Có thể khẳng định, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam là địa phương điển hình thành công trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị Nghệ thuật Bài chòi ở miền Trung. Nghệ thuật Bài chòi hiện nay là sản phẩm du lịch ấn tượng, góp phần làm nên thương hiệu du lịch Hội An và đã đóng góp không nhỏ vào tổng doanh thu du lịch Hội An.
Du khách về Hội An nghe hát Bài chòi. Ảnh: dantri
“Gió xuân phảng phất nhành tre,
Mời bà con cô bác lắng nghe Bài chòi…”
Lời mở đầu của một hội chơi Bài chòi ở Hội An, tỉnh Quảng Nam có sức hấp dẫn kỳ lạ nhờ giọng hát đã thành giai thoại của nghệ nhân Lương Đáng và Phùng Thị Ngọc Huệ. Tết đến, xuân về, tiếng trống của hội chơi Bài chòi nơi phố cổ Hội An lại vang lên gọi mời, huyền hoặc.
Nghệ thuật Bài chòi có mặt ở thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam khá sớm, nhưng nếu nói về giai đoạn cực thịnh thì tính từ đầu thế kỷ XX, khi người dân Hội An được tiếp cận Bài chòi qua truyền miệng, tham gia hội chơi Bài chòi trong các dịp lễ, tết. Trò chơi Bài chòi được các vị cao tuổi đứng ra dựng chòi và tổ chức cho người trong xóm, trong làng vui chơi, lúc bấy giờ thường chỉ hô những câu ngắn gọn được lấy từ ca dao, tục ngữ và do các nghệ nhân sáng tác hoặc ứng tác. Đến khoảng thập niên 60 thế kỷ XX, một số hạt nhân văn nghệ của Hội An được đi học các lớp dạy hát làn điệu Bài chòi để về truyền đạt lại cho phong trào văn nghệ quần chúng. Tuy nhiên, giai đoạn này do điều kiện chiến tranh nên loại hình Bài chòi không được duy trì đều đặn.
Sau năm 1975, sự ra đời của Đoàn ca kịch Quảng Nam-Đà Nẵng (sau là đoàn Dân ca kịch Quảng Nam) đã tạo nên phong trào sâu rộng trong công chúng về thưởng thức và sáng tác lời mới cho các làn điệu Bài chòi. Nhiều thanh niên ở Hội An đã tham gia vào Đoàn ca kịch và sau này trở thành hạt nhân của lực lượng hô, hát Bài chòi Hội An. Đến giữa thập niên 1980, Nghệ thuật Bài chòi mới hồi phục dần ở nông thôn và sang nửa thập niên 1990, bắt đầu dần trở thành thế mạnh của phong trào văn nghệ, sinh hoạt văn hóa của Hội An, được người dân yêu thích, được lớp trẻ hào hứng tham gia ở cả vùng nông thôn và vùng nội thị.
Từ tháng 9 năm1998, Hội An đã bắt đầu đưa Nghệ thuật Bài chòi vào lễ hội “Tái hiện đêm phố cổ Hội An đầu thế kỷ XX”. Từ đó, Nghệ thuật Bài chòi thực sự sống dậy ở nội thị và thành định kỳ tổ chức ở các thôn, các khối phố mỗi dịp tết đến, xuân về. 20 năm sau, Nghệ thuật Bài chòi trở thành một phần quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần, là sản phẩm du lịch nổi tiếng của Hội An.
Có thể xem Nghệ thuật Bài chòi ở Hội An là biểu hiện tập trung của đặc trưng Nghệ thuật Bài chòi Quảng Nam. Về âm nhạc thì vẫn sử dụng 4 làn điệu chính: Xàng xê, Xuân nữ, Hồ Quảng, Cổ bản kết hợp với nhạc cụ là trống cái và đàn nhị như Nghệ thuật bài chòi ở hầu hết các tỉnh miền Trung, song lời ca đã biến tấu rất nhiều, mang đậm tính địa phương Quảng Nam. Nghệ thuật Bài chòi Quảng Nam tích hợp được nhiều âm giai, âm hưởng của dân ca Quảng Nam, đặc biệt là lối vừa hô Bài chòi, vừa hát nói. Vốn văn hóa dân gian Quảng Nam gần như có mặt hầu hết ở Bài chòi Hội An. Người Hội An còn đưa cả “nói lái” vào câu hô, hát. Chẳng hạn như, khi nghe câu đố này, nếu không phải là người Quảng Nam quen với việc “nói lái” thì khó có câu trả lời chính xác: câu đố về hoa quả “hít ra, hít vô, hít một”, câu trả lời là “hột mít”!
