Kết quả thu hút đầu tư sẽ có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó có chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng giá trị công nghiệp, giá trị xuất khẩu và giải quyết việc làm. Đây cũng là kết quả nổi bật nhất sau gần 3 năm Nghệ An triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Điểm sáng về thu hút đầu tư
Nghi Lộc là huyện nằm trong vùng trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh Nghệ An. Là huyện ven biển, Nghi Lộc có lợi thế kinh tế biển, du lịch và dịch vụ biển, có Khu công nghiệp Nam Cấm và 10 xã thuộc Khu kinh tế Đông Nam. Qua địa bàn huyện Nghi Lộc, có đường Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam, cảng biển quốc tế Nghi Thiết có thể đón tàu trên 70.000 tấn và gần sân bay quốc tế Vinh. Trong những năm gần đây với chính sách "trải thảm" thu hút đầu tư, hàng chục dự án đã được cấp phép đầu tư trên địa bàn.
Nổi bật là Khu công nghiệp WHA đã cơ bản giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng với tổng diện tích 498 ha. Đến nay, Khu công nghiệp WHA đã thu hút hơn 28 dự án lớn nhỏ với tổng vốn đầu tư trên 26.710 tỷ đồng. Đây là mô hình phát triển khu công nghiệp xanh, tạo hình ảnh khu công nghiệp thân thiện với môi trường và phát triển bền vững. Dự kiến khi khu công nghiệp này được lấp đầy, sẽ tạo việc làm cho khoảng 30.000 lao động; đóng góp rất tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh Nghệ An.
Ngoài ra, huyện tiếp tục thu hút đầu tư, có cơ chế thuận lợi cho các dự án; doanh nghiệp đầu tư vào các khu công nghiệp; cụm công nghiệp trên địa bàn gồm: Các khu công nghiệp Nam Cấm (Khu A, B, C); Cụm công nghiệp Trường - Thạch, Cụm công nghiệp Đô Lăng (Nghi Lâm); Khu công nghệ cao Nghi Long và Khu phi thuế quan. Đồng thời quy hoạch mở rộng Khu công nghiệp Nam Cấm về phía tây (khu D). Cùng với đó, việc thu hút đầu tư các dự án trực tiếp sử dụng đất ngoài các khu công nghiệp trên địa bàn huyện được thực hiện khá tốt; có trên 70 dự án được chấp thuận đầu tư, với tổng diện tích 291,61 ha, vốn đăng ký 9.461 tỷ đồng. Đến nay có 29 dự án hoàn thành đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho gần 3.000 lao động, ước tính nộp thuế hàng năm đạt trên 150 tỷ đồng.
Xác định rõ trách nhiệm, thời gian qua chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể đã tích cực vào cuộc. Sự phối hợp chặt chẽ, quy trình triển khai khá bài bản, từ khâu tuyên truyền, chính sách đền bù, hỗ trợ được thực hiện công khai, dân chủ, minh bạch, mức đền bù hỗ trợ cơ bản phù hợp, nhiều kiến nghị của người dân được giải quyết kịp thời. Huyện đã có chính sách ưu tiên cho lao động người địa phương là những hộ đã mất đất sản xuất nông nghiệp cho dự án, chính sách chuyển đổi nghề cho lực lượng lao động tuổi trên 40 (là những người không có khả năng được tuyển vào các công ty) và quan tâm tốt an sinh xã hội trên địa bàn.
Giải phóng mặt bằng các dự án vì thế tương đối nhanh, gọn, được đa số người dân đồng thuận, đến nay cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án đường D4, đường N5 đoạn qua khu dân cư Nghi Đồng, đi Hoà Sơn, Đô Lương, hoàn thành việc hỗ trợ bồi thường về hoa màu và bàn giao mặt bằng khu C- khu công nghiệp Nam Cấm cho Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam.
Nghi Lộc cũng lấy đầu tư kết cấu hạ tầng đi trước để làm đòn bẩy phát triển cho các lĩnh vực khác. Sau 10 năm xây dựng, kết cấu hạ tầng trên địa bàn được đầu tư đồng bộ. Nghi Lộc trở thành một trong những huyện dẫn đầu của tỉnh, trở thành huyện công nghiệp, là một điểm nhấn về phát triển kinh tế của tỉnh Nghệ An, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế chung của tỉnh. Thực hiện các khâu đột phá trong các ngành, lĩnh vực của huyện gắn với việc tái cơ cấu kinh tế, qua đó đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, xây dựng Nghi Lộc xanh, sạch, đẹp, văn minh.
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đô thị, nông thôn được xây dựng đồng bộ, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Trong quá trình triển khai, Nghi Lộc bám sát quy hoạch phát triển của tỉnh gắn với quy hoạch điều chỉnh phát triển kinh tế, xã hội của huyện để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với chuyên dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hóa. Phấn đấu giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng năm 2025 đạt 30.204 tỷ đồng, nhịp độ tăng trưởng đạt 16,4%/năm.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc cho biết: Hiện quỹ đất thuận lợi cho thu hút đầu tư phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn huyện đang còn rất lớn, vì vậy huyện cũng ưu tiên thu hút đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh như chế biến nông-lâm-thủy sản, thực phẩm, vật liệu xây dựng, chế biến gỗ, điện tử. Song song đó, ưu tiên thu hút đầu tư các ngành công nghiệp công nghệ cao như công nghệ sinh học, dược phẩm, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa…
Trong tương lai, huyện hướng tới xây dựng Nghi Lộc trở thành vệ tinh quan trọng, kết nối thành phố Vinh có công nghiệp, dịch vụ phát triển, có nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phục vụ các vùng đô thị lân cận. Nghi Lộc là một trong những "điểm sáng" về thu hút đầu tư của tỉnh Nghệ An thời gian qua, góp phần tạo nên môi trường đầu tư kinh doanh của Nghệ An ngày càng trở nên hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.
