Chỉ còn ít ngày nữa, Tết Âm lịch cổ truyền Tân Sửu sẽ đến trên khắp mọi miền của đất nước ta. Bất chợt lòng người lại dâng niềm xao xuyến, lâng lâng trong không khí của đất trời rạo rực tuần hoàn. Nhành hoa đào trước sân nhà lại khẽ lay động trong sương sớm, như khơi gợi cho ta những cảm xúc buổi giao mùa.
Hoa Đào đã trở thành biểu tượng của mùa xuân. Ảnh: Internet
Vào giờ này, nhà nhà đã chuẩn bị để đón một cái Tết đoàn viên đầm ấm. Những người phải lao động xa quê đã sớm đăng kí vé tàu, xe… từ hàng tháng trước để được về quê ăn Tết. Kiều bào Việt Nam ở nước ngoài vì dịch Covid -19 và giao thông cách trở nhưng cũng mong mỏi sớm được lên chuyến bay “giải cứu” để trở về quê hương kịp đón Tết bên người thân. Chuyện lo xa như thế đã được các hãng hàng không, các hãng vận tải đường dài tìm cách cải tiến phương thức bán vé sao cho nhanh nhất, vận chuyển hành khách sao cho tiện lợi nhất để phục vụ bà con xa quê, mong ai cũng có một cái Tết ấm cúng bên gia đình.
Thực phẩm thiết yếu phục vụ nhân dân ăn Tết năm nay không bị khan hiếm và tăng giá. Đường sá lưu thông ở các thành phố lớn dịp giáp Tết vẫn đông đúc và hay tắc nghẽn như thường lệ. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng trên gương mặt mỗi người vẫn hiện rõ nét hoan hỉ vì mọi hoạt động vẫn có thể diễn ra trong điều kiện bình thường mới, vừa vui đón Tết, vừa sản xuất kinh doanh song hành cùng phòng chống dịch bệnh. Đúng vào dịp cận Tết năm nay cũng diễn ra một sự kiện đặc biệt quan trọng của đất nước là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Mừng Xuân, mừng Đảng, mừng hạnh phúc của Nhân dân, mừng sự bình yên của Tổ quốc. Tất cả cùng hòa quyện trong không khí Xuân của đất trời để chuẩn bị đón thời khắc linh thiêng chuyển giao sang Năm mới, thập kỷ phát triển mới của nước nhà.
Hòa chung trong không khí đón Xuân của cả nước, người Hà Nội đón Xuân có lẽ không thể không có hoa Đào. “Đào Nhật Tân” Hà Nội đã nổi tiếng từ lâu, đã đi vào thi ca, nhạc, họa và trở thành đặc sản không thể thiếu, trở thành niềm tự hào, nỗi nhớ của những người con xa quê mỗi khi Tết đến, Xuân về .
Sắm đào dịp Tết là một trong những nét văn hóa của người Việt. Ảnh: vietnammoi.vn
Gọi là “Đào Nhật Tân” nhưng các vườn đào ở Hà Nội đã phát triển mạnh ra các vùng Phú Thượng, Nghi Tàm, Quảng Bá… được những người trồng vườn chuyên nghiệp đặt gốc trồng từ sau Tết năm ngoái, cùng với những gốc đào đã nhiều năm tuổi, được chăm bón, cắt lá tỉa cành… để nở rộ đúng dịp tiết Xuân ấm áp. Những nụ hoa Đào hồng, Đào bích, Đào phai mang đặc trưng chất xuân Hà Nội không thể lẫn với hoa Đào của các vùng đất khác. Những cây Đào thế đủ dáng hình, đủ loại lớn nhỏ bày dày đặc trên vỉa hè các con phố của Thủ đô chen lẫn với những chậu Cúc, Đồng tiền, Thược dược… đủ màu làm cho phố phường Hà Nội Xuân càng thêm rực rỡ. Ngày rằm tháng Chạp, các bà, các mẹ đi chợ chọn mua cành đào cắm trên bàn thờ Tiên Tổ báo hiệu với ông cha Tết đã đến rồi.
