Nhắc đến lịch sử thanh tra giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chúng ta không thể không nhắc tới đồng chí Nguyễn Lương Bằng và những đóng góp của đồng chí đối với ngành thanh tra Việt Nam và đồng chí cũng đồng thời là một tấm gương người cán bộ thanh tra tiêu biểu
Thanh tra Việt Nam đã trải qua gân 80 năm xây dựng và phát triển. Trong mỗi giai đoạn lịch sử, ngành thanh tra đều có những đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp cách mạng của Nhà nước và nhân dân ta.
Trong giai đoạn 1956-1965, với cương vị Tổng thanh tra Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ (từ tháng 9 năm 1961 đổi là Ủy ban Thanh tra của Chính phủ), đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã có những đóng góp to lớn vào quá trình xây dựng và phát triển Ngành thanh tra Việt Nam
Góp phần làm rõ vị trí, vai trò, tác dụng và tầm quan trọng của công tác thanh tra trong việc tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước
Đối với bản thân các nghị quyết, chỉ thị, chính sách của Đảng và Nhà nước và việc tổ chức thực hiện những chỉ thị, nghị quyết đó, đồng chí Nguyễn Lương Bằng nêu rõ: công tác thanh tra là một khâu quan trọng trong quá trình tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách vì chỉ có tiến hành thanh tra thì cơ quan lãnh đạo mới hiểu rõ tình hình chấp hành nghị quyết, chỉ thị, mới thấy được những vấn đề phải giải quyết trong khi tổ chức thực hiện để đảm bảo cho nghị quyết, chỉ thị được chấp hành nghiêm chỉnh.
Đồng chí cho rằng “Công tác kiểm tra là một loại công tác có tính chất đặc biệt, bản thân các ban thanh tra không trực tiếp chấp hành chính sách, mà là đi xem xét các cơ quan khác chấp hành chính sách. Nội dung công tác kiểm tra trong từng thời kỳ đều nhằm phục vụ các công tác trung tâm của Đảng và Chính phủ”1.
Công tác thanh tra, kiểm tra là một bộ phận không thể thiếu được của công tác lãnh đạo. Nó giúp cho các cơ quan lãnh đạo hiểu rõ tình hình chấp hành chủ trương, chính sách và hiểu rõ bản thân các nghị quyết, chỉ thị đã ban hành có ưu điểm, khuyết điểm gì để kịp thời bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế, đồng thời nó cũng giúp cho cơ quan được kiểm tra hiểu rõ những ưu điểm, khuyết điểm trong công tác để kịp thời có kế hoạch sửa chữa, khắc phục.
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng (thứ ba từ trái sang) trong một chuyến công tác (Ảnh tư liệu)
Đối với công tác cán bộ, qua công tác thanh tra, có thể thấy được trình độ chính trị, tinh thần, năng lực, tác phong công tác và đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, trên cơ sở đó có chính sách cán bộ đúng đắn từ bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ…và kịp thời xử lý những cán bộ có sai phạm, những cán bộ thoái hóa, biến chất. Do ý nghĩa đó, công tác thanh tra có tác dụng to lớn trong việc củng cố Đảng, củng cố chính quyền, nâng cao sức chiến đấu của Đảng, uy tín của Nhà nước, củng cố niềm tin của nhân dân đối với chế độ.
Góp phần định hướng về chính trị, tư tưởng và tổ chức ngành thanh tra, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra có đạo đức cách mạng, tác phong công tác, lề lối làm việc khoa học…
Về chủ thể làm công tác thanh tra, đồng chí Nguyễn Lương Bằng cho rằng, trước hết đó là nhiệm vụ của cán bộ lãnh đạo ở các ngành, các cấp, kể cả cán bộ lãnh đạo ở cơ sở. Nếu cán bộ lãnh đạo không coi trọng công tác thanh tra, kiểm tra sẽ dẫn đến quan liêu, xa rời thực tế. Do đó, coi trọng công tác thanh tra, kiểm tra sẽ tránh được bệnh quan liêu, giấy tờ, xây dựng được tác phong lãnh đạo đúng đắn, sâu sát thực tế, gần dân, lắng nghe và thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của nhân dân.
