Hàng trăm năm qua, có một loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền đặc sắc của Việt Nam, được hình thành trên cơ sở ca vũ nhạc và các trò diễn xướng dân gian, trở thành một môn nghệ thuật không thể thiếu trong đời sống tinh thần của nhân dân, mà chỉ cần thoáng nhìn hóa trang và phục sức của nghệ sĩ trên sân khấu, ta có thể nhận ra, đó là nghệ thuật Tuồng.
Tuồng còn gọi là hát bội, hát bộ, bộ môn nghệ thuật cổ điển và bác học bậc nhất Việt Nam. Ðến cuối thế kỷ XVIII, Tuồng đã phát triển một cách hoàn chỉnh về mọi mặt từ kịch bản văn học đến nghệ thuật biểu diễn. Nếu như Trung Quốc có Kinh kịch, Nhật Bản có kịch Noh thì người Việt có nghệ thuật Tuồng, đến ngày nay môn nghệ thuật này vẫn được coi là “quốc hồn, quốc túy” của Việt Nam.
Cảnh trong vở tuồng truyền thống Nữ tướng Đào Tam Xuân. Ảnh: baovanhoa
Có nhiều thể loại Tuồng, như Tuồng thầy (mẫu mực), Tuồng ngự (diễn cho vua xem), Tuồng đô (phóng tác, tưởng tượng, không có trong sử sách), Tuồng cung đình (diễn trong hoàng cung), tuồng pho (nhiều hồi diễn nhiều đêm), tuồng tân thời (chuyển thể từ các tiểu thuyết), nhưng có thể phân loại thành hai loại chính là Tuồng kinh điển và Tuồng dân gian. Đi theo cuộc sống của con người, Tuồng có mặt khắp ba miền đất nước. Ở mỗi vùng đất khác nhau, tập tục sinh hoạt khác nhau nên Tuồng phải có những thay đổi để phù hợp và hòa nhập với văn hóa vùng đó.
Trong kho tàng nghệ thuật dân tộc, nghệ thuật Tuồng có một phong cách rất riêng. Khác với các loại hình sân khấu khác như Chèo, Cải lương, Tuồng mang theo âm hưởng hùng tráng với những tấm gương nhân vật tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa, những bài học về lẽ ứng xử của con người giữa cái chung và cái riêng, giữa gia đình và Tổ quốc, chất bi hùng là một đặc trưng thẩm mỹ của nghệ thuật Tuồng. Có thể nói Tuồng là sân khấu của những người anh hùng. Tùy theo các giai đoạn mà nghệ thuật Tuồng có những chủ đề khác nhau. Nhưng chủ đề nổi trội là “phò vua, diệt ngụy”. Con người với những phẩm chất tốt đẹp đấu tranh vì chính nghĩa trong giai đoạn này rất được yêu thích và tồn tại rất lâu sau đó vì nó chứa đựng những nội dung đạo đức và tính nhân dân.
Những yếu tố biểu diễn chính trong Tuồng bao gồm Múa Tuồng, Hát Tuồng và Diễn xuất. Múa Tuồng được hình thành từ những động tác sinh hoạt và hành động tâm lý trong cuộc sống xã hội của con người. Các thế hệ diễn viên đã chắt lọc những động tác trong sinh hoạt, lao động hàng ngày, tiếp thu những tinh hoa của những hình thái múa dân gian, múa tín ngưỡng, tôn giáo, trong tế lễ, hội hè, trong múa cung đình và trong võ thuật dân tộc để xây dựng vũ đạo Tuồng theo một hệ thống động tác từ đơn giản đến phức tạp. Người diễn viên Tuồng sử dụng vũ đạo (múa), hệ thống nói lối, bài bản, làn điệu (hát) là hai phương tiện chính để lột tả tính cách, tâm trạng của nhân vật để cho khán giả thấy được, hiểu được... Hát Tuồng xuất phát trên cơ sở tế lễ, tụng niệm trong nhà chùa, trong lối kể chuyện, hát xướng dân gian; được viết theo các thể thơ lục bát, tứ tuyệt, song thất lục bát... Hát Tuồng có một hệ thống nhịp điệu từ nói thường chuyển sang nói lối. Nói lối Tuồng viết theo văn biền ngẫu từ 4 đến 8 từ. Diễn xuất trong Tuồng thường được khuếch đại hơn sự thật ngoài đời để khán giả dễ cảm nhận. Các động tác càng nhỏ càng nhanh, khi lên sân khấu càng cần tăng cường điệu thì khán giả mới kịp nhận thấy. Kiểu cách đi đứng còn dùng để biểu lộ cái “tâm” của nhân vật thiện, ác.
Tạo hình tính cách nhân vật trong Tuồng. Ảnh: Internet
Nghệ thuật Tuồng mang đậm tính tượng trưng, ước lệ, không có xu hướng tả thực mà chú trọng lột tả cái thần, là lột tả cái cốt lõi cơ bản, không đi sâu vào những chi tiết vụn vặt không có hiệu quả nghệ thuật. Chính vì muốn lột tả cái thần nên phải dung thủ pháp khoa trương, cách điệu từng lời nói cho đến động tác nhưng phải có nguyên tắc, quy luật cụ thể. Một trong những ấn tượng của khán giả khi xem các vở Tuồng là sự khoa trương và cách điệu, được thể hiện trong âm nhạc và hóa trang. Việc hóa trang khuôn mặt hay hóa trang mặt nạ của diễn viên là rất quan trọng. Sự khoa trương, cách điệu thể hiện trên từng đường nét, nếp nhăn trên khuôn mặt và tuân theo quy luật âm dương. Một số mẫu chung như: vai trung mặt đỏ râu dài, vai nịnh mặt răn râu ngắn... Kép là diễn viên nam gồm có kép văn, kép võ, kép rừng... Đào là diễn viên nữ gồm có đào chiên, đào lắng... Nghệ thuật Tuồng không tả chân thật mà chỉ toàn tượng trưng, hóa trang diện mạo cho diễn viên trong từng vai diễn. Chính nhờ sự hóa trang đó nên khan giả nhìn sẽ biết tính cách, tâm lý, giai cấp của từng nhân vật.
Trong dòng chảy khốc liệt của nghệ thuật giải trí hiện nay với sự du nhập của các loại hình nghệ thuật mới được giới trẻ hào hứng tiếp nhận, nghệ thuật Tuồng đang đi xuống, đánh mất dần những ảnh hưởng trong đời sống tinh thần của người Việt. Có lẽ giờ đã rất thưa thớt, những thế hệ lớn tuổi, lớp người già ở đâu đó vẫn dành tình yêu cho các đào kép, cho tiếng trống chầu một thời đã làm cho họ đắm say.
Loại hình sân khấu độc đáo của dân tộc - Nghệ thuật Tuồng, chứa đựng biết bao nét đẹp văn hóa, tinh hoa người Việt, từng là người bạn tri âm, tri kỷ của rất nhiều thế hệ, liệu sẽ tiếp tục tồn tại và vươn xa trong cuộc sống hiện đại, hay sẽ trở nên xa lạ, lạc lõng giữa thế giới tinh thần của người trẻ hiện nay, điều đó phụ thuộc vào khả năng thích ứng và tự làm mới của bộ môn nghệ thuật này trong ngôi nhà nghệ thuật thời đại của dân tộc.
Trần Thơ