Soi Cờ - một mảnh đất giàu truyền thống cách mạng thuộc xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Nơi đây đã ghi dấu biết bao chiến công oanh liệt của những chiến sĩ cách mạng, trong đó có người giao liên Ngô Hữu Ngôn
Soi Cờ - mảnh đất giàu truyền thống cách mạng
Khoảng gần 100 năm trước, dưới sự áp bức, bóc lột của bọn cường hào, ác bá, ở Liễu Châu - một làng quê nhỏ nằm trên bãi giữa sông Hồng, thuộc phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây, người dân vô cùng đói rét, khổ cực.
Không cam chịu cuộc sống lầm than, một nhóm trai tráng Liễu Châu đưa gia đình ngược dòng sông Thao, tìm nơi nương thân.
Sau nhiều ngày đêm liều mình trên dòng nước xiết, mờ sáng hôm ấy, chợt nhận thấy mặt sông như mở rộng ra, êm ả hơn, họ cập bè vào bờ nghỉ ngơi và nhận ra đây là vùng đất phù sa màu mỡ nhưng còn hoang vu. Phóng tầm mắt ra sông, họ trông thấy một doi đất lớn giữa dòng, giống như một lá cờ uốn mềm theo dòng nước.
Những người đàn ông Liễu Châu quyết định trụ lại, khai khẩn ruộng nương, dựng nhà và đặt tên là mảnh đất này là Soi Cờ - nơi soi bóng lá cờ giữa dòng sông kia… Nơi này sau trở thành thôn Soi Cờ, thuộc xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng tái xâm lược Việt Nam tại Nam Bộ. Tuy nhiên, âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh”.của chúng đã thất bại.
Ngày 19/12/1946, Toàn quốc kháng chiến bùng nổ. Mặc dù chiếm ưu thế quân sự vượt trội, thực dân Pháp bị cầm chân tại Thủ đô Hà Nội trong hai tháng.
Cuối năm 1947, chiến dịch phản công Việt Bắc Thu - Đông 1947 của quân và dân ta đã đánh bại hoàn toàn âm mưu "đánh nhanh, thắng nhanh" của thực dân Pháp, buộc chúng phải chuyển hướng, thực hiện âm mưu “bình định”, đánh chiếm các tỉnh biên giới phía Bắc. Lào Cai trở thành một vùng trọng điểm càn quét của địch.
Giáo viên và học sinh Trường THPT số 2 huyện Bảo Thắng, Lào Cai thắp hương tại khu di tích
Sự hy sinh anh dũng của người giao liên cách mạng
Trước các đợt càn quét khốc liệt của thực dân Pháp, thực hiện Nghị quyết ngày 15/2/1948 của Tỉnh ủy Lào Cai về việc: “Tổ chức Đại hội vũ trang tuyên truyền hoạt động ở phía tả ngạn sông Hồng, gồm các xã: Cam Đường, Gia Phú, Xuân Giao”, ngày 20/4/1948, một tổ cán bộ xung kích đến Soi Cờ xây dựng cơ sở kháng chiến, phát động quần chúng đấu tranh trong vùng địch tạm chiếm. Đây chính là một trong những cơ sở kháng chiến đầu tiên được xây dựng và phát triển ở huyện Bảo Thắng[1].
Căm thù giặc Pháp giày xéo quê hương, nhân dân Soi Cờ vui mừng khi có cán bộ trở về hoạt động. Ông Ngô Hữu Ngôn, người có cảm tình với cách mạng, có uy tín với bà con dân làng, là một trong những người dân Soi Cờ đầu tiên được cán bộ giáo dục, giác ngộ, đã tự nguyện trở thành người giao thông liên lạc đầu tiên của huyện Bảo Thắng, nhiều lần thực hiện việc chuyển công văn của Huyện ủy ra vùng tự do để báo cáo Tỉnh ủy Lào Cai.
Thông qua ông Ngô Hữu Ngôn, cán bộ của ta tiếp tục giác ngộ được nhiều người dân trở thành cơ sở nuôi giấu cán bộ, tích cực đóng góp lương thực cho cách mạng[2].
Đánh hơi thấy hoạt động cách mạng ở Soi Cờ, giặc Pháp tổ chức bí mật theo dõi, mua chuộc Việt gian để khai thác thông tin.
Ngày 01/7/1948 (ngày 25 tháng 5 năm Mậu Tý), giặc Pháp bất ngờ bao vây khu vực Soi Cờ giữa buổi trưa, bắn chết người canh gác nơi đầu làng và ập vào hòng bắt toàn bộ lực lượng cách mạng ở đây. Chúng bắt giữ 13 người đàn ông âtại Soi Cờ (trong đó có ông Ngô Hữu Ngôn, người giao thông liên lạc cách mạng đầu tiên của huyện Bảo Thắng), trói vào gốc cây tra khảo, hòng tìm ra nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng trong rừng.
Mặc đòn tra tấn dã man của kẻ thù, họ kiên quyết bảo vệ cán bộ, không hé răng khai nửa lời. Giặc điên cuồng xả súng bắn chết 13 người con kiên trung của Soi Cờ và đốt phá làng xóm[3].
Cả Soi Cờ chìm trong máu, lửa… Đêm ấy, khi giặc rút đi, người dân Soi Cờ lặng lẽ chôn cất những người bị giặc giết, nhặt nhạnh những gì còn sót lại từ đống tro tàn, lòng căm thù giặc càng ngút ngàn trong những đôi mắt rực lửa đau thương.
Vùng quê Soi Cờ bình yên hôm nay
Tội ác của giặc không làm lung lay tinh thần cách mạng, ngược lại, càng hun đúc ý chí, quyết tâm của nhân dân Soi Cờ một lòng đi theo, tích cực tham gia cách mạng.
Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng huyện Bảo Thắng và Tỉnh ủy Lào Cai, cùng với các lực lượng vũ trang ngày càng lớn mạnh, nhân dân Soi Cờ và nhân dân các dân tộc trong huyện, trong tỉnh đứng lên đánh giặc, từng bước giải phóng Lào Cai, hòa vào chiến thắng chung của cả nước, đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng đất nước.
Với những cống hiến và sự hy sinh quên mình cho Tổ quốc, người giao liên cách mạng Ngô Hữu Ngôn đã được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Liệt sĩ.
Ngày nay, trên chính mảnh đất mảnh đất thấm đẫm máu xương của 14 người con Soi Cờ anh dũng, chính quyền và nhân dân xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai đã xây dựng khu Di tích lịch sử - cách mạng Soi Cờ, với nhà bia khắc ghi lại sự kiện bi tráng ngày 01/7/1948.
Nơi đây không chỉ là địa chỉ đỏ, minh chứng cho những tháng năm cách mạng hào hùng, ghi ơn sự hy sinh quên mình của những người dân Soi Cờ yêu nước, mà còn là nơi giáo dục truyền thống cách mạng, giúp thế hệ trẻ hiểu sâu sắc lịch sử dân tộc, từ đó thêm tự hào và ý thức hơn nữa về trách nhiệm của những người tiếp bước cha ông trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngô Thu Ngà
[1] Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bảo Thắng: Lịch sử Đảng bộ huyện Bảo Thắng, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. tr.64.
[2] Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bảo Thắng: Lịch sử Đảng bộ huyện Bảo Thắng, tập I, Sđd, tr.64.
[3] Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lào Cai (1947-2007), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr..62.