Kéo co là một hình thức sinh hoạt cộng đồng đã có từ lâu đời và phổ biến trong cuộc sống và thực hành văn hoá ở một số quốc gia Đông Nam Á và Đông Á như Việt Nam, Campuchia, Philippines, Hàn Quốc. Kéo co không đơn thuần một trò chơi dân gian mà còn là cuộc tranh tài có tính chất tâm linh, thể hiện những tập tục và tín ngưỡng của người dân với niềm tin có thực hành và tuân thủ những luật lệ trong nghi lễ kéo co thì mùa màng sẽ bội thu, chăn nuôi mới phát triển. Kéo co là một hoạt động có tính nghi lễ trong các lễ hội với ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu và cuộc sống của người dân được ấm no, hạnh phúc.
Nghi lễ và trò chơi kéo co ở Việt Nam thường được tổ chức trong các lễ hội xuân, đánh dấu sự khởi đầu của một vụ mùa mới trong nông nghiệp và mong muốn mùa màng bội thu, xuất hiện chủ yếu ở khu vực Bắc Bộ, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và một số tỉnh miền núi phía Bắc. Trong các lễ hội cổ truyền, trò chơi kéo co thường có trong phần hội và thể hiện tinh thần và sức mạnh đoàn kết của cộng đồng, tính kỷ luật, ý chí vươn lên giành chiến thắng, rèn luyện thể chất, sức mạnh dẻo dai, sự khôn khéo và sức chịu đựng của con người, giúp con người phát triển toàn diện về thể chất, trí, đức, tài, nghệ.
Hình ảnh trò chơi kéo co trong tranh Đông Hồ
Kéo co thu hút sự tham gia của các thành viên trong cộng đồng với nhiều vai trò khác nhau như trọng tài, người hướng dẫn, người trực tiếp tham gia kéo co, người cổ vũ,… trong đó, những người lớn tuổi am hiểu về các nghi lễ kéo co đóng vai trò quan trọng trong việc phân công nhiệm vụ cho các thành viên, hướng dẫn các quy tắc của trò chơi và thực hiện một số nghi lễ có liên quan.
Ảnh: Báo Lào Cai
Nghi lễ và trò chơi kéo co có cách thức tổ chức, đạo cụ và sân chơi đơn giản. Dây kéo trong trò chơi kéo co thường được làm bằng dây mây, gai dầu hoặc bằng song tre thể hiện đặc điểm tự nhiên và văn hoá của mỗi cộng đồng. Quá trình lựa chọn dây kéo và người chơi phải tuân theo các quy tắc, nghi lễ cụ thể theo phong tục của địa phương. Mỗi lần kéo co có hai đội tham gia với số lượng thành viên bằng nhau. Điểm giữa của dây kéo được đánh dấu bằng dải lụa đỏ và người tham gia kéo co của hai đội sẽ nắm chắc vào dây kéo. Khi hiệu lệnh vang lên, các thành viên của mỗi đội chơi sẽ nắm chặt dây kéo và kéo về về phía đội mình, đội nào kéo được điểm đánh dấu về phía mình thì đội đó giành chiến thắng trong trò chơi. Mỗi cuộc thi kéo co gồm ba hiệp và mỗi hiệp thường không kéo dài quá hai phút, đội nào thắng liên tiếp hai hiệp thì đội đó giành chiến thắng và không cần thi đấu hiệp thứ ba.
Khi trò chơi kéo co diễn ra, người xem đứng thành vòng tròn bên ngoài hò reo, cổ vũ khích lệ cho hai đội chơi, có những lễ hội người cổ vũ còn dùng tiếng trống đánh dồn để khích lệ đội chơi và tạo không khí náo nhiệt, sôi động. Trò chơi kéo co đòi hỏi người chơi phải có sức khoẻ, sự dẻo dai, sự khéo léo, kỹ thuật và chiến thuật tốt cùng sự phối hợp nhịp nhàng với đồng đội để giành được chiến thắng.
Ảnh: Nguồn Internet
Thực hành nghi lễ và trò chơi kéo co của một số dân tộc ít người ở một số tỉnh miền núi phía Bắc như dân tộc Thái, Tày, Nùng, Giáy,… thường tổ chức trong các lễ hội cầu mùa. Người dân nơi đây sắp xếp đội thắng, đội thua theo phong tục truyền thống thể hiện ý nghĩa tôn giáo và sự hài hoà của thiên nhiên. Theo phong tục của người Tày và người Giáy, hai đội tham gia trò chơi kéo co gồm có một đội nam và một đội nữ. Vào những năm chẵn, phần thắng trong trò chơi kéo co sẽ thuộc về đội nữ thể hiện sự sinh sôi nảy nở của muôn loài.
Kéo co là một trong những hình thức sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng không thể thiếu của cộng đồng và được trao truyền từ đời này qua đời khác. Ngày 02/12/2015, tại phiên họp của Ủy ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 10 của UNESCO tại Namibia, "Nghi lễ và trò chơi kéo co" ở Việt Nam, Campuchia, Philippines và Hàn Quốc chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Đại diện UNESCO trao Bằng công nhận “Nghi lễ và trò chơi kéo co” là Di sản văn hoá cho Việt Nam.
Tại buổi lễ chúc mừng Việt Nam nhận bằng của UNESCO ghi danh “Nghi lễ và trò chơi kéo co” là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại cho 4 tỉnh Lào Cai, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội, ông Michael Croft đã đánh giá cao giá trị văn hoá của di sản trong việc củng cố tinh thần đoàn kết của cộng đồng, bảo vệ và giữ gìn đất nước. Đồng thời, ông bày tỏ tin tưởng với kinh nghiệm mà Việt Nam đã có trong giữ gìn các di sản văn hoá, di sản nghi lễ và trò chơi kéo co sẽ cùng với các di sản khác của Việt Nam tiếp tục được bảo tồn, phát huy có hiệu quả theo đúng cam kết với UNESCO.
Khánh An