Ngô Đình Diệm – Tồng thống nền Đệ nhất Việt Nam Cộng hòa, được thành lập sau cuộc trưng cầu dân ý giả hiệu phế truất Bảo Đại tháng 10/1955. Với những hoạt động chống phá cách mạng và độc tài gia đình trị trên chính trường Sài Gòn, Ngô Đình Diệm luôn phải đối mặt với các cuộc ám sát, đảo chính, trước khi bị giết chết trong cuộc đảo chính quân sự ngày 1/11/1963
Những lần ám sát không thành của Hà Minh Trí
Được Hoa Kỳ hậu thuẫn, Ngô Đình Diệm cự tuyệt hiệp thương, tổng tuyển cử, thống nhất đất nước, ra sức đàn áp cách mạng miền Nam. Ngay sau khi lực lượng cách mạng miền Nam chuyển quân tập kết, chính quyền Ngô Đình Diệm đã khủng bố, trả thù người kháng chiến cũ, củng cố quyền lực. Hàng nghìn cán bộ, đảng viên và quần chúng yêu nước tại miền Nam Việt Nam bị sát hại, hàng chục nghìn người bị cầm tù.
Trước những tội ác của chính quyền Ngô Đình Diệm gây ra đối với cách mạng miền Nam, Xứ ủy Nam Bộ chủ trương ám sát Ngô Đình Diệm khi có thời cơ thuận lợi.
Nhiệm vụ này được giao cho đồng chí Hà Minh Trí.
Hà Minh Trí, tên thật là Phan Văn Điền, sinh năm 1935, quê tại Nghệ An. Ông sớm lưu lạc vào miền Nam Việt Nam, sau đó tham gia cách mạng tại tỉnh Bà Rịa.
Năm 1955, để thâu tóm quyền hành, Ngô Đình Diệm mở các chiến dịch tiến công tiêu diệt các lực lượng chính trị đối lập và các giáo phái như Cao Đài, Hòa Hảo, lực lượng Bình Xuyên. Chiến sự diễn ra ác liệt ngay tại Sài Gòn và vùng căn cứ của các lực lượng giáo phái.
Nhiều đảng bộ địa phương và chiến sĩ cách mạng đã sử dụng danh nghĩa giáo phái để chống lại sự đàn áp của chính quyền Ngô Đình Diệm.
Ông Hà Minh Trí chuyển hoạt động từ Bà Rịa lên Tây Ninh, xung vào lực lượng Cao Đài chống Ngô Đình Diệm và lấy tên là Triệu Thiên Thương, thường gọi là Mười Thương.
Cuối năm 1955, sau khi dẹp yên sự chống cự của lực lượng Cao Đài, Ngô Đình Diệm lên Tây Ninh. Chủ trương ám sát Ngô Đình Diệm nhân dịp này được đưa ra và nhiệm vụ này được giao cho Mười Thương.
Hà Minh Trí bị bắt trong vụ ám sát Ngô Đình Diệm tại Buôn Ma Thuột (Ảnh tư liệu)
Kế hoạch ám sát Ngô Đình Diệm được xây dựng là khi xe chở Tổng thống đến Tòa Thánh Tây Ninh, Mười Thương cũng một số người khác sẽ ném lựu đạn và nổ súng khi Ngô Đình Diệm khi xuống xe.
Tuy nhiên, ý thức được những nguy hiểm nhắm vào mình, Ngô Đình Diệm đã bí mật lên Tây Ninh từ rất sớm, làm lễ và nhanh chóng trở về Sài Gòn. Kế hoạch ám sát Ngô Đình Diệm lần đầu tiên bất thành.
Giáng sinh năm 1956, Mười Thương và đồng đội lên kế hoạch ám sát Ngô Đình Diệm khi đến làm lễ tại Nhà thờ Đức Bà. Kế hoạch được Mười Thương và đồng đội diễn tập chi tiết và thuần thục. Đêm Giáng sinh, Mười Thương và đồng đội đã đến chờ sẵn tại hàng ghế thứ ba trong nhà thờ, nơi dễ dàng tiếp cận Ngô Đình Diệm tại hàng ghế đầu tiên. Nhưng phút cuối cùng, lịch trình của Ngô Đình Diệm thay đổi. Ngô Đình Diệm đã đến dự Lễ Giáng sinh tại một khu trù mật thuộc Đức Hòa, Long An.
Năm 1957, cơ hội ám sát Ngô Đình Diệm lại đến. Thông in báo chí cho biết ngày 22/2/1957, Tổng thống sẽ đến cắt băng khánh thành Hội chợ Kinh tế Cao nguyên tại Buôn Ma Thuột. Hà Minh Trí lại một lần nữa ra tay.
Khi quốc ca đang được cử hành, Hà Minh Trí, từ hàng ghế các thương gia, cách chỗ ngồi của Ngô Đình Diệm khoảng 20 m đã nổ súng. Nhưng không trúng Diệm, Bộ trưởng Bộ Canh nông bên cạnh Ngô Đình Diệm trúng đạn và tử thương sau đó.
Hà Minh Trí bị bắt, bị chính quyền Ngô Đình Diệm tra khảo, đày ải qua nhiều trại giam và cuối cùng bị đày ra nhà tù Côn Đảo.
Năm 1965, ông được trả tự do, hai năm sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ.
Sự kiện ám sát Ngô Đình Diệm tại Buôn Ma Thuột đã được đưa vào bộ phim “Ván bài lật ngửa” nổi tiếng một thời với tựa đề “Phát súng trên cao nguyên”.
Sau giải phóng, ông Hà Minh Trí công tác trong ngành công an và qua đời tháng 5/2020 ở tuổi 85.
