Mỗi dân tộc anh em mang những sắc màu và vẻ đẹp riêng, nhưng nếu xét về từng khía cạnh, có lẽ thứ tạo ấn tượng mạnh mẽ nhất chính là trang phục truyền thống. Trang phục giống như biểu trưng để nhận diện các tộc người. Người Dao đỏ có lẽ là một trong những cộng đồng dễ nhận diện nhất, bởi vẻ đẹp và hàm lượng nghệ thuật kết tinh trên trang phục của họ, vốn đã là một di sản vô giá.
Phụ nữ Dao đỏ khâu trang phục truyền thống. Ảnh: Internet
Người phụ nữ Dao đỏ hàng bao đời nay đã là những nghệ sĩ thực thụ, khi tự tay mình dệt nên những bộ thổ cẩm tinh xảo như cả công trình nghệ thuật. Trang phục truyền thống của phụ nữ Dao đỏ được cắt khâu, tạo hình và trang trí bằng nhiều hoa văn phong phú đẹp mắt với 5 màu cơ bản: đỏ, xanh, trắng, vàng, đen, trong đó chủ yếu là màu đỏ, bởi quan niệm rằng, màu đỏ mang lại hạnh phúc, may mắn, đầy đủ và tạo ra năng lượng tích cực cho con người. Yếu tố màu sắc này gắn với truyền thuyết kỳ ảo về con long khuyển mình rồng ngũ sắc, biến thân của Bàn Hộ (tổ tiên của người Dao Đỏ) cứu nước của Bình Vương khỏi sự hủy diệt của Cao Vương.
Truyền thuyết ấy đã thổi hồn cho những bộ trang phục của người Dao đỏ. Những ước vọng, tâm tình của người may áo như được thêu dệt trên nền chất liệu vải chàm thô cùng với kỹ thuật tạo hoa văn từ thêu, chắp ghép những trang sức. Người phụ nữ gửi gắm những khát vọng sống của mình trong những họa tiết rất phong phú, đa dạng. Khoác lên mình bộ trang phục ấy, con người cũng trở nên rạng rỡ, quý phái, tỏa ra những hào quang, những tinh tế như tô điểm cho giá trị cuộc sống.
Từng chi tiết nghệ thuật được sáng tạo qua từng đồ đeo thức mặc như áo, quần, khăn vấn đầu, thắt lưng và các đồ trang sức khác đi kèm. Khăn đội đầu là một trong những điểm không thể thiếu, được trang trí bằng nhiều họa tiết: Cây vạn hoa, hình cách đoạn, hình vết hổ... Khi đội lên đầu, các họa tiết hoa văn sẽ phô ra ngoài, làm tăng thêm vẻ đẹp của chiếc khăn. Trang phục người Dao đỏ ở mỗi địa phương cơ bản đều giống nhau, tuy nhiên cũng có những điểm khác biệt tạo nên sự phong phú, đa dạng trong sắc màu văn hóa Dao. Trong đó, có sự khác biệt trong cách mặc, vấn khăn, xà cạp và thêm bớt các chi tiết...
Khác với sự cầu kỳ đến từng chi tiết của trang phục cho nữ, trang phục của nam người Dao đỏ đơn giản hơn rất nhiều, về cơ bản chỉ có khăn đội đầu, áo ngắn và quần. Khăn đội đầu của nam, nữ Dao đỏ giống nhau, được thêu kín các họa tiết trang trí bằng chỉ màu trắng, xanh lơ, vàng và màu đỏ lên toàn bộ mặt khăn...
Người Dao đỏ có ý thức truyền dạy lại cách thêu thùa cho con cháu ngay từ rất sớm. Phụ nữ Dao đỏ khi làm dâu phải biết thêu, may quần áo cho chồng, con và gia đình chồng. Giờ cuộc sống hiện đại, không mặc trang phục dân tộc thường xuyên, nhưng ít nhất trong dịp lễ, Tết hay khi con gái đi lấy chồng phải có một bộ trang phục mới của dân tộc mình. Quan sát trang phục, có thể phần nào cảm nhận sự khéo léo, sáng tạo của người phụ nữ cũng như bản sắc văn hóa riêng của đồng bào Dao đỏ. Để hoàn thành một bộ trang phục dân tộc Dao đỏ phải mất 1 năm nếu làm nhanh, người làm chậm cũng phải 1 năm đến 2 năm. Chính sự cầu kỳ, tỷ mỷ trong từng công đoạn thực hiện đã tạo nên bản sắc riêng biệt của trang phục dân tộc Dao đỏ mà không thể pha lẫn với bất kỳ dân tộc nào.
