Cù Lao Chàm là cụm đảo thuộc Hội An, Quảng Nam, không chỉ nổi tiếng là điểm du lịch sinh thái tự nhiên gắn liền với cảnh quan hùng vĩ, mà còn được biết đến với những giá trị văn hóa mang đậm hương vị biển đảo. Một trong só đó là văn hóa dân gian được hình thành, bồi đắp qua quá trình phát triển hàng ngàn năm lịch sử, đến nay vẫn còn lưu giữ và trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Cù Lao Chàm mang đậm nét đặc sắc của văn hóa biển đảo. Ảnh: Internet
Nếp sống trọng tình, trọn nghĩa
Nếp sống của cư dân Cù Lao Chàm là một bộ phận di sản văn hoá phi vật thể có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc định hình nên những giá trị riêng về văn hoá của vùng đảo và con người nơi đây. Nếp sống này vừa mang những nét truyền thống chung của dân tộc cũng như của cư dân vùng biển nước ta, vừa có những biểu hiện, sắc thái riêng gắn với môi trường biển - đảo ven bờ và điều kiện phát triển dân cư ở đảo Cù lao Chàm. Biểu hiện rõ nét của nếp sống này là tính thích ứng linh hoạt trong suy nghĩ, hành động, là lối sống trọng nghĩa tình, lối giao tiếp, ứng xử thẳng thắn, bộc trực, là tinh thần trượng nghĩa, sẵn sàng xả thân để cứu giúp người khác trong lúc nguy nan, khốn khó. Người dân ở đây sống với nhau rất có nghĩa, có tình, họ sẵn sàng chia sẻ cho nhau những mẻ cá hiếm hoi trong những ngày trời động, sẵn sàng xả thân để cứu giúp nhau và cứu giúp người khác trong những lúc hiểm nguy bế tắc. Vùng đảo này từng chứng kiến nhiều trường hợp trong cơn bão to sóng lớn, những lèo lái con thuyền vật lộn với sóng bão để cứu vớt những người bị bão cuốn trôi, đã không ngại sóng gió, đêm tối sẵn sàng chở những người bệnh nặng, những ca trở dạ kịp thời vào đất liền... Chính nếp sống giàu tính nhân văn này đã lý giải vì sao trước đây vào thế kỷ XVII, XVIII nhiều thương nhân nước ngoài như Triều Tiên, Nhật Bản, Trung Hoa bị đắm thuyền tấp vào Cù Lao Chàm đã được cư dân ở đây cứu giúp, cho ăn uống và tạo điều kiện trở về nước an toàn.
Ngữ âm “mặn” hương vị biển, đảo
Về ngữ âm dân gian, ai đó mới lần đầu tiếp xúc với những người dân xứ đảo Cù Lao Chàm sẽ cảm thấy khó nghe do cách phát âm khá nặng của họ. Giữa thanh hỏi và thanh nặng dường như có sự chuyển hoá lẫn nhau, “củi” biến thành “cụi” và ngược lại. Mới nghe, tưởng chừng như là tiếng nói của những người gốc vùng Thanh - Nghệ Tĩnh. Có lẽ là do cụm đảo ngăn cách với đất liền, điều kiện giao lưu về lời ăn tiếng nói hẹp, nên ở đây vẫn còn sử dụng những từ địa phương mà không phải ai mới nghe cũng có thể hiểu ngay được như “kìn” có nghĩa là uống (nước), “ót” là bó (củi), “cồn”, “lừa”, “tố” là những từ chỉ cấp độ sóng gió, “cấu” là gạo, “rào” là nước.... Sự bảo lưu mạnh mẽ những yếu tố gốc về ngữ âm, từ vựng dân gian nói riêng cũng như lời ăn tiếng nói địa phương nói chung là một đặc điểm của ngôn ngữ dân gian ở Cù Lao Chàm.
