Ngày 17/11/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1668/QĐ-TTg lấy ngày 19 tháng 4 là Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam, một mặt giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, mặt khác củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. 16 năm qua, nhiều địa phương, các cấp, các ngành đã hưởng ứng và long trọng tổ chức các hoạt động chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, tạo nên sự gắn kết trong cộng đồng 54 dân tộc, xây dựng quốc gia tiến bộ và bền vững.
Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4 hằng năm) là dịp để đồng bào các dân tộc được gặp gỡ giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc. Ảnh: Internet
Việt Nam, quốc gia có 54 dân tộc anh em, các dân tộc trên lãnh thổ nước ta dù tiếng nói, phong tục, tập quán khác nhau, nhưng đều là những bộ phận của cộng đồng quốc gia - dân tộc Việt Nam, cùng chung lưng đấu cật, đoàn kết đấu tranh chống thiên tai, địch họa để dựng nước và giữ nước. Trên cơ sở “mẫu số chung” đó, những sắc thái văn hóa riêng có của từng dân tộc được định hình, phát triển và bổ sung cho nhau, tạo nên tính thống nhất trong đa dạng của nền văn hóa Việt Nam.
Trong thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Plâyku, Bác Hồ đã căn dặn: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Lai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đã là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ có nhau, no đói giúp nhau” (1). Thực hiện lời dạy của Bác, ngày 17 tháng 11 năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1668/QĐ-TTg, lấy ngày 19 tháng 4 hàng năm là “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam”. Phải khẳng định rằng, đây là một sự kiện lớn, có ý nghĩa chính trị, văn hóa, xã hội sâu sắc, ngày mà tất cả chúng ta cùng tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc vì một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Trong thời gian qua, các địa phương trong cả nước đã triển khai nhiều hoạt động bảo tồn văn hóa các dân tộc, nhiều di sản văn hóa đã được vinh danh, bảo tồn và phát huy. Tính đến hết năm 2023, trên cả nước đã có trên 3.600 di tích quốc gia được xếp hạng; 130 di tích quốc gia đặc biệt (2); 9 di sản văn hóa thiên nhiên thế giới; 15 di sản văn hóa phi vật thể; 9 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh; 7 danh nhân Việt Nam được UNESCO vinh danh (3); có hơn 60.000 di sản văn hóa phi vật thể; 468 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục cấp quốc gia; gần 9.000 lễ hội dân gian; 238 bảo vật quốc gia; có 66 cá nhân được Chủ tịch nước ký Quyết định phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” và 1.121 cá nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” thuộc 63 tỉnh, thành phố. Đồng thời, nhiều loại hình văn hóa truyền thống đặc sắc, các làng nghề, sản phẩm đặc trưng của địa phương được lựa chọn để xây dựng đề án, quy hoạch các điểm, khu du lịch phục vụ cho công tác gìn giữ các giá trị văn hóa gắn với phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Nhiều hoạt động đặc sắc diễn ra trong khuôn khổ Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam được tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Internet
Thời gian gần đây, thực hiện số hóa di sản, các tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện ứng dụng công nghệ số vào các điểm đến, khu di tích nhằm khai thác di sản gắn với loại hình du lịch văn hóa. Việc số hóa di tích đã góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích một cách bền vững hơn; quảng bá hình ảnh, thông tin di tích cũng như những nét đẹp văn hóa đến với người dân, du khách trong và ngoài nước. Đây cũng là cơ sở để các địa phương tiếp tục kêu gọi, thu hút các nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Tính đến tháng 6 năm 2023, hệ thống bảo tàng trên cả nước có 128 bảo tàng công lập và 62 bảo tàng ngoài công lập. Nhiều đề án, chương trình đã được triển khai, trong đó phải kể đến Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”; Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Các địa phương cũng đã chủ động ban hành Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đảm bảo tính thống nhất và hài hòa giữa công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản với phát triển kinh tế - xã hội.
Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024 sẽ diễn ra trong các ngày từ 18/4 đến 21/4 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội, gồm nhiều hoạt động như: Hội nghị tuyên dương già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín có nhiều thành tích đóng góp trong hoạt động bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống văn hóa dân tộc tại địa phương; Trình diễn giới thiệu di sản, giới thiệu văn hóa các địa phương; Giới thiệu nghề thủ công truyền thống, các sản phẩm OCOP; Giới thiệu các nhạc cụ truyền thống; Biểu diễn các tiết mục dân ca dân vũ...; báo công, viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và gặp gỡ lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt, động viên các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín có nhiều thành tích đóng góp trong hoạt động bảo tồn, gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc tại địa phương….
Các hoạt động nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam nhằm cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số; Nhận diện các vấn đề cần bổ sung, hoàn thiện, vận dụng sáng tạo thực hành văn hóa nhằm phát huy hiệu quả giá trị di sản vì mục tiêu chấn hưng văn hóa, xây dựng văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc được gặp gỡ giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm góp phần bảo tồn, gìn giữ, tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, thắt chặt tình đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc, xây dựng và phát triển đời sống văn hóa lành mạnh, tiến bộ.
Bản sắc văn hóa dân tộc được địa phương và người dân chú trọng bảo tồn và phát huy. Ảnh: Internet
Để việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam đạt hiệu quả cao, đúng với ý nghĩa của ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, chúng ta cần quan tâm một số vấn đề trọng tâm, trước hết là tăng cường nghiên cứu toàn diện, tổng thể, nhận diện đầy đủ về thực trạng di sản văn hóa của các dân tộc Việt Nam, về đặc điểm văn hóa, kinh tế, xã hội và tình trạng đời sống của các nhóm dân tộc để làm cơ sở đầu tư trọng điểm, hiệu quả và phù hợp. Đồng thời, cần tiếp tục đề xuất các mô hình và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư và sử dụng nguồn lực văn hoá cho sự phát triển bền vững đất nước; cần củng cố lòng tin và niềm tự hào của đồng bào các dân tộc về các giá trị văn hoá truyền thống, nâng cao dân trí, nâng cao nhận thức của các chủ thể văn hóa gắn bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa với phát triển du lịch, phát huy tối đa sự đa dạng các biểu đạt văn hóa. Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách, thu hút các nguồn lực để phát triển văn hóa trong thời gian tiếp theo. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ văn hóa có chất lượng ở cơ sở để đảm bảo nhiệm vụ đề xuất cũng như thực thi các chính sách, chiến lược, đề án, dự án về văn hóa, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước
Cố Thủ tướng của Ấn Độ Jawaharlal Nehru (1889 - 1964) đã có một nhận định rất hay rằng “Một cá nhân con người cũng như một chiều sâu lịch sử nhất định. Họ được đánh giá cao bởi một nguồn gốc trong quá khứ. Điều cơ bản là phải có cái đó, nếu không thì người ta chỉ là bản sao mờ nhạt của cái gì đó không tiêu biểu cho một cá nhân hoặc một nhóm”. Và các di sản văn hóa giúp mỗi con người có được “diện mạo” hay “nguồn gốc” để tự hào. Điều này cũng đồng thời đặt ra cho mỗi người về thái độ và lối ứng xử đối với các di sản văn hóa, để văn hóa dân tộc được “sống” thực sự, để làm giàu có, phong phú và tốt đẹp hơn đời sống tinh thần của cộng đồng. 16 năm trôi qua, những thành công trong việc bảo tồn, tôn vinh, phát huy di sản văn hóa các dân tộc ở Việt Nam là sự minh chứng cho tính đúng đắn trong đường lối văn hóa của Đảng, minh chứng rằng các di sản được vinh danh đã khẳng định giá trị của nó trong đời sống văn hóa cộng đồng; minh chứng văn hóa Việt Nam giàu giá trị và đậm đà bản sắc dân tộc.
-----------------
Chú thích
1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, tập 4, tr.249-250.
2). Đợt xếp hạng lần thứ 14 vào năm 2023.
3) 7 danh nhân Việt Nam được UNESCO vinh danh gồm: Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh, Nguyễn Du, Chu Văn An, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Trường Sơn