Trang phục thể hiện vẻ đẹp của người phụ nữ Dao đỏ. Ảnh: baodantoc
Chính bởi vai trò quan trọng của phục trang trong đời sống, cắt may, trang trí trang phục truyền thống đã trở thành tiêu chí quan trọng để đánh giá tài năng, vẻ đẹp và phẩm hạnh của người phụ nữ. Từ khi lên mười tuổi, bé gái Dao Đỏ được các bà, các mẹ dạy cho cách kéo sợi, dệt vải, cắt may và thêu thùa. Sang tuổi 15, hầu hết họ biết tự làm cho mình những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất để tham dự các ngày lễ hội, chợ phiên ở thôn bản.
Quá trình hoàn thành một bộ trang phục của người Dao đỏ hết sức công phu. Người may trang phục đồng thời tham gia vào nhiều công đoạn, từ trồng bông, dệt vải, trồng chàm, nhuộm chàm cho đến cắt may, trang trí… Bông được thu hoạch vào tháng bảy, tám (Âm lịch). Quả bông được phơi sương, nắng cho nở ra rồi đem cán tách hạt và bông. Sợi bông luộc qua nước sôi cho sạch rồi đem hồ với nước cháo ngô (hoặc cháo gạo nếp, tẻ), nấu trong nửa ngày thì vớt ra đem sợi phơi khô, sau đó đánh thành con chỉ để dệt thành vải. Để nhuộm vải, đồng bào dùng cao chàm được làm từ việc ngâm cây chàm, lọc, cho thêm vôi bột, nước tro bếp. Khi làm cao, phải thực hiện một số kiêng cữ như: Không chế biến cao chàm ở trong nhà mà phải làm trong một cái lán nhỏ cạnh nhà; không chế biến khi nhà có lợn, trâu, bò đẻ hoặc phụ nữ có thai đi qua lán. Cao chàm được hòa tan với nước đun sôi cùng lá ngải để nguội, pha thêm ít nước tro và rượu, khuấy đều. Để vải có màu đẹp và bền, đồng bào nhuộm vào tháng 7, tháng 8 vì thời điểm này tiết trời khô ráo, vải mau khô và bắt màu tốt. Trước khi nhuộm phải đem ngâm thật kỹ để hết hồ thì lúc nhuộm mới dễ bắt màu và không bị loang lổ. Khi nhuộm, tấm vải được nhấn chìm trong nước, dùng chân đạp thật kỹ để vải thấm màu chàm. Ngâm vải khoảng 1 giờ, rồi đem phơi khô. Để vải có màu chàm như ý thường phải mất 20 ngày trở lên để nhuộm và phơi khô nhiều lần....
Vải được sử dụng theo những phương thức khác nhau, được cắt, may, khâu và được trang trí theo giới tính, độ tuổi, theo tín ngưỡng (cho thầy cúng). Người phụ nữ được tự do sáng tạo mô-típ hoa văn, cách tạo hình, màu sắc trang trí nhưng phải tuân thủ về bố cục trang trí như: Thân trước và thân sau áo dài, áo ngắn; quanh hông, từ đầu gối xuống gấu quần, mặt khăn đội đầu… trên y phục nữ và phần gấu áo, gấu quần, phần lai trước ngực trên y phục nam.
Nếp sống cộng đồng đặc trưng của tộc người như được khắc họa qua từng đường kim, mũi chỉ của người phụ nữ Dao đỏ. Thông qua nghệ thuật trang trí, người Dao đỏ đã thổi hồn vào trang phục truyền thống của mình một cách đầy sáng tạo và tài hoa. Nghệ thuật ấy đã đạt tới trình độ cao của thẩm mỹ dân gian, tạo dựng nên một đời sống tâm hồn giàu chất mỹ cảm nguyên sơ mà phong phú. Trang phục và nghệ thuật trang trí trên trang phục đã thực sự trở thành những thành tố quan trọng và cấu thành nên văn hóa của người Dao đỏ. Các mô-típ hoa văn được trang trí vô cùng tinh tế, bố cục chặt chẽ, hòa sắc rực rỡ và mang tính đặc trưng riêng.
Một tiết mục trình diễn của người Dao đỏ tại Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Dao đỏ. Ảnh: baotuyenquang
Nghệ thuật trang trí tạo nên vẻ đẹp đặc trưng cho trang phục truyền thống của đồng bào Dao đỏ. Từ chất liệu, hoa văn, màu sức, kiểu dáng, trang sức đi kèm, tất cả đều toát lên vẻ đẹp vừa thuần phác vừa quý phái, đồng thời tỏa sáng tâm hồn, tài năng của người thêu gửi gắm trong đó. Bộ trang phục Dao đỏ vì thế mà hấp dẫn thị giác và chứa đựng những giá trị bền vững của chiều sâu văn hóa. Chính bởi những giá trị ấy, nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao đỏ đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tôn vinh di sản; đồng thời góp phần cổ vũ, tuyên truyền, khôi phục các giá trị tốt đẹp về văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và người Dao đỏ nói riêng.
Lại Thắm