Trong những năm 1986-1996, đồng chí Lê Đức Anh, trên nhiều cương vị, trọng trách của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, đã góp phần quan trọng hiện thực hóa đường lối đổi mới của Đảng trong lĩnh vực quốc phòng, đặt nền móng cho việc xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại
Trong giai đoạn đầu thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, đất nước vẫn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức; khủng hoảng kinh tế - xã hội vẫn đang diễn ra sâu sắc. Trên lĩnh vực quốc phòng, nhiều vấn đề khó khăn, bất cập nảy sinh. Một trong những vấn đề hàng đầu cần giải quyết đó là giữa phát triển lực lượng để đảm bảo nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc với khả năng hậu cần đáp ứng để duy trì lực lượng. Những năm 80 thế kỷ XX, để thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trước các âm mưu xâm lược và chống phá của các thế lực thù địch, ở thời điểm cao nhất, quân đội thường trực Việt Nam lên đến 1,6 triệu người. Quân số đó đã vượt quá khả năng bảo đảm của hậu cần quân đội trong bối cảnh kinh tế đất nước đang khó khăn. Ngân sách quốc phòng chiếm tới 25% tổng thu nhập quốc dân, nhưng vẫn không đủ trang trải các nhu cầu tối thiểu về ăn ở, trang bị, huấn luyện và chiến đấu của bộ đội[1].
Trước tình hình đó, được sự đồng ý của Bộ Chính trị, trên cương vị Tổng Tham mưu trưởng (từ tháng 12/1986) và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (từ tháng 2/1987), đồng chí Lê Đức Anh đã chỉ đạo các cơ quan Bộ Quốc phòng - nòng cốt là Bộ Tổng Tham mưu, tiến hành đổi mới trong Quân đội.
Thứ nhất: Xây dựng, triển khai kế hoạch điều chỉnh bố trí chiến lược
Nhiệm vụ trọng tâm đặt ra là điều chỉnh tổ chức biên chế, bố trí chiến lược của quân đội cho phù hợp với kế hoạch phòng thủ cơ bản trong thời kỳ mới; mục đích để bảo đảm mục tiêu đánh lâu dài, giảm chi phí quốc phòng, phát huy được sức mạnh toàn dân, toàn diện, tạo nên sức mạnh phòng thủ đất nước chống lại mọi tình huống chiến tranh. Việc điều chỉnh chiến lược quân sự được dựa trên nền tảng tư duy mới, gắn với việc xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố), để vừa chống được bạo loạn lật đổ trong nội địa, vừa chống được chiến tranh xâm lược từ ngoài vào.
Theo phương châm đó, quan điểm và sự chỉ đạo về điều chỉnh chiến lược quốc phòng đất nước của đồng chí Lê Đức Anh tập trung vào các vấn đề chính:
1) Rút các đơn vị chủ lực lớn về tuyến sau.
2) Bố trí lực lượng cơ động và lực lượng vũ trang địa phương ở tuyến trên.
3) Tăng cường phòng thủ khu vực Tây Nguyên.
4) Xây dựng chiến lược phòng thủ có tính lâu dài về biển, đảo, nhất là khu vực quần đảo Trường Sa và giải quyết vấn đề cảng Cam Ranh.
Đồng chí cùng Tổng Tham mưu trưởng Đoàn Khuê trực tiếp chỉ đạo các cơ quan tác chiến và quân lực triển khai nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện việc điều chỉnh lực lượng, bố trí chiến lược trên phạm vi toàn quốc; trực tiếp chỉ đạo từng việc cụ thể về bố trí từng đơn vị, điều chuyển từng cơ quan của bộ, của các quân khu, quân chủng, nhất là lực lượng phòng không quốc gia và lực lượng hải quân, phòng thủ bờ biển, hải đảo và thềm lục địa.
Cùng với triển khai trên thực tiễn, đồng chí Lê Đức Anh còn chỉ đạo nghiên cứu, soạn thảo các văn bản, tài liệu, giáo trình để hướng dẫn và triển khai trên toàn quốc về “Thế trận chiến tranh nhân dân” và nhiệm vụ “Quốc phòng toàn dân”. Việc xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững mạnh để đủ sức giữ vững trật tự an ninh chính trị, xã hội vừa sẵn sàng ứng phó trước mọi tình huống, chống chiến tranh xâm lược. Trong đó, Bí thư Tỉnh ủy phải đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh; trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy việc xây dựng, phát huy tác dụng khu vực phòng thủ, điều động, chỉ huy các lực lượng vũ trang và lực lượng quần chúng tại chỗ trong tình huống có chiến tranh và cả trong tình huống chống diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ. Các khu vực phòng thủ phải liên kết với nhau; có sự hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng với nhau; đặc biệt tăng cường phòng thủ bờ biển, hải đảo và thềm lục địa.
