Trong hơn 90 năm qua, giai cấp công nhân Việt Nam với bộ tham mưu là Đảng Cộng sản, đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam thực hiện khát vọng giải phóng dân tộc và phát triển đất nước. Trong quá trình đó, ngày Quốc tế Lao động 1/5, phong trào công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét
Giai cấp công nhân Việt Nam ra đời trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất. Mặc dù ra đời khá muộn, song giai cấp công nhân Việt Nam có bước trưởng thành nhanh chóng, hòa nhịp với phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới. Từ năm 1925, phong trào đấu tranh của công nhân Việt Nam, có bước phát triển mới, chuyển dần từ đấu tranh tự phát sang đấu tranh tự giác. Tiêu biểu như ngày 1/5/1925, công nhân Chợ Lớn, công nhân đường sắt Dĩ An và công nhân ở Đà Nẵng biểu tình, bày tỏ ý chí bảo vệ Liên bang Xô viết. Tháng 8/1925, công nhân Nhà máy đóng tàu Ba Son (Sài Gòn) bãi công đòi tăng lương và ủng hộ phong trào đấu tranh của công nhân Thượng Hải (Trung Quốc). Những cuộc đấu tranh đầu tiên ấy đánh dấu sự kết hợp giữa chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản.
Mùa Xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, thông qua Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, xác định vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam là giai cấp lãnh đạo cách mạng, nòng cốt trong khối liên minh công- nông, đảm đương nhiệm vụ đưa cách mạng Việt Nam tiến lên.
Ngay sau khi thành lập Đảng, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương phát động một cao trào cách mạng rộng lớn trong cả nước nhân ngày Quốc tế lao động 1/5.
Cuộc đấu tranh rầm rộ ngày 1/5/1930 là bước ngoặt quan trọng trong cao trào cách mạng 1930-1931. Lần đầu tiên giai cấp công nhân, nông dân cùng các tầng lớp nhân dân lao động khắp cả nước chính thức kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động bằng nhiều hình thức đấu tranh như: treo cờ Đảng, rải truyền đơn, tổ chức mít tinh, tuần hành thị uy…Tiêu biểu như, tại Nam Kỳ, cuộc bãi công của công nhân Nhà máy Điện Chợ Quán, công nhân xe lửa Dĩ An; cuộc đấu tranh của nông dân huyện Đức Hòa (Chợ Lớn), huyện Cao Lãnh (Sa Đéc), huyện Chợ Mới (Long Xuyên) tiến đến huyện lỵ đòi bỏ sưu, hoãn thuế. Tại Bắc Kỳ, ngày 1/5, công nhân khu mỏ Hòn Gai bãi công, biểu tình. Lần đầu tiên ở vùng mỏ, cờ đỏ búa liềm được treo trên đỉnh núi Bài Thơ. Ở Hà Nội, sang ngày 1/5, cờ đỏ búa liềm treo trước cổng Tòa Đôc lý, ga Hàng Cỏ, vường Bách Thảo…Tại Trung Kỳ, dưới sự lãnh đạo của các tổ chức đảng, nhân dân nổi dậy đấu tranh, trong ngày 1/5, lần đầu tiên, cờ đỏ búa liềm xuất hiện ở Quảng Nam, thị xã Hội An[1]... Từ thành thị đến nông thôn, từ Bắc đến Nam nhiều nơi treo cờ Đảng, tổ chức mít tinh, tuần hành thị uy, lần đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng và hướng dẫn, vận động của Công hội đỏ, công nhân cùng với nông dân mít tinh biểu tình kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động (1/5), đấu tranh đòi quyền lợi, bày tỏ tình đoàn kết với công nhân lao động thế giới. Đây là lần đầu tiên, giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên phạm vi toàn quốc đoàn kết đấu tranh tỏ rõ sức mạnh vô địch, nghị lực phi thường của khối liên minh công- nông. Đặc biệt tại Nhà máy xe lửa Trường Thi, Nhà máy Cưa, Nhà máy Diêm Bến Thủy (Nghệ An), hàng nghìn thợ thuyền cùng sát cánh với nông dân ngoại thành[2] đấu tranh đòi ngày làm việc 8 giờ, giảm sưu thuế. Những sự kiện diễn ra trong ngày 1/5 ở Nghệ - Tĩnh đã có tiếng vang lớn trong cả nước, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh của quần chúng lao động. Khí thế đấu tranh của nhân dân lao động Nghệ-Tĩnh được Trung ương Đảng đánh giá “thật là một sự thắng lợi lớn lao công nông Nghệ Tĩnh, mà cũng là cho toàn thể công nông trong nước nữa”[3].
