Xã Long Xá (được ghép từ tên của hai xã cũ là Hưng Long và Hưng Xá) là vùng quê giàu truyền thống cách mạng, nơi khởi đầu của Cao trào cách mạng Xôviết Nghệ - Tĩnh. Mảnh đất này là quê hương của nhà cách mạng ưu tú Lê Xuân Đào - Bí thư đầu tiên của Phủ uỷ Hưng Nguyên, người đã có những đóng góp lớn trong cao trào cách mạng đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng
Những hoạt động cách mạng đầu tiên
Đồng chí Lê Xuân Đào (sinh năm 1903) tên thật là Lê Mạnh Thân, tên thường gọi là Chắt Lũ, sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo. Thuở nhỏ, ông nổi tiếng thông minh, nhanh nhẹn, có trí nhớ tốt.
Sau một thời gian học chữ Hán với thầy đồ trường làng, ông được theo học trường Sơ đẳng tiểu học (Trường Pháp - Việt) trong phủ Hưng Nguyên, rồi lên học lớp Nhì bậc tiểu học tại Vinh. Đến năm 1918, mẹ ông qua đời, ít tháng sau thì cha mất nên ông phải bỏ dở việc học, tiếp tục nghề chống bè thuê của cha để kiếm tiền nuôi 4 người em. Thấy ông làm việc chăm chỉ lại giỏi giang, nhà chủ giao cho ông phụ trách Tài công - ghi chép sổ sách. Ông là người tháo vát, nhanh nhẹn, làm được nhiều việc nên mọi người đều quý mến.
Lúc bấy giờ ở làng Phù Xá có nhà họ Võ - cụ Tú Lang là một gia đình có truyền thống yêu nước. Do ở vị trí kín đáo giữa làng nên các chiến sĩ cách mạng chọn làm nơi tụ họp của những thanh niên chuẩn bị xuất dương tìm đường cứu nước. Năm 1914, ông Võ Trọng Đài là người Hưng Nguyên đầu tiên xuất dương sang Trại Cày Đặng Thúc Hứa ở Thái Lan. Từ năm 1923 trở đi, lần lượt các ông Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái, Lê Thiết Hùng, Trần Diệm, Ngô Thúc Tuân, Ngô Thúc Thiêm… bí mật sang Trại Cày. Các ông Võ Trọng Ân, Võ Trọng Cánh, Võ Trọng Tấn là những người làm nhiệm vụ dẫn đường.
Khi hoàn cảnh gia đình Lê Mạnh Thân đã bớt khó khăn, việc nhà đã có vợ chăm lo, các em cũng đã biết làm lụng, Lê Mạnh Thân dấn thân vào con đường cách mạng, theo gương các bậc tiền bối. Năm 1926, Lê Mạnh Thân đổi tên là Lê Xuân Đào, xuất dương sang Thái Lan. Sau một thời gian học tập và rèn luyện, ông trở về quê hương hoạt động cách mạng trong đảng Tân Việt.
Châm ngòi cho cao trào Xôviết Nghệ -Tĩnh
Mùa Xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, các đảng viên thuộc đảng Tân Việt, Đông Dương Cộng sản liên đoàn lần lượt tham gia thành lập chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam. Ở Hưng Nguyên, chi bộ Lộc Đa thành lập tháng 3/1930, chi bộ Yên Dũng thành lập tháng 4/1930.
Tháng 4/1930, Xứ ủy Trung Kỳ cử đồng chí Tôn Gia Ninh về bắt liên lạc với Lê Xuân Đào bàn việc thành lập chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở tổng Phù Long và Nam Kim. Ngay trong tháng 4/1930, chi bộ mới ra đời lấy tên là Trúc – Lam - Giang, gồm 3 đồng chí: Nguyễn Hữu Nhượng bí danh Trúc, quê làng Trung Cần; Nguyễn Thị Quỳnh Nga, còn gọi Thông Phia, bí danh là Lam, quê làng Trung Cần; Lê Xuân Đào, còn gọi Chắt Lũ, bí danh là Giang, quê làng Phù Xá. Sau đó, các chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở phủ Hưng Nguyên lần lượt ra đời. Đến tháng 9/1930, trên địa bàn phủ Hưng Nguyên đã có 9 chi bộ với khoảng 50 đảng viên.
Trước phong trào cách mạng sục sôi, những người cộng sản Hưng Nguyên nhận thấy phải phát động quần chúng thật mạnh mẽ để đòi quyền lợi thiết thân cho nhân dân lao động.
Ngày 6/9/1930, đồng chí Lê Xuân Đào chủ trì cuộc họp các chi bộ để bàn kế hoạch tổ chức một cuộc biểu tình quy mô lớn. Dự họp có đồng chí Lê Doãn Sửu, Tỉnh ủy viên về chỉ đạo. Theo kế hoạch, sáng sớm ngày 12/9/1930, quần chúng tập kết tại đình Xuân Hòa, kéo xuống ga Yên Xuân, rồi tiến về phủ lỵ Hưng Nguyên để đưa yêu sách cho Tri phủ. Đồng chí Nguyễn Ngọc Ngoạn, người làng Xuân Hòa được cử làm Tổng chỉ huy.
