Bây giờ không phải ai cũng biết, từ năm 1960 trở về trước, kể từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng ta lấy ngày 06/01/1930 hằng năm làm Ngày kỷ niệm thành lập Đảng và tại sao từ năm 1961 đến nay, Đảng ta lại lấy ngày 3/2/1930 hằng năm làm Ngày kỷ niệm thành lập Đảng
Cho đến trước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9/1960), Đảng ta lấy ngày 6/1 hằng năm là Ngày kỷ niệm thành lập Đảng.
Vì thế, ngày 05/01/1960, Đảng ta tổ chức kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng. Tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài phát biểu với những câu thơ đến nay đã trở thành di sản của dân tộc:
“Đảng ta là đạo đức, là văn minh,
Là thống nhất, là độc lập, là hòa bình ấm no.
Công ơn Đảng thật là to,
Ba mươi năm lịch sử Đảng là cả một pho lịch sử
bằng vàng”[1].
Tại Đại hội III, sau khi thảo luận, Ban Chấp hành Trung ương quyết định lấy ngày 03/02 thay cho ngày 06/01. Đại hội ra hẳn một Nghị quyết riêng về việc lấy ngày 03/02 hằng năm là Ngày Kỷ niệm thành lập Đảng.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Đảng Lao động Việt Nam, tháng 9/1960 (Ảnh tư liệu)
Trở lại lịch sử tại sao trước năm 1960, Đảng ta lấy ngày 6/1 là Ngày kỷ niệm thành lập Đảng. Các tài liệu tầm được, nhất là tài liệu lưu trữ tại Phông lưu trữ chính trị-xã hội ở Liên bang Nga cho biết rằng, báo cáo sớm nhất là ngày 18/2/1930 của Nguyễn Ái Quốc gửi Quốc tế Cộng sản ghi rõ Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một tổ chức duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam. Thời gian tiến hành Hội nghị, báo cáo của Nguyễn Ái Quốc cho biết: "Tôi đã cố gắng đi lần thứ ba khi một đồng chí từ Hồng Công tới Xiêm và tin cho tôi biết tình hình Hội An Nam Thanh niên Cách mạng bị tan rã; những người cộng sản chia thành nhiều phái.v.v. Lập tức tôi đi Trung Quốc, tới đó vào ngày 23-12. Sau đó, tôi triệu tập các đại biểu của 2 nhóm (Đông Dương và An Nam). Chúng tôi họp vào ngày mồng 6-1...Các đại biểu trở về An Nam ngày 8-2”[2].
Các đại biểu dự Hội nghị, gồm: “đại biểu của Quốc tế”[3] là Nguyễn Ái Quốc; 2 đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng là Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh; 2 đại biểu của An Nam Cộng sản Đảng là Châu Văn Liêm, Nguyễn Thiệu; 2 người nữa giúp việc (không phải là đại biểu Hội nghị) là Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu.
Ngày 6/1/1930, 2 đại biểu của An Nam Cộng sản Đảng chưa đến kịp Hong Kong, Nguyễn Ái Quốc mới chỉ làm việc với 2 đại biểu của An Nam Cộng sản Đảng mà thôi.
Dựa vào căn cứ đó, một số người nghiên cứu khoa học cho rằng, nên lấy ngày 6/1 hằng năm làm ngày Kỷ niệm Ngày thành lập Đảng, vì thường là khi lấy mốc kỷ niệm thời gian ra đời hoặc ngày truyền thống một tổ chức chính trị-xã hội nào đó, người ta lấy ngày họp đầu tiên.
Chính vì thế, cho đến năm 1960, Đảng ta lấy Ngày kỷ niệm thành lập Đảng là ngày 06/01 hằng năm.
Tuy nhiên, sau khi miền Bắc được giải phóng, quan hệ giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, đặc biệt với Liên Xô ngày càng chặt chẽ. Chúng ta có điều kiện tiếp cận nhiều tư liệu lịch sử có giá trị tại kho lưu trữ của Liên Xô, nơi Nguyễn Ái Quốc và nhiều đồng chí cán bộ tiền bối của Đảng từng hoạt động, do đó, từ đó có điều kiện nghiên cứu, tìm hiểu rõ hơn về quá trình Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.
Trong giới khoa học có ý kiến cho rằng nên lấy ngày 3/2/1930 làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng, vì ngày 3/2/1930 là mốc thời gian nằm trong quãng thời gian diễn ra Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản.
Do đó, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận và quyết định lấy ngày 3/2/1930 làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng.
Nghị quyết Đại hội ghi rõ: "từ nay trở đi sẽ lấy ngày 3 tháng 2 dương lịch mỗi năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng".
Cho đến nay, Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng vẫn còn nguyên giá trị. Vậy là, cả thực tế lịch sử và cả về nguyên tắc của Đảng, ngày 03/02 hằng năm là Ngày toàn Đảng kỷ niệm Ngày thành lập Đảng.
Ngày 03/02/2023 này, Đảng Cộng sản Việt Nam tròn 93 tuổi. Vinh quang thuộc về Đảng Cộng sản Việt Nam ! Vinh quang thuộc về lãnh tụ Đảng Hồ Chí Minh kính yêu !
Lê Miên