Lời ca Bài chòi ở Hội An hài hước, điệu hai quân bài gõ vào nhau, giọng điệu hô bài rất giống điệu bộ cử chỉ người Hội An bình dân, cứ như họ mang cả đời sống bình dân của người lao động lên “sân khấu”. Hội An không làm chòi bằng tranh tre như truyền thống mà làm những chòi nhỏ lợp bằng lá dừa, người chơi chen lấn đông đúc, vui nhộn tạo nên nét đặc trưng mới cho sinh hoạt dân gian Hội An. Trò chơi được tổ chức một cách đơn giản. Ở giữa sân khấu là anh/chị hiệu, vừa giới thiệu vừa hô bài vừa điều khiển cuộc chơi. Những người tham gia chơi ngồi xung quanh sân khấu 3 mặt. Bộ Bài chòi ở Hội An gồm có 30 quân. Trong trò diễn, có 3 bộ bài giống nhau về tên các quân bài. Một bộ dành cho người chơi, một bộ dành cho anh hiệu, và bộ còn lại dành cho anh chạy hiệu. Trong đó, chỉ bộ bài dành cho người chơi là được ghép thành các thẻ bài có 3 quân, đây là một kiểu biến tấu thẻ bài chỉ riêng ở Hội An mới thấy[1].
Từ chỗ chỉ là trò chơi dân gian, Hội An đã dựng thành những tiết mục nghệ thuật hoàn chỉnh đúng phong cách “trình diễn dân gian Bài chòi” và liên tục được cử tuyển hoặc mời chọn tham dự các liên hoan nghệ thuật dân gian, dân ca cấp khu vực cũng như toàn quốc ở trong Nam, ngoài Bắc, cả ở nước ngoài như: Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức, Italia, Hungary, Nhật Bản.
Từ khi được công nhận là di sản văn hóa thế giới, số lượng nghệ nhân, người hô, hát và chơi đàn Bài chòi ở Hội An phát triển không ngừng. Năm 2020, theo thống kê của ngành văn hóa Hội An, trên địa bàn thành phố Hội An hiện có 3 nghệ nhân ưu tú, 200 diễn viên tham gia trong hơn 10 nhóm/đội, câu lạc bộ Bài chòi, trong đó có 36 nghệ nhân làm anh/chị hiệu, 5 nghệ nhân độc diễn Bài chòi dân gian, 13 nghệ nhân chơi nhạc cụ, 6 người biết đàn Bài chòi, 49 người có khả năng truyền dạy, nghệ nhân không chuyên hoạt động tại xã/phường khoảng trên 25 người (Tân Hiệp, Cẩm Kim, Cẩm Hà, Cẩm An, Cửa Đại, Cẩm Châu, Sơn Phong, …)[2].
“Đêm phố cổ” 20 năm qua đã chứng minh được sức sống của mình với tư cách là một sự kiện văn hóa, một sản phẩm du lịch - văn hóa thường xuyên đầy hấp dẫn của Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An. Theo đó, Nghệ thuật Bài chòi cũng hồi sinh mãnh liệt và trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của Hội An.
Khi đến thăm quan phố cổ, du khách có nhiều cách để tiếp cận với loại hình diễn xướng hô, hát Bài chòi, đó là ở trong không gian những ngôi nhà cổ, ở sân khấu ngoài trời vào buổi tối, hay ở trong Nhà hát biểu diễn nghệ thuật cổ truyền Hội An.
Trong thời gian chờ đợi du lịch dần hồi sinh trở lại như cũ, Nghệ thuật Bài chòi vẫn được âm thầm duy trì trong cộng đồng Hội An, chờ dịp được trở lại phục vụ du khách. Mới đây, Hội An đón đoàn khách quốc tế đầu tiên gồm 50 du khách đến tham quan phố cổ sau thời gian dài ảnh hưởng của dịch Covid-19[3]. Đêm 7/12, Hội An đã kỷ niệm 4 năm Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại bằng chương trình giao lưu đêm kỷ niệm "Về Hội An nghe hát Bài chòi", thu hút đông đảo du khách và người dân đến tham gia. Hiện công tác chuẩn bị cho Hội Bài chòi những ngày Xuân Nhâm Dần 2022 đã hoàn tất. Ngành văn hóa và ngành du lịch Hội An đang cùng chung tay vào cuộc chuẩn bị đón tiếp các đoàn du khách trong và ngoài nước trong dịp Tết nguyên đán. Và, dẫu khách du lịch không nhiều, trước hết cũng sẽ phục vụ cho chính người dân Hội An – những chủ nhân của loại hình đặc biệt này – bởi hơn ai hết, họ chính là cộng đồng nuôi dưỡng Nghệ thuật Bài chòi sống cùng đời sống hôm nay.
[1] Hồ Thị Thu Hà (2018), Trò diễn Bài chòi Hội An - Một sinh hoạt văn hóa, một sản phẩm du lịch độc đáo. Truy xuất từ http://zaidap.com, ngày 15/12/2021
[2] UBND thành phố Hội An, Phòng Văn hóa và Thông tin Hội An (2020), Báo cáo kết quả công tác ngành văn hóa, du lịch, thông tin truyền thông, thể thao năm 2020 và nhiệm vụ công tác năm 2021, tr.3
[3] Hồ Giáp, Công Sáng, (2021), Phố cổ Hội An đón đoàn khách quốc tế đầu tiên sau 2 năm 'vắng bóng'. Truy xuất từ https://vietnamnet.vn, ngày 15/12/2021
Triều Nguyễn