Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975), bảo đảm giao thông vận tải là một trong những nhân tố góp phần quyết định đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Trên mặt trận giao thông vận tải, nhiều địa danh và con người đã đi vào lịch sử, ngã ba Đồng Lộc là một địa danh như thế
“Giao thông là mạch máu của mọi việc”
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao quan điểm: Giao thông là mạch máu của một quốc gia, có tác động chi phối trực tiếp đến cuộc kháng chiến của cả dân tộc.
Bởi vậy, suốt những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, dưới mưa bom bão đạn của kẻ thủ, nhiều tuyến đường giao thông vẫn được xây dựng, bảo đảm vai trò của hậu phương lớn Miền Bắc với tiền tuyến lớn Miền Nam.
Có thể nói rằng, quyết định xây dựng tuyến chi viện chiến lược - Đường Hồ Chí Minh là một thành công kiệt xuất trong lãnh đạo chiến tranh của Đảng Lao động Việt Nam, của quân và dân Việt Nam.
Từ những ngày đầu soi đường mở lối, tổ chức gùi thồ, giao liên, len lỏi qua rừng rậm, cheo leo bên sườn núi đá cao, địa hình phức tạp, khí hậu nghiệt ngã cho đến giai đoạn địch đánh phá hủy diệt, ngăn chặn ác liệt. Biết bao cán bộ, chiến sỹ, thanh niên xung phong đã
“ Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước Mà lòng phơi phới dậy tương lai”Quá trình mở đường cũng là quá trình chiến đấu vô cùng quả cảm va mưu trí của tất cả các lực lượng, làm thất bại và vô hiệu hóa cuộc mọi cuộc tấn công của đế quốc Mỹ, bảo đảm giao thông thông suốt liên tục, tạo thế trận liên hoàn vững chắc của hệ thống đường chi viện chiến lược từ hậu phương lớn ra tiền tuyến lớn. Nhà báo Phương Tây Van Geirt trong cuốn sách “Đường mòn Hồ Chí Minh” đã nhận xét: “Đường mòn Hồ Chí Mnh không chỉ là một con đường tiếp tế. Nó là biểu tượng của cả cuộc chiến tranh Việt Nam. Nó không chỉ là một con đường cụ thể mà là một luồng tư tưởng”.
Thanh niên xung phong san lấp hố bom tại Đồng Lộc, năm 1968 (Ảnh tư liệu)
Trong suốt tám năm mở rộng chiến tranh dùng không quân và hải phá Miền Bắc 1964-1972, Đế quốc Mỹ thực hiện âm mưu hạn chế và cắt đứt sự chi viện của Miền Bắc cho miền Nam. Chúng không từ một thủ đoạn đánh phá nào và không từ một loại bom đạn nào ném xuống Miền Bắc. Mặc dù vậy, cán bộ, công nhân, thanh niên xung phong ngành giao thông vận tải cùng quân và dân ta trên các tuyến đường vẫn anh dũng, sáng tạo, giữ vững mạch máu giao thông với ý chí” Sống bám cầu đường, chết kiên quyết dũng cảm”. Từ trong bom đạn ác liệt của địch đã xuất hiện biết bao đơn vị, cá nhân anh hùng mà những chiến công, thành tích ngời sáng phẩm chất cao đẹp của người chiến sỹ giao thông vận tải.
Đồng Lộc- trọng điểm đánh phá
Sau Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, nhu cầu tăng viện cho chiến trường miền Nam về vũ khí, lương thực, xăng dầu để củng cố lực lượng, giữ vững địa bàn trở nên vô cùng cấp thiết. Thêm vào đó, từ ném bom không hạn chế, Mỹ chuyển sang thực hiện kế hoạch ném bom hạn chế, tập trung toàn bộ sức mạnh không quân, hải quân đánh phá ác liệt 4 tỉnh thuộc khu IV (cũ) nhằm ngăn chặn và cắt đứt con đường chi viện tiền tuyến của ta. Đồng Lộc trở thành trọng điểm đánh phá giao thông của Mỹ.
