Không biết từ bao giờ, nhân dân Việt Nam đã gọi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh một cách kính trọng nhưng rất đỗi thân thương, gần gũi là Bác, cũng như chúng ta thật khó có thể hiểu được tại sao ngày 18/5/1946, Bác lại cho mọi người biết ngày mai - 19/5/1946 chính là sinh nhật của Người.
1. Báo Cứu quốc số 243 ra ngày 18/5/1946 đăng bài: Cụ Hồ - Chí - Minh với dân - tộc Việt - Nam có đoạn viết:
“Ngày 19 tháng này, 56 năm trước đây (1890) đã ra đời một người: Hồ Chí Minh…
… Bằng bàn tay khéo léo và quả quyết, chính ông đã khai sinh, đã nuôi nấng nhiều đoàn thể cách mạng Việt-Nam. Cái tinh thần hoạt động của hầu hết các chiến sĩ Việt-Nam đều do cái bàn tay tài tình của ông nhào nặn.
… Ông là người cha của cách mạng Việt-Nam và là linh hồn của cách mạng ấy.
Ông khổ vì cách mạng Việt-Nam, ông sống vì cách mạng Việt-Nam, ông là hiện thân của cách mạng Việt Nam vậy.
Thì ra cái ngày 19 tháng 5 năm 1890, cái ngày ông trông thấy bầu trời Việt Nam là cái ngày rất quan - hệ đến vận mệnh dân - tộc Việt - Nam…”[1]
Ngày 19- 5, đó còn là khoảng thời gian Nguyễn Ái Quốc trực tiếp chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng /5/1941, tại Khuổi Nậm, Pắc Bó, Cao Bằng. Hội nghị đầu tiên diễn ra trên đất nước Việt Nam do Người chủ trì sau ba thập niên bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước. Hội nghị hoàn chỉnh sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của cách mạng Việt Nam, đặt cơ sở quyết định đưa đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giành được độc lập dân tộc, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Cũng ngày 19/5/1941, theo sáng kiến của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) được thành lập, nhằm xây dựng, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập Tổ quốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đoàn nghệ thuật thiếu nhi Liên khu X và đội thiếu sinh quân đến chúc mừng sinh nhật lần thứ 60 của Người tại chiến khu Việt Bắc, ngày 19/5/1950. (Ảnh: TTXVN)
Báo Văn nghệ tháng 10/1993 trích đăng Hồi ký mang tên Tháng Tám cờ bay của ông Vũ Đình Huỳnh (một người khá thân cận và gần gũi với Bác, cũng là người chứng kiến lễ sinh nhật đầu tiên của Hồ Chí Minh năm 1946), trong đó có viết:
“… Sáng 18/5/1946, Bác bước vào phòng tôi, bảo nhỏ (nguyên văn là từ bảo mật):
- Này, thông báo cho các vị trong Chính phủ biết ngày mai sinh nhật tôi. Đừng quên gọi các cháu thiếu nhi đến chơi với tôi nhé!
Tôi nhìn Bác. Thoáng sững sờ, ngạc nhiên. Vị Chủ tịch nước tài năng, nổi tiếng rất mực khiêm tốn, thế mà đùng cái, lại chỉ thị cho tôi tổ chức sinh nhật cho chính mình?
Tôi toan hỏi Bác, nhưng Bác đã quay ra. Dừng lại ở cửa, lại dặn thêm:
- Báo cho các anh ở Trung ương và các đoàn thể biết luôn mai kỷ niệm sinh nhật tôi.
Tôi gọi dây nói đến các nơi cần thiết. Nội dung thiết yếu bàn về việc tổ chức sinh nhật Bác. Những địa chỉ cần thiết mà không có dây nói. Tôi trực tiếp hoặc phải cử người đi đến tận nơi.
… Hôm đó, cả Hà Nội sáng lên cờ màu, biểu ngữ nói lên ý chí độc lập và chúc mừng Bác…”[2].
Thế là, từ đó cho tới nay, chúng ta biết 19/5 là sinh nhật Người - Chủ tịch Hồ Chí Minh.
2. Điều ngạc nhiên là tại sao không sớm hơn cũng không muộn hơn, mà vào đúng thời điểm tháng 5/1946, khi đất nước đang ở thế ngàn cân treo sợi tóc với không ít việc trọng đại cần ưu tiên giải quyết, Bác lại Chỉ thị tổ chức sinh nhật cho mình, cho biết mình sinh ngày 19/5 ? Thực tế cho thấy trước năm 1946, nhân dân, bạn bè không được Người cho biết sinh nhật, vì thế không tổ chức mừng sinh nhật Người, còn sau ngày 19/5/1946, phần lớn mỗi dịp sinh nhật của Hồ Chí Minh đều diễn ra hết sức giản dị theo ý Người, đặc biệt, nhiều dịp sinh nhật Người dành để đi thăm hỏi động viên đồng bào, chiến sĩ, các đơn vị sản xuất… hay sang cả nước ngoài.
