Cách đây hơn 70 năm, tác phẩm “Đề cương văn hóa Việt Nam” - một văn kiện quan trọng của Đảng do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo, đã khẳng định, cùng với kinh tế, chính trị, văn hóa là một trong ba mặt trận quan trọng trong sự nghiệp phát triển đất nước. Tinh thần đó đã được làm nổi bật hơn trong câu nói giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (tháng 11/1946): “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Tư tưởng đó đã trở thành “kim chỉ nam” định hướng đường lối phát triển văn hóa của Đảng ta.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nền văn hóa cách mạng đã đâm chồi, nảy lộc trên mảnh đất của khao khát hòa bình, độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Văn hóa cách mạng đã đi vào mọi lĩnh vực của đời sống tinh thần xã hội, thổi bùng khát vọng của mọi thế hệ người Việt Nam, để rồi đã sản sinh ra nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của “thời hoa lửa”, điển hình là văn hóa chính trị, văn hóa quân sự, văn hóa ngoại giao. Những giá trị văn hóa đó đã kết tinh trong các sáng tác văn học, nghệ thuật và để lại những áng văn thơ hào hùng, bất hủ, những bài ca đi cùng năm tháng.
Nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ảnh: Nguồn Internet
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, cùng với việc bắt tay vào công cuộc cải tạo, xây dựng đất nước, Đảng ta đã quan tâm lãnh đạo xây dựng nền văn hóa mới, con người mới, nhằm tạo ra một cuộc sống xã hội ngày càng tốt đẹp, phồn vinh. Công cuộc đổi mới đất nước mở ra, cùng với nhận thức ngày càng đầy đủ về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, tư duy lý luận của Đảng về văn hóa có bước phát triển mới. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991), các nghị quyết của Đảng từ Đại hội III đến Đại hội VIII, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đều khẳng định vị trí của văn hóa “là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”[1]; đồng thời chỉ rõ, phải “làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người,…”[2]. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) nhấn mạnh: làm cho văn hóa “trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”[3]. Chiến lược phát triển quan trọng về văn hóa ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, ở đó có sự thống nhất biện chứng giữa yêu cầu đạt tới trình độ tiên tiến của văn hóa thế giới với những nét đặc sắc của giá trị, truyền thống văn hóa Việt Nam.
Sự đổi mới tư duy lý luận của Đảng về văn hóa đi liền với những chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời đã góp phần tạo nên sức sống, diện mạo mới cho văn hóa Việt Nam. Nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về vai trò của văn hóa trong công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc được nâng lên rõ rệt. Đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng được cải thiện; nhiều giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được phát huy; nhiều chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành. Hình thức, hoạt động văn hóa được đa dạng hóa; xã hội hóa trên lĩnh vực văn hóa được mở rộng; nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị, trong đó nhiều di sản được thế giới công nhận là di sản của nhân loại. Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và văn hóa tâm linh được quan tâm; quyền tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ, quyền tiếp cận thông tin, tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân được thể hiện trên thực tế. Lĩnh vực văn học nghệ thuật, thông tin đại chúng phát triển mạnh mẽ. Công tác nghiên cứu lý luận về văn hóa và phát triển được đẩy mạnh; công tác đào tạo cán bộ, nhân viên, tài năng văn hóa nghệ thuật được quan tâm; đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn học nghệ thuật có bước trưởng thành; giao lưu và hợp tác quốc tế về văn hóa được mở rộng,... Nhìn chung, văn hóa đã bước đầu khẳng định vị trí là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn những tiêu cực, tệ nạn xã hội do mặt trái của kinh tế thị trường tạo nên; đồng thời, góp phần xây dựng và phát triển con người với tính cách là “trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”.
Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn dân chủ và khoa học. Ảnh: Nguồn Internet
Tuy nhiên, so với mục tiêu, yêu cầu đề ra và so với những thành tựu trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại cũng như tiềm năng, nguồn lực vốn có của dân tộc, sự phát triển về văn hóa của đất nước trong những năm đổi mới vừa qua chưa thực sự tương xứng. Đời sống văn hóa tinh thần ở nhiều nơi còn nghèo nàn, đơn điệu; khoảng cách văn hóa giữa các vùng, miền chưa được cải thiện đáng kể; tình trạng chạy theo thị hiếu tầm thường, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc có chiều hướng gia tăng. Lĩnh vực sáng tạo văn học nghệ thuật thiếu những tác phẩm nổi bật về chất lượng cũng như giá trị nghệ thuật; việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị tinh thần của các công trình văn hóa, tâm linh có những phát triển lệch lạc, biến tướng, khuynh hướng thương mại hóa khá phổ biến. Giáo dục - đào tạo chậm được đổi mới, nặng về “dạy chữ”, nhẹ về “dạy người”. Quản lý nhà nước về văn hóa trên nhiều lĩnh vực bị buông lỏng; các nguồn lực đầu tư cho văn hóa chưa được quan tâm phát huy; tiêu cực, tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng diễn biến phức tạp... Nhìn chung, văn hóa chưa thực sự trở thành mục tiêu và động lực của sự phát triển đất nước; chưa thâm nhập vào mọi lĩnh vực với tư cách là công cụ, phương tiện của đổi mới, sáng tạo và đặc biệt là chưa làm tốt chức năng hun đúc bản lĩnh, tâm hồn, trí tuệ của con người Việt Nam để làm nên sức mạnh tinh thần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Những hạn chế đó vừa là thách thức song cũng đồng thời là động lực để Đảng ta tiếp tục xây dựng, hoàn thiện quan điểm, đường lối về phát triển văn hóa, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, là sức mạnh nội sinh quan trọng của sự phát triển đất nước.
Trước làn sóng hội nhập quốc tế về văn hóa trong thời đại mới, nền văn hóa Việt Nam, với tư cách là sức mạnh mềm quốc gia, sẽ phải được khẳng định trong quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa trên phạm vi toàn cầu. Đó là thách thức không nhỏ của con thuyền văn hóa dân tộc trước biển lớn đa phương. Cùng với những giá trị văn hóa, con người Việt Nam không ngừng được bồi đắp và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử, chúng ta kiên định một niềm tin rằng dưới sự chèo lái của Đảng, nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc Việt Nam, sẽ giương cao cánh buồm thời đại, vững vàng tiến ra biển lớn.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (1998), Văn kiện Hội nghị lần thứ năm BCH Trung ương khóa XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.55.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (1998), Văn kiện Hội nghị lần thứ năm BCH Trung ương khóa XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.55.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.75-76.
Hà Thủy