Đà Nẵng là một thành phố nằm ven Biển Đông, có chiều dài bờ biển khoảng 92 km, trong đó 5/8 quận, huyện với 19 phường tiếp giáp với biển. Kể từ khi vùng đất Đà Nẵng hiện nay thuộc về nước Đại Việt sau cuộc hôn nhân lịch sử giữa công chúa Huyền Trân nước Việt và vua Chế Mân của Champa (1306), những cư dân người Việt từ miền ngoài đã vào đây sinh sống theo những đợt di dân. Quá trình cộng cư sinh sống đã dần hình thành nên lớp dân cư sống bằng nghề đi biển; đồng thời định hình những dấu ấn về văn hóa độc đáo gắn bó mật thiết với biển trong lao động sản xuất cũng như sinh hoạt, tín ngưỡng, góp phần làm giàu thêm kho tàng di sản văn hóa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Lễ hội Cầu Ngư ở Đà Nẵng. Ảnh: dulich.laodong
“Văn hóa biển (Marine culturology) là một thuật ngữ được dùng trong Nhân học biển (Maritime anthropology) để khảo sát văn hóa, xã hội của các cộng đồng ngư dân, trong đó bao gồm văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần, văn hóa xã hội của họ như: tôn giáo tín ngưỡng, lễ hội, kiêng kỵ, nghề đánh bắt cá và nghề truyền thống,…” [1]. Đối với ngư dân thành phố Đà Nẵng, văn hóa biển ghi dấu ấn đậm nét và thể hiện phong phú trên cả khía cạnh đời sống vật chất lẫn tinh thần qua một số nét chính sau:
Tục thờ cá Ông
Tục thờ cá Voi (hay cá Ông) là một loại hình tín ngưỡng dân gian phổ biến của cư dân ven biển nước ta. Tại thành phố Đà Nẵng, tục thờ cá ông là một nét tín ngưỡng gắn bó mật thiết trong đời sống tinh thần của ngư dân các làng chài ven biển. Từ đó, Lễ cúng cá Ông đã trở thành một trong những lễ hội lớn nhất của ngư dân ven biển Đà Nẵng và được lồng ghép dưới các hình thức như lễ hội Cầu Ngư, lễ ra quân đánh bắt vụ cá nam. “Dọc bờ biển tại thành phố Đà Nẵng, những ngôi miếu thờ thần biển, thần làng, tục thờ cá Ông… vẫn tồn tại, được gìn giữ kỹ lưỡng. Bởi lẽ, nhiều ngư dân tin rằng, lễ Cầu Ngư không chỉ được xem là sự tôn kính thần linh mà còn gắn liền với sự hưng thịnh của cả làng, giúp vượt qua tai nạn khi lênh đênh trên biển cả”[2]. Nghi thức lễ Cầu Ngư được phục dựng theo phong tục tập quán của cha ông để lại, gồm lễ Nghinh Thần, lễ tế Âm Linh, lễ tế kính Cầu Ngư. Phần hội là các hoạt động như đua thúng, gánh cá, đan lưới và hát bài chòi... mang tính chất cộng đồng dân gian phù hợp với cư dân vùng biển. Mọi người dân sinh sống dựa vào biển đều quan niệm rằng lễ Cầu Ngư như là một niềm tin, một sự động viên giúp họ vững vàng, an tâm bám biển. Vì vậy, ngư dân Đà Nẵng luôn giữ gìn nét đẹp văn hóa này như một sự biết ơn, tin tưởng vào cá Ông, vào thần Nam Hải đã phù hộ bình an, may mắn, thuận lợi cho những chuyến ra khơi của họ.
Văn học dân gian của ngư dân Đà Nẵng
Mang theo văn hóa từ nơi “chôn nhau cắt rốn” đến vùng đất mới qua những chuyến di cư, những người dân từ hàng bao thế kỷ trước đến sinh cơ lập nghiệp tại mảnh đất ven biển Đà Nẵng đã sáng tạo nên những câu hò, điệu lý, ca dao, tục ngữ mang đậm dấu ấn biển trong quá trình lao động, sản xuất. Đó là những lời ca nói về nỗi vất vả, gian truân của nghề đi biển:
Ra khơi bữa có bữa không
Lạy trời đừng để tố giông cho mình
Hay lời cảm thán cho cuộc sống trông chờ vào sự hào phóng, ban ơn của biển cả:
Cha chài, mẹ lưới, con câu
Ăn nhờ bọt nước lấy đâu mà giàu
Cũng có khi là những nỗi nhớ mong, lo sợ canh cánh của người thiếu phụ trông chờ chồng trên những chuyến đi biển lênh đênh:
Trông ra ngoài biển mù mù
Biết anh câu đục, câu đù mà thương
Và còn rất nhiều câu ca, điệu lý, ca dao khác với ngôn từ mộc mạc, giản dị những thấm đẫm tình cảm của con người với biển mẹ, chứa chan tâm tư, nỗi niềm của những người chài lưới với cuộc sống mưu sinh đã tạo nên dấu ấn văn hóa biển đặc trưng của ngư dân thành phố Đà Nẵng.
