Đồng chí Phạm Hùng (11/6/1912 – 11/6/2022) là một trong những nhà lãnh đạo tiền bối của Đảng, dù ở bất cứ cương vị nào, kể cả khi bị giam giữ, tù đày trong nhà tù đế quốc, đồng chí cũng luôn thể hiện tinh thần, khí phách người chiến sỹ cộng sản kiên trung; suốt cuộc đời tận trung với nước, tận hiếu với dân; luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân
Đồng chí Phạm Hùng tên thật là Phạm Văn Thiện, sinh tại ấp Long Thiềng, làng Long Hồ, tổng Bình Long, huyện Vĩnh Bình, tỉnh Vĩnh Long, nay thuộc ấp Long Thuận A, xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, một vùng đất giàu truyền thống yêu nước, cách mạng.
Năm 1928, khi đồng chí còn đang học Trường Trung học Mỹ Tho, đã tham gia hoạt động trong phong trào yêu nước của học sinh, sinh viên.
Năm 1930, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, sau đó làm Bí thư Chi bộ Trường học.
Năm 1931, đồng chí được Đảng tin cậy giao trọng trách làm Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho khi vừa tròn 19 tuổi. Lúc này, phong trào cách mạng của nhân dân địa phương chống chính quyền thực dân Pháp đã phát triển rộng khắp.
Tháng 6/1931, đồng chí bị địch bắt giam. Thực dân Pháp giải Phạm Hùng đi đủ các khám. Khoảng cuối năm 1932, Phạm Hùng bị Tòa đại hình của thực dân Pháp ở Sài Gòn kết án tử hình vì tội “biểu tình có giết người, đột phá và quấy rối trị an” và bị giải về xà lim án chém. Năm ấy, đồng chí vừa tròn 20 tuổi, bị giam với ba người tù tử hình thường phạm.
Trong tù, Phạm Hùng được cử làm người đại diện giao thiệp với cai tù, đã tổ chức lại toàn bộ sinh hoạt của xà lim như: nhường cơm cho các trẻ em bên khám tù phụ nữ, mượn sách và đọc báo cho người bạn tù nghe, dạy họ học rồi tập diễn tuồng trong tù với đôi chân bị cùm.
Sau đó, Phạm Hùng lại bị giải đến phiên tòa xử “Vụ án Đảng Cộng sản Đông Dương”. Đây là phiên tòa đại hình đặc biệt ở tại Sài Gòn kéo dài 7 ngày liền (từ 2/5/1933 đến 9/5/1933), xử 120 bị cáo là đảng viên Đảng Cộng sản. Cùng ra phiên tòa lần này với Phạm Hùng có rất nhiều đảng viên lãnh đạo nổi tiếng như Ngô Gia Tự, Phạm Văn Phương, Lê Văn Lương, Lê Quang Sung… Tất cả đã biến phiên tòa xử các chiến sỹ cộng sản thành phiên tòa buộc tội thực dân Pháp.
Ảnh đồng chí Phạm Hùng do mật thám Pháp chụp ngày 19/12/1932 (Ảnh tư liệu)
Trong phiên tòa này, Quốc tế Cứu tế đỏ, Đảng Cộng sản Pháp đã ủy nhiệm Cancielleri, một luật sư tiến bộ ở Sài Gòn bấy giờ đến bào chữa cho các bị cáo. Nhưng bản án vẫn không thay đổi. Phạm Hùng vẫn là một trong những người bị kết án tử hình (án tử hình lần thứ hai).
Nhiều nghị sĩ Đảng Cộng sản Pháp đã đấu tranh ở Nghị viện và nhân dân, công nhân Pháp đấu tranh không mệt mỏi đòi giảm án cho các bị cáo “vụ án Đảng Cộng sản Đông Dương”. Do đó, Phạm Hùng lại tiếp tục ở xà lim án chém hơn 7 tháng nữa. Cuối cùng, tháng 1/1934, Phạm Hùng bị đày đi Côn Đảo cùng với rất nhiều đồng chí khác.