Ở Quảng Bá, Nghi Tàm, Nhật Tân, dù đất xây dựng đã chiếm dụng khá nhiều diện tích trồng Đào truyền thống nhưng bà con vẫn thu xếp được những mảnh vườn Đào mà chỉ Hà Nội mới có. Vào dịp này người chơi không chỉ chọn Đào được bày bán trên các hè phố, khu chợ mà còn hăm hở kéo nhau đến các vườn Đào để tận tay chọn những cây dáng đẹp, nhiều nụ, nhiều lộc và được người trồng vườn tư vấn về cách chăm sóc sao cho Đào nở đúng vào dịp Tết. Khi đã chọn được cây ưng ý thì chủ vườn sẽ chở cây đến tận nhà. Các ông chủ, bà chủ chỉ cần chỉ chỗ bày cây sao cho đẹp, cho sang, để tự hào với khách đến chơi nhà, để “khoe” với hàng xóm, láng giềng. Ra Giêng ngoài Rằm hết Tết, chủ vườn lại đến tận nhà chở cây đi ươm trồng cho năm sau. Nếu không thích Đào vườn, Đào thế, người ta có thể mua cành Đào rừng do người dân miền núi trồng với màu hoa hồng nhạt, cành mốc, cánh hoa mỏng nhưng đầy sức sống, hoang dã nhưng không kém phần tao nhã. Nhiều người có thú chơi Đào rừng cũng sẵn sàng dành cả ngày, cả buổi qua các chợ hoa để ngắm nghía, lựa cho được một cành hoa dáng đẹp, phù hợp với không gian nhà mình, mang không khí Xuân của núi rừng về phố thị. Nhưng mấy năm nay, phong trào chặt Đào rừng ồ ạt mang về đón Tết Hà Nội đã trở thành chuyện phá rừng đến nỗi Thủ tướng Chính phủ phải ban hành lệnh cấm. Tết Tân Sửu 2021 lần đầu tiên thực hiện thí điểm lệnh này nhưng đã bộc lộ một số vấn đề bất cập vì Đào phải chặt cành thì nó mới tức nhựa mà bật ra cành mới. Đó là qui luật của tự nhiên ngàn đời nay rồi. Không chỉ vậy, bà con miền núi trồng Đào, chăm Đào cả năm chỉ mong đến Tết bán để có tiền sắm Tết, lo học hành của con cái và chi tiêu sinh hoạt của cả gia đình trong năm mới, nên nếu không được bán Đào vì sợ phá Đào rừng tự nhiên thì nhiều gia đình sẽ không còn kế sinh nhai. Làm thế nào để vừa bảo tồn được thiên nhiên tươi đẹp lại vừa đảm bảo được sinh kế cho bà con miền núi, vùng sâu, vùng xa thoát nghèo là nỗi niềm vẫn còn nhiều trăn trở trong mùa Xuân này.
Hoa đào rừng bung nở trên những bản làng vùng cao. Ảnh: thanhnien.vn
Nhớ mãi năm xưa chúng tôi đi Lạng Sơn mua được một cành Đào phai rất đẹp, dáng cành to nhưng cân xứng, thân cành rêu mốc nhưng không quá dầy hoa mà lộc non, chồi biếc và nụ, hoa đều tươi tắn mơn mởn đúng dáng Xuân thì. Mấy năm nay những cành Đào như thế không còn nữa rồi. Năm ngoái cô bạn rủ lên Nhật Tân mua một gốc Đào thế. Chọn cả buổi mới được một cây có dáng thác đổ. Cả năm tất bật, vất vả với nỗi lo toan cơm áo, gạo tiền, đón Xuân chỉ cần có cành Đào đẹp đậm chất Tết là yên tâm, là vui sướng. Năm nay dự định sẽ dành ra cả buổi chiều Ba mươi Tết đi bộ lên chợ hoa Hàng Lược, chen chúc cùng “rừng người” Hà Nội xen lẫn trong “rừng Đào” để sắm cho được một cành Đào thật đẹp về trưng Tết. Vừa ngắm hoa, vừa ngắm người, vừa chụp ảnh tưng bừng để khoe bạn bè. Thú vui nho nhỏ dân dã và cái không khí hân hoan ấy cũng chỉ Tết đến mới có được.
Tết với Đào năm nào cũng có mà sao vẫn vẹn nguyên cái cảm giác hào hứng, lâng lâng mỗi khi Tết đến Xuân về...
Bích Ngọc - Phương Liên