Vụ việc liên quan đến cuộc triển lãm mỹ thuật về đề tài Điện Biên Phủ của họa sĩ Mai Duy Minh những ngày qua gây những tranh luận, phản ứng trái chiều, có phần gay gắt, cực đoan của một số nghệ sĩ, công chúng trên các trang mạng xã hội, các kênh truyền thông trong và ngoài nước. Từ câu chuyện này, đặt ra nhiều vấn đề về mối quan hệ giữa nghệ thuật với chính trị, với đời sống xã hội, đặc biệt là vai trò của Hội chuyên ngành và năng lực quản lý của các cơ quan chức năng trong việc định hướng dư luận, thẩm bình và đánh giá tác phẩm, kiến tạo môi trường nghệ thuật lành mạnh để hội họa và các ngành nghệ thuật khác không ngừng phát triển.
Tác phẩm "Điện Biên Phủ" của họa sỹ Mai Duy Minh. Ảnh: NLD
Nghệ thuật và cuộc sống
Nghệ thuật là một hình thái ý thức xã hội đặc biệt, phản ánh hiện thực cuộc sống, con người thông qua hình tượng nghệ thuật sinh động, phong phú, giàu hình ảnh, nhiều tầng vỉa ý nghĩa. Thông qua chất liệu là ngôn từ, giai điệu, thanh âm, màu sắc, đường nét, hình khối, ánh sáng… cùng tài năng, trí tưởng tượng, nghệ thuật hư cấu, sắp đặt, bài trí và cách thức tổ chức tài hoa của người nghệ sĩ, những tác phẩm nghệ thuật được ra đời, đáp ứng nhu cầu thẩm mĩ đa dạng của công chúng.
Con người luôn có xu hướng nhào nặn vật chất theo quy luật của cái đẹp mà tác phẩm nghệ thuật là biểu sinh động nhất của cái đẹp được người nghệ sĩ đúc kết, chưng cất lên từ thực tiễn cuộc sống. Tác phẩm nghệ thuật đích thực, có giá trị và ý nghĩa thời đại phải đánh thức khát vọng hướng thiện và vươn đến những giá trị chân, thiện, mỹ của công chúng. Tác phẩm ấy phải nói lên được tiếng lòng, tâm trạng và nỗi niềm của nhân dân, nâng đỡ và thanh lọc tâm hồn con người.
Để có được tác phẩm nghệ thuật, ngoài tài năng, cảm hứng sáng tạo, người nghệ sĩ phải trải qua quá trình “khổ luyện”, lăn lộn với cuộc sống, đau đáu nỗi niềm nhân thế, có vốn tri thức và phông văn hóa rộng để bao quát, tường tận mọi vấn đề trước khi “sản sinh ra những đứa con tinh thần”. Nghệ thuật và người nghệ sĩ phải luôn song hành với cuộc sống, phải bám rễ vào mạch nguồn hiện thực để kí thác, truyền đi những thông điệp nhân sinh, vì cuộc sống và tương lai tốt đẹp hơn.
Bàn về vai trò của nghệ thuật và người nghệ sĩ đối với sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, xây dựng cuộc sống mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy (Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa 1951). Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà (Thư gửi anh em trí thức Nam Bộ, năm 1947). Trong suốt tiến trình lịch sử, văn nghệ sĩ đã có mặt ở những tuyến đầu để vừa chiến đấu, vừa sáng tác, viết lên những tác phẩm lớn, phản ánh không khí thời đại, ngợi ca chính nghĩa, bảo vệ cái đẹp, đồng thời lên án, phê phán cái xấu xa, bạo tàn, đoàn kết cùng các lực lượng, giai tầng khác viết lên những trang sử mới cho dân tộc nước nhà.
Để hoàn thành sứ mệnh, trọng trách lớn lao, cao cả là “người thư ký trung thành của thời đại”, người bạn đồng hành của nhân dân lao động, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, động viên và nhắn nhủ đội ngũ văn nghệ sĩ phải luôn ý thức sâu sắc về thiên chức cao cả của mình, có tinh thần xung phong, gương mẫu; hướng về quần chúng nhân dân để phục vụ. Để người đọc dễ nhớ, dễ thuộc, dễ vận dụng khi tiếp cận tác phẩm, người nghệ sĩ khi sáng tác phải đặt ra và trả lời những câu hỏi: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? và Viết như thế nào? Một tác phẩm hay, có giá trị và ý nghĩa, trước hết phải đảm bảo tính chân thật. Người nhấn mạnh, văn nghệ sĩ phải miêu tả cho hay, cho chân thật, cho hùng hồn, tránh lối viết xa lạ, cầu kỳ, ngôn ngữ trong sáng, nội dung sâu sắc, thể hiện được tinh thần dân tộc.
Tác phẩm nghệ thuật ra đời phụ thuộc vào cảm hứng sáng tác và những rung cảm nghệ thuật của người nghệ sĩ trước những trạng huống, hiện tượng có vấn đề của cuộc sống, trước những số phận, cuộc đời gây nhiều cảm xúc. Vì thế nghệ thuật thường mang đậm dấu ấn, phong cách cá nhân, với cái tôi, cá tính của người nghệ sĩ. Đồng thời, nghệ thuật cũng mang đậm hơi thở, không khí của thời đại. Người nghệ sĩ cũng là những chiến sĩ, mang trong mình trách nhiệm, nghĩa vụ của một công dân trước những yêu cầu, đòi hỏi của thời đại. Không có tác phẩm nghệ thuật nào chỉ thuần túy là nghệ thuật mà ẩn sâu trong hình tượng nghệ thuật là những nỗi niềm day dứt, những băn khoăn, trăn trở của người nghệ sĩ về cuộc sống nhân sinh, về cuộc đời dâu bể, về tương lai, số phận con người. Và cũng không có tác phẩm nào lại không gắn với bối cảnh, tình hình chính trị, xã hội của mỗi giai đoạn, thời kỳ. Chính bối cảnh thời đại, đường lối chính trị đúng đắn, sáng suốt không chỉ định hướng tư tưởng, mỹ cảm cho người nghệ sĩ mà còn kiến tạo môi trường tự do, dân chủ, đảm bảo quyền lợi chính đáng để người nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo và thể hiện tài năng nghệ thuật.
Trong nghệ thuật, tự do sáng tạo là yếu tố quan trọng để người nghệ sĩ bộc lộ năng lực, cảm xúc, sức sáng tạo, cống hiến; là điều kiện để sản sinh ra những tác phẩm hay, ý nghĩa. Tuy nhiên không ở đâu có thứ tự do tuyệt đối, tự do vô chính phủ, tự do theo ý thích chủ quan cá nhân mà tự do luôn gắn liền với trách nhiệm và nghĩa vụ công dân, nó luôn bị chi phối, điều chỉnh bởi những “khế ước xã hội”, bởi những quy định, những ràng buộc trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng, với quốc gia, dân tộc. Bàn về mối quan hệ giữa nghệ thuật với hiện thực cuộc sống, với đời sống chính trị - xã hội, nhà văn Nga M. Sôlôkhốp từng nói: Chúng ta sáng tác theo mệnh lệnh của trái tim, nhưng trái tim chúng ta lại thuộc về Đảng, về nhân dân, về Tổ quốc.
Trong lịch sử và trong đời sống văn nghệ hiện nay vẫn có không ít nghệ sĩ, công chúng hiểu chưa sâu sắc, toàn diện về mối quan hệ biện chứng giữa nghệ thuật với cuộc sống, với chính trị nên đâu đó trong những phát ngôn, hành động gây hiểu lầm cho công chúng, gây nhiễu loạn đời sống nghệ thuật nước nhà. Một số nghệ sĩ đòi tách nghệ thuật ra khỏi đời sống chính trị bởi theo họ, chính trị gắn liền với kiểm soát, kiểm duyệt, cấm đoán, mệnh lệnh; người nghệ sĩ sáng tác theo định hướng của Đảng, Nhà nước sẽ bị triệt tiêu cảm hứng sáng tác, nghệ thuật sẽ trở thành công cụ cho tuyên truyền, minh họa; nghệ thuật sẽ trở nên đơn điệu một chiều, sáo rỗng, nhạt nhẽo, vô vị, nhất thời. Những quan điểm, luận điệu đó xuất hiện với tần suất lớn trên các trang mạng xã hội, facebook cá nhân, nhất là khi các cơ quan chức năng ra văn bản yêu cầu thẩm định, dừng xuất bản một số tác phẩm vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước, ngay lập tức trên một số diễn đàn, một số văn nghệ sĩ bất mãn lại tung ra những luận điệu lên án, phê phán, quy chụp các các cơ quan quản lý nhà nước là can thiệp thô bạo vào hoạt động sáng tạo nghệ thuật; việc thẩm định của các cơ quan là sai lầm, ngu dốt, không có kiến thức, chuyên môn về nghệ thuật; là vi phạm tự do dân chủ, nhân quyền; cấm đoán, đối xử tệ bạc, thiếu công bằng với nghệ sĩ… Những hiện tượng, vụ việc đó không ngừng xuất hiện, nhất là trong bối cảnh mạng xã hội, internet, truyền thông phát triển như hiện nay, gây hiểu lầm trong công chúng, làm nhiễu loạn thông tin, đánh lạc hướng dư luận, làm tổn hại đến uy tín, danh dự, hình ảnh, niềm tin giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Những hiện tượng đó cần được nhận diện, lên án và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.
Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về nghệ thuật
Trở lại với vụ việc liên quan đến cuộc triển lãm tác phẩm mỹ thuật về đề tài “Điện Biên Phủ” của họa sĩ Mai Duy Minh dự định khai mạc vào chiều ngày 7 tháng 5 nhân kỷ niệm 68 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Nhà Bảo tàng thuộc Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (số 42 Yết Kiêu, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Triển lãm đã được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cấp phép (Giấy phép số 133/GP-SVHTT, ngày 14/4/2022). Tuy nhiên trước những ý kiến trái chiều của dư luận, công chúng về một số hình ảnh, chi tiết có thể gây hiểu lầm ở một số bức vẽ (nhất là bức tranh sơn dầu có kích thước lớn, 190x490 cm, vẽ trên toan liền khổ về chủ đề chiến đấu và chiến thắng Điện Biên Phủ và bức tranh vẽ Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên chất liệu sơn dầu, kích thước 89x89cm), ngày 8 tháng 5, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội làm việc với tác giả, cơ quan quản lý địa điểm tổ chức và yêu cầu tạm dừng triểm lãm.
Mặc dù triển lãm chưa được khai mạc, chưa được tổ chức nhưng những thông tin bên lề sự kiện qua quá trình tương tác, lan tỏa, chia sẻ của cộng đồng mạng đã gây ra những phản ứng, tranh luận trái chiều. Có ý kiến cho rằng việc dừng triển lãm của các cơ quan chức năng là đúng vì một số hình ảnh, chi tiết trong tranh có thể gây hiểu lầm cho công chúng, người tiếp nhận về lịch sử, nhất là chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, về vị tướng huyền thoại của dân tộc. Tuy nhiên cũng có những ý kiến phản đối, chỉ trích, hạ thấp uy tín, danh dự, trình độ của cơ quan quản lý nhà nước. Một số ý kiến khác thì cực đoan, đòi tách nghệ thuật ra khỏi đời sống chính trị. Một số kênh truyền thông nước ngoài đưa tin sai lệch về sự kiện, cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước kiểm duyệt và can thiệp thô bạo vào đời sống nghệ thuật, xâm phạm quyền tự do, dân chủ của người nghệ sĩ.
Trước đó vào năm 2016, cuộc triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” (gồm 17 tác phẩm hội họa của 7 họa sỹ thuộc thế hệ Mỹ thuật Đông Dương) diễn ra tại tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (từ ngày 10 đến 21 tháng 7 năm 2016) do nhà sưu tầm cổ vật Vũ Xuân Chung tổ chức, cũng gây ra những tranh luận trái chiều trong dư luận. Sau khi dự triển lãm, nhiều họa sĩ, nhà nghiên cứu, công chúng phát hiện trong số 17 bức tranh, có nhiều bức là tranh giả, mạo danh chữ ký của các họa sỹ, vi phạm nghiêm trọng bản quyền tác giả, đánh lừa thị hiếu và niềm tin của công chúng, qua mặt các cơ quan chức năng.
Vào ngày 19 tháng 7 năm 2016, trước khi triển lãm kết thúc 2 ngày, Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cuộc họp nhằm đánh giá và thẩm định 17 tác phẩm trong triển lãm. Sau khi đánh giá, phân tích, Hội đồng kết luận: 15 bức tranh không phải bản vẽ do tác giả đứng tên thực hiện; 2 bức tranh trong Bộ sưu tập mạo danh chữ ký tác giả. Hội đồng kiến nghị tạm giữ tất cả 17 bức tranh để phục vụ công tác điều tra.
