Chủ tịch Hồ Chí Minh làm báo gần như cả cuộc đời, để lại hơn 2.000 bài báo với nhiều đề tài, thể loại, kết cấu và văn phong cũng như hình thức thể hiện, với một mục đích duy nhất là phục vụ nhân dân lao động, chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thống nhất đất nước và hòa bình thế giới. Đạo đức nhà báo theo tư tưởng Hồ Chí Minh luôn có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, góp phần to lớn vào việc định hướng và đào tạo cho các thế hệ nhà báo Việt nam đủ đức và tài, trở thành lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng
Người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc, đặt quyền lợi của dân tộc, của nhân dân lên trên hết, trước hết
Xuất phát từ mục đích, nhiệm vụ to lớn của báo chí cách mạng, Hồ Chí Minh chỉ rõ, nghề báo là một loại hình nghề nghiệp đặc biệt, vừa là hoạt động chính trị-xã hội, vừa là hoạt động sáng tạo trong đó dấu ấn cá nhân của chủ thể sáng tạo đóng vai trò rất quan trọng.
Để làm được nghề báo, những người làm báo phải đáp ứng tiêu chuẩn về đạo đức, chính trị và kỹ năng nghề nghiệp nhất định.
Nói chuyện tại Đại hội Hội nhà báo Việt Nam lần thứ hai (ngày 16/4/1959), Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng nói đến báo chí trước hết phải nói đến cán bộ báo chí. Người làm báo theo quan điểm của Hồ Chí Minh, trước hết là người cán bộ cách mạng, đặt quyền lợi của dân tộc, của nhân dân lên trên hết, sau đó mới là người làm nghề với những yêu cầu về nghiệp vụ. Do đó, Người nêu rõ: “những người làm báo ( người viết, người in, người sửa bài, người phát hành,v.v.) phải có lập trường chính trị vững chắc.”[1].
Trước quần chúng, phải hết lòng, hết sức phục vụ quần chúng nhân dân, phải yêu kính nhân dân, phải tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân; phải nắm vững quan điểm giai cấp, đi đúng đường lối quần chúng, giáo dục và phát động quần chúng tiến hành mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đảng là đảng lãnh đạo cách mạng, báo chí là công cụ lãnh đạo của Đảng, ngoài lợi ích của nhân dân, người làm báo cách mạng không có lợi ích nào khác. Vì vậy, người làm báo phải một lòng, một dạ phục vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với Đảng, nhân dân và xã hội.
Tại Đại hội lần thứ II, Hội nhà báo Việt Nam (1959), Người chỉ rõ: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Đó là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân ta, cũng là nhiệm vụ của báo chí ta”[2]. Theo quan điểm của Hồ Chí Minh làm báo là để thức tỉnh quần chúng nhân dân lao động, giai cấp thợ thuyền, đồng thời Người cũng yêu cầu báo chí, các nhà báo cách mạng phải thức tỉnh quần chúng, giúp người đọc tự nhận thức được các vấn đề trong nước và quốc tế, kinh tế và văn hoá, đạo đức và xã hội giúp cho người đọc hiểu và có đủ khả năng nhận thức được thế giới xung quanh một cách đúng đắn. Người nhắc nhở: “Ngành nào cũng phải làm công tác tuyên truyền, giới thiệu. Và các chú nhớ ở trang đầu mỗi cuốn sách đều phải ghi một câu “Không riêng gì viết sách báo, mà công tác gì muốn làm tốt đều phải coi trọng ý kiến của nhân dân”[3].
Các đại biểu tại Đại hội lần thứ II Hội những người viết báo Việt Nam, tháng 4 năm 1959 (Ảnh tư liệu)
Người làm báo phải trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật; chịu khó rèn luyện, trau dồi kiến thức và học tập suốt đời
Trong tư tưởng của Hồ Chí Minh về báo chí, Người coi trung thực là một tiêu chuẩn đạo đức rất quan trọng trong hoạt động nghề nghiệp báo chí. Đồng thời, Người cũng đòi hỏi các nhà báo trong mọi trường hợp khen cũng như chê đều với động cơ trong sáng, khách quan, không thể viết báo vì mục đích vụ lợi, cá nhân, ích kỷ. Người cho rằng “một tờ báo mà không được đại đa số quần chúng ham muốn thì không xứng đáng là một tờ báo”, đó cũng là một trong những nguyên tắc về đạo đức báo chí của Người.