Các cuộc đấu tranh diễn ra trong ngày 1/5 đánh dấu bước ngoặt của cao trào cách mạng 1930-1931, “Đứng về cả nước mà xét, ngày 1/5/1930 có ý nghĩa rất quan trọng vì đây là lần đầu tiên vô sản Đông Dương xông pha lửa đạn để biểu dương tinh thần đoàn kết cách mạng quốc tế của mình”[4].
Lần đầu tiên, lễ kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động (1/5) được tổ chức công khai, hợp pháp tại Hà Nội, là cuộc biểu dương lực lượng lớn nhất trong thời kỳ Mặt trận dân chủ. Ngày 1/5/1938, tại trường Đấu xảo Hà Nội[5] với một biển người sục sôi, tổ chức kỷ luật, hô vang khẩu hiệu “Ủng hộ Mặt trận nhân dân Pháp”, “Đi tới Mặt trận dân chủ Đông Dương”, “Tự do nghiệp đoàn”, “Chống nạn thất học”, “Chống phát xít và chiến tranh”, “Triệt để thi hành luật lao động”… Cuộc biểu tình thu hút hơn 2 vạn người tham gia, và đặc biệt, “Trong cuộc biểu tình ngày 1/5, lao động trí thức, kể cả làng văn, làng báo, đã xếp hàng đi cùng với tất cả các tầng lớp cần lao khác… Lao động chân tay và trí thức đã bắt tay nhau khuếch trương mặt trận tranh đấu của quần chúng cần lao xứ này đòi cơm áo; hòa bình và tự do”[6]. Điều đó cho thấy khả năng tổ chức, lãnh đạo, tập hợp lực lượng của Đảng ta; chính sác lập mặt trận dân chủ là phù hợp với thực tiễn, đáp ứng đúng nguyện vọng của nhân dân. Đồng thời, thể hiện tinh thần đoàn kết quốc tế của vô sản cần lao trên thế giới, trước hết với vô sản Pháp.
Cuộc mít tính ngày 1/5/1938 tại Khu Đấu Xảo (nay là Quảng trường Cung Văn hóa
Hữu Nghị Hà Nội) (Ảnh Bảo tàng Lịch sử quốc gia)
Sau Cách mạng Tháng Tám, ngày 18/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 22c/NV/CC quy định ngày 1/5 là một trong những ngày Lễ chính thức của nước ta. Ngày 29/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 56 quy định công nhân được hưởng lương ngày nghỉ lễ Quốc tế Lao động (1/5). Đồng thời, ngày 14/4/1946, Trung ương Đảng ra Chỉ thị về việc tổ chức kỷ niệm ngày 1 tháng 5, xác định mục đích: “Trước hết phải nhận rằng ngày 1 tháng 5 là ngày đoàn kết và tranh đấu của lao dộng, nhưng trong hoàn cảnh hiện thời, nó phải là ngày hội của toàn dân, là ngày động viên lực lượng cứu quốc của toàn dân. Cho nên, công nhân phải cùng với các giới tổ chức việc kỷ niệm ngày ấy cho thật rộng rãi”[7].
Ngày 01/5/1946, ngày Quốc tế Lao động (1/5) được tổ chức kỷ niệm mít tinh trọng thể tại Hà Nội với sự tham dự của 20 vạn nhân dân lao động. Nhân dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời kêu gọi: “Cùng toàn quốc đồng bào! Cùng anh chị em lao động! Ngày 1 tháng 5 là một ngày Tết chung cho lao động cả các nước trên thế giới. Đó là một ý nghĩa đoàn kết rất sâu xa. Ở nước ta, lần này là lần đầu mà đồng bào ta, anh chị em lao động ta, được tự do đón tiếp ngày 1 tháng 5. Vậy nên nó có ý nghĩa đặc biệt sâu xa hơn nữa. Đối với chúng ta nó là một ngày để tỏ cho thế giới biết rằng ngày này chẳng những là ngày tết lao động, mà nó còn là ngày toàn dân đoàn kết. Đoàn kết để giữ vững tự do dân chủ. Đoàn kết để kiến thiết nước nhà. Đoàn kết để xây dựng một đời sống mới”[8].
