Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cục diện vừa đánh vừa đàm được Đảng ta chủ trương với việc tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân. Hồi ức của ông Nguyễn Khắc Huỳnh, thành viên phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris cho thấy chúng ta đã nắm thời cơ mở ra đàm phán hòa bình như thế nào
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân nổ ra làm choáng váng chính quyền Whashington, Johnson phải đi tới quyết định. Đây là lời của Henry Kissinger kể lại giờ phút đó: “Bị làn đạn pháo binh hạng nặng quật mạnh, Giôn xơn đầu hàng. Ngày 31/3/1968, ông tuyên bố đơn phương ngừng ném bom khu vực Bắc vĩ tuyến 20. Ông ta báo sẽ không tăng viện sang Việt Nam và nhắc lại rằng mục tiêu của Mỹ ở Nam Việt Nam không phải là thủ tiêu kẻ thù”[1].
Việc Mỹ hạn chế ném bom không gây bất ngờ. Khi chuẩn bị về quân sự, ta cũng dự kiến Mỹ ngừng ném bom hoặc hạn chế ném bom; ngoại giao cũng đã tính kế hoạch đàm phán. Ngay sáng mùng 2 Tết (1/2/1968), lúc chiến sự ở Sài Gòn, Huế đang rung chuyển thế giới, thì nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã bắt đầu bàn kế hoạch đàm phán theo 2 phương án song phương hay giữa các bên tham chiến. Mục tiêu đề ra là tấn công, tố cáo, lên án Mỹ, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế, đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh, rút hết quân. Về địa điểm, dự kiến 3 nơi Phnômpênh, Vácxava va, Pari[2].
Về tuyên bố ngày 31/3/1968 của Johnson, chúng ta nhận định: “Tuyên bố đánh dấu sự thất bại và một bước thay đổi chiến lược có ý nghĩa của Mỹ theo hướng xuống thang chiến tranh, thăm dò giải pháp chính trị rút khỏi vũng lầy. Nguyên nhân là do Mỹ thất bại và khó khăn rất lớn, lớn hơn nhiều so với chiến tranh Triều Tiên. Mỹ sa lầy, khó khăn, khó kéo dài nên phải tìm đường rút ra.
Ông Nguyễn Khắc Huỳnh trong một cuộc gặp gỡ cán bộ ngoại giao, năm 2018
Với tuyên bố của Johnson, ta có 3 sự lựa chọn: bác bỏ, nhận nói chuyện hoặc chỉ nhận tiếp xúc. Bác bỏ thì hơi cứng mà có thể nhỡ thời cơ, nhận nói chuyện ngay thì hơi sớm, khó tạo sức ép. Bởi vậy, Trung ương chủ trương nhận tiếp xúc (contact). Tiếp xúc là mở cục diện vừa đánh vừa đàm để tiếp tục kiềm chế Mỹ, kéo nó xuống thang chiến tranh, tranh thủ quốc tế, trước mắt là hỗ trợ cuộc tổng tiến công đang tiếp diễn.
Ngày 3/4/1968, Chính phủ Hà Nội ra tuyên bố, phê phán Mỹ chưa đáp ứng đầy đủ đòi hỏi của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tuy nhiên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng cử đại diện để tiếp xúc với đại diện của Mỹ để xác định việc Mỹ chấm dứt hoàn toàn việc ném bom miền Bắc và các hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để có thể bắt đầu cuộc nói chuyện… Trong tuyên bố này, ta cân nhắc và nêu mấy ý tứ rất chặt chẽ: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ tiếp xúc với Mỹ, chứ chưa đàm phán hay nói chuyện. Tiếp xúc để làm gì ? tất nhiên sẽ tập trung đòi Mỹ chấm dứt hoàn toàn ném bom. Nhưng ta không dùng từ đòi, buộc, bàn… mà dùng từ xác định, xác định việc Mỹ hoàn toàn chấm dứt ném bom. Rất chặt chẽ mà nhẹ nhàng, linh hoạt.