Công tác thanh tra không phải chỉ đơn thuần là nhiệm vụ của các ban thanh tra mà là nhiệm vụ của tất cả các cấp lãnh đạo, của các cán bộ, nhân viên trong tất cả các ngành của Đảng và Nhà nước, đồng thời nó cũng là nhiệm vụ của quảng đại quần chúng nhân dân. Bản thân các cán bộ phụ trách cần tự mình tham gia công tác kiểm tra, đồng thời đề cao ý thức “chủ nhân ông” của nhân dân, để nhân dân tham gia đông đảo vào việc kiểm sát các công việc của Nhà nước.
Một điều quan trọng nữa là cần kiện toàn bộ máy thanh tra các ngành, các cấp. Các cấp lãnh đạo cần thường xuyên lãnh đạo các ban thanh tra một cách chặt chẽ. Về phía các ban thanh tra cần ra sức phát huy các ưu điểm, khắc phục các khuyết điểm, đồng thời cố gắng học tập chính sách, trau dồi nghiệp vụ để cải tiến công tác.
Đồng chí cũng cho rằng, công tác thanh tra của Chính phủ phải gắn chặt với công tác kiểm tra của Đảng vì mỗi cán bộ phụ trách các lĩnh vực hoạt động của Nhà nước đều là những cán bộ đảng viên hoạt động trong một tổ chức Đảng.
Đồng chí thường nhắc nhở cán bộ làm công tác thanh tra phải vô tư, trước mỗi sự việc phải nghiên cứu, tìm hiêu rmột cách kỹ lưỡng, toàn diện, phải đứng trên lập trường giai cấp công nhân mà xem xét và giải quyết vấn đề, quyết không để lọt người vi phạm và các hoạt động vi phạm, đồng thời hết sức chú ý không làm oan người vô tội.
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng về thăm quê Thanh Miện, Hải Dương năm 1976 (Ảnh tư liệu)
Công tác kiểm tra thông thường được thực hiện theo phương pháp từ trên xuống, quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, đồng chí Nguyễn Lương Bằng khẳng định còn một phương pháp nữa là công tác kiểm tra tiến hành từ dưới lên trên, tức là do quần chúng, do người bị lãnh đạo kiểm tra người lãnh đạo, nêu lên những khuyết điểm của người lãnh đạo và chỉ ra những biện pháp sửa chữa những khuyết điểm đó. Đồng chí cho rằng, muốn làm tốt công tác thanh tra thì phải biết dựa vào quần chúng, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, công tác thanh tra cũng phải có sự tham gia của quần chúng mới thành công được. Muốn vậy, trước hết phải đề cao ý thức làm chủ của quần chúng, làm cho quần chúng thấy rõ họ có quyền và có trách nhiệm tham gia công tác kiểm tra cán bộ, nhân viên, cơ quan của Đảng và Nhà nước. Đồng chí chỉ ra một số phương pháp nhằm phát huy tinh thần làm chủ của quần chúng trong công tác thanh tra kiểm tra như tổ chức các cuộc họp công khai, dân chủ, khuyến khích quần chúng phát biểu; xây dựng hòm thư góp ý để nhân dân góp ý xây dựng cán bộ và cơ quan Nhà nước; dựa vào những quần chúng tích cự, có tinh thần trách nhiệm cao để lập các Ban thanh tra tại các cơ quan, xí nghiệp, hợp tác xã…Đồng chí lưu ý rằng, quần chúng tuy có điều kiện phát hiện vấn đề một cách nhanh chóng nhưng không thể đi sâu điều tra sự việc được, khi đó các cơ quan thanh tra, kiểm tra phải vào cuộc, tiếp tục đi sâu, điều tra, kết luận vấn đề một cách thấu đáo, đề ra những biện pháp sửa chữa khuyết điểm và theo dõi, đôn đốc việc sửa chữa đó đến nơi đến chốn, tránh tình trạng phát hiện ra vấn đề rồi bỏ đó, hoặc thanh tra, kiểm tra thiếu kết luận...
1 . Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác Thanh tra năm 1956, báo Nhân Dân, số 1144, ngày 25/4/1957.