Theo đúng kế hoạch, sáng sớm ngày 12/9/1930, hàng ngàn nông dân nhiệt tình tham gia biểu tình. Họ mang theo cở đỏ búa liềm, dáo mác, gậy gộc, ... hàng ngũ chỉnh tề, càng lúc càng đông, rầm rộ tiến về phủ lỵ. Khi đến địa phận xã Thái Lão, đoàn đã đông tới 8.000 người. Giặc Pháp và tay sai hoảng sợ, chúng dã man cho máy bay ném bom vào giữa đoàn biểu tình khiến 217 người chết. Cuộc biểu tình ngày 12/9/1930 đã làm chấn động dư luận trong nước và quốc tế. Những người cộng sản ở Hưng Nguyên không hề nao núng, lãnh đạo nhân dân khắc phục hậu quả, biến đau thương, căm thù giặc thành hành động cách mạng.
Cao trào Xôviết Nghệ -Tĩnh (Tranh tư liệu)
Thành lập Phủ ủy, duy trì phong trào đấu tranh
Thực tiễn đòi hỏi phải có một cơ quan lãnh đạo thống nhất trong toàn phủ để lãnh đạo nhân dân chống khủng bố, tiếp tục đấu tranh. Tháng 10/1930, đồng chí Lê Xuân Đào chủ trì hội nghị đại biểu các chi bộ để bàn việc thành lập Phủ ủy. Đồng chí Lê Công Cánh, Tỉnh ủy Vinh - Bến Thủy về dự và chỉ đạo. Phủ ủy Hưng Nguyên lâm thời được thành lập gồm 5 đồng chí, do đồng chí Lê Xuân Đào làm Bí thư Phủ ủy.
Phủ ủy Hưng Nguyên đã lãnh đạo nhân dân vùng dậy đấu tranh. Nhiều xã, thôn đã xây dựng được chính quyền Xôviết, thành lập các tổ chức quần chúng như: Nông hộ đỏ, Thanh niên Cộng sản đoàn, Phụ nữ giải phóng, Cứu tế đỏ,... Số đảng viên phát triển khá nhanh, lên đến 119 đảng viên sinh hoạt tại 18 chi bộ. Cả 6 tổng thuộc phủ Hưng Nguyên đều có chi bộ Đảng.
Chính quyền thực dân phong kiến đã dùng chính sách khủng bố trắng, đàn áp dã man Cao trào Xôviết Nghệ - Tĩnh. Nhiều đảng viên và quần chúng ưu tú đã bị bắt, bị xử bắn hoặc tù đày. Phong trào cách mạng ở Nghệ - Tĩnh tạm thời lắng xuống nhưng tinh thần hy sinh anh dũng, ý chí quật cường của nhân dân ta đã để lại những bài học thành công và chưa thành công vô cùng quý báu.
Đánh giá về ý nghĩa và ảnh hưởng của Cao trào cách mạng Xôviết Nghệ - Tĩnh, trong lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Tuy đế quốc Pháp đã dập tắt phong trào đó trong một biển máu, nhưng Xôviết Nghệ - Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam. Phong trào tuy thất bại nhưng nó rèn luyện lực lượng cho cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi sau này”[1].
Tháng 01/1931, đồng chí Lê Xuân Đào được cấp trên điều bổ sung vào Tỉnh uỷ Nghệ An, rồi làm Trưởng ban Tài chính Xứ uỷ. Với tác phong nhanh nhẹn và mưu trí, đồng chí đã đi đến nhiều nơi, vận động quần chúng đóng góp tiền của bổ sung nguồn tài chính cho Đảng.
Tháng 6/1931, phong trào gặp khó khăn, nhiều cơ sở Đảng và tổ chức quần chúng liên tiếp bị địch phá vỡ. Để bảo toàn lực lượng nòng cốt, Tỉnh uỷ Nghệ An cho một số cán bộ, đảng viên rút lên Cao Vều, Môn Sơn, Lục Dạ... thuộc miền tây Nghệ An. Có lần cơ quan Tỉnh uỷ chuyển đến Bãi Gia, dưới chân lèn Kim Nhan, Lê Xuân Đào bị ốm nặng, cơ quan thiếu thốn mọi bề, có lúc phải ăn củ mài và rau rừng trừ bữa, dùng lá cây làm thuốc chữa bệnh, nhưng không ai nao núng, vẫn hết lòng lo khôi phục hoạt động của Đảng.
Hy sinh anh dũng
Ngày 21/3/1932, đồng chí Lê Xuân Đào về xuôi để dự Hội nghị do Xứ ủy triệu tập, họp tại làng Đồng (nay thuộc xã Kim Liên). Đêm 24/3/1932, đồng chí về đến Hưng Nguyên, vào ẩn trong chùa Kẻ Trẹ ở Đôn Nhượng (nay thuộc xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên) thì có kẻ phản bội khai báo. Thực dân Pháp huy động lính đến vây bắt đồng chí. Biết không thể chạy thoát, đồng chí Lê Xuân Đào đã rút súng ngắn chống lại và hy sinh.