Kho tàng thơ ca phong phú, chân tình mộc mạc
Thơ ca dân gian là một trong những mảng lớn của đời sống tinh thần hết sức phong phú của cư dân hải đảo Cù Lao Chàm. Tuy chưa được sưu tầm, tập hợp đầy đủ nhưng kết quả thu được bước đầu cho thấy trữ lượng của chúng rất lớn. Trải qua nhiều thế hệ cư dân, họ sáng tác và lưu truyền nhiều câu ca dao, tục ngữ, hò vè, tạo nên một kho tàng văn học dân gian hết sức phong phú và sinh động. Thể hiện và phản ánh được cuộc sống cư dân hải đảo về những kinh nghiệm xã hội, kinh nghiệm ngành nghề, về tâm tư tình cảm của những người dân hải đảo “ăn sóng nói gió” nhưng rất đỗi mộc mạc, chân tình. Chúng ta bắt gặp ở đây những sáng tác dân gian rất chân thực nhưng cũng rất hình tượng, cô đọng mà không phải bất cứ một sáng tác chuyên nghiệp nào cũng có thể có được:
“Ra Lao đốn Lụi thật Dài
Chờ cho Khô, Lá xuống Tai cực Nồm”.
Hay câu ca dao cửa miệng mà dường như cư dân trên đảo Cù Lao Chàm ai cũng nhớ và thuộc làu đó là:
Cù Lao cơm gắm mắm cà
Trầu rừng cau rễ anh đà thấy chưa?
Thật là chất phác chân quê nhưng cũng hết sức sinh động. Hình ảnh “cơm gắm mắm cà” phản ánh cuộc sống khó khăn vất vả, không đủ cơm gạo để ăn, họ phải đi hái trái “Gắm” trên rừng về phơi khô lấy hạt, rồi đem nấu độn với cơm để ăn, nó thực sự quý trọng trong những ngày mưa bão thiếu thốn. Còn “mắm cà” đó là thứ đồ ăn với cơm hằng ngày của cư dân hải đảo và cũng là món ăn thường xuyên, truyền thống, có thể gọi là một trong những “đặc sản” của người dân nơi đây. Trầu với cau từ đất liền có lúc không đưa ra được do sự cách trở xa xôi, nên họ phải lấy lá cây trên rừng làm trầu và đào rễ cây phơi khô làm cau. Mặc dầu vậy nhưng ở đây cũng bảo tồn được nét đẹp trong văn hoá ẩm thực người Việt Nam. Thực là thế, nhưng đằng sau đó với nghĩa bóng của nó còn cho ta cách hiểu khác. Theo các cụ già trong làng, ngày xưa nếu ai đến kén rể, làm dâu trên đảo Cù Lao Chàm này thì phải thấu hiểu cho được câu ca dao này. Phải thấy được và chấp nhận cuộc sống vất vả khó khăn, luôn luôn thiếu thốn vật chất nhưng đời sống tinh thần thì rất phong phú và cởi mở. Hay:
“Lấy anh làm ruộng thì nghèo
Lấy anh nghề cá hồn treo cọc buồm”
Nó phản ánh được những khó khăn cực nhọc và hiểm nguy của cuộc sống cư dân nghề cá miền biển nói chung, Cù Lao Chàm nói riêng. Họ luôn luôn phải đối mặt với cái chết mỗi khi mưa to gió lớn tràn về. Đặc biệt ngày xưa các thiết bị máy móc, dự báo thời tiết chưa có hoặc còn hết sức thô sơ, họ chủ yếu dự đoán theo những kinh nghiệm lâu năm. Do vậy rất nhiều ngư dân xấu số phải để lại số phận của mình chìm trong biển cả. Vừa phản ánh tự nhiên, vừa phản ánh con người lưu trú trên Hòn Lao – Cù Lao Chàm, nhân dân còn lưu truyền với nhau câu ca dao: “Cù Lao có trước không sau” . Thực tế cho thấy, cư dân chỉ ở mặt trước của Hòn Lao – nhìn từ hướng đất liền ra đảo. Còn phía sau là đồi núi và biển cả dưới chân không có dân cư sinh sống. Do đó