Theo phân tích của các chuyên gia, diễn biến của thị trường bán lẻ thời gian qua khá ảm đạm, nhất là từ quý IV/2022 đến giữa năm 2023 và gần như đồng pha với đà tăng trưởng chậm của kinh tế vĩ mô.
Vì vậy, lợi nhuận của các DN ngành bán lẻ đã phải chịu áp lực nặng nề từ sức cầu yếu do thu nhập của người dân bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tình hình xuất khẩu khó khăn, hoạt động sản xuất, kinh doanh trì trệ, cộng hưởng với gánh nặng từ môi trường lãi suất cao và tín dụng thắt chặt bởi các công ty tài chính tiêu dùng.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng năm 2023 theo giá hiện hành đạt 5.105.400 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2022. (cùng kỳ năm 2022 tăng 20,8%).
Nếu loại trừ yếu tố giá thì tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 6,9% (cùng kỳ năm 2022 tăng 16,7%). Thêm vào đó, mức độ cạnh tranh của các nhà bán lẻ diễn ra mạnh mẽ và liên tục trong suốt 3 quý đầu năm thể hiện qua những cuộc đua hạ giá, giành thị phần càng siết chặt đáng kể tỷ suất lợi nhuận của các nhà bán lẻ.
Báo cáo phân tích của Vietnam Report cho thấy, vấn đề sức mua yếu và những ảnh hưởng tiêu cực từ sự hồi phục chậm của nền kinh tế chưa thể giải quyết trong một sớm, một chiều. Đây vẫn là 2 mối lo chính của các DN bán lẻ. Kết quả khảo sát các DN bán lẻ cũng cho thấy, trong những tháng cuối năm, các DN có những lo lắng nhất định về rủi ro lạm phát, chi phí lãi vay, chi phí vận hành cao, lượng hàng tồn kho lớn.
Tuy nhiên, một số yếu tố có khả năng cải thiện tốt. Điển hình là áp lực từ chi phí lãi vay cao và tồn kho lớn so với cùng kỳ năm trước được các DN kỳ vọng sẽ lắng xuống nhờ các điều kiện kinh tế vĩ mô dần cải thiện, nhiều quyết sách được đưa ra để kích thích nền kinh tế, hỗ trợ các DN bán lẻ, cũng như người tiêu dùng.
Tổng Giám đốc Vietnam Report Vũ Đăng Vinh nhận định, lực đẩy từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ là một trong những cơ sở quan trọng giúp cho DN củng cố nghị lực, vững vàng vượt qua thời điểm khó khăn, đưa tỷ suất lợi nhuận của các DN bán lẻ cải thiện tích cực hơn trong những tháng cuối năm 2023.
Đơn cử như, việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất điều hành có thể giúp khôi phục dần tín dụng tiêu dùng sau khi nợ xấu được kiểm soát cũng như giảm một phần áp lực vay nợ của các DN ngành bán lẻ. Ngoài ra, chính sách tăng lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang từ ngày 1/7/2023 và giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% góp phần tăng sức cầu nền kinh tế, qua đó tác động trực tiếp đến doanh số kỳ vọng của các DN bán lẻ thời gian tới.
Hơn nữa, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dần hạ nhiệt tại Mỹ, là thị trường xuất khẩu lớn nhất của
Việt Nam thì gánh nặng tiêu dùng sẽ được giải tỏa và lan rộng ra toàn cầu. Các đơn hàng mới từ thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đang có dấu hiệu tăng tốc từ cuối năm 2023 sẽ giúp giảm bớt lo ngại về lạm phát, thất nghiệp và suy thoái kinh tế, dần ổn định thu nhập và đưa
Việt Nam bước vào chu kỳ tiêu dùng mới. Mùa mua sắm cuối năm cũng sẽ kích thích nhu cầu mua sắm sôi động hơn, giúp các DN ngành bán lẻ cải thiện tình hình kinh doanh và lấy lại đà tăng trưởng.
Cũng theo ông Vũ Đăng Vinh, xét về trung và dài hạn, thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là một thị trường có sức hấp dẫn lớn và nhiều tiềm năng phát triển. Quy mô thị trường hiện lên tới 142 tỷ USD và được dự báo sẽ tăng lên 350 tỷ USD trong vài năm tới.
Nền kinh tế đang phát triển, dân số lớn và ưa thích kết nối, quá trình đô thị hóa, thu nhập trung bình ngày càng tăng và mức sống cao hơn chính là những yếu tố thuận lợi hỗ trợ tăng trưởng thị trường bán lẻ Việt Nam.
Theo Kinh tế và Đô thị