Những con tem bưu chính thời kỳ trong và sau chiến tranh, không chỉ thuần túy xác thực đủ điều kiện vật chất đảm bảo nhiệm vụ vận chuyển thư tới tay người nhận, hơn thế tem còn mang trong mình ý nghĩa văn hóa, ý nghĩa lịch sử khi truyền tải những thông điệp văn hóa cùng khoảnh khắc lịch sử hào hùng của dân tộc... Nhà sưu tầm Nguyễn Hữu Ngôn chia sẻ: “Qua con tem chúng ta có thể nhớ lại, kể lại được những câu chuyện lịch sử quý giá”.
Tôi biết Nguyễn Hữu Ngôn sưu tập rất nhiều thứ, anh nhìn cái gì cũng với ánh mắt tò mò, ham thích, muốn tìm hiểu đến tận cùng ngọn ngành và ham muốn thu gom về làm của nả riêng mình. Cái của nả mà mọi người có thể vô tình lướt qua thì anh vẫn cứ lầm lũi gom nhặt. Chính vì thế cùng với năm tháng thời gian anh đã làm dày hành trang và có đủ đầy các bộ sưu tập từ nông cụ, sách, báo và tem thư.
Anh chia sẻ: “Tôi sưu tập tem từ những ngày còn là học sinh. Đơn giản vì hồi đó, Bưu điện Hoằng Hóa đóng trụ sở trên đất ông bà ngoại nhường lại nên tôi thường qua chơi. Lúc đầu chủ yếu là sang để ngắm nghía mấy tờ họa báo của Liên Xô, Trung Quốc. Sau rồi, thấy trên mỗi cánh thư lại có con tem thật nhỏ, thật đẹp và cũng thật nhiều ý nghĩa. Niềm yêu thích kéo dài mãi đến nay, trước tiên vì tôi vốn yêu thích hội họa. Hơn nữa, với tôi những con tem chính là thế giới thu nhỏ. Cứ nhìn ngắm nó cũng đủ hiểu được cuộc sống đang vận động cùng những bước chân lịch sử. Ở đó khi là phong cảnh đất nước, là thiên nhiên, tươi đẹp kỳ vĩ, có lúc lại là thế giới động thực vật muôn loài, thậm chí là những ngôi nhà, những bông hoa, chim thú muôn hồng nghìn tía thật đẹp. Ngoài ra, tôi lại ham tìm tòi những câu chuyện lịch sử mà các con tem đều hướng về đề tài chính trị với những ngày kỷ niệm, những sự kiện quan trọng của đất nước... Thế là chả biết tự khi nào tôi mê say, đắm đuối rồi tỉ mẩn sắp đặt, phân loại xếp tem theo từng bộ, từng vấn đề để chơi”.
Những giá trị văn hóa và chiều sâu văn hóa lịch sử của mỗi con tem đã cuốn hút, chinh phục, kích thích trí tò mò, lòng ham hiểu biết khám phá của biết bao người trong đó có Nguyễn Hữu Ngôn. Tôi biết nhiều người chơi tem, nhưng thường trong một khoảng thời gian ngắn hoặc theo một chủ đề duy nhất. Còn Nguyễn Hữu Ngôn dẫu thời gian khá dài nhưng anh không quá rồ dại, điên cuồng đi tìm khắp nơi, hay mua bán bằng bất cứ giá nào, mà nó như một sự hữu duyên lần tìm về nhau, tích góp, tụ dồn như thể “quả chín trên cây là quả chín dần dà”. Ấy thế nên dù có trên 3.000 con tem song anh vẫn nhẹ nhàng thong dong, chẳng hề vội vã. Kể cả là có tìm kiếm thì cũng chỉ giới hạn trong sự say mê, chứ không phải là vấn đề kinh tế. Đặc biệt, chơi là để thu nhận kiến thức, để nâng cao hiểu biết là để theo sát bước chân của lịch sử.
Với một người đã có cả bộ tem về lịch sử thì sự kiện lớn của dân tộc như: chiến thắng Điện Biên Phủ, chiến thắng mùa khô, chiến thắng Mậu Thân, sự ra đời Mặt trận dân tộc giải phóng; khởi nghĩa Bến Tre... Và đặc biệt sự kiện Tổng tiến công giải phóng Sài Gòn năm 1975 là không thể thiếu.
