Cúng rằm tháng Bảy là một trong những hoạt động tín ngưỡng quan trọng trong văn hóa truyền thống của người Tày ở Bắc Kạn. Ngày này được gọi là Tết Pây Tái, là ngày thể hiện lòng hiếu đạo, khắc ghi công ơn sinh thành của cha mẹ, tưởng nhớ về ông bà, tổ tiên và những người đã khuất.
Những người phụ nữ cùng chồng mang cỗ về biếu nhà ngoại trong ngày Tết Pây Tái. Ảnh: Nguồn Internet
Bắc Kạn là một tỉnh miền núi thuộc khu vực phía Bắc của Tổ quốc có 7 tộc người cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm gần 90%. Dân tộc Tày chiếm hơn 50% dân số, với văn hóa phong phú, đa dạng do có sự giao lưu với nhiều dân tộc khác nhau. Tết Pây Tái phản ánh một đặc trưng rất độc đáo của người Tày nơi đây. Theo phong tục người Tày, sau khi xuất giá, người phụ nữ quanh năm phải cùng chồng con quán xuyến chăm lo công việc nhà chồng, chú tâm hương khói thờ phụng ông bà, tổ tiên nhà chồng. Do đó, hằng năm, vào ngày mùng 2 Tết cổ truyền và ngày rằm tháng Bảy, người phụ nữ Tày phải về nhà ngoại để phụng dưỡng ơn sinh thành của cha mẹ và sửa soạn lễ cúng tạ ơn ông bà, tổ tiên. Vào ngày rằm tháng Bảy, mâm cỗ cúng tổ tiên bao gồm các món ăn truyền thống như xôi, thịt gà, bánh gai, canh măng, hoa quả… và một món ăn không thể thiếu đó là thịt vịt. Theo truyền thuyết của người Tày Nùng, con vịt là con vật linh thiêng đóng vai trò là sứ giả của Mường trần gian với Mường trời. Con vịt đã có công cõng gà trống vượt biển cống sứ Mường trời vào ngày rằm tháng Bảy để cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu cho người nông dân đang sinh sống ở mường trần gian. Lễ cúng vịt của người Tày Bắc Kạn vì thế trở thành một nghi thức quan trọng. Các con cháu khi về thăm nhà thường không thể thiếu một đôi vịt làm quà biếu cha mẹ, ông bà .
Trải qua bao thế hệ, đến nay người Tày Bắc Kạn vẫn duy trì tục lệ “Pây Tái”. Hằng năm đến ngày 14, 15 tháng Bảy âm lịch, vợ chồng, các con cháu dù làm ăn ở nơi xa đều về nhà ngoại thăm bố mẹ, ông bà tổ tiên. Đây là một nét đẹp văn hóa của người Tày Bắc Kạn nói riêng và dân tộc Tày, Nùng ở các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung. Sự trở về gia đình chung và sửa soạn mâm cơm cúng tổ tiên vào ngày rằm tháng Bảy không chỉ thể hiện lòng hiếu đạo, ghi nhớ ơn nghĩa sinh thành, dưỡng dục đối với cha mẹ của những thế hệ người phụ nữ Tày mà còn phản ánh truyền thống “uống nước nhớ nguồn” nói chung của người Việt Nam. Mâm cơm sum họp trong ngày trở về chính là sự gắn kết tình thân ái gia đình của người Tày, cao hơn nữa là tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng, làng xã, đất nước.
Tháng Bảy âm lịch cũng là thời điểm bà con nơi đây đã thu hoạch xong vụ chiêm, cấy xong vụ mùa. Sau thời gian làm việc, lao động vất vả, lúc nông nhàn thảnh thơi, đồng bào dân tộc Tày Bắc Kạn lại cùng nhau chúc mừng một mùa bội thu. Họ làm mâm cỗ cúng rằm, thắp hương mời anh linh tổ tiên về chứng kiến và phù hộ cho trời yên, bể lặng, mưa thuận gió hòa, cây cối sinh trưởng tốt tươi để mùa sau lại được no ấm. Từ những phong tục đầy tính nhân văn ấy, ta lại thấy tình cảm gia đình vẫn luôn là điều thiêng liêng nhất, luôn được phản ánh và hòa quyện với cuộc sống lao động, sản xuất và tâm linh của mỗi cộng đồng, mỗi tộc người trong đất nước Việt Nam.
Việt Hòa