Đại dịch Covid-19 đến nay đã trở thành thử thách vô cùng cam go, tác động rất lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội cũng như sự phát triển của đất nước chúng ta. Trong bối cảnh đó, nghĩa đồng bào – một giá trị văn hóa, tinh thần cao đẹp của dân tộc Việt Nam đã tỏa sáng lung linh, trở thành điểm tựa lớn lao để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tộc cũng đoàn kết, sẻ chia, vững tin vượt qua mọi thảm họa, khó khăn.
Người dân gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19 được trao gạo miễn phí. Ảnh: zing.vn
Với mỗi người dân Việt Nam, có lẽ không mấy ai không thuộc sự tích “con Rồng cháu Tiên”, một truyền thuyết lý giải nguồn gốc giống nòi của dân tộc. Đó là câu chuyện của vị thần thuộc nòi Rồng tên Lạc Long Quân kết duyên cùng nàng Âu Cơ thuộc dòng Thần Nông, sinh ra bọc trăm trứng nở ra trăm con. Sau này, năm mươi người con theo cha xuống biển, năm mươi người con theo mẹ lên non, chia nhau cai quản các phương; mang theo lời hẹn khi khó khăn, hoạn nạn thì giúp đỡ lẫn nhau. Sự tích không chỉ để giải thích cội nguồn con Rồng cháu Tiên của dân tộc Việt Nam mà còn là lời nhắn nhủ cho con cháu thế hệ mai sau hãy luôn chở che, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau bởi tất cả đều chung một nòi giống, chảy cùng một dòng máu trong huyết quản, cũng đều từ bọc trứng của mẹ Âu Cơ mà sinh sôi nảy nở, trải dài trên khắp non sông đất Việt. Cũng chính từ đó mà hình thành nên hai tiếng “đồng bào” nghĩa là “cùng một bọc” hay “cùng một bào thai”. Với dân tộc Việt Nam, “đồng bào” còn mang ý nghĩa thiêng liêng để gọi những con người cùng chung một nòi giống, một dân tộc, một Tổ quốc, với hàm ý có mối quan hệ thân thiết như ruột thịt mà không phân biệt vùng miền, dân tộc hay mọi nơi sinh sống trên khắp địa cầu. Qua hơn bốn ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, nghĩa đồng bào đã trở thành một món bảo vật tinh thần vô giá được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, đưa dân tộc ta kề vai sát cánh, cùng nhau vượt qua muôn vàn thử thách để dựng xây nên một nước Việt Nam vẹn tròn, tươi đẹp như hôm nay.
Tính đến nay, Việt Nam đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ tư với mức độ nghiêm trọng càng tăng thêm. Trong bối cảnh đó, Đảng, Nhà nước cùng với toàn dân đã thể hiện sự đoàn kết cao độ, với quyết tâm chính trị lớn lao để cùng nhau thực hiện các biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh; đồng thời chăm lo, đảm bảo mọi mặt đời sống của nhân dân một cách tốt nhất có thể. Cũng trong cơn đại dịch, nghĩa đồng bào – giá trị nhân văn của dân tộc Việt Nam lại được khơi gợi và lan tỏa mạnh mẽ, để mỗi người dân trên khắp Tổ quốc bỗng thấy có trách nhiệm san sẻ, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua khó khăn mà không cần phải đắn đo, suy nghĩ. Đó là khi những người, những gia đình không may phải cách ly tập trung, bà con lối xóm lại chung tay lo việc đồng áng, nhà cửa, thu hoạch mùa màng một cách trọn vẹn. Tại mỗi điểm cách ly, những nhu yếu phẩm, bao lời động viên lại được bà con nhân dân gửi đến các cán bộ, chiến sĩ và đồng bào mình để thêm vững tin vượt qua đại dịch. Trong khó khăn, hình ảnh các cụ già, em nhỏ dành toàn bộ tiền tiết kiệm của mình ủng hộ công tác chống dịch, hay những người nghèo, những người yếm thế đang nhận trợ cấp xã hội cũng sẵn sàng dành cả tháng trợ cấp của mình cho những người kém may mắn hơn… đã nói lên cái nghĩa tình tự nhiên giữa con người với nhau vô cùng cao đẹp. Khi dịch bệnh lan rộng, những cây ATM gạo, các gian hàng miễn phí, “siêu thị 0 đồng”, các điểm phát cơm từ thiện hay nhu yếu phẩm lại được lập ra để đảm bảo đời sống và sức khỏe cho nhân dân trong khu vực phong tỏa, cách ly. Cũng trong lúc này, những người con đất Việt xa xứ đang vật lộn với khó khăn của dịch bệnh lại được Đảng, Nhà nước và Chính phủ nỗ lực đón về Tổ quốc trên những chuyến bay chở nặng trách nhiệm và tình yêu thương. Không một ai bị đói, khát trong dịch bệnh, “không ai bị bỏ lại phía sau”, đó chính là giá trị nhân văn của dân tộc Việt Nam, là nghĩa đồng bào thấm đượm, thủy chung của những người con cùng chung một nước, một giống nòi mà có lẽ hiếm có một quốc gia nào trên thế giới có được.