Thật khó để hiểu và lý giải thấu đáo lý do, nhất là với Bác - người đã dành trọn cuộc đời đấu tranh cho sự nghiệp độc lập của Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Phải chăng đây cũng là một sự tính toán có lợi cho dân cho nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Năm chiến sĩ xuất sắc đại diện các đơn vị vừa chiến thắng ở Điện Biên Phủ được cử về Việt Bắc mừng thọ Bác Hồ nhân sinh của Người, 19/5/1954 (Ảnh tư liệu)
Ngược dòng thời gian trở về những ngày tháng 5/1946, có một số sự kiện quan trọng liên quan đến vận mệnh dân tộc Việt Nam. Đó là:
- Hội nghị trù bị Đà Lạt kết thúc ngày 11/5, phái đoàn đàm phán về đến Hà Nội ngày 13/5. Hội nghị không đạt được kết quả mong đợi nhưng “… chỉ mới là một cuộc đàm phán tại chỗ có tính cách trù bị. Sợi dây liên lạc giữa ta với Pháp chưa hoàn toàn bị cắt đứt”[3]. Song, chúng ta đã một lòng đoàn kết và hiểu rõ hơn quyết tâm trở lại xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp và ngoại giao muốn thắng lợi, bảo vệ được độc lập, tự do, chúng ta phải có thực lực.
- Phái đoàn Quốc hội của Việt Nam đi thăm Quốc hội và nhân dân Pháp chưa trở về nước. Đặc biệt, cùng thời gian đó, “… một phái đoàn của Nam Kỳ cũng sang gặp Chính phủ Pháp để báo cáo tình hình và xin cho Nam Kỳ tự trị”[4].
- Việt Nam đang tích cực chuẩn bị để muộn nhất là đến ngày 31/5, phái đoàn đàm phán sang Cộng hoà Pháp tiếp tục bàn về mối quan hệ Việt - Pháp và Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm hữu nghị nước Cộng hoà Pháp theo lời mời của Chính phủ Pháp.
- D’Argenlieu tìm cách ngăn cản, không muốn Hồ Chí Minh đi thăm nước Pháp, không muốn Hà Nội điều đình trực tiếp với Paris. Nhà đương cục Pháp ở Sài Gòn D’Argenlieu, Valluy, Salan… không muốn có sự can thiệp của Chính phủ Pháp ở Paris đến các vấn đề liên quan tới Đông Dương, Việt Nam.
- Theo kế hoạch đã định, D’Argenlieu cùng một số tướng lĩnh ra Hà Nội và sẽ cùng Jean Sainteny đến gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh vào 18/5/1946.
Trong bối cảnh mọi biểu hiện từ lời nói đến hành động của nhà đương cục Pháp ở Việt Nam - điển hình là Cao uỷ D’Argenlieu đang tìm mọi cách để ngăn cản nỗ lực đàm phán hoà bình, tránh chiến tranh của Việt Nam, Hồ Chí Minh thì làm thế nào để sớm mở được cuộc đàm phán Pháp - Việt tại nước Pháp và Hồ Chí Minh đi thăm nước Pháp theo kế hoạch, mục đích đã định trở thành vấn đề quan trọng nhất.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết trong Tổng tập Hồi ký: “Cũng ngày hôm đó, Đác-giăng-li-ơ tới Hà Nội. Đây là lần đầu tiên, viên Cao uỷ Pháp đến Thủ đô nước ta. Mục đích chuyến viếng thăm này cũng mờ ám như những mưu đồ của y. Trong cuộc gặp gỡ ở Vịnh Hạ Long, viên cao uỷ thoả thuận với Chủ tịch Hồ Chí Minh muộn nhất vào ngày 31 tháng 5, phái đoàn đàm phán chính thức của Chính phủ ta sẽ lên đường sang Pháp. Ngày 31 tháng 5 sắp tới rồi. Tình hình chính trị tại nước Pháp còn bê bối…. Mặt khác, các vai tuồng của Xê – đin chưa sẵn sàng để diễn trò “Nam Kỳ tự trị”. Chính phủ Pháp cũng chưa chính thức phê chuẩn giải pháp chính trị này của viên cao uỷ ở Nam Kỳ. Do những lẽ đó, Đác-giăng-li-ơ muốn đề nghị với Chủ tịch Hồ Chí Minh hoãn ngày lên đường của phái đoàn Chính phủ ta qua Pháp. Y còn gian ngoan định nhân chuyến ra Hà Nội này, đánh tiếng trước với ta về việc nước Nam kỳ tự trị” sắp thành lập nay mai…
6 giờ chiều hôm đó, Đác-giăng-li-ơ cùng tướng Van-Luy và tướng Cơ-rê-panh đến Bắc Bộ Phủ để chào Chủ tịch Hồ Chí Minh…”[5]
Trong bối cảnh ấy, “Lễ mừng sinh nhật Bác được tổ chức vào tối hôm đó, tại phủ Bắc Bộ. Không khí ngày hội chảy tràn trên phố, tới tận cùng ngõ hẻm. Từng đoàn người biểu tình tuần hành trên các đường trung tâm hô vang khẩu hiệu chúc thọ Bác và các khẩu hiệu cách mạng khác nhau. Các cháu thiếu nhi ăn mặc quần áo đẹp, gõ trống ca hát quanh phủ Bắc Bộ”[6].