mà dân gian gọi là “có trước không sau”. Nhưng theo cách hiểu và giải thích của một số người nữa đó là: Khi trước người dân mới từ đất liền làm ăn sinh sống thì nghề đánh cá đem lại cuộc sống no đủ và giàu có cho ngư dân. Nhưng càng về sau thì nghề cá không còn thịnh đạt như trước nên phải chuyển sang nghề khác. Cù Lao Chàm gồm 8 hòn đảo lớn nhỏ mang tên gọi khác nhau, và được nhân dân thể hiện gọn gàng và trơn tru trong một câu ca dao cũng hết sức quen thuộc:
Hòn Lao, Hòn Lụi, Hòn Dài
Hòn Khô, Hòn Lá, Hòn Tai, Hòn Nồm
Không chỉ hiện thực mà đời sống tâm linh, họ cũng hết sức coi trọng và dường như rất linh thiêng. Ngày xưa do đường sá chưa được xây dựng mở mang, nên họ đi từ dưới Bãi Hương về Làng phải đi theo men biển, bước trên những hòn đá chông chênh khập khiễng, nếu không khéo trượt ngã là chuyện bình thường. Lại phải đi qua một khúc eo rất hẻo lánh, mà người dân gọi là “eo ông Thê”. Mỗi lúc qua đây, nhất là buối sớm mai hoặc chập choạng chiều tối thường bị mấy con khỉ ở trên núi xuống nhát người đi đường. Do đó họ rất sợ khi đi qua đoạn đường này. Từ đó, trên đảo Cù Lao Chàm thường tương truyền với nhau câu nói:
Trời mưa không dám về làng
Sợ truông Bãi Xếp sợ đường Ông Thê.
Mỗi xóm trên đảo Cù Lao Chàm đều có Len xóm riêng để thờ cúng các vị thần linh. Lúc đầu họ thờ 6 vị thần nhưng về sau chỉ còn thờ có 5 vị đó là: Thổ, Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả. Hỏi tại sao như vậy thì một số người dân ở đây trả lời bằng câu ca dao:
Chồng con chi nữa rườm rà
Vai mang chuỗi hạt áo đà đi tu.
Dí dỏm và hình ảnh hơn với câu ca dao quen thuộc của dân đảo Cù Lao Chàm thể hiện qua hệ tình cảm nam nữ với nhau nơi đây:
Ra Lao ghé lại bãi Làng
Hỏi thăm Hưng Lệ Dấu nàng lớn chưa
Anh hỏi thì em xin thưa
Dấu nàng đã lớn nhưng chưa ai vào.
Một lời hỏi thật khôn khéo nhẹ nhàng từ chàng trai lần đầu tiên gặp cô gái hải đảo, “dấu nàng lớn chưa”? Đáp lại, lời của cô gái cũng không kém phần tinh tế và sắc sảo, thể hiện sự mời gọi hết sức quyến rũ, đó là “dấu nàng đã lớn nhưng chưa ai vào”. Dường như cô gái đang chờ đợi một cái gì đó, phải chăng là một thứ tình cảm?
Không chỉ có ca dao dân ca mà văn hoá văn nghệ còn được thể hiện qua những làn điệu hò - còn gọi là hò chài:
Ngư dân nhờ biển xưa nay
Chim trời cá nước đêm ngày bủa giăng
Tối trời cũng như lúc tối trăng
Vượt lên sóng gió khó khăn chẳng sờn
Biển nuôi ta đến lớn khôn
Ngư dân nhờ biển như chim non nhờ trời.
Hay những lúc khó khăn lâm nguy, họ thoát lên những ước mơ từ đáy lòng, nhưng không phải lúc nào cũng thỏa nguyện:
Ước gì ta có cánh chim
Bay về hải đảo đi tìm vợ con
Ước mơ nay đã không còn
Xuôi tay nhắm mắt cho làng tiễn đưa!
Có thể nói, cư dân Cù Lao Chàm đã sáng tác và lưu truyền thứ văn hóa dân gian rất phong phú đa dạng, miêu tả và phản ánh đời sống tường tận của mình. Đây là một trong những mảng lớn về đời sống tinh thần quý giá của cư dân hải đảo.
Hòa Phạm