Thắng lợi của phong trào Đồng khởi tạo điều kiện và đặt ra yêu cầu cần có một tổ chức đại diện chân chính quyền lợi của nhân dân miền Nam Việt Nam. Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, trở thành ngọn cờ tập hợp, đoàn kết nhân dân miền Nam đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ở miền Nam, chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm tìm mọi cách phá hoại Hiệp đinh Giơnevơ, mở các chiến dịch thanh trừng những người cộng sản, bắt bớ, tàn sát những người kháng chiến cũ, những người đấu tranh đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Tính đến năm 1959, toàn miền Nam có 466.000 người bị bắt, 400.000 người bị tù đày, 68.000 người bị giết hại.
Trước tình hình đó, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Khóa II (năm 1959) xác định phải đoàn kết toàn dân, kết hợp đấu tranh chính trị và quân sự, chống đế quốc Mỹ xâm lược và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm ở miền Nam, tiến tới thành lập chính quyền liên hiệp dân tộc, dân chủ ở miền Nam, thực hiện độc lập dân tộc và các quyền tự do dân chủ, cải thiện đời sống nhân dân, giữ vững hoà bình, thực hiện thống nhất đất nước nhà.
Để thực hiện được mục tiêu đó Nghị quyết nhấn mạnh cần phải “có mặt trận riêng cho miền Nam”. Mặt trận này phải rất rộng rãi, đoàn kết các lực lượng yêu nước, không phân biệt dân tộc, tôn giáo chính kiến, có tinh thần chống đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai của Ngô Đình Diệm, tán thành tự do dân chủ, cải thiện dân sinh và hoà bình thống nhất Việt Nam
Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9/1960), vị trí, vai trò cách mạng miền Nam tiếp tục được xác định rõ hơn. Cách mạng miền Nam giữ vai trò quyết định trực tiếp thắng lợi của cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng này, nhân dân miền Nam cần ra sức xây dựng khối công nông binh và thực hiện một Mặt trận Dân tộc thống nhất rộng rãi chống Mỹ - Diệm, lấy liên minh công nông làm cơ sở.
Trung ương Đảng nêu rõ “Mặt trận này phải đoàn kết được các giai cấp và tầng lớp yêu nước, dân tộc Kinh và các dân tộc thiểu số, các đảng phái và tôn giáo yêu nước, và tất cả những người có khuynh hướng chống Mỹ - Diệm. Mục tiêu của Mặt trân Dân tộc thống nhất chống Mỹ - Diệm ở miền Nam là hòa bình, độc lập dân tộc, tự do dân chủ, cải thiện dân sinh và hòa bình thống nhất Tổ quốc”.
Thành viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam
tuyên thệ trong Lễ thành lập (Ảnh tư liệu)
Thực hiện những chủ trương trên, sau một thời gian tích cực chuẩn bị trong khí thế phát triển mạnh mẽ của phong trào Đồng khởi, ngày 20/12/1960, tại vùng giải phóng xã Tân Lập, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, đại biểu các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo, các nhân sĩ yêu nước ở miền Nam, không phân biệt xu hướng chính trị, đã dự họp và quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Đại hội thông qua Tuyên ngôn và Chương trình hành động gồm 10 điểm nêu rõ: “Mặt trận chủ trương đoàn kết tất cả các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, các dân tộc, các tôn giáo, các nhân sỹ yêu nước ở miền Nam Việt Nam không phân biệt xu hướng chính trị để đấu tranh đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và tập đoàn tay sai của Mỹ ở miền Nam, thực hiện độc lập dân chủ, cải thiện dân sinh, hòa bình trung lập ở miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc”.
Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra Lời kêu gọi nhấn mạnh: “Tất cả hãy đứng lên, tất cả hãy đoàn kết lại. Hãy siết chặt hàng ngũ chiến đấu dưới ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và Ngô Đình Diệm”.
Ngay sau khi thành lập, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã thu hút được nhiều tổ chức, đảng phái và cá nhân tham gia: Đảng Nhân dân Cách mạng Việt Nam, Đảng Dân chủ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng miền Nam, Thông tấn xã Giải phóng, Hội Liên hiệp học sinh, sinh viên giải phóng, Hội Nông dân giải phóng, Hội Phụ nữ giải phóng, Hội Liên hiệp Thanh niên giải phóng, Hội Văn nghệ giải phóng, Hội Nhà giáo yêu nước miền Nam Việt Nam, Hội Những người công giáo kính chúa yêu nước miền Nam Việt Nam, Hội Lục hòa Phật tử miền Nam Việt Nam,..