Nhà báo chân chính phải chuyên nghiệp trong cách hành nghề, phải trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật. Người nói: “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn” và “chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”[4]. “Viết giản dị thôi, và phải đúng sự thật. Không được bịa ra”; “Không nên chỉ viết cái tốt và giấu đi cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại... Phê bình thì phải phê bình một cách thật thà, chân thành, đúng đắn”[5]. Báo chí phải phản ánh đúng những ý kiến xây dựng của nhân dân; nói lên tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của dân đối với công cuộc xây dựng đất nước; quyết liệt chống nạn tham nhũng, buôn lậu; chống lại tội ác và các tệ nạn xã hội; chống lại những biểu hiện tha hóa, sa sút về phẩm chất, đạo đức và lối sống. Báo chí phải đem đến cho công chúng niềm tin ở sự thật, tin ở sự nghiêm minh của pháp luật, đặc biệt tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tin vào truyền thống cách mạng và nhân văn của nhân dân ta.
Việc học tập phong cách làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân tố quan trọng và vô cùng cần thiết đối với mỗi người làm báo, đặc biệt đối với cơ chế thị trường hiện nay. Theo Hồ Chí Minh, mục đích của việc học tập là: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ, học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại ”. Đồng thời, Người nhấn mạnh: “Học để sửa chữa tư tưởng, học để tu dưỡng đạo đức cách mạng, học để tin vào đoàn thể, vào nhân dân, vào tương lai của dân tộc và tương lai của cách mạng, học để hành”; “học để làm việc”; chứ không phải học để “làm ông nọ bà kia”, hay là để “làm quan cách mạng”… cho nên, “tất cả những động cơ học tập không đúng đắn đều phải tẩy trừ cho sạch”[6].
Trong nhiều lần nói chuyện với giới trí thức, Người thường nêu rõ tầm quan trọng của công việc học tập: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời”. Trên cơ sở nắm bắt được xu thế của thời đại và khả năng dự báo được tương lai, Người đã chỉ rõ: “Tình hình thế giới và trong nước luôn luôn biến đổi, công việc của chúng ta nhiều và mới, kỹ thuật của thế giới ngày càng tiến bộ, nhưng sự hiểu biết của chúng ta có hạn. Muốn tiến bộ kịp sự biến đổi vô cùng tận, thì chúng ta phải nghiên cứu, học tập”[7].
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu Hội nhà báo, nhân viên phục vụ tại Đại hội đại biểu
toàn quốc lần thứ III của Đảng, tháng 9/1960 (Ảnh tư liệu)
Tháng 9/1962, tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ” [8].
Trong cách thể hiện, Người cho rằng “làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung, về cách viết” [9] và trước khi cầm bút viết, mỗi nhà báo phải tự đặt câu hỏi cho chính mình là “Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc?.”[10].
Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang đó, Người đòi hỏi người làm báo không ngừng học tập, nâng cao trình độ hiểu biết chính trị và bản lĩnh nghề nghiệp. Những người làm báo phải biết trau dồi kiến thức, học tập lý luận, lăn lộn trong thực tiễn, đi sâu vào thực tiễn, vào đời sống nhân dân, gắn bó với nhân dân.
Người nêu rõ “nhiệm vụ của người làm báo là rất quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình.” [11].
Người làm báo luôn phải tự rèn luyện, phải có ý chí tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn. Muốn rèn nghề tốt phải có tinh thần khiêm tốn, cầu thị, ham học hỏi, không ngừng vươn lên. Hồ Chí Minh nêu rõ thực trạng trình độ nghề nghiệp của các nhà báo: “ Ngoài những đồng chí đã làm báo trong những năm cách mạng và kháng chiến, số đông cán bộ báo chí ta đều mới vào nghề, vì thế mà kinh nghiệm còn ít, trình độ chưa cao. Muốn tiến bộ, muốn viết hay, thì phải cố gắng học hỏi, ra công rèn luyện”[12].
Người làm báo cần phải nêu cao tinh thần phê bình và tự phê bình
Tự phê bình và phê bình là vấn đề rất quan trọng, là một trong những quy luật phát triển của Đảng và là nguyên tắc, chế độ thường xuyên trong tổ chức và sinh hoạt Đảng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường nhắc nhở: “Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi ngày tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt”.
Theo Người, tự phê bình và phê bình có vai trò đặc biệt quan trọng, vì nó là vũ khí cần thiết và sắc bén, giúp mọi người sửa chữa sai lầm, phát huy ưu điểm. Thực chất của tự phê bình và phê bình là góp ý giúp đồng chí, đồng nghiệp và tự bản thân kiểm điểm lại xem cái làm được và chưa làm được, làm hay hoặc còn thiếu sót, sai lầm và từ đó phát huy cái tốt, tìm ra biện pháp khắc phục, sửa chữa cái chưa hay, cái khuyết điểm, sai lầm. Tự phê bình và phê bình thực sự là một cuộc đấu tranh giữa mặt tích cực và mặt tiêu cực, tiến bộ và lạc hậu, cái tốt và cái xấu, cái đúng và cái sai… diễn ra ngay trong bản thân từng cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng.
Chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng đã từng được Hồ Chí Minh cảnh báo là một loại “Giặc nội xâm”, thứ giặc ở trong lòng hết sức nguy hiểm hơn cả giặc ngoại xâm. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói thật thà tự phê bình và thành khẩn tự phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất để sửa chữa khuyết điểm và phát triển ưu điểm của mình. Vì vậy, chẳng những chúng ta phải thực hiện mở rộng phê bình và tự phê bình trong Đảng và trong cơ quan chính quyền, mà chúng ta và đội ngũ những người làm báo cần phải hoan nghênh những lời phê bình thật thà của nhân dân, của bạn đọc hơn bao giờ hết. Người cũng chỉ rõ mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ.
Trong gần 40 năm đổi mới, đội ngũ những người làm báo Việt Nam luôn giữ vững lập trường chính trị, có bản lĩnh kiên định, trung thành tuyệt đối với Đảng, với đất nước; luôn đề cao ý thức chính trị, ý thức về lập trường chính trị cách mạng, bảo vệ chế độ, bảo vệ dân tộc, bảo vệ giai cấp, kiên quyết chống lại sự phá hoại của kẻ thù; luôn rèn luyện, giữ vững sự trong sáng của đạo đức nghề nghiệp, nâng cao năng lực chuyên môn, vận dụng sáng tạo vào hoạt động tác nghiệp của mình, phấn đấu đưa nền báo chí của nước nhà theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội, là “cầu nối” giữa Đảng với dân, vì nhân dân để phụng sự. Người làm báo không dao động trước mọi cám dỗ, tiên phong trong chiến đấu chống các thế lực thù địch đang thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình, thúc đẩy tự diễn biến, tự chuyển hóa, sử dụng các chiêu bài dân chủ, nhân quyền hòng làm thay đổi chế độ chính trị của nước ta.
Cùng với các thành tựu, hoạt động báo chí vẫn còn một số tồn tại, bất cập. Một số cơ quan báo chí, người làm báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp chạy theo thị hiếu tầm thường, tìm cách để thu lợi, kể cả việc làm sai lệch bản chất của sự việc.
Ở một số địa phương, còn có sự chồng chéo chức năng nhiệm vụ chỉ đạo, quản lý giữa cơ quan chỉ đạo và cơ quan quản lý báo chí. Công tác quản lý báo chí chưa theo kịp với thực tiễn, chưa đáp ứng được sự phát triển của báo chí, truyền thông. Việc sử dụng mạng xã hội cho những mục đích phi nghề nghiệp, hành xử, phát ngôn thiếu chuẩn mực, vi phạm quy chuẩn đạo đức và thậm chí là vi phạm pháp luật đang trở thành vấn đề không chỉ báo giới mà dư luận xã hội hết sức quan tâm, lo ngại[13].
Với những nội dung cơ bản đã trình bày ở trên, có thể khẳng định rằng, tư tưởng đạo đức của Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất lớn đối với việc giáo dục đạo đức nghề cho đội ngũ những người làm báo hiện nay. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là niềm vinh dự và tự hào đối với mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân Việt Nam, với Nhà báo, thì việc học tập theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhiệm vụ rất quan trọng và cấp thiết hiện nay.
Minh Dương
[1] Hồ Chí Minh : Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia -Sự thật, Hà Nội, 2011, t.12, tr 414.
[2] Hồ Chí Minh : Toàn tập, Sđd, t.10, tr 613.
[3] Hồ Chí Minh : Toàn tập, Sđd, t.8, tr 657.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr 306.
[5]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr 118.
[6] Hồ Chí Minh : Toàn tập, Sđd, t.5, tr 235.
[7] Hồ Chí Minh : Toàn tập, Sđd, t.6, tr51.
[8] Hồ Chí Minh : Toàn tập, Sđd, t.13, tr 466.
[9] Hồ Chí Minh : Toàn tập, Sđd, t.13, tr 465.
[10] Hồ Chí Minh : Toàn tập, Sđd, t.13, tr 465.
[11] Hồ Chí Minh : Toàn tập, Sđd, t.12, tr 415.
[12] Hồ Chí Minh : Toàn tập, Sđd, t.12, tr 465.
[13]https://hoinhabao.vn/Nang-cao-dao-duc-trach-nhiem-nghe-nghiep-cua-nguoi-lam-bao-Viet-Nam_bv-55819.