Đêm 24 rạng ngày 25/8/1945, cuộc khởi nghĩa ở Sài Gòn diễn ra và nhanh chóng giành thắng lợi. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám ở Sài Gòn là kết quả của một quá trình chuẩn bị lâu dài, vừa tuân thủ chủ trương, đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc của Trung ương Đảng, vừa có với sự lãnh đạo chủ động, sáng tạo của các tổ chức Đảng ở địa phương
Chủ động chuẩn bị lực lượng cách mạng trong tình thế thúc bách
Sau khi Chiến tranh thế giới thứ II nổ ra, trước những chuyển biến mau lẹ của tình hình thế giới và trong nước, trước sự tồn vong của dân tộc, Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định "thay đổi chiến lược"[1], đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng trước tiên đầu của cách mạng Đông Dương. Đảng chủ trương đoàn kết hết thảy tầng lớp nhân dân vào Mặt trận Việt Minh để chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, chớp thời cơ giành chính quyền trong cả nước.
Chủ trương cứu nước của Đảng đã đặt các cấp bộ Đảng và nhân dân Nam Kỳ cũng như nhân dân Sài Gòn, những yêu cầu mới, thúc bách, trong hoàn cảnh rất khó khăn sau thất bại của khởi nghĩa Nam Kỳ, hàng nghìn cán bộ, đảng viên và quần chúng yêu nước còn bị giam giữ trong các nhà tù thực dân, liên lạc với Trung ương bị gián đoạn.
Năm 1943, Xứ ủy Nam Kỳ được lập lại, một trong những quyết định quan trọng đầu tiên của Xứ ủy là phải khẩn trương chuẩn bị lực lượng đón thời cơ khởi nghĩa, “Nam Kỳ không được vắng mặt trong cuộc khởi nghĩa toàn quốc”.
Để thực hiện chủ trương đó, căn cứ đặc điểm ở Nam Kỳ, Xứ ủy Nam Kỳ quyết định tập trung lãnh đạo khôi phục các tổ chức đảng, xây dựng lực lượng cách mạng mà nòng cốt là đoàn viên công đoàn ở Sài Gòn – thủ phủ của Nam Kỳ.
Dưới sự hoạt động tích cực của các cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng, phong trào đấu tranh yêu nước và lực lượng cách mạng ở Sài Gòn có bước phát triển ngày càng mạnh mẽ. Bên cạnh những đoàn thể cứu quốc của Mặt trận Việt Minh xuất hiện ở vùng ven Sài Gòn, Chợ Lớn, từ mùa hè năm 1942, một số sinh viên thuộc Tổng hội sinh viên Đông Dương ở Hà Nội trở về tiến hành các buổi diễn thuyết về “cách mạng quốc gia” ở SAMIPIC (Trụ sở Hội Nam Kỳ đức trí thể dục); tổ chức các buổi diễn kịch ở Nhà hát thành phố. Học sinh, sinh viên ở Sài Gòn tổ chức các buổi dạ hội, hát vang bài hát ‘Tiếng gọi sinh viên” do Lưu Hữu Phước vừa sáng tác; tổ chức nói chuyện về Trần Hưng Đạo đại phá quân Nguyên. Phong trào này là một trong những cơ sở để sau này Xứ uỷ Nam Kỳ tập hợp và lãnh đạo các đoàn thể quần chúng ở Sài Gòn-Chợ Lớn.
Trong những năm 194319-44, Xứ uỷ Nam Kỳ từng bước nắm lấy phong trào thanh niên, học sinh ở Sài Gòn. Các đồng chí đã chọn những trí thức tiến bộ có tên tuổi để tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, qua họ thu hút trí thức, học sinh, sinh viên vào hàng ngũ cách mạng, chọn lọc quần chúng ưu tú kết nạp Đảng. Những tư tưởng và đường lối cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng đã bám rễ và lan toả trong các tầng lớp trí thức, thanh niên, sinh viên, học sinh, ở Sài Gòn và Nam Kỳ tham gia hàng ngũ cách mạng.
Đặc biệt, sau ngày Nhật đảo chính Pháp, Xứ ủy Nam Kỳ đã “tương kế tựu kế”, thành lập phong trào Thanh niên Tiền Phong để tập hợp lực lượng chuẩn bị khởi nghĩa.
Một buổi phô trương lực lượng của Thanh niên Tiền Phong (Ảnh tư liệu)
Sau một thời gian tích cực chuẩn bị, ngày 1/6/1945, Thanh niên Tiền Phong chính thức ra mắt nhân dân tại Sài Gòn; trụ sở ở số 14 đường Charner. Thanh niên Tiền Phong chức theo hình thức hướng đạo; Đoàn kỳ hình chữ nhật, nền mầu vàng, ở giữa có ngôi sao năm cánh màu đỏ; Đoàn ca là bài Lên Đàng; đồng phục là sơ mi trắng cộc tay, quần soóc xanh, mũ bàng rộng vành, dép cao su quai chéo; chào nhau bằng khẩu hiệu Thanh niên tiến và giơ tay trái lên ngang vai; vũ khí gồm dao găm và cuộn dây thừng đeo ở thắt lưng; cơ quan ngôn luận là báo Tiến, ra hằng tuần.