Đến nay, trải qua 75 năm, kể từ khi nước Việt Nam độc lập tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5 hằng năm, biểu dương sức mạnh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, thể hiện tình đoàn kết quốc tế cao cả, hướng tới mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nhất là trong 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, cùng với quá trình phát triển của đất nước, giai cấp công nhân Việt Nam đã có những bước trưởng thành cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả các thành phần kinh tế, đóng góp hơn 65% tổng sản phẩm xã hội và hơn 70% ngân sách nhà nước. Công nhân, lao động nước ta đã tiếp cận nhanh với khoa học, công nghệ tiên tiến, từng bước đảm đương, làm chủ kỹ thuật và công nghệ cao, bước đầu hình thành đội ngũ công nhân trí thức. Để tiếp tục phát huy vai trò của giai cấp công nhân, ngày 28/01/2008, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) đã ra Nghị quyết “Về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" (Nghị quyết số 20-NQ/TW). Nghị quyết xác định: “Giai cấp công nhân nước ta có sứ mệnh lịch sử to lớn: Là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng”[9].
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (năm 2021) nêu rõ: “Xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho giai cấp công nhân. Chăm lo đòi sống vật chất, tinh thần, nhà ở và phúc lợi xã hội cho công nhân; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân. Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn phù hợp với cơ cấu lao động, nhu cầu, nguyện vọng của công nhân và yêu cầu hội nhập quốc tế; tập trung làm tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, tap thể công nhân. Định hướng, quản lý tốt sự ra đời, hoạt động của các tổ chức của công nhân tại doanh nghiệp ngoài tổ chức công đoàn hiện nay”[10].
Đại diện giai cấp công nhân Việt Nam diễu hành tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 30/4/2015
Với lực lượng trên 9 triệu đoàn viên, trên 130 nghìn công đoàn cơ sở, tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn vượt qua mọi khó khăn, thử thách; chủ động sáng tạo, đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động để thu hút, tập hợp ngày càng đông đảo công nhân viên chức lao động và hành động sát thực hơn, ý nghĩa hơn với vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân viên chức lao động.
Kỷ niệm 135 năm ngày Quốc tế Lao động (1/5) gắn với kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch ký Sắc lệnh số 56 quy định người lao động được nghỉ làm việc và có hưởng lương trong ngày Quốc tế Lao động diễn ra vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây là dịp để công nhân viên chức lao động bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại cùng các thế hệ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đã luôn quan tâm, chăm lo, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hơn chín thập kỷ qua, hướng tới xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Nhật Ngọc
[1] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh- Viện Lịch sử Đảng: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 1 (1930-1954), quyển 1 (1930-1945), Nxb. CTQG, Hà Nội, 2018, tr.180-181
[2] Ngày 1/5: công nhân Vinh-Bến Thủy bãi công đòi tăng lương, giảm giờ làm, gimr thuế, phản đối chính sách khủng bố của chính quyền thuộc địa; nông dân các xã huyện Thanh Chương biểu tình yêu cầu trả lại ruộng đất và trâu bò đã bị chiếm đoạt. Sáng ngày 1/5, trên 100 học sinh Trường Tiểu học Pháp – Việt (Thanh Chương) mít tinh kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động, sau đó diễu hành thị uy xung quanh huyện; Cờ đỏ được treo ở Tòa sứ (thị xã Hà Tĩnh), nhiều điểm ở huyện Đức Thọ, Hương Sơn, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh…
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, , tập 2, tr.58
[4] Hồng Thế Công (Hà Huy Tập), Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương, 1933, tài liệu lưu tại Viện Lịch sử Đảng.
[5] Nay là Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt- Xô.
[6] Báo tin tức ngày 11/6/1938, dẫn theo: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử Đảng: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 1 (1930-1954), quyển 1 (1930-1945), Nxb. CTQG, Hà Nội, 2018, tr.433,434.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2000, tập 8, tr.60.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.251
[9] https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-x/nghi-quyet-so-20-nqtw-ngay-28012008-hoi-nghi-lan-thu-sau-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-x-ve-tiep-tuc-xay-dung-giai-609
[10] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2021, tr.166