Cải cách, đổi mới để phát triển đất nước là nhu cầu tất yếu của mỗi giai đoạn lịch sử. Có thể khái quát những nội dung cơ bản của 5 cuộc cải cách, đổi mới lớn trong lịch sử dân tộc Việt Nam
Cải cách của vua Lý Công Uẩn ở thế kỷ XI
Cuối thời Tiền Lê, dưới thời vua Lê Long Đĩnh, tình hình triều chính phức tạp, suy yếu, đất nước khủng hoảng. Vào năm 1009, sau khi vua Lê Long Đĩnh mất, Lý Công Uẩn lên ngôi vua nhờ sự ủng hộ của quan lại, quân sĩ triều đình cùng giới sư sãi. Lý Công Uẩn lên ngôi vua lấy hiệu là Lý Thái Tổ, chọn niên hiệu là Thuận Thiên và lấy năm Canh Tuất (năm 1010) làm năm mở đầu cho triều đại.
Sự kiện quan trọng trong lịch sử dân tộc ghi dấu ấn của vua Lý Thái Tổ trong cải cách nói chung và cải cách hành chính nói riêng chính là cuộc dời đô từ Hoa Lư về Đại La, Thăng Long - Đông Đô (Hà Nội ngày nay).
Đóng góp rất lớn của vua Lý Thái Tổ là cải cách bộ máy hành chính thống nhất từ Trung ương tới địa phương, chia đất nước từ 10 đạo thời Đinh - Tiền Lê thành 24 lộ và đổi châu Cổ Pháp làm phủ Thiên Đức, đổi thành Hoa Lư làm phủ Trường An, phủ Ứng Thiên là Nam Kinh, trấn Chiêu Dương làm châu Vĩnh An. Những nơi xa xôi, miền núi như châu Hoan, châu Ái (từ Thanh Hóa vào đến Quảng Bình) và vùng dân tộc ít người được đổi thành các trại. Dưới lộ có phủ, châu, các đơn vị hành chính cơ sở là hương và giáp. Việc phân chia các đơn vị hành chính từ Trung ương tới địa phương thể hiện sự thống nhất của quốc gia mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý đất nước.
Cải cách hành chính của vua Lê Thánh Tông ở thế kỷ XV
Vua Lê Thánh Tông (1460-1497) tiến hành cuộc cải cách trong bối cảnh đất nước sau một thời gian dài chiến tranh, khủng hoảng, bộ máy hành chính nhà nước yếu kém về nhiều mặt. Ông đã kiên quyết thực hiện cải cách hành chính, coi đó là điều kiện tiên quyết để đất nước phát triển và thực hiện các cải cách khác.
Cuộc cải cách được tiến hành toàn diện trên nhiều mặt, đem lại sự thay đổi lớn. Đặc biệt, một số nội dung nổi bật như xây dựng, củng cố chế độ Trung ương tập quyền mạnh, tập trung quyền lực vào tay nhà vua, phát huy vai trò tối cao của vua trong cai trị đất nước, điều hành triều chính về quyền lực và sự gương mẫu. Xây dựng kỷ cương, phép nước, bảo đảm quản lý bằng pháp luật, đề cao pháp luật., chú trọng xây dựng và thực hiện pháp luật; cho biên soạn Bộ luật Hồng Đức. Ngoài ra còn có nhiều sắc chỉ về các quy định tuyển dụng, kiểm tra, giám sát, khen thưởng, kỷ luật đội ngũ quan lại...
Lê Thánh Tông - một vị Vua suốt đời vì dân
Thống nhất tổ chức bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương tinh gọn, trên cơ sở phân định rõ chức năng, nhiệm vụ để đảm bảo hoạt động thông suốt, hiệu quả theo nguyên tắc “trên dưới liên kết hiệp đồng, trong ngoài kiềm chế lẫn nhau” trong hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Lịch sử đã ghi nhận: “Dưới triều vua Lê Thánh Tông, chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ hỗ trợ, giám sát lẫn nhau giữa các bộ, khoa, tự, giữa Trung ương và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới, trình tự, quy chế làm việc được phân định cụ thể, rành mạch” [i] nguyên tắc này được thực hiện ở triều đình trung ương, lục bộ, các cơ quan chuyên trách và ở tất cả các cấp hành chính địa phương.