Do đặc điểm và vị trí địa lý đặc biệt của đất nước ta, dải đất hẹp Khu 4 (bao gồm các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình) - nơi hành lang vận tải chiến lược đi qua, trong kháng chiến chống Mỹ trở thành địa bàn đặc biệt hiểm yếu. Nơi đây hội tụ đủ tất cả các tuyến giao thông chiến lược Bắc - Nam và là nơi khởi nguồn của tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Từ hậu phương miền Bắc, gần như hết thảy lực lượng, vật chất chi viện cho miền Nam, Trung - Hạ Lào, Cam-pu-chia đều phải qua vùng đất Khu 4.
Sớm nhận biết được điều này, trong thời gian tiến hành chiến tranh ở Việt Nam, đế quốc Mỹ đã dùng mọi thủ đoạn thâm độc, xảo quyệt, gây ra nhiều loại hình chiến tranh, ném xuống nơi đây hàng triệu tấn bom đạn các loại nhằm hủy diệt sự sống, ngăn chặn tuyến chi viện huyết mạch, làm lung lay ý chí và quyết tâm của nhân dân miền Bắc đang đêm ngày dốc sức cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chính vì vậy, mặt trận giao thông vận tải qua địa bàn Khu 4 trở nên nóng bỏng trong suốt cuộc chiến tranh.
Nằm trên vùng tuyến lửa Khu 4, trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ (1965 - 1968), Ngã ba Đồng Lộc trở thành một quyết chiến điểm trên mặt trận giao thông vận tải. Đặc biệt, trong 7 tháng “ném bom hạn chế” (từ tháng 4 đến tháng 10/1968) khi đường số 1 qua địa bàn Hà Tĩnh bị không quân Mỹ tập trung đánh phá, cắt đứt thì Ngã ba Đồng Lộc trở thành một “điểm nút” giao thông rất quan trọng, nơi duy nhất cho con đường vận tải chiến lược đi qua, tạo lập chân hàng cho tuyến 559 - đường Trường Sơn và cũng là điểm nối giữa đường 15 với các đường liên tỉnh, sang Lào. Mỹ tập trung đánh phá vào đầu mối giao thông Ngã ba Đồng Lộc là nằm trong âm mưu ngăn chặn, nhằm tạo ra những “điểm tắc” dài ngày, đi đến cắt đứt tuyến chi viện Bắc - Nam qua địa bàn Khu 4.
Hơn 55 năm qua, dấu tích những hố bom vẫn còn hiện hữu
Nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù và vị trí chiến lược của Ngã ba Đồng Lộc trên tuyến giao thông vận tải ở địa phương, Tỉnh uỷ, Uỷ ban hành chính tỉnh Hà Tĩnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các địa phương huy động lực lượng dồn sức cho Đồng Lộc để giải toả điểm chốt, giữ vững mạch máu giao thông. Lực lượng chiến đấu gồm: Trung đoàn pháo cao xạ 210, tiểu đoàn 8 pháo cao xạ của tỉnh, một bộ phận của tiểu đoàn 30 công binh quân khu, các đơn vị Thanh niên xung phong và nhân dân địa phương. Các tổ quan sát, đếm bom, cắm tiêu, tổ rà phá bom mìn, bộ phận ứng cứu đường cùng với mạng lưới thông tin liên lạc, lực lượng điều hành phương tiện giao thông, giữ gìn trật tự an ninh khu vực Ngã ba Đồng Lộc được hình thành. Số liệu thống kê cho thấy, mỗi mét vuông ở Ngã ba Đồng Lộc phải gánh chịu ít nhất 3 quả bom tấn. Nhưng bên địch quyết phá thì bên ta quyết giữ, chúng ta đã tập trung mọi nguồn lực để quyết giữ cho bằng được con đường này.
Nhà thơ Huy Cận từng viết: “Máu qua tim máu lọc, xe qua Ngã ba xốc tới miền Nam.” Ngã ba Đồng Lộc - nơi được coi là yết hầu, vượt qua được, các đoàn xe sẽ phân tán qua nhiều tuyến đường đi vào miền Nam nên trở thành điểm đánh phá ác liệt nhất của địch và cũng chính là nơi làm nên chiến công chói lọi nhất trên mặt trận giao thông vận tải.