Đồng chí Lê Xuân Đào hy sinh khi mới vừa tròn 29 tuổi đời, khi tuổi trẻ và chí khí cách mạng vẫn đang ngùn ngụt dâng trào là một tổn thất to lớn đối với Đảng bộ và nhân dân địa phương. “Đồng chí Lê Xuân Đào hy sinh là một tổn thất lớn của Đảng ta, cụ thể là Đảng bộ tỉnh Nghệ An và Xứ ủy Trung kỳ. Nhưng tấm gương sáng của một con người đã góp phần tổ chức nên cuộc biểu tình Thái Lão 12/9/1930 bất tử trong lịch sử dân tộc và tạo lập nên Xôviết nông dân, một hình thức chính quyền sơ khai của giới cần lao ở các nước nông nghiệp thuộc địa là vĩnh viễn trường tồn. Nó đã thúc đẩy, làm cho các đồng chí của mình không chịu lùi bước, quyết vươn lên đấu tranh tới cùng để đưa cách mạng nước nhà đến thành công rực rỡ”[2].
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Xuân Đào đã giữ nhiều cương vị quan trọng của Đảng như: Bí thư Phủ ủy Hưng Nguyên đầu tiên, Trưởng ban Tài chính Xứ ủy Trung kỳ, Ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh bộ Nghệ An. Dành trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vảng của Đảng, của nhân dân Việt Nam, dù ở bất cứ cương vị nào, giai đoạn khó khăn nào, đồng chí vẫn luôn nêu cao tinh thần, bản lĩnh, khí tiết của người cộng sản. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, tấm gương hy sinh anh dũng của đồng chí Lê Xuân Đào truyền động lực và niềm tin cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân xã Long Xá nói riêng, nhân dân huyện Hưng Nguyên nói chung đoàn kết, vượt qua khó khăn, thách thức, ra sức thi đua xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
Con đường mới trên quê hương Long Xá hôm nay
Phát huy truyền thống cách mạng, xây dựng quê hương Long Xá giàu đẹp
Ngày 19/02/2020, huyện Hưng Nguyên đã tổ chức công bố thành lập xã Long Xá (trên cơ sở sáp nhập 2 xã Hưng Long và Hưng Xá). Với truyền thống cách mạng, khí thế quyết tâm, tin tưởng và đồng thuận trong nhân dân, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Long Xá đã phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới nâng cao, đô thị văn minh”.
Ngay sau khi được kiện toàn, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã đã xây dựng kế hoạch cụ thể, rà soát lại kết quả thực hiện của từng tiêu chí; phân công nhiệm vụ cho các thành viên theo lĩnh vực chuyên môn, phụ trách từng tiêu chí và nhóm tiêu chí gắn với địa bàn các thôn, xóm. Hằng tuần, tiến hành các cuộc họp giao ban, đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện; nắm bắt tình hình và dư luận xã hội trong quần chúng nhân dân để kịp thời có những điều chỉnh phù hợp.
Đảng uỷ, chính quyền xã Long Xá đã xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm cần phải làm thật tốt là công tác vận động quần chúng nhân. Đột phá đầu tiên là vận động người dân hiến đất, tường rào, cây cối và tài sản trên đất mở rộng hành lang giao thông; làm đường và kênh mương.... Kết quả huy động nguồn lực xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nguồn kinh phí do Nhân dân đóng góp là 144,0 tỷ đồng (chiếm 49% tổng kinh phí đã thực hiện)[3]. Kết cấu hạ tầng nông thôn được xây dựng khang trang, hoàn thiện các thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục, trong đó có tuyến đường dài 11 km trên địa bàn xã đầy đủ hệ thống cây xanh, cây cảnh, cột cờ[4].
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm. Tăng cường nâng cao chất lượng đội ngũ, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức. Đến nay, có 91,7% cán bộ, công chức được đào tạo chuyên môn có trình độ đại học và trung cấp lý luận chính trị. 100% cán bộ, công chức có chứng chỉ tin học văn phòng, có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào thực thi nhiệm vụ.
Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, ngày 7/5/2022, xã Long Xá đã hoàn thành 18/18 tiêu chí nông thôn mới nâng cao, còn 01 tiêu chí không đánh giá là hạ tầng thương mại nông thôn. Hiện nay, Đảng uỷ, chính quyền xã Long Xá đang đẩy nhanh xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí để phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025.
Tiếp nối truyền thống vẻ vang trên quê hương Bí thư Phủ uỷ Hưng Nguyên đầu tiên, tạo ra sức bật nối quá khứ với hiện tại và tương lai, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Long Xá tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy tinh thần đoàn kết với tâm thế, quyết tâm cao để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng mới.
Trần Thị Thúy
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, t.12, tr.407-408.
[2] Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Nghệ An (1930 -1945), Nxb Nghệ An, 2018, t.1, tr.85.
[3] Uỷ ban nhân dân xã Long Xá: Báo cáo số 77/BC-UBND, ngày 8/11/2022, Báo cáo kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2022.
[4] Uỷ ban nhân dân xã Long Xá: Tài liệu đã dẫn.