Ngày 1-8-1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam xuất bản tài liệu “Ngày Quốc tế đỏ mồng một tháng tám” nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế đỏ 1-8. Tài liệu đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác tuyên truyền, cổ động, đánh dấu sự ra đời và phát triển của ngành Tuyên giáo của Đảng.
Ngày 1-8-1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam xuất bản tài liệu “Ngày Quốc tế đỏ mồng một tháng tám” nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế đỏ 1-8, ngày đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, bảo vệ Liên bang Xôviết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc, kêu gọi binh lính đoàn kết với nhân dân, hưởng ứng cuộc đấu tranh chống chiến tranh đế quốc.
Đây là tài liệu duy nhất, sớm nhất, còn lưu giữ cho đến nay, ngoài bìa ghi rõ “Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản ấn hành 1930''.
Mở đầu, tài liệu viết: “Đại hội lần thứ sáu của Quốc tế cộng sản đã quyết định lấy ngày mồng 1 tháng 8 làm ngày Quốc tế đỏ. Các Đảng Cộng sản trong ngày ấy phải hết sức hiệu triệu vô sản giai cấp dân chúng bị áp bức toàn thế giới lên tiếng thị oai với đế quốc chủ nghĩa toàn cầu để phản đối đại chiến, binh vực Liên bang Xôviết, ủng hộ phong trào cách mạng của các dân tộc bị áp bức”.
Tài liệu nêu rõ, chủ nghĩa đế quốc là nguồn gốc của chiến tranh. Không chỉ chiến tranh giữa các nước đế quốc với nhau để chia lại thị trường thế giới, chủ nghĩa đế quốc còn có âm mưu tiêu diệt Liên xô, đàn áp phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc.
Chính vì vậy, nhiệm vụ của giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức là phải vùng lên đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, bảo vệ Liên bang Xô viết và tự giải phóng cho mình.
Tài liệu viết: “Sự chiến tranh đế quốc đã gần tới rồi! Muốn cho khỏi hóa ra tro súng của đế quốc chủ nghĩa thì toàn thể vô sản gc và quần chúng bị áp bức ở Đông Dương phải hiệp sức cùng thợ thuyền và các dân tộc bị áp bức toàn thế giới mà tranh đấu chống đế quốc chủ nghĩa, cử hhành ngày quốc tế đỏ Mồng một tháng tám. Đến ngày ấy phải tỏ sức mạnh của mình ra; đình công, thị oai tuần hành để phản đối sự chiến tranh đế quốc, để ủng hộ Liên bang Xôviết và phong trào giải phóng ở các thuộc địa , để phản đối khủng bố trắng ở Đông Dương”.
Khẩu hiệu tranh đấu trong ngày mồng 1 tháng 8 là “Phản đối sự chiến tranh đế quốc !”, “Ủng hộ Liên bang Xôviết vvà phong trào giải phóng dân tộc ở các thuộc địa!”, “Đổi sự chiến tranh đế quốc ra làm sự chiến tranh cách mạng chống đế quốc chủ nghĩa!”, “Xứ Đông Dương hoàn toàn độc lập!”, “Tịch ký hết thảy ruộng đất của bọn địa chủ bổn xứ và ngoại quốc đem phát cho dân cày !”, “Phản đối khủng bố trắng. Thả hết thảy tù chính trị!” …
Tài liệu này đã gây được dư luận rất lớn trong xã hội và có sức cổ vũ to lớn đối với quần chúng đứng lên đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ Liên bang Xô viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc. Từ ngày 1-8 đến tháng 10-1930, khi phong trào cách mạng 1930-1931 và Xô viết Nghệ Tĩnh lên đến đỉnh cao, trong cả nước đã nổ ra hàng trăm cuộc mít tinh, biểu tình của các tầng lớp nhân dân với những khẩu hiệu nói trên.
Từ đó, ngày 1-8 trở thành một cái mốc lớn trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, gắn liền với sự ra đời của một tài liệu lịch sử quý giá, đánh dấu một hoạt động rất có ý nghĩa trong công tác tuyên giáo của Đảng.