Tháng 4/1968, địch bắt đầu chiến dịch đánh phá Ngã ba Đồng Lộc. Ngày 10/5/1968, Ban Giải tỏa Đồng Lộc của Ty Giao thông Hà Tĩnh được thành lập gồm lực lượng chủ lực của Ty Giao thông, TNXP và một số lực lượng khác nhằm đảm bảo giao thông tại vị trí trọng điểm này.
Những tập thể và cá nhân anh hùng
Trong cuộc chiến đấu quyết liệt đầy khó khăn và vô cùng dũng cảm này, tất cả các lực lượng đã chiến đấu kiên cường, mưu trí sáng tạo trong đánh địch, rà phá bom mìn, sửa chữa đường, kịp thời chi viện chiến trường Miền Nam. Đồng Lộc trở thành đỉnh cao của cuộc chiến tranh nhân dân, là sức mạnh tổng hợp của nhiều lực lượng trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, trong đó lực lượng TNXP là lực lượng chủ công, xung kích, đảm nhận những nhiệm vụ khó khăn, gian khổ và đầy nguy hiểm với nhiệm vụ chính là lấp hố bom, bắc cầu, làm ngầm, làm đường vòng, đường tránh để bảo đảm Đồng Lộc không lúc nào tắc xe.
Tiêu biểu có Đại đội 551- N55 - P18, Đại đội đã đương đầu với 314 trận đánh của địch, có nhiều cống hiến về trí tuệ, mồ hôi và cả xương máu cho mặt trận giao thông vận tải, được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1970.
Lực lượng TNXP tham gia chiến đấu tại Ngã ba Đồng Lộc đã góp phần quan trọng bảo vệ con đường huyết mạch ra tiền tuyến, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tinh thần yêu nước của thanh niên Việt Nam.
Tại Ngã ba Đồng Lộc đã xuất hiện nhiều tấm gương hy sinh oanh liệt góp phần làm nên huyền thoại về Ngã ba Đồng Lộc. Tiêu biểu là sự hy sinh anh dũng của 10 nữ Thanh niên xung phong Tiểu đội 4, Đại đội 552 tràn đầy sức trẻ khi tuổi đời mới mười tám đôi mươi. Võ Thị Tần (24 tuổi), Hồ Thị Cúc (24 tuổi), Nguyễn Thị Nhỏ (24 tuổi), Dương Thị Xuân (21 tuổi), Võ Thị Hợi (20 tuổi), Nguyễn Thị Xuân (20 tuổi), Hà Thị Xanh (19 tuổi), Trần Thị Hường (19 tuổi), Trần Thị Rạng (18 tuổi), Võ Thị Hà (17 tuổi). Để khắc sâu chiến tích anh hùng vẻ vang đó, ngày 7/6/1972, Quốc hội và Chính phủ đã truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 10 liệt sỹ TNXP hy sinh tại chiến trường Ngã ba Đồng Lộc.
Mảnh đất linh thiêng Ngã ba Đồng Lộc quật khởi, kiên cường trong mưa bom bão đạn còn in đậm trong tâm khảm của mỗi người dân Việt Nam. Nhà thơ Huy Cận, một người con của quê hương Hà Tĩnh đã từng dặn con mình rằng:
"Trên mặt đất này có muôn triệu ngã ba Và con ơi, muốn tìm đúng hướng đi Con sẽ nhớ đến Ngã ba Đồng Lộc"Nơi ấy, 10 bông hoa trinh liệt, đã cùng với hàng trăm, hàng nghìn anh hùng liệt sĩ mãi mãi nằm lại với con đường 15A huyền thoại, để giữ cho mạch máu giao thông của chúng ta luôn được thông suốt, để miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc Việt Nam hoàn toàn được độc lập, tự do.
55 năm đã trôi qua (1968-2023) nhưng ý nghĩa của Chiến thắng Đồng Lộc vẫn còn nguyên giá trị, đó là biểu tượng của ý chí và sức mạnh quật cường, tinh thần dân tộc của quân và dân Việt Nam.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr. 96.