Xây dựng đội ngũ quan lại hiền tài, trung thành: chú trọng tuyển chọn, tiến cử quan lại một cách công khai, minh bạch, tạo điều kiện nhiều người hiền tài được tiến cử để triều đình xem xét, tuyển chọn. Rèn luyện đạo đức cho đội ngũ quan lại: nhà vua yêu cầu đội ngũ quan lại phải “lấy chữ lễ, nghĩa, liêm, sĩ mà dạy dân, khiến cho dân hướng về chữ nhân, chữ nhường, bỏ hết lòng gian phi”, để cho dân được an cư, lạc nghiệp, giàu có và đông đúc.
Vua Lê Thánh Tông thực hiện chế độ “hồi tỵ”, với mục đích đề phòng quan lại gây bè, kéo cánh, đem tình cảm riêng câu kết với nhau để thực hiện hành vi tham nhũng, vi phạm pháp luật. Trong Bộ luật Hồng Đức, triều đình quy định những điều khoản phải “hồi tỵ”: cha con, thầy trò, anh em, vợ chồng, thông gia... không được làm quan cùng một chỗ, không được tổ chức thi cùng một nơi. Để chế độ “hồi tỵ” được thực hiện nghiêm chỉnh, nhiều quy định cụ thể đã được đặt ra để răn đe, xử phạt những quan lại vi phạm các quy định về chế độ “hồi tỵ”; quy định trong chế độ “hồi tỵ” được áp dụng rất cụ thể, đối tượng, phạm vi áp dụng rộng, chế tài áp dụng nghiêm khắc đã góp phần làm cho bộ máy nhà nước được củng cố, tránh được tình trạng cục bộ, bè phái, câu kết trong những vấn đề nhạy cảm, như tuyển dụng, khen thưởng, đề bạt, tham nhũng...
Xây dựng bộ máy kiểm tra, giám sát khách quan, công bằng: cơ chế kiểm tra, giám sát quan lại có thể chia làm hai nhóm: cơ chế tự kiểm tra, giám sát quan lại của mỗi hệ thống và cơ chế kiểm tra, giám sát quan lại từ bên ngoài hệ thống. Việc kiểm tra, giám sát đảm bảo tính độc lập cao, khách quan, uy quyền thực sự cho các quan ngự sử, giúp họ đánh giá, xét xử quan lại khách quan, đúng với công, tội. Cải cách hành chính dưới triều vua Lê Thánh Tông tương đối toàn diện, mang lại sự hưng thịnh cho đất nước lúc bấy giờ, tình hình chính trị - xã hội ổn định, kinh tế đất nước phát triển, dân trí được nâng cao, năng lực quốc phòng được tăng cường, chế độ quân chủ Trung ương tập quyền được củng cố….
Cải cách của vua Quang Trung
Trong thế kỷ XVIII, nước Đại Việt dưới quyền cai trị của vua Lê với danh nghĩa tượng trưng, quyền lực thực sự nằm trong tay hai gia đình phong kiến: các chúa Trịnh ở phía Bắc, kiểm soát nhà vua, điều khiển triều đình ở Thăng Long và các chúa Nguyễn ở phía Nam, đóng đô tại thành Phú Xuân. Tình hình xã hội mất ổn định, rối loạn, mâu thuẫn xã hội ngày càng gay gắt. Phong trào Tây Sơn do anh em nhà Tây Sơn gồm Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ khởi xướng đã có những cống hiến đáng kể trên con đường lập lại nền thống nhất quốc gia như: xóa bỏ tình trạng phân biệt Đàng Trong - Đàng Ngoài kéo dài trên hai thế kỷ; lật đổ chính quyền chúa Nguyễn và chúa Trịnh. Tiếp quản Phú Xuân năm 1786 rồi lên ngôi Hoàng đế năm 1788, Nguyễn Huệ - Quang Trung bắt tay vào công cuộc xây dựng và cải cách của mình.