Nghề truyền thống
Gắn bó mật thiết với biển, ngư dân thành phố Đà Nẵng đã định hình nên một số nghề truyền thống tiêu biểu như nghề làm nước mắm, nghề rỗi cá... Ở Đà Nẵng, nghề làm nước mắm nổi tiếng nhất là ở làng cá Nam Ô, thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu. Từ lâu, nước mắm đã trở thành một đặc sản kết tinh từ hương vị biển của ngư dân nơi đây với vị thơm, ngọt đậm đà tự nhiên và màu đỏ sậm như màu cánh gián. Nghề rỗi cá là một danh từ địa phương chỉ những người phụ nữ chuyên nghề chở các sản vật từ biển như cá, mắm, muối… từ khu vực đồng bằng lên bán cho người dân tại các làng miền núi của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Sản vật biển được họ thu mua từ tàu thuyền đánh bắt trên biển trở về. Nghề rỗi cá không chỉ đem lại công ăn, việc làm cho các bà, các mẹ, các chị ở các làng biển mà còn thu hút thêm nhiều lao động ở các địa bàn khác trong thành phố; từ đó hình thành nên một nghành nghề đặc trưng mang đậm dấu ấn biển ở Đà Nẵng.
Văn hóa ẩm thực
Không chỉ tồn tại trong tín ngưỡng, văn học dân gian hay nghề truyền thống, dấu ấn văn hóa biển còn in đậm qua phong vị ẩm thực của ngư dân Đà Nẵng. Với nhiều loài thủy hải sản phong phú mà thiên nhiên ban tặng, người Đà Nẵng đã chế biến thành những món ăn thường ngày mang hương vị ẩm thực độc đáo, không thể lẫn với bất cứ nơi đâu. Có thể kể ra đây một số món ăn tiêu biểu như bún chả cá với vị cay, nóng ăn kèm với rau và giá sống; nước dùng được hầm từ xương cá, cho thêm ít măng khô, bí đỏ, thơm, cà chua mang vị ngọt đậm đà. Đó là món gỏi cá với nhiều loại như gỏi cá khô, gỏi ghém, gỏi trộn, gỏi chấm nước mắm, gỏi chan nước lèo… Vị tươi ngon, mặn mòi trên từng miếng gỏi cá, đi kèm với nước chấm cay nồng và rau thơm dân dã luôn là món ẩm thực không thể bỏ qua đối với mỗi du khách đến với thành phố biển Đà Nẵng để biết và hiểu thêm một nét văn hóa biển của mảnh đất, con người nơi đây.
Trải qua sự bồi đắp, kết tinh của lịch sử, văn hóa biển với những dấu ấn đặc sắc đã định hình và tồn tại bền vững trong đời sống của ngư dân thành phố Đà Nẵng qua bao thăng trầm, biến thiên của thời cuộc. Hiểu và trân trọng những giá trị tốt đẹp mà cha ông đã trao truyền, văn hóa biển luôn được Đảng bộ, chính quyền và người dân thành phố Đà Nẵng bảo lưu, gìn giữ; đồng thời phát huy những khía cạnh tốt đẹp để những giá trị văn hóa đó trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển thành phố hiện nay.
[1] Tống Quốc Hưng – Võ Văn Hoàng: Biển trong đời sống của cộng đồng ngư dân ở Đà Nẵng, in trong Biển đảo Việt Nam: Lịch sử, chủ quyền, kinh tế, văn hóa, Nxb. Văn hóa – Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh, 2016, tr.455
[2] Thanh Hoa – Hoàng Mỹ: Đà Nẵng: Bảo tồn và phát triển văn hóa vùng biển, Báo Sài Gòn giải phóng, ngày 06/3/2022
Lê Thủ