Ngày 16/2/1962 tại Tân Biên (Tây Ninh), Đại hội Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ nhất đã cử ra Ủy ban Trung ương chính thức gồm 52 vị, do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch; các Phó Chủ tịch gồm: Bác sĩ Phùng Văn Cung, Võ Chí Công - đại diện Đảng Nhân dân cách mạng miền Nam, Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát - Tổng Thư ký Đảng Dân chủ miền Nam, Ybih Aleo - người dân tộc Ê đê, Chủ tịch Ủy ban Phong trào tự trị các dân tộc Tây Nguyên, Đại đức Sơn Vọng - đại biểu đồng bào Khơme yêu nước và các ông Trần Nam Trung, Nguyễn Văn Hiếu.
Sau khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra đời, tại các vùng những giải phóng, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã thực hiện chức năng, nhiệm vụ của chính quyền cách mạng cho đến khi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra đời năm 1969.
Mặt trận đã xây dựng hệ thống tổ chức thống nhất từ Ủy ban Trung ương đến tỉnh, huyện, xã. Tính đến năm 1968, Mặt trận Dân tộc Giải phóng đã quản lý 10 triệu dân trên tổng số 14 triệu dân toàn miền Nam; trong đó có 4 triệu người sống trong vùng giải phóng và 6 triệu người sống trong vùng chính quyền Sài Gòn kiểm soát nhưng thuộc quyền quản lý bí mật của Mặt trận.
Người dân tỉnh Kiến Phong mít tinh và làm lễ thượng cờ chào mừng Mặt trận Dân tộc Giải phóng
miền Nam Việt Nam ra đời (Ảnh: TTXVN)
Tại những vùng giải phóng, Mặt trận Dân tộc Giải phóng các cấp chăm lo giữ gìn trật tự trị an, đảm bảo sản xuất, vận động thanh niên tham gia các lực lượng vũ trang. Nhiều nơi, Mặt trận Dân tộc giải phóng đã giành lại ruộng đất và chia cho nông dân. Nhân dân được sống tự do, tích cực sản xuất, phát triển kinh tế, văn hoá - giáo dục, đóng góp nhân lực, vật lực cho kháng chiến.
Bên cạnh đó, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam còn thực hiện chức năng đối ngoại và đấu tranh ngoại giao với địch.
Sau khi thành lập, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam đã sớm đặt được cơ quan đại diện ở hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa và nhiều nước dân chủ. Tính đến tháng 12/1963, sau 3 năm thành lập, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam đã có quan hệ với 321 tổ chức thuộc nhiều xu hướng chính trị khác nhau ở 42 nước. Đến cuối năm 1967, đã có 41 chính phủ, 12 tổ chức quốc tế, 5 tổ chức khu vực tuyên bố ủng hộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam có cơ quan đại diện tại 12 nước, trong đó có: Liên Xô, Trung quốc, Cuba, Hunggari, Triều Tiên, Ba Lan, Tiệp Khắc.
Bên cạnh đó, các đoàn thể trong Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam như Thanh niên, Phụ nữ, Công đoàn, Hội Lục Hòa, Công giáo kháng chiến, Hội Nhà báo, Hội Nhà văn giải phóng… cũng đã có những quan hệ với các tổ chức tương ứng của các nước. Đại diện của Mặt trận Dân tộc Giải phóng đã được tín nhiệm bầu vào cơ quan lãnh đạo của các tổ chức quốc tế: Liên hiệp Công đoàn thế giới, Hội đồng hòa bình thế giới, Liên hiệp Phụ nữ Dân chủ quốc tế, Liên hiệp Thanh niên Dân chủ thế giới, Hội Luật gia Dân chủ thế giới, Hội Nhà báo Ủy ban Đoàn kết Ba châu, Phong trào Không liên kết…
Như vậy, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời đã tập hợp, đoàn kết được các tầng lớp nhân dân miền Nam đứng lên chống chính quyền ở miền Nam được Hoa Kỳ hậu thuẫn.
Tại những vùng giải phóng, Mặt trận đã thực hiện tốt chức năng của chính quyền cách mạng.
Đánh giá về vai trò của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là người tổ chức và lãnh đạo toàn dân miền Nam Việt Nam kháng chiến chống Mỹ, cứu nước từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, để thực hiện độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập, phồn vinh, tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà, là người đại diện chân chính của nhân dân miền Nam Việt Nam”.
Hải Đăng