai tại Sài Gòn chỉ còn tính từng ngày. Cơn lốc kinh hoàng của cuộc di tản được gọi là “Cuộc hành quân người liều mạng” bắt đầu.
Nhân viên sứ quán Mỹ tháo chạy khỏi Sài Gòn. (Ảnh tư liệu)
Một lực lượng lớn không quân, hải quân Mỹ gồm 35 tàu chiến (có 4 tàu sân bay) và hàng trăm máy bay các loại náo loạn trong một cuộc hành quân rút chạy hốt hoảng bắt đầu từ ngày 21/4/1975. Sự kiện này theo giới báo chí nước ngoài “càng làm cho người Việt thêm chán ghét Mỹ” vì sau hơn 20 năm người Mỹ dùng đôla và súng đạn dựng lên chính quyền tay sai ở miền Nam Việt Nam, đến ngày giờ bất lợi nghiêng về chính quyền Sài Gòn thì Chính phủ Mỹ “bỏ của chạy lấy người”. Chiến dịch di tản cuống cuồng quy mô lớn của người Mỹ và những kẻ “cùng hội cùng thuyền” càng làm tăng thêm sự hốt hoảng và căng thẳng ở Sài Gòn lúc đó.
Bức ảnh đi vào lịch sử: đám đông tranh nhau lên trực thăng trên 1 nóc nhà Sài Gòn. (Ảnh tư liệu)
Trong một bài diễn văn ở Trường Đại học New Zealand ngày 23/4/1975, Tổng thống Mỹ Ford phải ngậm ngùi và đau xót nói: “Chiến tranh đã kết thúc đối với người Mỹ, không thể giúp đỡ người Việt Nam được nữa, họ phải đương đầu với bất cứ số phận nào đang đợi họ”.
Trong cơn lốc kinh hoàng của cuộc di tản, máy bay lên thẳng Mỹ quần đảo rối rít trên bầu trời Sài Gòn, đáp xuống sân thượng Sứ quán Mỹ và một số sân thượng khác trong thành phố để bốc những người Mỹ đang chen chúc chờ lên trực thăng. Và cũng trong chiến dịch di tản vô cùng khốn đốn này, giới cầm quyền Mỹ còn gây cho nhân dân Việt Nam nhiều thảm cảnh đầy máu và nước mắt. Chúng bắt cóc hàng ngàn trẻ em đưa về Mỹ và ra nước ngoài với mục đích trước mắt nhằm gây xúc động dư luận, xin thêm viện trợ cho chính quyền Sài Gòn và về lâu dài dùng số trẻ em vào “kế hoạch hậu chiến” của chúng.
Không dừng lại ở đó, trong khi “cao chạy xa bay”, Mỹ còn dùng chiến tranh tâm lý lừa bịp, xuyên tạc, khủng bố để lùa hàng chục ngàn dân theo chúng với cái gọi là “tị nạn cộng sản”, thực chất để tuyên truyền kích động một bộ phận đồng bào chống lại cách mạng, rút chất xám và nhân viên kỹ thuật cho chúng sử dụng vào những âm mưu đen tối sau này.
Đức Phạm