Sau đợt 1 cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân, ngày 31/3/1968, Tổng thống Mỹ Jhonson buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra và Đồng Lộc, vốn đã ác liệt, trở thành “túi bom” của miền Bắc
Trở thành "túi bom" của miền Bắc
Tuyên bố ngừng ném bom của Jhonson thể hiện sự “xuống thang chiến tranh”, nhưng thực chất Mỹ tiếp tục ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam.
Chiến lược “ngăn chặn” được tiến hành theo một phương thức mới, từ việc ném bom dàn trải đến việc tập trung ném bom ác liệt vào một khu vực nhỏ hẹp, tập trung đánh phá một số trọng điểm có những tuyến đường giao thông trọng yếu, nhằm tạo ra những “điểm tắc lý tưởng” hòng cắt đứt tuyến chi viện từ Bắc vào Nam - gọi là “vùng cán xoong”.
Vùng cán xoong, một hành lang dài khoảng 250km, nối liền vĩ tuyến 17 với miền Bắc. Tất cả các đường giao thông Bắc-Nam đều qua đó. Số dân vùng này khoảng hơn ¼ của 17 triệu người miền Bắc.
Do vậy, tác giả W.G. Burchelt viết: “Sáu tháng sau khi Jhonson nêu ra câu chuyện bịa về “giảm bớt” những trận ném bom miền Bắc Việt Nam, những trận ném bom ấy lại được tăng lên hơn lúc nào hết và hằng tháng chúng ta đã thấy, số phi vụ tăng lên đều đều, số tấn bom ném xuống và số đạn pháo do các tàu của hạm đội 7 thường trực di động theo dọc bờ biển cũng tăng như vậy. Chỉ có khác là những vụ oanh tạc bằng phi cơ và bằng pháo của các chiến hạm này tập trung vào một vùng nhỏ hẹp hơn nhiều…Vùng ấy là vùng cán xoong”[1].
Tỉnh Hà Tĩnh là một trong những tỉnh nằm trong vùng cán xoong, có đường quốc lộ 1A và các tuyến đường chiến lược 15A, 15B, 15C (đường Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn) chạy qua. Tại địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có nhiều cầu, phà… Đây cũng là các trọng điểm đánh phá của Mỹ: cầu Phủ, cầu Đò Trai, phà Linh Cảm, La Khê, phà Địa Lợi, đặc biệt là Ngã ba Đồng Lộc nằm trên tuyến đường 15 xuyên suốt Bắc - Nam. Tất cả mọi đường ngang tắt từ Bắc vào Nam đều phải qua Ngã ba Đồng Lộc đi vào phà Long Đại -Quảng Bình.
Ngã ba Đồng Lộc là địa danh chung để chỉ một vùng đất hẹp nằm lọt giữa ba ngọn núi thấp. Núi Trọ Voi ở phía Đông Bắc, núi Mũi Mác nằm ở phía Đông và núi Mòi ở Đông Nam. Toàn bộ khu vực Ngã ba Đồng Lộc thuộc phạm vi 4 xã: Đồng Lộc, Trung Lộc, Mỹ Lộc và Thượng Lộc của huyện Can Lộc. Địa hình nơi đây trống trải, một bên là đồi trọc, một bên là ruộng nước; mùa khô đường bụi đỏ, còn vào mùa mưa thì nước đọng, đường lầy. Đây là nơi giao nhau của hai tuyến đường quan trọng là Đường 15 và Tỉnh lộ số 2 Hà Tĩnh. Khi bị đánh phá, công việc khắc phục đường sá để đảm bảo giao thông gặp rất nhiều khó khăn.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Clark McAdams Clifford đã thừa nhận : “Chúng ta đang tập trung việc ném bom vào khu vực đó. Như tôi nhớ, con số gần 300 lần chiếc trong tháng 2 tăng lên gần 3.000 lần trong tháng 3, 7.000 lần trong tháng 4 và bây giờ thì đã trên 10.000 lần chiếc trong 1 tháng”[2].
