Tọa lạc trên khuôn viên diện tích 4.000m2 thuộc phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng, Nghĩa trủng Hòa Vang là nơi an nghỉ của hơn 1000 nghĩa sỹ và đồng bào yêu nước đã ngã xuống trong những ngày đầu kháng Pháp (1858 – 1860). Đây chính là một trong những nghĩa trang liệt sĩ đầu tiên của Việt Nam, nơi thể hiện niềm tiếc thương sâu sắc, lòng biết ơn vô hạn và sự tôn vinh của nhân dân đối với những nghĩa sĩ, đồng bào đã không tiếc máu xương vì Tổ quốc.
Nghĩa trủng Hòa Vang. Ảnh: tbdn.com.vn
Theo tư liệu của Bảo tàng Đà Nẵng, Nghĩa trủng Hòa Vang được hình thành vào năm 1866 tại làng Nghi An, thuộc tổng Phước Tường, huyện Hòa Vang, tức là gần 20 năm sau trận chiến đấu đầu tiên của quân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược, khởi đầu cuộc trường chinh ngót một thế kỷ của dân tộc.
Ngày 31 tháng 8 năm 1858 liên quân Pháp – Tây Ban Nha đem 14 chiến thuyền vào cửa biển Đà Nẵng gây hấn. Đoàn quân viễn chinh này do tướng Pháp là Đô đốc Rigaul de Genouilly chỉ huy tiến đánh bán đảo Sơn Trà, nhanh chóng đánh chiếm Đà Nẵng, từ đó làm bàn đạp mở rộng xâm lược ra hai miền Nam, Bắc Việt Nam. Nhưng ngay từ những giờ phút đầu tiên, đội quân này đã bị quân và dân ta kháng cự quyết liệt, anh dũng, làm thất bại từng bước kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh. Thực dân Pháp buộc phải rút quân khỏi Đà Nẵng vào ngày 23 tháng 3 năm 1860.
Suốt 19 tháng chiến đấu với đội quân viễn chinh xâm lược, nhiều trận đánh đã diễn ra, nhiều chiến sĩ và đồng bào ta đã hy sinh, phải chôn cất ở nhiều nơi, sau này mới được quy tụ về Nghĩa trủng Hòa Vang, rồi Nghĩa trủng Phước Ninh để hương khói tưởng nhớ. Khi thực dân Pháp xây dựng sân bay Đà Nẵng (1925 – 1926), nhân dân phải dời Nghĩa trủng này về vườn Bá làng Khuê Trung. Năm 1962, sân bay Đà Nẵng tiếp tục mở rộng, Nghĩa trủng được chuyển về vị trí hiện nay.
Tuy trải qua nhiều lần di dời nhưng những di vật quan trọng của Nghĩa trủng Hòa Vang là tấm bia cổ và hai trụ đá granit vẫn được lưu giữ. Tấm bia cao khoảng 1m, rộng 0,8m, không trang trí hoa văn, trên khắc 4 chữ “Hòa Vang Nghĩa Trủng”. Bên phải ghi ngày tháng năm lập bia: “Tự Đức thập cửu niên ngũ nguyệt cát nhật”, tức là được lập vào ngày tốt tháng 5 năm Tự Đức thứ 19 (1866). Hai bên tấm bia là hai trụ đá cao khoảng 1,5m có ghi 2 câu đối:
“Ân triêm khô cốt di truyền cổ
Trạch cập tàn hồn tái kiến kim”.
Tạm dịch:
“Vua ban nhặt cốt truyền dấu cũ
Giữ được tàn hồn lại thấy nay”.
Nội dung câu đối đã thể hiện rõ ý nghĩa nhân văn của việc lập Nghĩa trủng Hòa Vang: tưởng nhớ, tri ân những người đã hy sinh vì nghĩa lớn và tôn vinh, gìn giữ đến muôn đời sau tinh thần và khí phách ấy. Đó cũng là một truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc.
Sau tấm bia là một “đài chiến sĩ” được xây bằng xi măng vào năm 1963 cao khoảng 2,5m có khắc ba chữ Nôm là “Chiến sĩ đài”. Ở trung tâm nghĩa trũng có một ngôi mộ lớn, tường phía sau mộ có ghi “Tiền triều đại tướng quý công chi mộ”. Hiện nay vẫn chưa rõ họ tên của vị tướng quân này.
Bên cạnh Nghĩa trủng Hòa Vang với hơn một nghìn ngôi mộ là quần thể di tích văn hóa – lịch sử, gồm: di tích Phế tích tháp Hóa Quê, ngôi miếu Bà, giếng cổ Chăm hình vuông được xây bằng đá sa thạch, nhà thờ chư phái tộc. Những di tích này được quy tụ bên nhau biểu hiện tâm thức ngưỡng vọng tiên tổ của nhân dân làng Hóa Quê xưa. Với những ý nghĩa lịch sử, văn hóa đặc biệt, năm 1999, khu di tích Nghĩa trủng Hòa Vang đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử quốc gia.
Theo lệ cũ, để tưởng nhớ các bậc tiền hiền có công gây dựng làng và các nghĩa sĩ đã hy sinh trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, hàng năm vào tháng 3 âm lịch, UBND phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ long trọng tổ chức Lễ tế nghĩa sĩ cùng với Hội làng Khuê Trung tại Khu di tích Nghĩa trủng Hòa Vang.
Lễ tưởng niệm các nghĩa sĩ tại nghĩa trũng Hoà Vang. Ảnh: vnexpress.net
Ở đây, không chỉ vào ngày tế vong linh nghĩa sĩ, ngày thương binh liệt sĩ 27/7 hàng năm mà các ngày lễ, tết và những ngày khác, người dân Đà Nẵng, khách thập phương vẫn đến thắp hương, tri ân nghĩa sĩ. Năm 2020, UBND thành phố Đà Nẵng đã có quyết định cải tạo, mở rộng Khu di tích quốc gia Nghĩa trủng Hoà Vang nhằm tạo cảnh quan, không gian để người dân địa phương và du khách tới tham quan, tưởng niệm các anh hùng nghĩa sỹ đã hy sinh vì tổ quốc.
Gần hai thế kỷ trôi qua, lịch sử dân tộc đã thêm nhiều trang mới nhưng sự hy sinh cao cả và nghĩa khí tuyệt vời của các anh hùng nghĩa sĩ và đồng bào ta trong trận đầu chống thực dân Pháp xâm lược chưa bao giờ bị lãng quên. Nghĩa trủng Hòa Vang, một biểu tượng của tình yêu tổ quốc, cũng như rất nhiều đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sĩ khác trên mọi miền đất nước, luôn nhắc nhở chúng ta hôm nay và thế hệ mai sau về tình yêu và trách nhiệm với tổ quốc. Truyền thống tốt đẹp ấy vẫn luôn được tiếp nối, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Bình An