Hiện quy mô kinh tế của Nghệ An đang đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt cao, năm 2022 đạt 9,08%, 9 tháng năm 2023 đạt 6,27%. Đặc biệt, trong thu hút vốn đầu tư nói chung và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nói riêng là điểm sáng. Năm 2022, đạt gần 1 tỷ USD, 10 tháng của năm 2023 đạt hơn 1,27 tỷ USD, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Lũy kế đến nay, tỉnh Nghệ An có 130 dự án FDI đăng ký đầu tư, tổng vốn đăng ký đạt gần 3,85 tỷ USD.
Các dự án đã giải quyết việc làm cho hơn 100 nghìn lao động; trong đó, dự án FDI giải quyết hơn 40 nghìn lao động. Ðặc biệt, Nghệ An đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn với các dự án tầm cỡ trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử và công nghệ của thế giới với tổng vốn đầu tư gần 1,1 tỷ USD. Nghệ An thu hút được các Tập đoàn VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Ðạt tập trung đầu tư các khu công nghiệp có diện tích lớn, đạt chuẩn quốc tế để phục vụ thu hút đầu tư.
Ông Lê Tiến Trị, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An cho biết: "Trước sự dịch chuyển làn sóng đầu tư nước ngoài, bên cạnh các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, hiện nay tỉnh Nghệ An đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, kết hợp với các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp để kết nối, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, hướng tới các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…".
5 "sẵn sàng" đón sóng đầu tư
Thành quả của việc xúc tiến đầu tư thời gian qua của Nghệ An nhờ nỗ lực và đổi mới của toàn hệ thống chính trị. Tỉnh Nghệ An đã nhìn nhận và phân tích, đánh giá được những thuận lợi, nhận diện những khó khăn, thách thức và chuẩn bị điều kiện để đón nhận làn sóng đầu tư mới của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Cùng với cải cách hành chính được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo, tạo được nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp khi rút ngắn thời gian thực hiện và đơn giản hóa các thủ tục đầu tư, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung thực hiện năm nhiệm vụ, được gọi là "5 sẵn sàng". Ðó là sẵn sàng về mặt bằng đầu tư; sẵn sàng về hạ tầng thiết yếu; sẵn sàng về nguồn nhân lực; sẵn sàng đổi mới, cải cách, cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh và sẵn sàng hỗ trợ các dự án đầu tư; trong đó có các dự án FDI.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1059/QĐ-TTg ngày 14/9/2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tích hợp 49 nội dung quy hoạch, gồm 28 quy hoạch ngành và 21 quy hoạch địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh Nghệ An đang triển khai mở rộng Khu kinh tế Đông Nam thành Khu kinh tế Nghệ An trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; lập và hoàn thiện quy hoạch phân khu, xây dựng các khu chức năng trong khu kinh tế theo điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tỉnh Nghệ An đang tập trung huy động nguồn lực để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng quan trọng, thiết yếu, như: Dự án đầu tư xây dựng cảng nước sâu Cửa Lò; Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng cảng hàng không quốc tế Vinh; tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Nghệ An sẽ hoàn thành vào tháng 6/2024. Nghệ An cũng đang hoàn thiện hệ thống hạ tầng và dịch vụ xã hội, gồm khu nhà ở cho công nhân, nhà ở cho chuyên gia nước ngoài, cơ sở giáo dục, dạy nghề và cơ sở y tế chất lượng cao, cơ sở thương mại, dịch vụ, khách sạn và du lịch nghỉ dưỡng tiêu chuẩn quốc tế.
Đến năm 2025, tỉnh Nghệ An bảo đảm có đủ quỹ đất mặt bằng sạch và hạ tầng đồng bộ, hiện đại, hướng đến tăng trưởng xanh trong Khu kinh tế Đông Nam với tổng diện tích khoảng 2.000ha và các khu công nghiệp để đón nhận làn sóng đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Với 1,6 triệu người trong độ tuổi lao động, được đào tạo bài bản, có tính cần cù, sáng tạo đây là nguồn lao động dồi dào cung cấp cho các khu kinh tế, khung công nghiệp. Ngoài ra, Nghệ An còn là trung tâm giáo dục đào tạo của khu vực Bắc Trung Bộ với 6 trường đại học, 11 trường cao đẳng và hơn 70 trường trung cấp và trung tâm dạy nghề, đảm bảo nguồn nhân lực cung cấp cho các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, Nghệ An không ngừng đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh; đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng "Một cửa tại chỗ", "Một đầu mối", nhất là thủ tục đầu tư vào khu kinh tế, các khu công nghiệp được giải quyết nhanh chóng...
Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là chủ trương hết sức quan trọng, tạo động lực mới và những cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cho sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới.
Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Nghệ An cho biết: Từ thuận lợi trên, tỉnh Nghệ An cam kết sẽ tiếp tục sát cánh, đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về chính sách, môi trường cho các nhà đầu tư, chào đón các doanh nghiệp trên các lĩnh vực công nghệ cao như: Công nghệ bán dẫn, công nghiệp chế tạo, sản xuất vật liệu, linh kiện điện tử, dịch vụ tài chính, ngân hàng. Các lĩnh vực thu hút nhằm đáp ứng yêu cầu về đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, kinh tế ứng phó biến đổi khí hậu, năng lượng mới, năng lượng tái tạo phục vụ cho phát triển bền vững.
Nguồn TTXVN