Sở dĩ chủ trương ám sát Ngô Đình Diệm của Xứ ủy Nam Kỳ không thành công do Ngô Đình Diệm luôn cảnh giác, thường xuyên thay đổi lịch trình đi lại và hoạt động. Hai vụ ám sát đầu tiên được lên kế hoạch khá kỹ càng, nhưng đổ bể vào phút cuối. Vụ ám sát thứ ba tiến hành được, nhưng Hà Minh Trí đã bắn không trúng mục tiêu. Khi anh định nổ súng tiếp thì súng liên thanh bị kẹt đạn, ngay lập tức, Hà Minh Trí bị lực lượng bảo vệ của Ngô Đình Diệm bắt sống.
Những cuộc đảo chính, ám sát đến từ Quân lực Việt Nam Cộng hòa
Ngoài việc là đối tượng cần phải loại trừ của cách mạng miền Nam, Ngô Đình Diệm còn là đối tượng cần lật đổ trong cuộc tranh giành quyền lực trên chính trường Sài Gòn.
Chính sách độc tài, gia đình trị của Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu đã làm các đảng phái đối lập và một bộ phận sĩ quan, binh lính trong quân lực Việt Nam Cộng hòa bất mãn. Chính vì thế, Ngô Đình Diệm đã phải đối mặt với những cuộc đảo chính, ám sát từ chính những lực lượng quân đội được Hoa Kỳ giúp xây dựng.
Cuộc đảo chính đầu tiên diễn ra ngày 11/11/1960, do nhóm quân nhân gồm Đại tá Nguyễn Chánh Thi, Trung tá Vương Văn Đông, Trung tá Nguyễn Triệu Hồng, Đại úy Phan Lạc Tuyên cầm đầu. Những đơn vị quân đội tham gia đảo chính đã chiếm được một số vị trí quan trọng tại Sài Gòn. Thất thế trong những giờ phút đầu tiên, Chính quyền Ngô Đình Diệm hứa sẽ giải quyết những yêu cầu của phe đảo chính như cải tổ chính phủ, buộc Ngô Đình Nhu ra đi…, nhưng cuối cùng đã “lật kèo” khi những đơn vị trung thành do Đại tá Trần Thiện Khiêm, Trung tá Huỳnh Văn Cao, Trung tá Bùi Dzinh, Thiếu tá Lữ Đình Sơn đưa lực lượng từ các tỉnh Mỹ Tho, Sa Đéc về Sài Gòn ứng cứu.
Vương Văn Đông (giữa) trong cuộc đảo chính ngày 11/11/1960 (Ảnh tư liệu)
Phe đảo chính nhanh chóng thất bại. Nguyễn Triệu Hồng tử trận trong giao tranh với phe ủng hộ Ngô Đình Diệm, Nguyễn Chánh Thi và Vương Văn Đông phải lưu vong. Chính quyền Ngô Đình Diệm đã bắt một số sĩ quan, binh lính và chính khách đối lập có liên quan đến đảo chính, đưa ra tòa xét xử, trong số này có Nguyễn Tường Tam tức nhà Văn Nhất Linh. Trong tù, không chịu được nỗi nhục thất bại, Nhất Linh đã tự tử ngày 7/7/1963, vài tháng trước khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ.
Ngày 27/2/1962, một cuộc ám sát Ngô Đình Diệm do phi công Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử tiến hành.
Hai phi công được đào tạo ở nước ngoài, biên chế trong phi đội những chiếc máy bay ném bom A 1 Skyraider, trên đường bay đi oanh kích tại miền Tây Nam Bộ đã bất ngờ quay lại ném bom và bắn rốc két, đạn súng máy xuống Dinh Độc lập nhằm tiêu diệt Ngô Đình Diệm, cố vấn Ngô Đình Nhu và gia đình Tổng thống.
Máy bay A 1 Skyraider, loại máy bay Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử dùng để
tiến công Dinh Độc Lập ngày 27/2/1962
Tuy nhiên, vụ oanh kích chỉ gây hư hại một góc Dinh Độc Lập và làm thiệt mạng một số người làm việc trong Dinh. May mắn Cho Ngô Đình Diệm là quả bom lớn nhất, nặng gần 400 kg, ném trúng căn phòng Tổng thống thường sinh hoạt vào đầu giờ sáng, đã không phát nổ, vì thế, Ngô Đình Diệm và gia đình thoát chết.
Nguyễn Văn Cử sau đó bay sang Campuchia tị nạn. Phạm Phú Quốc thì bị súng phòng không trên một chiếc tàu đỗ trên sông Sài Gòn bắn rơi tại Nhà Bè và bị bắt giam.
Sở dĩ những cuộc đảo chính, ám sát Ngô Đình Diệm không thành công vì lúc này, Hoa Kỳ vẫn ủng hộ Ngô Đình Diệm, không hậu thuẫn các nhóm quân sự làm đảo chính. Trong vụ ném bom Dịnh Độc Lập ngày 27/2/1962, yếu tố may mắn đã cứu thoát Ngô Đình Diệm và gia đình.
Tuy nhiên, mẫu thuẫn nội bộ chính quyền Sài Gòn luôn âm ỉ. Có những lúc có đến gần 10 nhóm quân nhân âm mưu đảo chính. Đến cuộc đảo chính ngày 1/11/1963, khi phần lớn các tướng tá trung thành đồng loạt trở cờ, đặc biệt do có sự “bật đèn xanh” của Hoa Kỳ, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu đã bị phe quân đội giết chết một cách thảm hại, chấm dứt nền Đệ nhất cộng hòa, đưa chính trường Sài Gòn vào một cuộc khủng hoàng triền miên.
Lê Minh