Ngày 1/7/1945, Thanh niên Tiền Phong tổ chức lễ tuyên thệ tại Sài Gòn với lời thể phụng sự Tổ quốc, phục sự nhân dân; kêu gọi thanh niên gia nhập hàng ngũ.
Chỉ trong một thời gian ngắn, phong trào Thanh niên Tiền Phong phát triển rất mạnh mẽ, thu hút mọi tầng lớp, lứa tuổi, giới tính vào tổ chức. Bắt đầu từ nội thành Sài Gòn, phong trào lan ra các vùng ngoại ô, rồi nhanh chóng lan ra hầu hết các tỉnh Nam Kỳ. Công đoàn bí mật và các hình thức biến tướng trở thành nòng cốt cho phong trào Thanh niên Tiền Phong.
Nắm bắt phong trào công khai này, Xứ uỷ Nam Kỳ mở rộng và phát triển đội ngũ công đoàn bằng cách tổ chức các công đoàn công khai mang tên Thanh niên Tiền Phong Ban xí nghiệp. Tổ chức công đoàn đã phát triển rất mau lẹ. Đến hết tháng 7, đầu tháng 8/1945, hầu hết các xí nghiệp lớn ở Sài Gòn-Chợ Lớn đều có cơ sở của Thanh niên Tiền Phong. Với sự lớn mạnh nhanh chóng về lực lượng, Thanh niên Tiền Phong hoạt động sôi nổi: tổ chức huấn luyện chính trị, huấn luyện quân sự, truyền bá quốc ngữ, tổ chức ca hát, canh gác, giữ gìn trật tự, cứu tế cho miền Bắc...
Sự ra đời và hoạt động đầy hiệu quả của Thanh niên Tiền Phong đã chứng tỏ Xứ uỷ Nam Kỳ đã “bắt đúng mạch” phong trào cách mạng, đáp ứng đúng nguyện vọng của nhân dân, có tư duy chính trị nhạy bén và có uy tín lớn trong nhân dân. Thanh niên Tiền Phong chính là lực lượng cách mạng hùng hậu nhất ở Nam Bộ, Sài Gòn, có thanh thế áp đảo trong những ngày tiến tới Tổng khởi nghĩa tháng Tám-1945[2].
Ngày 22/8/1945, Ban Trung ương Thanh niên Tiền Phong ra tuyên bố đứng trong Mặt trận Việt Minh và tranh đấu với ba khẩu hiệu: “Việt Nam độc lập”, “Chính phủ dân chủ cộng hòa” và “Chính quyền về Việt Minh”.
Khởi nghĩa giành chính quyền với phương phương pháp sáng tạo
Ngay khi nhận được tin Nhật đầu hàng, mặc dù chưa nhận được lệnh của Trung ương, ngày 15/8/1845, Xứ uỷ Nam Kỳ thành lập Uỷ ban khởi nghĩa, đặt trụ sở tại đường Colomber (Sài Gòn).
Tối 16/8/1945, Xứ uỷ triệu tập hội nghị mở rộng tại Chợ Đệm (tỉnh Chợ Lớn) bàn về vấn đề khởi nghĩa.
Để bảo đảm cuộc khởi nghĩa chắc chắn thành công, Hội nghị quyết định: xúc tiến việc hoàn thiện chuẩn bị khởi nghĩa, đưa Việt Minh ra công khai; được tin Hà Nội khởi nghĩa thì quyết định ngày khởi nghĩa ở Sài Gòn và chỉ định Uỷ ban hành chính lâm thời Nam Bộ[3].
Sau hội nghị mở rộng, công việc chuẩn bị khởi nghĩa được tiến hành rất khẩn trương. Số lượng các đội Công đoàn xung phong và Thanh niên xung phong được tăng cường.
Sáng ngày 19/8/1945, 70.000 Thanh niên Tiền phong tổ chức buổi tuyên thệ lần thứ hai tại vườn Ông Thượng để biểu dương lực lượng.
Chiều tối 19/8/1945, Việt Minh tổ chức ra công khai rạp hát Nguyễn Văn Hảo, trình bày chương trình hành động, diễn thuyết, hô hào quần chúng đứng lên giành độc lập dưới cờ Việt Minh[4]. Mấy vạn quần chúng đến dự đứng chen chúc trước rạp hát, đầy đường Galliéni và quảng trường Cumiac, nhiệt liệt ủng hộ. Cờ Việt Minh, cờ Đảng xuất hiện ở nhiều nơi.
Nhân dân Sài Gòn khởi nghĩa thắng lợi ngày 25/8/1945 (Ảnh tư liệu)
Ngày 20/8/1945, tin khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội truyền vào như một luồng điện làm rung chuyển cả thành phố Sài Gòn[5].