Quang Trung- Nguyễn Huệ, một vị Vua rất chú ý đến cầu người tài giúp nước
“Quang Trung không chỉ là một nhà quân sự lỗi lạc mà còn là một nhà chính trị có biệt tài” [ii], thể hiện qua sự quyết tâm và tầm nhìn chiến lược, liên tiếp đề ra nhiều kế hoạch cải cách tiến bộ trong kinh tế, văn hóa, giáo dục, quân sự... nhằm khôi phục, xây dựng đất nước.
Nội dung cải cách hành chính nổi bật của vua Quang Trung là phát triển đội ngũ quan lại: ông đặc biệt chú trọng vào việc “cầu hiền tài”, xuống chiếu cầu hiền và trọng dụng nhiều nhân tài như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Thiệp, Nguyễn Huy Lượng... Ông là một trong số ít quân vương trong lịch sử đã từng phong tướng cho phụ nữ - nữ tướng Bùi Thị Xuân; rất coi trọng danh sĩ trí thức, hết lòng chiêu hiền đãi sĩ, thưởng phạt phân minh, qua đó đã xây dựng được tinh thần đoàn kết, quyết tâm, đồng thuận trong cả hệ thống.
Cải cách hành chính của vua Minh Mạng ở thế kỷ XIX
Minh Mạng (hoặc Minh Mệnh), là vị hoàng đế thứ hai của triều Nguyễn, trị vì từ năm 1820 đến năm 1841. Ông là vị vua có nhiều thành tích nhất của nhà Nguyễn, là một vị vua năng động, quyết đoán, tinh thông nho học, hiểu biết, coi trọng học vấn và là nhà chính trị, quân sự tài ba. Đây được xem là thời kỳ hùng mạnh cuối cùng của chế độ phong kiến trong lịch sử Việt Nam.
Vua Minh Mạng đã thi hành nhiều chính sách và biện pháp cải cách, trong nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội giúp cho đất nước giai đoạn ông trị vì là thời kỳ thịnh trị nhất trong lịch sử chế độ quân chủ nhà Nguyễn. Trong đó phải kể đến cải cách bộ máy quản lý nhà nước và hệ thống quan lại.
Về tổ chức bộ máy: nhà vua đổi mới và thống nhất được hệ thống hành chính quốc gia, kể cả phân cấp hệ thống hành chính, phân định lại toàn bộ địa giới hành chính cả nước tinh gọn và dễ kiểm soát hơn. Đàng Ngoài và Đàng Trong cũ được phân chia lại thành 27 trấn, doanh (hoặc dinh), triều đình Huế trực tiếp quản lý 4 doanh (Kinh kỳ) Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức (sau đổi thành phủ Thừa Thiên), Quảng Nam và 7 trấn từ Nghệ An đến Bình Thuận. Vua Minh Mạng đặt tên gọi cho “Nam Bắc trực, Tả Hữu kỳ và Nam Bắc kỳ (Quảng Nam, Quảng Ngãi là Nam trực; Quảng Trị, Quảng Bình là Bắc trực; Bình Định đến Bình Thuận là Tả kỳ; Hà Tĩnh đến Thanh Hoa (nay là tỉnh Thanh Hóa) là Hữu kỳ; Biên Hòa đến Hà Tiên là Nam kỳ; Ninh Bình đến Lạng Sơn là Bắc kỳ”; đổi tên nước Việt Nam thành Đại Nam, lập thêm Nội các và Cơ mật viện ở Huế.
(Còn tiếp)