Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng xác định cách mạng miền Nam có vai trò quyết định trực tiếp thắng lợi của cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng miền Nam. Sau khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập, trở thành ngọn cờ đoàn kết, tập hợp nhân dân miền Nam, yêu cầu đặt ra là có một Đảng cách mạng chân chính lãnh đạo nhân dân miền Nam đấu tranh. Đáp ứng yêu cầu đó, Đảng Nhân dân cách mạng Việt Nam (sau đổi là Đảng Nhân dân Cách mạng miền Nam) ra đời
Sau thắng lợi của phong trào Đồng khởi năm 1960, cách mạng miền Nam chuyển sang bước ngoặt phát triển mới, đẩy chính quyền miền Nam Việt Nam được Hoa Kỳ hậu thuẫn vào thế bị động.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng ngày càng cao, Điều 24, Điều lệ Đảng được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III (9/1960) ghi rõ: “Ban Chấp hành Trung ương có thể cử ra một số Ủy viên Trung ương thành lập Trung ương Cục phụ trách chỉ đạo công tác Đảng ở những đảng bộ đặc biệt trọng yếu. Trung ương Cục đặt dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương”[1].
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ ba, khóa III (1/1961), quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam để lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng ở Nam Bộ và Liên khu V[2].
Tháng 10/1961, Hội nghị lần thứ nhất Trung ương Cục miền Nam (mở rộng) được tổ chức tại một địa điểm ở Chiến khu Đ, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Văn Linh. Hội nghị quán triệt Chỉ thị ngày 24/ 1/1961 của Bộ Chính trị, đánh giá một cách toàn diện hoạt động đấu tranh cách mạng trong những năm 1954-1960, xác định phương hướng tiến lên của cách mạng miền Nam và khẳng định: “Con đường đúng đắn mà Đảng ta chủ trương hiện nay là con đường tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân như Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15 đề ra và được Đại hội toàn quốc của Đảng lần thứ III xác nhận, đó là con đường có lợi nhất và có nhiều khả năng thực hiện”[3].
Hội nghị phân tích rõ những đặc điểm quan trọng của tình hình cách mạng miền Nam, định hướng khả năng giành thắng lợi cho cách mạng miền Nam bằng con đường đấu tranh vũ trang.
Trước tình hình cuộc chiến tranh cách mạng diễn ra ngày càng ác liệt, trong năm 1961, Bộ Chính trị giao cho Ban Thống nhất Trung ương nghiên cứu việc lấy một tên riêng cho Đảng bộ miền Nam để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyên truyền quốc tế cũng như việc tập hợp rộng rãi hơn các lực lượng yêu nước tại miền Nam, nhưng thực chất vẫn là một bộ phận của Đảng Lao động Việt Nam.
Đồng chí Võ Chí Công, Chủ tịch Đảng Nhân dân Cách mạng miền NamBan Thống nhất Trung ương nghiên cứu, xem xét các đề nghị của Xứ ủy Nam Bộ và Liên khu ủy V, đề nghị Trung ương Đảng lấy tên riêng cho Đảng bộ miền Nam là Đảng Nhân dân Cách mạng miền Nam, đồng thời góp ý kiến giúp Đảng bộ miền Nam xây dựng Tuyên ngôn, Cương lĩnh chính trị.
Quán triệt chủ trương của Trung ương, ngày 27/11/1961, Trung ương Cục miền Nam ra Chỉ thị số 4 Về vấn đề đổi tên Đảng cho Đảng bộ miền Nam, nêu rõ: “Việc đặt tên riêng cho Đảng bộ miền Nam có một ý nghĩa rất quan trọng về sách lược:
1- Điều trước hết cần thấy rõ đây chỉ là một sự đổi tên thôi. Tuy danh nghĩa công khai có khác với miền Bắc nhưng bí mật trong nội bộ và về phương diện tổ chức thì Đảng bộ miền Nam trước sau vẫn là một bộ phận của Đảng Lao động Việt Nam, chịu sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương đứng đầu là Hồ Chủ tịch. Như vậy là ngoài việc đổi tên ra Đảng bộ miền Nam không có gì khác trước cả.
2- Vì sao phải có tên riêng cho Đảng bộ miền Nam?
Trong điều kiện đấu tranh chánh trị võ trang ác liệt hiện nay, nếu Đảng bộ miền Nam giữ tên cũ công khai là một Đảng bộ của Đảng Lao động Việt Nam chịu sự lãnh đạo của Trung ương Đảng ở miền Bắc thì kẻ thù trong và ngoài nước dễ vin vào đó mà xuyên tạc và vu cáo miền Bắc can thiệp lật đổ miền Nam làm cho miền Bắc gặp khó khăn trong cuộc vận động đấu tranh cho miền Nam trên phương diện pháp lý quốc tế”([4]). Đồng thời, có tên riêng cho Đảng bộ miền Nam còn tạo điều kiện thuận lợi cho Đảng bộ miền Nam công khai hiệu triệu nhân dân miền Nam dùng mọi hình thức kể cả võ trang đánh đổ kẻ thù([5]).