Do vậy, cuộc chiến đấu để giữ vững mạch máu giao thông vận tải đã diễn ra vô cùng ác liệt tại các trọng điểm của khu IV, trong đó có Ngã ba Đồng Lộc. Chúng liên tục cho máy bay đánh phá ác liệt trên các tuyến đường quan trọng, nhất là vị trí các cầu trên đường 1A, nhiều cây cầu đã bị đánh sập, khiến giao thông của ta không thể thực hiện trên tuyến. Vì vậy, chỉ còn một hướng vào Nam duy nhất trên đường bộ đó là vào đường 15 từ Lạc Thiện qua Ngã ba Đồng Lộc để rồi từ đó một ngã đi theo hướng Hương Khê qua Địa Lợi vào La Khê (Quảng Bình) còn một ngã đi theo đường 21, 22 qua Kỳ Anh đến Quảng Bình để vào chiến trường miền Nam.
Thanh niên xung phong san lấp hố bom tại Ngã ba Đồng Lộc (Ảnh Văn Sắc-TTXVN)
Ngã ba Đồng Lộc trở thành một đầu mối giao thông quan trọng trong hệ thống các đường vận tải chiến lược đi qua và tỏa đi các hướng vào Nam, ra Bắc, sang Trung-Hạ Lào.
Ngay từ đầu tháng 4/1968, máy bay Mỹ đã tập trung đánh phá tuyến Đường 1 đoạn từ cầu Thượng Gia đến Cổ Ngựa thuộc xã Tiến Lộc (Can Lộc). Đến giữa tháng 4, chúng tập trung đánh phá Thượng Gia, biến một đoạn đường dài 300m của đường số 1 thành ruộng lầy.
Tiếp đó, địch đánh vào phía Nam cầu Cổ Ngựa và đánh ra Bắc Hạ Vàng, băm nát đường số 1 thành 4 đoạn, bùn lầy nhão nhoẹt với chiều dài gần 1km.
Đến ngày 20/4/1968, tuyến Đường 1 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh bị cắt đứt, các lực lượng vận tải của ta chuyển hướng sang tuyến Đường 15, chạy qua vùng rừng núi phía Tây Hà Tĩnh. Đến thời điểm này, Ngã ba Đồng Lộc trở thành nơi duy nhất cho con đường vận tải chiến lược đi qua.
Do vậy, Ngã ba Đồng Lộc bị không quân Mỹ đánh phá suốt cả ngày lẫn đêm, trở thành “tọa độ lửa”. Trong 7 tháng ném bom hạn chế ( từ tháng 4 đến tháng 10/1968), không quân Mỹ tập trung đánh vào khu vực Ngã ba Đồng Lộc 1.863 lần, thả gần 50.000 quả bom các loại, chưa kể đạn rốc-két và đạn 20 mm.
Trong 7 tháng đó, tổng số lần địch đánh phá khu vực Ngã ba Đồng Lộc bằng với tổng số lần địch đánh vào toàn tỉnh Hà Tĩnh trong năm 1965, nhưng về số lượng bom đạn thì tăng gấp đôi. Bình quân một tháng, địch đánh phá 28 ngày, ngày cao nhất là 103 lần, chiếc máy bay với trên 800 quả bom. Riêng ngày 12/6/1968, địch tập trung đánh phá lên tới 16 lần tốp, 45 lần chiếc máy bay, ném xuống 600 quả bom các loại.
Khu vực Ngã ba Đồng Lộc, hầu như không lúc nào ngớt tiếng bom đạn. Ngã ba Đồng Lộc thực sự trở thành một “tọa độ lửa”, nơi diễn ra cuộc đọ sức quyết liệt giữa ý chí của các lực lượng bảo đảm giao thông trên địa bàn Hà Tĩnh và bom đạn Mỹ.
Nơi thể hiện “tinh thần thép” của quân và dân miền Bắc
Trước âm mưu, thủ đoạn mới của Mỹ, Trung ương Đảng xác định nhiệm vụ bảo đảm giao thông thông suốt trở thành nhiệm vụ trung tâm, đột xuất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân miền Bắc.
