Múa khèn (Tang quây) của đồng bào dân tộc H’Mông thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, đã có từ lâu đời và được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Trong những dịp lễ hội, Tết đến xuân về, tiếng khèn được coi như là linh hồn của người H’Mông gửi gắm và thể hiện tiếng lòng của mình với bạn bè, với cộng đồng, với thiên nhiên, núi rừng và thể hiện giá trị văn hóa, làm nên bản sắc độc đáo riêng của người H’Mông.
Theo quan niệm của người H’Mông, con gái H’Mông phải biết may vá, dệt vải, thêu thùa và con trai H’Mông phải biết thổi khèn và múa khèn. Con trai H’Mông từ nhỏ đã biết đến tiếng khèn và khi 13 đến 15 tuổi đã có cây khèn trên vai mỗi khi lên nương, xuống chợ. Đối với người H’Mông, khi múa khèn không thể thiếu được loại nhạc cụ do chính họ làm ra, đó là khèn H’Mông. Khèn H’Mông là một nhạc cụ tiêu biểu, độc đáo, gắn bó và có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc H’Mông. Tiếng khèn dường như đã trở thành một phương thức để người H’Mông chuyển tải, thổ lộ những tâm tư nguyện vọng của mình,... Trong các nghi lễ, lễ hội, khèn H’Mông mang ý nghĩa là phương tiện giao tiếp của con người với thế giới tâm linh, là nhạc cụ độc đáo thể hiện tâm hồn, tín ngưỡng truyền thống, bản sắc của dân tộc, gắn liền với các sinh hoạt văn hóa, đời sống hàng ngày của đồng bào. Trong các dịp lễ hội, tiếng khèn vang vọng khắp núi rừng. Múa khèn để thi tài, thể hiện tình yêu đôi lứa và bộc lộ ý chí, nghị lực của người con trai H’Mông. Trong cưới hỏi, tiếng khèn như thay lời nhắn nhủ của bố mẹ, anh chị em gửi cho con gái khi về nhà chồng. Trong nghi lễ tang ma, tiếng khèn được thổi lên để tỏ lòng xót thương, luyến tiếc người quá cố. Với cây khèn H’Mông độc đáo, người sử dụng có thể thổi hơi ra và có thể hít hơi vào. Khèn cũng là đạo cụ múa và người thổi khèn giỏi phải biết múa khèn, kết hợp nhuần nhuyễn giữa các động tác để vừa thổi vừa múa. Nghệ nhân múa khèn với những bước nhún, bước đảo, bước quay hoặc vừa ôm khèn, vừa lăn mình trên đất tạo nên vũ đạo đẹp. Người múa khèn với tốc độ càng nhanh có nghĩa người múa càng điêu luyện. Vũ điệu và âm thanh hòa quyện với nhau trong nghệ thuật múa khèn giúp cho người xem được thưởng thức cùng lúc cả âm thanh, tiết tấu đa dạng, biến hóa của tiếng khèn và hình ảnh uyển chuyển, nhịp nhàng của người múa.
Ảnh: Nguồn Internet
Chiếc khèn do chính những người đàn ông H’Mông kỳ công chế tác và truyền dạy. Cây khèn được cấu tạo gồm: Thân khèn, bầu khèn, đuôi khèn, ống khèn, lam khèn, lỗ khèn, đai khèn, lỗ thổi khèn và cây khèn được chia thành 3 phần: Thân khèn, ống khèn, đai khèn. Để làm được một chiếc khèn, nghệ nhân chuẩn bị gỗ, ống trúc, dây rừng và một số miếng đồng nhỏ. Dụng cụ chế tác gồm: 02 con dao, 02 dùi gọt, khoan, 02 chiếc dùi, bếp lò, dao cắt lam, cạo lam 2 đầu hoặc 2 cái, đá mài, đe, búa, dụng cụ đúc đồng. Thân khèn được làm bằng gỗ cây thông mọc trên núi cao, dây đai làm từ vỏ cây đào rừng để trang trí và giữ cho khèn khỏi bị vỡ, dập trong quá trình sử dụng. Ống khèn gồm 6 ống và được làm từ cây trúc mọc ở vùng núi cao, có thân thẳng, ống dài, phải phơi đủ độ, không được ẩm, cũng không được quá khô thì tiếng khèn mới hay. Bên cạnh đó, nghệ nhân lựa chọn một thanh đồng nhỏ dài khoảng 10 cm, đặt trên đe rồi dùng búa tán thật mỏng, mài dũa, rạch đường rãnh để tạo lưỡi gà. Các miếng đồng được lắp vào các ống trúc, mỗi ống trúc có 01 miếng đồng riêng, ống ngắn nhất và to nhất được gắn 2 miếng để đảm bảo độ rung và âm thanh của khèn.