Từ tháng 1/1934 đến tháng 9/1945 là thời gian Phạm Hùng bị thực dân Pháp giam cầm tại Côn Đảo. Hơn 11 năm tại Côn Đảo, Phạm Hùng ở Banh 1 cùng với Ngô Gia Tự, Phạm Văn Khương, Nguyễn Chí Diểu… và thường liên lạc với đồng chí Tôn Đức Thắng. Phạm Hùng tham gia bút chiến trên tờ nội san “Ý kiến chung” và chủ trương ra thêm tờ báo của quần chúng “Tiến lên”.
Mỗi lần kẻ thù khủng bố, đàn áp khám, đánh đập tù chính trị, Phạm Hùng đều chắn giữ cửa, đưa lưng chịu đòn đỡ cho anh em tù nhân đau ốm phía trong, đồng thời đã từng trừng trị tên “cặp rằn” lưu manh bấy giờ là Tư Nhỏ. Sổ tù của Phạm Hùng chi chít dấu đỏ án phạt của Chúa đảo là do những lần đấu tranh quyết liệt bảo vệ Đảng, bảo vệ đồng chí.
Đồng chí Lê Duẩn và Tôn Đức Thắng kể lại đã nhiều lần Phạm Hùng đỡ đòn thù thay cho các đồng chí. Bác Tôn từng nhận định: Phạm Hùng (Hai Hùng) thực sự là một con người thép.
Sống trong cảnh tù đày vô cùng tàn bạo ở “địa ngục trần gian” Côn Ðảo, đồng chí Phạm Hùng luôn nêu cao khí tiết của người chiến sĩ cộng sản trước kẻ thù và luôn lạc quan, giữ vững niềm tin vào thắng lợi của cách mạng. Là một trong những người lãnh đạo chủ chốt của phong trào đấu tranh ở nhà tù Côn Ðảo, nhiều năm tham gia Chi ủy nhà tù, đồng chí cùng Chi bộ tù nhân cộng sản đã biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, tổ chức học tập lý luận về chủ nghĩa cộng sản để nâng cao nhận thức của tù nhân và tuyên truyền giác ngộ binh lính, cai tù, giám thị.
Một góc nhà tù Côn Đảo - "địa ngục trần gian", nơi đồng chí Phạm Hùng từng
bị thực dân Pháp giam cầm, đày ải
Ðồng chí đã lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh quyết liệt với kẻ thù để giành sự sống cho tù nhân, đòi giảm nhẹ khổ sai, cải thiện chế độ nhà tù và nhiều lần dũng cảm xả thân chịu đòn thay cho đồng chí của mình.
Trải qua gần 15 năm bị tù đày trong lao tù đế quốc, hết xà lim án chém đến “địa ngục trần gian” Côn Ðảo, biết bao hình phạt tàn khốc của kẻ thù vẫn không thể nào khuất phục được người chiến sĩ cộng sản có “dạ sắt, gan đồng”.
Tấm gương đồng chí Phạm Hùng, một chiến sĩ cộng sản hiên ngang, bất khuất, nghĩa hiệp đã trở thành biểu tượng của ý chí và nghị lực phi thường của một thế hệ thanh niên Việt Nam yêu nước, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc và lý tưởng cộng sản.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Phạm Hùng luôn nêu cao tinh thần cách mạng cao quý, gian nan không lùi bước, nguy hiểm không sờn lòng, sẵn sàng hy sinh tất cả vì nước, vì dân, giữ vững niềm tin ở thắng lợi cuối cùng.
Bất chấp gông cùm và những đòn tra tấn của nhà tù đế quốc, bất chấp hoàn cảnh gian khổ và ác liệt của chiến trường miền Nam, nhất là những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí luôn bền gan chiến đấu, thể hiện lòng dũng cảm và nghị lực phi thường.
Hiện nay, đất nước ta đang bước vào công cuộc đổi mới toàn diện, hội nhập quốc tế sâu rộng. Các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để chống phá cách mạng Việt Nam. Noi theo tấm gương tin tưởng tuyệt đối vào lý tưởng cách mạng và sự lãnh đạo của Đảng từ đồng chí Phạm Hùng và những thế hệ đi trước, các thế hệ người Việt Nam hôm nay, đặc biệt là thế hệ trẻ, phải nâng cao nhận thức, cảnh giác trước những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch; tuyệt đối trung thành và luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.
Dương Minh