Tôi thật ngạc nhiên khi anh khoe rằng, anh có những con tem rất quý về cuộc tổng tiến công 1975 phát hành ngày 14/12/1976 giới thiệu 3 trận đánh quan trọng. Nhẹ nhàng mở từng trang tem về ngày đại thắng Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ngày đất nước ta rợp màu cờ mừng ngày lịch sử 30/4/1975 - ngày mà cách đây tròn 45 năm, Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Chặng đường chiến thắng vẻ vang của Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 đã được ghi vào những con tem lịch sử của Bưu chính Việt Nam từ năm 1976 đến nay. Anh giới thiệu với tôi: Đây là con tem Giải phóng Buôn Mê Thuột 12/3/1975 do họa sĩ Trịnh Quốc Thụ thiết kế với cảnh núi rừng Tây Nguyên, quân dân ta và xe tăng tiến vào giải phóng thị xã. Còn đây là con tem Giải phóng Đà Nẵng 29/3/1975 của họa sĩ Trần Lương với hình ảnh người dân thành phố cảng đón đoàn quân xe tăng vào giải phóng. Và anh dừng lại ở con tem Giải phóng Sài Gòn 30/4/1975 do nữ họa sĩ đầu tiên vẽ tem thư Việt Nam Trần Ngọc Uyển thiết kế với hình ảnh xe tăng và các chiến sĩ quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, sào huyện cuối cùng của chính quyền Sài Gòn.
Nguyễn Hữu Ngôn nhắc lại cho chúng tôi hiểu thêm: “Trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy Mùa Xuân năm 1975, thắng lợi của Chiến dịch tiến công Huế - Đà Nẵng có ý nghĩa chiến lược quan trọng, góp phần thay đổi cục diện cuộc chiến, tạo “bản lề” cho cuộc hành quân “tiến về Sài Gòn, ta quét sạch giặc thù”, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk tạo nên mốc son chói lọi, là biểu tượng bản lĩnh, trí tuệ của con người Việt Nam, kết tinh những giá trị tốt đẹp nhất của dân tộc, thể hiện truyền thống đoàn kết chống lại quân thù của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Để rồi ngay sau đó, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam vào ngày 30/4/1975 thống nhất đất nước là đỉnh cao của tinh thần đoàn kết, ý chí sức mạnh, thế và lực của quân và dân Việt Nam. Đặc biệt 10h45’ ngày 30/4/1975, chiếc xe tăng mang số hiệu 843 húc nghiêng cổng phụ của Dinh Độc Lập, tiếp đó chiếc xe mang số hiệu 390 đã húc tung cổng chính tiến thẳng vào dinh, bắt sống toàn bộ nội các của ông Dương Văn Minh. Lúc 11h30’ cùng ngày, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã được cắm trên nóc Dinh Độc Lập, chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc, đất nước được thống nhất.
Chúng tôi, những người không được chứng kiến một giờ khắc nào của chiến tranh, khi nghe những câu chuyện lịch sử anh kể còn rùng mình vì cả những nỗi lo sợ và cả những niềm vui. Huống hồ gì chàng trai lớp 7 Nguyễn Hữu Ngôn khi ấy: “Tôi nhớ mãi cảm xúc khi nghe tin giải phóng Sài Gòn, tôi cùng đám bạn vác nắp vung, mâm nhôm, mâm đồng, chiêng trống chạy ra đầu làng gõ dồn dập hân hoan hò hét. Không chỉ lũ trẻ chúng tôi đâu, người lớn còn rộn ràng hơn, trong khi cũng chẳng ít người lại nôn nao mong chờ ngày gặp mặt người thân của mình”.
Sau này, vào những năm chẵn kỷ niệm chiến thắng 30/4 nhiều bộ tem đã ra đời. Anh vẫn còn giữ được bộ tem phát hành ngày 30/4/1985 - “Kỷ niệm 10 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam” của họa sĩ quân đội Huy Toàn với các hình ảnh: “Tiến công thần tốc” (bộ binh), “Giải phóng hoàn toàn” (xe tăng chiếm Dinh Độc Lập), “Hoàn toàn thống nhất” (3 thiếu nữ Hà Nội - Huế - Sài Gòn), “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” (xây dựng đất nước) và tem khối “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”... Đề tài “Chiến thắng 30/4/1975” đã đi vào thơ văn, nhạc họa, và trong những cánh tem thư các họa sĩ dành tâm huyết để có bố cục đẹp, không trùng lặp, sáng tạo cách thể hiện tốt nhất và ấn tượng... Đây cũng là đề tài hấp dẫn nhiều nhà sưu tập tem trong, ngoài nước tìm kiếm sưu tập, lưu giữ về một trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam.
Tuy vậy, anh “thật thà”: “Cái thuở ban đầu lúc nào cũng chứa đựng nhiều cảm xúc, bởi nó tinh khôi và mới mẻ”. Vì thế mà anh trân trọng bộ tem ra đời 1 năm sau ngày đất nước thống nhất hơn tất thảy.
Mỗi con tem có linh hồn, có câu chuyện và có lịch sử riêng. Và tôi cũng nghĩ người luôn chắt chiu những giá trị lịch sử ít nhất phải là một người có văn hóa. Không có văn hóa, ai thèm nghĩ đến chơi tem? Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 năm nao với phương châm: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” sẽ luôn được mọi người nhắc nhớ bởi những câu chuyện rất nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn.