Ngoài việc đưa pháo vào trận địa, được coi là một kỳ công trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội ta, trong đó có bộ đội công binh cũng có được những kỳ tích của mình trong chiến dịch lịch sử này. Câu thơ của Tố Hữu “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” đã phản ánh được phần nào hiện thực lịch sử này
Chiến đấu trên địa hình đồi núi, giao thông vận tải khó khăn, nhiệm vụ và vai trò của lực lượng bộ đội công binh cũng không hề nhỏ, ngaay từ những ngày đầu mở chiến dịch.
Ông Phạm Ngọc Sinh, nguyên Đại đội trưởng Công binh, Đại đoàn 316, nhớ lại: “Nhiệm vụ của công binh là đi trước về sau, mở đường cho bộ đội lên Điện Biên Phủ. Tôi phụ trách anh em làm đường kéo pháo. Ngụy trang là khâu quan trọng bởi máy bay địch lượn suốt ngày. Bộ đội phải thay nhau đi lấy lá để làm “giàn mướp” che. Có dám lấy lá ngay tại chỗ làm đường đâu, sợ lộ, phải đi xa. Mấy ngày lá héo lại phải thay.
Địch không ngờ núi cao thế mà Việt Minh lại mang được pháo hạng nặng vào. Làm đường cho pháo vất vả lắm, phải đủ rộng để đưa pháo lên. Bên núi, bên vực thẳm, vạc vào núi thế nào để không bị rủi ro. Núi thì cao, đào lên toàn đất đỏ và đá to. Dụng cụ lúc ấy có cài choòng sắt bằng cổ tay, xẻng và cuốc có khi còn quý hơn súng. Trời lạnh, anh em làm không muốn nghỉ, mong kéo pháo vào nhanh để đánh nhanh. Làm mệt nhưng thấy pháo vào thì sướng lắm”[1].
Mở đường ra tiền tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ (Ảnh tư liệu)
Ông Nguyễn Huyên, nguyên Chính trị viên phó Đại đội 54, Tiểu đoàn 106, Trung đoàn 151 công binh, Đại đoàn 351, nguyên là Thư ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, kể: “Chúng tôi vừa tham gia làm đường kéo pháo, vừa xây dựng trận địa pháo. Giai đoạn làm hầm lựu pháo 105 ly đối với chiến sĩ công binh chúng tôi không ác liệt nhưng cực kỳ vất vả, gian khổ. Hầm lựu pháo 105 ly trở thành cấu trúc sáng tạo của bộ đội ta. Chúng tôi bạt sườn núi về phía địch thành vách đứng rồi khoét một cái hang to đủ để khi xếp càng pháo lại có thể đẩy lùi cả khẩu pháo vào cất giấu. Phía ngoài hang là hầm pháo khá rộng để triển khai chiến đấu. Hầm có những cột chống, đà đỡ. Đà gỗ đường kính phải 35 cm, cột chống đường kính ít nhất 25 cm. Các đà đỡ, cột chống không được làm vướng động tác của pháo thủ và làm vướng khẩu pháo khi dang càng ra bắn. Hai đà gỗ bên sát mép vách hầm được rải một lớp gỗ tròn đường kính ít nhất 15 cm, sau đó phủ liên tiếp những bó cây sặt xếp hàng dọc, trên lại nện đất dày 2 mét, tổng chiều dày nắp hầm 3 mét. Miệng hầm phải đủ rộng để pháo có thể lui vào được. Sau đó dùng sọt xếp kín, chỉ còn chừa lỗ châu mai cho nòng pháo nhô ra ngoài đủ để bắn. Bắn xong, pháo được xếp càng, lùi vào hầm phía trong và dùng sọt đất xếp kín lỗ châu mai, để phòng đạn địch khi chúng phản pháo. Mỗi trận địa đều có hầm bắn, hầm lui pháo về phía sau, hầm đạn, hầm trực chiến, hầm chỉ huy. Cứ 4 khẩu đội có một hầm làm nơi hội họp, có rãnh thoát nước và hố tránh bom cháy, có đường hào đi lại.
Mỗi đại đội đều có trận địa dự bị, trận địa giả để dự bị và phân tán hỏa lực địch. Chúng tôi không được phép chặt cây quanh trận địa để làm hầm pháo mà phải đi xa bốn, năm, có khi gần chục cây số để tìm ngụy trang, mà cũng chỉ được chặt tỉa cây rừng và vận chuyển bằng đôi vai về nơi làm trận địa”[2].