Hai tiếng đồng bào luôn chất chứa bao giá trị thiêng liêng và sự xúc động lắng sâu mỗi khi vang lên trong khó khăn, giông bão. Những ngày vừa qua, sự bùng phát dịch Covid-19 tại các tỉnh phía Nam, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh đã đưa Việt Nam bước và trận chiến chống dịch mới vô cùng khốc liệt. Trong thời khắc nhiều địa phương phía Nam phải giãn cách, phong tỏa, tại nhiều tỉnh thành miền Bắc và miền Trung, hàng chục chuyến xe nghĩa tình đầy ắp hàng hóa, nhu yếu phẩm lại được đồng bào quyên góp để hỗ trợ cho miền Nam thân yêu. Người ta thấy bóng dáng của những người phụ nữ cần mẫn chăm chút từng con cá, con tôm, từng mớ rau, túi gạo; là người mẹ Pa Cô ở Quảng Trị lặn lội gùi mấy quả bí ngô đem gửi đến miền Nam; là bà con Vân Kiều ở Quảng Bình gánh từng buồng chuối, quả bí, măng rừng để ủng hộ đồng bào mình trong lúc khó khăn… Từ nơi phố phường nhộn nhịp đến miền rừng núi nẻo thưa hun hút, những tấm lòng ấm áp, sẻ chia như đan kết lại thành một khối thiêng liêng ôm trọn hai tiếng đồng bào để nhân dân khắp ba miền Bắc Trung Nam dù xa xôi cách trở nhưng bỗng thấy gần nhau, thấy thêm tự tin để đoàn kết bước qua thời khắc khó khăn. Cũng trong lúc này, hàng ngàn y bác sỹ, điều dưỡng, hàng ngàn con người lại xung phong vào miền Nam để tham gia chống dịch. Đó không chỉ xuất phát từ nghĩa vụ công việc, từ mệnh lệnh hành chính mà còn là sự ý thức, trách nhiệm với đồng bào mình trong cơn hoạn nạn đã tiếp thêm sức mạnh cho họ xông pha nơi tuyến đầu. Miền Nam, mảnh đất trù phú in đậm dấu chân khai hoang mở cõi của các bậc tiền nhân để định vị nên dải đất hình chữ S, từng phải chịu cảnh chia cắt do khói lửa chiến tranh; miền Nam, nơi được cả nước vun đắp sau ngày thống nhất non sông, đã có bước phát triển to lớn để đóng góp vào sự phồn vinh của Tổ quốc; miền Nam, nơi hàng năm đều hướng về khúc ruột miền Trung, giờ lại được đồng bào cả nước hướng về bằng tất cả tấm lòng son sắt, thủy chung, bằng tất cả nghĩa tình ruột thịt như lời hẹn ước của đàn con mẹ Âu Cơ khi theo cha xuống biển, theo mẹ lên non từ thuở hồng hoang.
Việt Nam chắc chắn sẽ vững vàng vượt qua đại dịch. Bởi trong lúc nguy nan, sự đoàn kết, quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân lại được phát huy cao độ để đưa đất nước vượt qua mọi sóng gió, thử thách. Và thẳm sâu trong mạch sống văn hóa dân tộc, nghĩa đồng bào – món bảo vật thiêng liêng được hun đúc nên từ lịch sử hào hùng của đất nước sẽ gắn kết triệu triệu người con đất Việt lại với nhau, mạnh mẽ, bền chặt đến vô cùng. Đó chính là sức mạnh vật chất, là vũ khí tinh thần để đất nước vượt qua đại dịch Covid-19, như cách mà ông cha ta bao đời vững bước hiên ngang vượt qua mọi thiên tai, địch họa để đưa đất nước vững mạnh, phát triển, đưa dân tộc đoàn kết, trường tồn.
Lê Thủ