Sau tuyên bố, ta đi vào đấu tranh với Mỹ về địa điểm. Đàm phán kéo dài một tháng. Ta lên án Mỹ dây dưa kéo dài chiến tranh, ta dùng ngoại giao để hỗ trợ cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân đang tiếp diễn, đồng thời đẩy mạnh vận động quốc tế. Trung ương cử đoàn cấp cao do Phạm Văn Đồng dẫn đầu sang trao đổi với Liên Xô và Trung Quốc. Lãnh đạo Liên Xô hoàn toàn đồng tình và ủng hộ. Tại Bắc Kinh, trong 3 phiên hội đàm, Chu Ân Lai phê phán Việt Nam ngồi với Mỹ quá sớm, chưa phải thời cơ, chưa có tư thế cao để mất quyền chủ động, sớm bỏ rơi miền Nam.
Sang tháng 5, chiến trường chuẩn bị tổng tiến công đợt 2 (5/5/1968). Cần kịp thời hỗ trợ ngoại giao, phá vỡ thế bế tắc về địa điểm, đưa Thủ đô Pháp Paris làm nơi đàm phán mà ta biết trước Mỹ cùng rất muốn. Được tin, Johnson hoan nghênh ngay. Đàm phán chính thức bắt đầu từ ngày 13/5/1968.
Suốt ba tháng 5,6,7 năm 1968, hoạt động của đàm phán chủ yếu là phục vụ tổng tiến công mà lãnh đạo coi là “một quá trình”. Nội dung chính của các cuộc họp, tuần một lần, là tranh luận về điều kiện Mỹ chấm dứt ném bom. Mỹ đưa các điều kiện khôi phục khu phi quân sự, không bắn pháo vào các thành phố lớn, không bắn pháo qua khu phi quân sự, không lợi dụng việc ngừng ném bom để tăng cường chi việc cho miền Nam. Ta kiên quyết bác bỏ và đòi Mỹ chấm dứt ném bom không điều kiện.
Bà Nguyễn Thị Bình trả lời phỏng vấn báo chí phương Tây (Ảnh tư liệu)
Đến đầu tháng 8, quân và dân miền Nam chuẩn bị mở cuộc tổng tiến công đợt 3. Để hỗ trợ tốt hơn, làm cho Mỹ chập chững thêm đồng thời cũng thúc đẩy đàm phán, đoàn ta thỏa thuận với đoàn Mỹ mở các cuộc tiếp xúc cấp Trưởng Đoàn: Lê Đức Thọ, Xuân Thủy gặp Harriman và Vance. Mỹ thấy ta nghiêm chỉnh và thiện chí. Đàm phán đi vào thực chất.
Từ đầu tháng 9 xuất hiện những nhân tố mới. Đợt 3 kết thúc, kết quả thấp, ta tổn thất nặng, phải chuyển sang củng cố lực lượng. Về phía Mỹ, cuộc tổng tuyển cử đi vào bước gay cấn. Johnson cần một cú ngoại giao để ủng hộ phó Tổng thống Humphrey đang yếu thế.
Ta phải làm gì để tiếp tục phát huy Mậu Thân, hỗ trợ chiến trường, khoét thêm khó khăn của Mỹ. Ta xoáy vào điều kiện của Mỹ nêu ra là “nói chuyện nghiêm chỉnh”. Sau khi về Mỹ tham khảo, Hariman trả lời là: Nói chuyện nghiêm chỉnh là để nhân dân Nam Việt Nam được quyền quyết định tương lai miền Nam, nên phải cử đại diện của Việt Nam Cộng hòa tham gia. Hoa Kỳ sẵn sàng chấp nhận phía Việt Nam có đại diện của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tham gia…. Như vậy là đã rõ, Mỹ đã ngả bài, bỏ các điều kiện có đi có lại về quân sự, chỉ đòi có chính quyền Sài Gòn tham gia đàm phán giai đoạn sau.