Theo Quyết nghị của Trung ương, Đảng bộ miền Nam sẽ công bố đổi tên trước ngày kỷ niệm một năm thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam (20/12/1961). Chỉ thị nêu rõ: các cấp cần phải lập tức tranh thủ giải thích trong nội bộ Đảng về việc đổi tên cho các cấp bộ Đảng… và cần thấy trước là kẻ thù sẽ xuyên tạc[6], cần phòng ngừa những luận điệu xuyên tạc.
Điều trước hết cần thấy rõ đây chỉ là sự đổi tên, tuy danh nghĩa công khai có khác với miền Bắc nhưng bí mật trong nội bộ và về phương diện tổ chức thì Đảng bộ miền Nam trước sau vẫn là một bộ phận của Đảng Lao động Việt Nam, chịu sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương đứng đầu là Hồ Chủ tịch.
Thực hiện chủ trương trên, sau một thời gian Trung ương Cục miền Nam xúc tiến chuẩn bị nội dung Cương lĩnh và Điều lệ của Đảng bộ miền Nam, ngày 1/1/1962, Đảng Nhân dân cách mạng miền Nam chính thức ra đời, trở thành chính đảng công khai lãnh đạo cuộc chiến tranh giải phóng ở miền Nam và là một thành viên chủ chốt của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Ngày 1/1/1962, Đảng Nhân dân cách mạng miền Nam công khai tuyên bố Cương lĩnh hoạt động của mình gồm những nội dung chính sau:
Đảng Nhân dân Cách mạng miền Nam Việt Nam nhiệt liệt hưởng ứng Tuyên ngôn và Chương trình hành động của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và tự nguyện đứng vào hàng ngũ của Mặt trận, tích cực tham gia các hoạt động của Mặt trận, đoàn kết và hợp tác chặt chẽ với các đảng phái, các tôn giáo và các đoàn thể yêu nước trong Mặt trận, đấu tranh thực hiện chương trình của Mặt trận.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng miền NamĐể thực hiện đoàn kết dân tộc, Đảng Nhân dân Cách mạng miền Nam chủ trương tôn trọng quyền lợi chính đáng của các giai cấp, các đảng phái và các tầng lớp nhân dân yêu nước, giúp đỡ mọi mặt các dân tộc thiểu số trên tinh thần bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ.
Đảng Nhân dân cách mạng miền Nam Việt Nam kêu gọi:
Đảng Nhân dân Cách mạng miền Nam do đồng chí Võ Chí Công làm Chủ tịch Đảng; đồng chí Nguyễn Văn Cúc (Nguyễn Văn Linh) làm Tổng Bí thư Đảng[8].
Trong lịch sử các Đảng Cộng sản trên thế giới, có lẽ không có đảng nào có hình thức tổ chức sáng tạo, độc đáo như ở Việt Nam.
Những năm 1934-1938, cách mạng Việt Nam có sự lãnh đạo đồng thời của Ban Chỉ huy ở ngoài và Ban Chấp hành Trung ương.
Cách mạng tháng Tám thành công chưa được bao lâu, trước sự chống phá của kẻ thù, Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán, thực chất rút vào hoạt động bí mật với tên gọi Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương.
Tháng 2-1951, tại Đại hội lần thứ II, Đảng ra hoạt động công khai với tên gọi Đảng Lao động Việt Nam.
Năm 1962, để phù hợp với mục tiêu chiến lược độc lập dân tộc gắn liền với thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng Nhân dân Cách mạng miền Nam được thành lập, đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc đấu tranh chung của đất nước.
Sau chiến thắng 30/04/1975, Đảng Nhân dân Cách mạng miền Nam công khai là một bộ phận của Đảng Lao động Việt Nam.
Cũng như Trung ương Cục miền Nam và một số tổ chức mặt trận khác, Đảng Nhân dân Cách mạng miền Nam đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình.
Những danh xưng vẻ vang một thời hòa chung vào dòng chảy thống nhất của Đảng, của dân tộc.
Mai Nguyễn
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 21, tr. 797
[2]Viện Lịch sử Đảng: Lịch sử Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr161
[3] . Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 22, tr 656
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam:Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002,tập 22, tr. 653-654
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tr. 654.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tr. 654.
[7] Viện Lịch sử Đảng: Lịch sử biên niên Xứ ủy Nam bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954-1975), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.295-297.
[8] https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BA%A3ng_Nh%C3%A2n_d%C3%A2n_C%C3%A1ch_m%E1%BA%A1ng_Vi%E1%BB%87t_Nam