Khèn H’Mông có hai loại là loại khèn có âm thanh bổng là khèn ngắn và khèn có âm thanh cao là khèn dài. Trong đó, khèn dài có hàng ống thứ nhất dài 100cm, hàng ống thứ hai dài trên 90 cm, hàng ống thứ ba dài khoảng trên 80 cm. Loại khèn ngắn có hàng ống thứ nhất dài trên 70cm, hàng ống thứ hai dài trên 60cm, hàng ống thứ ba dài trên 50cm.
Ảnh: Nguồn Internet
Nghệ thuật múa khèn của người H’Mông thể hiện tính cố kết cộng đồng, tinh thần đoàn kết trong đời sống cộng đồng. Trong những dịp lễ hội, sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, các bài biểu diễn múa khèn có nội dung vui nhộn, mang ý nghĩa chúc tụng và mời bạn bè cùng tụ họp, vui chơi. Tiếng khèn làm quên đi những khó khăn, vất vả sau một năm chăm chỉ lao động mệt nhọc, góp phần gắn kết tình bạn, tình yêu, tình làng xóm với nhau. Múa và thổi khèn trong đám ma thể hiện lòng tiếc thương của con cháu đối với người đã khuất, nhắc nhở con cháu nhớ về công lao của người đã khuất. Múa và thổi khèn vừa thể hiện tính nhân văn, vừa thể hiện tính nghệ thuật, không chỉ cho người H’Mông niềm tin vào cuộc sống mà còn thỏa mãn những nhu cầu tâm linh của họ. Với tiếng khèn vui, người H’Mông mời gọi bạn đi chơi xuân, gọi bạn xuống chợ, chúc nhau những điều may mắn,... còn khi buồn, tiếng khèn chậm và trầm, thường thổi trong đám ma để chia buồn cùng gia đình, để tiễn đưa người mất sang bên kia thế giới,… Tiếng khèn vui khiến người nghe có cảm giác hưng phấn, rạo rực, nhưng tiếng khèn buồn có thể khiến người nghe cảm thấy xúc động mạnh mẽ. Các làn điệu khèn gồm có: Kềnh tu xi, Kềnh nào say, Kềnh đua nu, Kềnh su, Kềnh mo tu xua, Kềnh Mo tu, Kềnh tờ nhú bua, Kềnh sơ, Kềnh chú, Kềnh tò khua, Kềnh kỳ, Kềnh plua, Kềnh xu plua, Kềnh xú su, Kềnh là, 04 làn điệu: Kềnh nạ chanh, Kềnh my chanh, Kềnh nạ sua tý, Kềnh my sua tý; Kềnh cho cha; Kềnh Lía tía; Kềnh tịa đồng; Kềnh ua chị; Kềnh ua vang; Kềnh nhủ đăng.
Ảnh: Nguồn Internet
Nghệ thuật múa khèn là một di sản văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc của người H’Mông, có tầm quan trọng và ý nghĩa sâu sắc trong đời sống tinh thần đối với cộng đồng của người H’Mông. Nghệ thuật múa khèn thể hiện bản sắc văn hóa riêng, độc đáo, ghi dấu ấn sâu sắc của cộng đồng người H’Mông. Đồng thời, nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn, mang ý nghĩa thiết thực về tính nhân văn, tính cộng đồng cao. Đây là nét đẹp văn hoá góp phần thúc đẩy và làm giàu cho nền văn hoá của các dân tộc ở mỗi địa phương. Những năm qua, nghệ thuật chế tác và biểu diễn khèn H’Mông đã được các cấp ủy đảng, chính quyền và ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặc biệt quan tâm nghiên cứu bảo tồn và tiếp tục truyền dạy.
Khánh An