Tháng 6/1968, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Tĩnh ra nghị quyết nhấn mạnh: “Bảo đảm giao thông vận tải ở Ngã ba Đồng Lộc, chi viện tiền tuyến là nhiệm vụ số một của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Hà Tĩnh”.
Sau một thời gian ngắn, cùng với sự chi viện của Trung ương, tỉnh Hà Tĩnh đã huy động được một lực lượng lớn tham gia công tác bảo đảm giao thông tại tọa độ lửa Ngã ba Đồng Lộc.
Nơi đây đã tập trung tới 5 đại đội thanh niên xung phong, 3 đại đội chủ lực giao thông, 1 đội cầu, 1 đội xe cơ giới làm nhiệm vụ ứng cứu giải tỏa giao thông. Lực lượng chiến đấu gồm Trung đoàn pháo cao xạ 210 của Bộ Quốc phòng và một bộ phận của Tiểu đoàn 30 công binh Quân khu 4, Tiểu đoàn 8 pháo cao xạ của tỉnh, cùng với sự tham gia của lực lượng dân quân du kích và nhân dân các xã Quang Lộc, Mỹ Lộc, Thượng Lộc, Trung Lộc, Phú Lộc, Sơn Lộc…
10 nữ thanh niên xung phong góp phần tạo nên huyền thoại ngã ba Đồng Lộc
Với tinh thần “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường, dũng cảm”, các lực lượng tại đây đã hình thành thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc, kiên cường bảo vệ tuyến giao thông huyết mạch này.
Trong công tác bảo đảm giao thông vận tải tại đây, phải kể đến vai trò to lớn và những đóng góp và sự hy sinh quên mình của lực lượng Thanh niên xung phong. Tiêu biểu nhất là Tiểu đội thanh niên xung phong của tiểu đội trưởng Võ Thị Tần, thuộc Đại đội 552, Tổng đội 55 TNXP của Tỉnh.
Tiểu đội đã kiên cường bám trụ liên tục trực chiến để kịp thời san lấp hố bom, sửa chữa đường, kịp thời thông xe ngay sau những đợt oanh kích của địch. Sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc đã đi vào lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, như một bài ca bất hủ về tinh thần bất khuất, kiên cường xả thân vì nền độc lập của dân tộc, thống nhất của đất nước.
Trải qua những năm tháng chiến đấu vô cùng gian khổ và ác liệt ấy, quân và dân tại Ngã ba Đồng Lộc đã viết nên bản anh hùng ca bất hủ về ý chí và sức mạnh tinh thần vô song, về lòng yêu nước và đồng cam cộng khổ, về trí thông minh và sức sáng tạo của con người Việt Nam chiến thắng sức mạnh bạo tàn của bom đạn Mỹ.
Chính Mc Namara đã phải thừa nhận: “Không có chiến dịch ném bom nào có thể buộc chế độ Hà Nội phải khuất phục…Ném bom Bắc Việt Nam mạnh đến mức nào cũng không đạt được mục đích của chúng ta”[3].
Cuộc chiến đấu bảo đảm tuyến giao thông huyết mạch Bắc-Nam qua những trọng điểm như Ngã ba Đồng Lộc, làm thất bại mưu đồ ngăn chặn sự chi viện của các nước xã hội chủ nghĩa đối với miền Bắc.
Ngã ba Đồng Lộc, “tọa độ lửa” trong tuyến đường giao thông vận tải ở “vùng cán xoong” đã có đóng góp vô cùng quan trọng trong việc nối liền căn cứ địa-hậu phương lớn miền Bắc với căn cứ địa tại chỗ miền Nam và căn cứ cách mạng của Lào và Campuchia, tạo thành một hệ thống căn cứ địa liên hoàn, ngày càng rộng lớn và vững mạnh.
Miền Bắc đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hậu phương đối với tiền tuyến lớn-nhân tố thường xuyên, quyết định mọi thắng lợi của tiền tuyến.
Ngã ba Đồng Lộc là "túi bom", cũng là nơi thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân Việt Nam.
An Lê
.