Tạp chí Đỏ, một tạp chí quan trọng đầu tiên của Đảng
(Ảnh tư liệu)
Cũng trong tháng 8 năm 1930, thi hành chỉ thị của Quốc tế Cộng sản và quyết định của Hội nghị thành lập Đảng, Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam xuất bản Tạp chí Đỏ. Ngày 5-8-1930, Tạp chí ra số đầu tiên, mỗi số 100 bản (in rônêô). Song do điều kiện khó khăn, Tạp chí ra khoảng 1-2 tuần, một số.
Tạp chí đăng các bài về tin tức thế giới, kinh nghiệm cách mạng của các nước, các công tác Đảng, kinh nghiệm công tác bí mật, phê bình các khuynh hướng sai lầm.. Tạp chí Đỏ đóng vai trò là tài liệu huấn luyện và nghiên cứu cho toàn Đảng.
Tạp chí tồn tại đến tháng 10-1930 thì được thay bằng Tạp chí Cộng sản-cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Mười ngày sau khi Tạp chí Đỏ ra đời, ngày 15-8-1930, Trung ương Đảng xuất bản báo Tranh đấu. Để mở rộng ảnh hưởng của tờ báo, ngoài việc in bằng chữ quốc ngữ, báo Tranh đấu còn in chữ Nôm (lúc đó chữ Nôm còn thịnh hành ở thành thị và một số vùng nông thôn).
Tôn chỉ của báo Tranh đấu là: Để thống nhất tư tưởng, tổ chức, hành động cho toàn Đảng và quần chúng lao khổ. Báo đăng các văn kiện của Quốc tế Cộng sản nói lên mối quan hệ chặt chẽ giữa Đảng và quần chúng, khẳng định vai trò quyết định của quần chúng trong lịch sử, tin tưởng vào năng lực cách mạng và trí sáng tạo của quần chúng.
Sau Hội nghị Trung ương tháng 10-1930, báo Tranh đấu ngừng xuất bản, thay thế vào đó là tờ Cờ vô sản - cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Trong công tác tuyên truyền báo chí là một vũ khí sắc bén, cho nên cùng với việc Trung ương Đảng xuất bản tờ Tranh đấu, các Xứ ủy, Tỉnh ủy, Thành ủy cho ra đời các tờ báo của mình.
Xứ ủy Bắc Kỳ xuất bản tờ báo Tiến lên, Xứ ủy Trung Kỳ với tờ báo Người lao khổ, Công nông binh, Xứ ủy Nam Kỳ có Tạp chí Cộng sản,Lao khổ.
Các Thành uỷ, Tỉnh ủy đều cho ra đời các tờ báo để phục vụ mục đích đấu tranh cách mạng. Thành phố Hà Nội là điển hình với ba tờ, nhằm tuyên truyền cho công nhân phụ bếp, học sinh và tờ Bếp (Boy Bếp), hai tờ Hồng quân và Giác ngộ tuyên truyền vận động binh lính Pháp và Việt. Tỉnh Nghệ An có tờ Nghệ An đỏ, Hà Tĩnh có tờ Bước tới, Hà Nam có tờ Dân cày, Quảng Nam có tờ Lưỡi cày, Đặc khu ủy Vàm Cỏ Đông có tờ Giải phóng.
Một số huyện ủy cũng ra báo: Huyện ủy Nam Đàn tờ Giác ngộ, Quỳnh Lưu tờ Lao động, Thanh Chương tờ Nhà quê.
Sự ra đời các tờ báo cách mạng phản ánh sự cố gắng của các cấp ủy Đảng trong việc tuyên truyền vận động quần chúng. Đồng thời những tờ báo đó đã góp phần tích cực cho việc tăng cường ảnh hưởng sâu rộng của Đảng trong nhân dân.
Căn cứ tài liệu và những tờ báo có ý nghĩa này, năm 2000, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) quyết định lấy ngày 1-8 hằng năm làm Ngày truyền thống công tác tư tưởng, văn hoá của Đảng. Năm 2007, sau khi Ban Tư tưởng–Văn hoá Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) quyết định lấy ngày 1-8 hằng năm làm Ngày truyền thống công tác tuyên giáo của Đảng.
Bình Nguyễn
Nguyễn Hòa