Sáng 21/8/1945, trong khi hàng chục xe loa cắm cờ đỏ sao vàng chạy khắp thành phố Sài Gòn thì hội nghị mở rộng Xứ uỷ Nam Kỳ lại được triệu tập tại Chợ Đệm để định ngày giờ phát lệnh khởi nghĩa và chỉ định Uỷ ban hành chính lâm thời Nam Bộ.
Trên tinh thần cẩn trọng và trách nhiệm cao trước vận mệnh của phong trào cách mạng và tính mạng của nhân dân, Hội nghị quyết định trước khi tiến hành khởi nghĩa ở Sài Gòn, cho Tân An khởi nghĩa thí điểm trong đêm 22 rạng ngày 23/8/1945 để thăm dò phản ứng của Nhật.
Sáng 23/8, được tin Tân An đã khởi nghĩa thành công nhanh gọn, quân đội Nhật án binh bất động, hội nghị Xứ uỷ mở rộng họp quyết định: “Tối 24 phát động khởi nghĩa giành chính quyền và ngày 25 huy động chừng một triệu nhân dân nội thành và nông dân các tỉnh lân cận chủ yếu là Gia Định, Chợ Lớn, có cả Tân An, Biên Hoà, Thủ Dầu Một và đoàn của các tỉnh lên dự để rút kinh nghiệm và lãnh chỉ thị mới, tất cả làm tổng biểu tình vũ trang xem như hoàn thành việc giành chính quyền ở thủ phủ miền Nam”[6].
Đúng kế hoạch đã định, từ 20 giờ ngày 24/8/1945, các đội Thanh niên Tiền phong xung kích gồm hàng nghìn đội viên ưu tú, đa số là đoàn viên Tổng công đoàn mà nòng cốt là các đảng viên cộng sản, triển khai lực lượng đánh chiếm các cơ sở trọng yếu trong thành phố.
Đến 22 giờ ngày 24/8/1945, bộ máy cai trị của chính quyền thân Nhật trong thành phố đã về tay cách mạng, trừ dinh Toàn quyền, cảng hải quân, Đông Dương ngân hàng, sân bay Tân Sơn Nhất vì Nhật không chịu nhượng bộ. Khâm sai Nguyễn Văn Sâm bị bắt tại Dinh Khâm sai lúc 22 giờ cùng ngày.
Cũng từ nửa đêm 24/8, hàng chục vạn quần chúng từ các vùng ngoại thành Bà Điểm, Hóc Môn, Bình Đông, Bình Xuyên, Chợ Đệm... từ các tỉnh Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, Biên Hoà, Thủ Dầu Một, Mỹ Tho, với băng cờ, gậy gộc, dao găm, dáo, mác, súng... ồ ạt tiến vào thành phố Sài Gòn. Cả thành phố vang lên những tiếng hát, tiếng hô khẩu hiệu:"Đả đảo Khâm sai Nguyễn Văn Sâm", "Chính quyền về tay Việt Minh", "Việt Nam độc lập muôn năm"...
Rạng sáng ngày 25/8/1945, một cuộc biểu tình tuần hành vĩ đại của quần chúng diễn ra trên thành phố Sài Gòn. Tại Dinh Đốc lý thành phố, được Xứ ủy Nam Kỳ chọn làm trụ sở của chính quyền cách mạng, danh sách Uỷ ban Hành chính lâm thời Nam Bộ được công bố trước nhân dân. Cuộc khởi nghĩa ở Sài Gòn thành công rực rỡ, thúc đẩy các tỉnh ở Nam Bộ nổi dậy giành chính quyền.
Hiện thực khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn thể hiện rõ sự chủ động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm, nghệ thuật nắm bắt thời cơ của những người cộng sản và quần chúng yêu nước, cách mạng ở Nam Kỳ, ở Sài Gòn trong sự phối hợp với cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi cả nước.
Trần Đoàn
[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.118.
[2] Về số lượng Thanh niên Tiền Phong, các tài liệu phản ánh không thống nhất. Có tài liệu viết, đến tháng 8/1945 số lượng đoàn viên Thanh niên Tiền Phong toàn Nam Kỳ lên tới 1.200.000 người.
[3] Trần Văn Giàu: Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám, Nxb. TP Hồ Chí Minh,1993, tr.713; Trần Văn Giàu: Một số đặc điểm của khởi nghĩa tháng Tám 1945 ở Nam Bộ, Sài Gòn, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 6, 1990, tr.8.
[4]. Hiện còn có ý kiến khác nhau về ngày Việt Minh ra công khai ở Sài Gòn. Theo Trần Văn Giàu: Một số đặc điểm của khởi nghĩa Tháng Tám 1945 ở Nam Bộ, Sài Gòn, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 6, 1990, tr.8, thì Việt Minh ra công khai vào ngày 18/8/1945; Theo 50 năm đấu tranh kiên cường của Đảng bộ và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1981, tr.76, thì là ngày 20/8/1945.
[5]. Có ý kiến cho rằng tin khởi nghĩa ở Hà Nội đến Sài Gòn vào ngày 19/8/1945.
[6]. Trần Văn Giàu: Một số đặc điểm…, Sđd, tr.8.