Từ những vụ việc liên quan đến triển lãm nghệ thuật thời gian qua, đặt ra nhiều vấn đề về tinh thần trách nhiệm và văn hóa ứng xử của người nghệ sĩ với công chúng, với quá khứ, lịch sử và nhất là với cái đẹp, cái thiện. Không thể nhân danh nghệ thuật để xuyên tạc, bôi nhọ, bóp méo sự thật lịch sử; xuyên tạc, giải thiêng hình tượng anh hùng dân tộc, tạo ra những cái nhìn sai lệch về truyền thống lịch sử - văn hóa và những hy sinh, cống hiến của ông cha; không thể mượn danh nghệ thuật để kinh doanh, thương mại, để trục lợi niềm tin và đánh lừa thị hiếu của công chúng.
Trong sáng tạo nghệ thuật, người nghệ sĩ có thể lựa chọn nhiều khuynh hướng, trường phái, có thể chọn nhiều chủ đề, đề tài, có thể viết về những mất mát, đau thương, mặt trái của chiến tranh, góc khuất của cuộc đời nhưng mục đích cuối cùng của nghệ thuật là phải tạo ra âm hưởng bi hùng, tráng lệ, thanh lọc tâm hồn, nâng đỡ con người, khơi dậy tinh thần lạc quan, niềm tin yêu cuộc sống.
Bên cạnh trách nhiệm, sứ mệnh của nghệ sĩ, những vụ việc liên quan đến triển lãm, trình diễn nghệ thuật thời gian qua cũng đặt ra nhiều vấn đề cho các cơ quan chức năng, các Hội nghệ thuật chuyên ngành, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình nghệ thuật trong việc quản lý, thẩm bình, đánh giá tác phẩm của nghệ sĩ trước khi công bố với công chúng. Tránh tình trạng bất nhất về quan điểm giữa các cơ quan chức năng; tránh việc vừa cấp phép lại đột ngột yêu cầu tạm dừng, gây khó khăn, bức xúc và những áp lực tâm lý cho người nghệ sĩ cũng như niềm mong đợi của công chúng yêu nghệ thuật.
Để thực thi tốt chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực nghệ thuật, các cơ quan ban ngành từ trung ương đến địa phương phải không ngừng đổi mới tư duy về nghệ thuật; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý; kịp thời tham mưu, tư vấn cho các cơ quan bộ ngành trong việc xây dựng, ban hành, bổ sung cơ chế, chính sách pháp luật về văn hóa nói chung và lĩnh vực nghệ thuật nói riêng. Không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, am hiểu sâu lĩnh vực quản lý, bám sát đời sống thực tiễn văn hóa, văn nghệ. Đặc biệt phải đi sâu vào đời sống sáng tác của văn nghệ sĩ để nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và những xu hướng nghệ thuật để khuyến khích, động viên nghệ sĩ. Đồng thời chấn chỉnh, ngăn chặn kịp thời những tư tưởng, quan điểm lệch lạc, phiến diện, cự đoan, sai lầm về nghệ thuật; những hành vi lợi dụng tự do dân chủ, tự do sáng tạo nghệ thuật để chống phá Đảng, Nhà nước, chính quyền, đi ngược lại lợi ích quốc gia dân tộc; các sáng tác giễu nhại, xuyên tạc, bóp méo lịch sử, hạ bệ và giải thiêng hình tượng các anh hùng dân tộc; những sáng tác có chiều hướng tô đậm mặt tiêu cực, đen tối của cuộc sống…
Trong bối cảnh internet, mạng xã hội không ngừng phát triển với số người dùng, tương tác trên không gian mạng ngày càng gia tăng, mỗi một tác phẩm ra đời, mỗi lời nói, hành động của người nghệ sĩ lớn đều tác động, ảnh hưởng lớn đến nhận thức, hành động của công chúng. Trên không gian mạng, bên cạnh những tác phẩm hay, có ý nghĩa, giá trị, là vô vàn những xuất bản phẩm có nội dung xấu, độc. Điều đó đòi hỏi mỗi nghệ sĩ cần ý thức sâu sắc về thiên chức, trách nhiệm của cá nhân để viết lên những tác phẩm hay, có ý nghĩa và tinh thần thời đại, định hướng cảm xúc, lý tưởng, khát vọng của con người, nhất là giới trẻ đến với những giá trị nhân văn, những hành vi ứng xử tiến bộ, văn minh. Đồng thời các các cơ quan quản lý cần chủ động, tích cực, đồng hành với người nghệ sĩ, kiến tạo môi trường sáng tạo, thực hành và thụ hưởng nghệ thuật lành mạnh, khoa học, nhân văn, góp phần xây dựng, hình thành nhân cách những con người mới, từ đó có nhiều đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay.
N.H.P