Thắng lợi trên chiến trường của ta có phần hạn chế chưa thể buộc Mỹ đáp ứng yêu cầu của ta. Nhưng nội bộ Mỹ khó khăn lớn, sức ép bầu cử gay gắt. Mỹ phải tính. Vì vậy, ta cần vận dụng sách lược mở đường cho Mỹ chấm dứt hoàn toàn ném bom miền Bắc.
Ngày 21/10/1968, hai bên đạt thỏa thuận cuối cùng; Hoa Kỳ chấm dứt hoàn toàn ném bom miền Bắc, sẽ họp hội nghị 4 bên. Tuy nhiên, Nguyễn Văn Thiệu đã ngả theo Nixon, nên ngăn cản thỏa thuận. Nhà trắng ra sức thuyết phục nhưng đến 19 giờ ngày 31/10/1968, Nguyễn Văn Thiệu vẫn ngoan cố. Đến 20 giờ, Tổng thống Mỹ Johnson lên đài phát thanh nói với nhân dân Mỹ ông đã ra lệnh chấm dứt đánh phá hoàn toàn miền Bắc. Cũng vì vậy, nửa đêm 31/10, Trưởng phái đoàn Mỹ mới đến đoàn ta thông báo quyết định của Tổng thống Mỹ, một quyết định đơn phương.
Buộc Mỹ chấm dứt hoàn toàn ném bom miền Bắc là một thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, đánh bại chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ, tạo điều kiện củng cố hậu phương, củng cố lòng tin của nhân dân ta và bạn bè quốc tế. Việt Nam đã đánh bại một bước cuộc chiến tranh lớn – chiến tranh cục bộ - của Mỹ, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, thay đổi chiến lược, tìm con đường khác để ra khỏi Việt Nam.
Đến đây, nhìn lại cả quá trình đấu tranh ngoại giao phối hợp với đấu tranh quân sự, ngoại giao đã song hành gắn bó với chiến dịch Tết Mậu Thân, kiềm chế Mỹ, hạ hỏa cái đầu nóng của giới hiếu chiến Mỹ, hạn chế Mỹ tăng quân, tạo thuận lợi cho chiến trường, rồi nắm thời cơ mở thế trận vừa đánh vừa phát huy kết quả Tết Mậu Thân rồi buộc Mỹ chấm dứt hoàn toàn ném bom miền Bắc. Nếu sau đòn Mậu Thân, chậm hoặc nhỡ thời cơ mở cục diện đánh - đàm thì làm sao kéo được Hoa Kỳ xuống thang, chấm dứt đánh phá miền Bắc, nhất là sau này trong các năm 1969- 1970, chiến trường ta rất khó khăn, mất dân, mất đất, quân chủ lực phải dạt ra ngoài, không có trận đánh lớn…. thì lấy gì để động viên tranh thủ quốc tế hâm nóng cuộc chiến đấu, nhất là tiếp tục tác động vào nội bộ nước Mỹ. Trong cuộc chiến tranh này, hậu phương nước Mỹ, phong trào nhân dân Mỹ chống chiến tranh có vai trò cực kỳ quan trọng. Đây là Mặt trận thứ hai như Bác Hồ gọi. Đây là nhân tố bảo đảm thắng lợi của ta sau những thắng lợi trên chiến trường.
Suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ, ta tiếp tục vận dụng kinh nghiệm kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao đã có nhiều hiệu quả trong Tết Mậu Thân. Ngày nay cũng vậy, trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh, toàn vẹn lãnh thổ, nhất định phải kết hợp đấu tranh quân sự với ngoại giao nhưng phải vận dụng sao cho phù hợp với vị thế của ta, với đối tượng cần đấu tranh và với đặc điểm tình hình quốc tế.
Nguyễn Khắc Huỳnh (kể) - Nguyễn Bình (ghi) - Nhân dịp kỷ niệm 45 năm ký Hiệp định Paris, năm 2018.