Một kỳ công nổi bật trong chiến dịch Điện Biên Phủ nữa là bộ đội ta theo phương châm “Đánh chắc tiến chắc”, đã đào hàng trăm kilômét giao thông hào, chiến hào theo đường xoáy trôn ốc bao vây, thít chặt “chiếc thòng lọng” quanh Phân khu Trung tâm tập đoàn cứ điểm để tiêu diệt. Đây là một kỳ công đồng thời cũng là sáng tạo độc đáo của bộ đội ta. Cách đánh “bóc vỏ” từng vị trí, từng cứ điểm, cụm cứ điểm, trung tâm đề kháng thành công chính là nhờ bộ đội ta đã ngày đêm đào hầm hào, lấn dũi, bao vây quân Pháp. Hào giao thông, chiến hào đẫ đào cắt ngang cả đường băng sân bay Mường Thanh, khiến máy bay địch không lên xuống được, góp phần cùng bộ đội pháo cao xạ, phòng không, khống chế, tiến tới chặt đứt cầu hàng không tiếp tế cho Điện Biên Phủ của Pháp.
Ông Vũ Xuân Vinh, nguyên Tham mưu trưởng Trung đoàn 36, Đại đoàn 308, cho biết: “Vào đợt hai chiến dịch, chúng tôi nhận nhiệm vụ đánh cứ điểm 106. Đây là cứ điểm phòng ngự kiên cố của địch ở hướng Tây Bắc trung tâm Mường Thanh. Xung quanh cứ điểm có hàng rào kẽm gai rộng tới 200m, dưới lớp rào là bãi mìn dày đặc. Cứ điểm 106 nằm giữa cách đồng trống trải nên việc mở cửa rất khó. Chúng tôi thấy chỉ có cách đào hào lấn dần dưới lớp rào, đến khoảng cách thích hợp mới mở được đột phá khẩu. Chúng tôi tổ chức đào ba mũi hào lấn dần vào 106 ở ba hướng khác nhau... Chúng tôi đào đường hào ngầm, chiều sâu và chiều rộng có thể mang theo vũ khí tiến công được, nóc đường hào để lớp đất dày 60-70 cm, cứ một đoạn lại khoét một lỗ thông hơi. ánh sáng bằng pin ắc-quy, phải dùng la bàn giữ không cho chệch đường hào. Cứ hai người đào, hai người chuyển đất ra ngoài, để ra xa và ngụy trang kỹ. Kíp này mệt, có kíp khác thay, đào liên tục ngày đêm không nghỉ. Đường hào càng vào sâu, càng khó khăn, vất vả, căng thẳng với những tiếng lựu đạn, tiếng đạn súng cối địch nổ đanh ngay trên nóc. Mỗi ngày đêm, chúng tôi đào được khoảng 50 mét đường ngầm như thế”[3].
Bộ đội ta tiến công đánh chiếm sân bay Mường Thanh (Ảnh tư liệu)
Ông Trịnh Tráng, nguyên là Đại đội trưởng thuộc Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 nhớ lại: “Ngày đầu tiên triển khai chiến thuật đánh lấn là ngày 17-4. Tôi dẫn đầu đại đội, cắm nhát xẻng đầu tiên xuống đất rắn, nằm đào, tư thế không thuận tiện chút nào. Đào được hố nhỏ rồi quỳ khoét đất, đủ sâu thì đứng đào. Anh em nằm xếp hàng, cứ một tiểu đội thì ngoặt chữ chi và bổ các nhánh hào ra các phía. Không đo đếm được bao nhiêu kilômét hào, chỉ biết nếu nhìn từ trên xuống thấy không khác gì những mạch máu chằng chịt với các đường hào chính và hào nhánh. Đi lại trong giao thông hào phải có biển chỉ đường... Mỗi ngày chiến sĩ ta phải đào 18 tiếng trong tư thế rất khó khăn, cán xẻng phải cắt ngắn mới có thể thao tác được trong khoảng không gian chật hẹp. Mọi người luân phiên đào hào, chuyển đất, ngủ, nghỉ ngay tại trận địa. Một bộ phận khác được rút vào rừng lấy gỗ, lấy cây che chắn phía trên... Sau một thời gian, các đường hào chằng chịt ngang dọc thắt dần, quân Pháp sau mỗi đêm tỉnh dậy lại thấy vòng vây siết chặt”[4].
Kỳ công đáng kể nữa là việc bộ đội ta đào một đường hầm dài hàng chục mét vào lòng đồi A1, nơi diễn ra trận đánh kéo dài nhất, ác liệt nhất và thương vong của hai bên cũng nhiều nhất trong trận Điện Biên Phủ. Hai trung đoàn 174 và 102 của ta nổ súng tiến công cứ điểm đồi A1 (phía Pháp đặt tên là Elian 2) từ chiều ngày 30-3, nhưng đến chiều ngày 4-4 vẫn không dứt điểm được, chỉ chiếm được 1/3 cứ điểm án ngữ phía Đông khu Trung tâm Mường Thanh này. Trận chiến đấu tại đây diễn ra dai dẳng, ác liệt cho đến hạ tuần tháng 4-1954. Ngày 17-4, ông Nguyễn Phú Xuyên Khung, lúc đó là Đại đội trưởng “Đội 83” công binh, Trung đoàn 151, Đại đoàn 351, nhận được lệnh của đồng chí Chu Huy Mân, giao cho Đội 83 đào đường hầm và đặt bộc phá trong lòng đồi A1. Ông kể: “Chọn vị trí cửa hầm rồi, chúng tôi bắt đầu đào ngày 20-4... Chúng tôi đào hầm và đặt bộc phá khoảng 14 ngày. Càng vào càng thiếu khí vì không có đối lưu, ngột ngạt, bức bối, trên nó nổ quả pháo mình ở trong inh tai như có tiếng chuông. Mỗi tổ 3 người vào đào, ai giỏi lắm thì ở trong đó một tiếng là cùng. Tôi dặn anh em chú ý, đào hăng quá thì mất nhiệt, mất sức, mất ôxi. Anh em dùng xẻng giũa sắc như dao moi đất chứ không đào hùng hục. Anh nào đào xong ra ngoài đầy đất bụi, đỏ từ cái lông mi, chẳng còn biết ai là với ai, phải vỗ vai hỏi: “Cậu tên gì?”.
Vì đường hầm chỉ rộng 90 cm cao 90 cm, đào một lúc lại phải xếp bao đất dài theo đường hầm, bao khâu từ vải dù 40 cm x 40 cm, chiều ngang hầm thành ra còn 50 cm. Anh trong đào, anh ngoài quạt cho anh trong... anh Chu Huy Mân có cái đèn chạy pin gửi cho tôi, anh em vừa soi vừa đào. Qua trận địa trung gian của nó rồi thì vừa đào thẳng, vừa đào ngách để cho đất vào. Anh em còn đào cả một cái buồng để thuốc nổ, cao 1m50, rộng 1m50. Tất cả chỉ có mười mấy người làm thôi. Lưu Viết Thoảng đào chính... Đến khoảng ngày 4, ngày 5-5, đo được 38 m thì có lệnh đặt bộc phá để đánh. Bộc phá chuyển vào trong rồi, trên lệnh cho nổ tối ngày 6-5. Trước giờ G, tôi phân công anh Bạch cùng tôi sẽ ở cách cửa hầm 80 m để giật nụ xòe. Có 5 nụ xòe, phải giật từ từ “tách tách” nhẹ thôi, chứ giật một phát to nó biết cho 1 quả lựu đạn là mất thời gian... Điểm hỏa xong, tôi với anh Bạch chui vào hầm móng ngựa... Bộc phá nổ, chỉ nghe “ục” một cái. Nhưng mà hầm đu đưa ghê gớm, bụi, đất đá văng xa, khói của gần 1.000 kg bộc phá ghê lắm.”[5].
Ông Lưu Viết Thoảng, Tiểu đội trưởng “Đội 83” công binh, Trung đoàn 151, Đại đoàn 351, cho biết: “Tới 6-5, lúc 21 giờ điểm hỏa. Trước giờ phát lửa chúng tôi gọi cho Tổng tư lệnh, đảm bảo với ông là nếu bộc phá không nổ sẽ có hai đồng chí ôm thuốc nổ vào cửa hầm, dù có hy sinh thì cũng phải làm cho nó nổ... Có 6 dây chuyền cháy chậm, dài trên 50m. Hôm ấy mưa. Điểm hỏa rồi, tôi chạy hơn 100 m dưới giao thông hào thì đất đá văng ra...”[6].
Những kỳ tích của bộ đội ta trong chiến dịch Điện Biên phủ có thể kể mãi không hết. Vượt qua "Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt. Máu trộn bùn non. Gan không núng, chí không mòn", các anh đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "chấn động địa cầu".
Bình Thi
[1] Nhiều tác giả: Chuyện những người làm nên lịch sử – Hồi ức Điện Biên Phủ 1954-2009, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 58.
[2] Nhiều tác giả: Chuyện những người làm nên lịch sử – Hồi ức Điện Biên Phủ 1954-2009, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 59
[3] Nhiều tác giả: Chuyện những người làm nên lịch sử – Hồi ức Điện Biên Phủ 1954-2009, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 155.
[4] Nhiều tác giả: Chuyện những người làm nên lịch sử – Hồi ức Điện Biên Phủ 1954-2009, Sđd, tr. 157.
[5] Nhiều tác giả: Chuyện những người làm nên lịch sử – Hồi ức Điện Biên Phủ 1954-2009, Sđd, tr. 174, 175.
[6] Nhiều tác giả: Chuyện những người làm nên lịch sử – Hồi ức Điện Biên Phủ 1954-2009, Sđd, tr. 5 tr. 176