3. Báo Cứu quốc ngày 18/12/1946 thông tin về sinh nhật Bác và Người Chỉ thị tổ chức sinh nhật không phải là ngẫu nhiên mà là cả một sự cân nhắc, tính toán đến lợi ích của đất nước và mối quan hệ Việt – Pháp hiện tại. Trong bối cảnh đó, việc Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên tổ chức sinh nhật đã: 1. Thể hiện được tinh thần đoàn kết của các tầng lớp nhân dân quanh Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh; 2. Từ đây, ngày sinh nhật của Người trở thành động lực, niềm tự hào để toàn dân cùng nhau thi đua lập thành tích, góp sức cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, bảo vệ độc lập dân tộc; 3. Làm cho việc tiếp đón D’Argenlieu cùng phái đoàn diễn ra tự nhiên, gần gũi, đúng chừng mực và vị thế của nước Việt Nam độc lập; 4. Góp phần khiến D’Argenlieu không thực hiện được ý đồ bàn thảo sâu hơn các vấn đề nhằm cản trở việc phái đoàn đàm phán Việt Nam và Hồ Chí Minh sang nước Pháp vào 31/5/1946. Bởi thế, “Công việc thuyết khách làm không xong, ngày 22 tháng 5, Đác-giăng-li-ơ thất vọng trở về Sài Gòn".
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành trọn cuộc đời cho Tổ quốc và nhân dân, đối với Người, bất kỳ làm điều gì dù là nhỏ nhất cũng đều vì cái lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Người tổ chức sinh nhật lần đầu tiên vào ngày 19/5/1946 cũng là vì ý nghĩa đó. Lãnh tụ, Chủ tịch đất nước nhưng 56 tuổi mới lần đầu tiên tổ chức sinh nhật, thật đặc biệt, đáng nhớ và nhiều ý nghĩa. Sâu sắc, bùi ngùi biết bao khi Bác đã về với thế giới người hiền, nhà thơ Tố Hữu trong bài Theo chân Bác viết:
Tôi viết bài thơ mừng thọ Bác
Năm nay vừa tuổi tám mươi tròn
Chắc như thường lệ. Người đi vắng
Để mọi lời ca tặng nước non.
Nam Trang
[1] Báo Cứu quốc, số 243, ngày 18/5/1946; Xem: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tập Hồi ký, Nxb Quân đội nhân dân, H.2018, tr.279; Ký ức về những lần sinh nhật Bác Hồ/VTV4, ngày 31/12/2021, truy cập ngày 13/5/2023 https://www.google.com/search?q=v%E1%BB%81+ng%C3%A0y+sinh+nh%E1%BA%ADt+b%C3%A1c&oq=v%E1%BB%81+ng%C3%A0y+sinh+nh%E1%BA%ADt+b%C3%A1c&aqs=chrome.0.69i59j0i22i30l6j69i60.4908j0j4&sourceid=chrome&ie=UTF-8
[2] Xem: https://tienphong.vn/chuyen-ve-ngay-sinh-cua-bac-post1439171.tpo, truy cập ngày 13/5/2023
[3] Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tập Hồi ký, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2018, tr.278
[4] Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tập Hồi ký, Sđd, tr.279
[5] Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tập Hồi ký, Sđd, tr279-280
[6] Xem: https://tienphong.vn/chuyen-ve-ngay-sinh-cua-bac-post1439171.tpo, truy cập ngày 13/5/2023