Kế hoạch điều chỉnh bố trí chiến lược do đồng chí Lê Đức Anh đề xuất và chỉ đạo thực hiện trong toàn lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam chính là cơ sở thực tiễn để hình thành rõ đường lối đổi mới trong lĩnh vực quốc phòng của Đảng.
Ngày 30/7/1987, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 02/NQ-BCT, xác định nhiệm vụ quốc phòng đến năm 1990 và những năm tiếp theo. Đây là một Nghị quyết rất cơ bản về xây dựng nền quốc phòng toàn dân và đường lối chiến tranh nhân dân trong tình hình mới.
Hội nghị Trung ương 3, khóa VII (6/1992) đã nêu ra khái niệm mới về thế trận quốc phòng toàn dân; trong đó khẳng định: Thế trận quốc phòng phải gắn với thế trận an ninh, thế trận quốc phòng - an ninh phải gắn với với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Lê Đức Anh trong chuyến thăm Liên Xô
tháng 6/1989 (Ảnh: VGP/Chi Phan)
Thứ hai: Thực hiện điều chỉnh, giảm quân số
Theo tư duy xây dựng nền quốc phòng hiện đại, đồng chí Lê Đức Anh cho rằng cần thiết phải giảm quân số thường trực để nhằm phù hợp với sự điều chỉnh, bố trí chiến lược theo tư duy mới; bảo đảm số quân thường trực ít, nhưng phải thực sự tinh nhuệ, hiện đại, cơ động linh hoạt. Việc giảm quân số sẽ giảm nhẹ bớt gánh nặng chi phí ngân sách quốc phòng của Nhà nước; trên cơ sở đó, tập trung ngân sách cho việc xây dựng và huấn luyện chiến đấu của lực lượng vũ trang. Đó chính là góp phần trực tiếp vào giải quyết khó khăn của nền kinh tế, góp sức vào công cuộc đổi mới đất nước.
Sau khi nghiên cứu và đề xuất quan điểm về giảm quân được Bộ Chính trị đồng ý, đồng chí Lê Đức Anh chỉ đạo cơ quan Bộ Tổng tham mưu xây dựng kế hoạch giảm trên 60% quân số thường trực, xác định các đối tượng giảm và lộ trình giảm trong 3 năm. Các đơn vị được cắt giảm gồm trung đoàn, tiểu đoàn thứ tư của các sư đoàn; rút gọn biên chế đối với tất cả các sư đoàn bộ binh, trung đoàn binh chủng, khung huấn luyện, trường lớp của các quân khu, các quân chủng, binh chủng, cơ quan, cơ sở phía sau. Cùng đó là chuyển bớt một số cơ sở xây dựng kinh tế cho Nhà nước quản lý; kiện toàn cơ quan quân sự cấp tỉnh, huyện. Một bộ phận lớn quân nhân đang ở độ tuổi sung sức được chuyển sang tham gia vào hoạt động sản xuất, trực tiếp tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Theo lộ trình giảm quân thường trực từ năm 1988 đến năm 1990, Bộ Quốc phòng đã giảm từ 9 quân đoàn xuống còn 4 quân đoàn; từ 1,6 triệu quân xuống còn 450.000 quân và bước đầu xây dựng 5 vạn quân dự bị. Việc giảm quân trong giai đoạn đầu đổi mới đất nước có thể coi là cuộc cải tổ chưa từng có trong lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Thứ ba: Giải quyết chính sách, chế độ cho quân nhân xuất ngũ; chăm lo đời sống quân nhân
Việc giảm quân số đã kéo theo phải giải quyết những vấn đề về chính sách, chế độ và tư tưởng. Với tầm nhìn và sự quan tâm của người đứng đầu lực lượng quân đội, đồng chí Lê Đức Anh đã giải quyết ổn thỏa 3 vấn đề liên quan của điều chỉnh giảm quân.
Vấn đề trước hết cần giải quyết là chính sách, chế độ cho cán bộ, sĩ quan được ra quân. Đồng chí Lê Đức Anh đã đề nghị và được Bộ Chính trị cho phép trích một phần quỹ đất quốc phòng ở các doanh trại còn bỏ hoang để chia nhỏ và cấp cho bộ đội tự xây nhà ở, đơn vị lo phần cơ sở hạ tầng như đường sá, điện, nước... tạo ra khu hộ gia đình quân nhân. Đối với diện cán bộ, sĩ quan tuổi cao được giải quyết về hưu, nghỉ mất sức theo diện giảm quân, được ưu tiên cấp đất tạo chỗ ở ổn định. Số cán bộ không có gia đình ở đô thị, trở về sinh sống ở nông thôn thì được cấp một khoản tiền cùng với doanh cụ, vật liệu xây dựng để họ có thể xây dựng được căn nhà cấp 4.
Đại tướng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh thân mật thăm hỏi các chiến sỹ trẻ mới nhập ngũ Trung đoàn 43 bộ đội địa phương tỉnh Quảng Ninh (16/4/1994) (Ảnh: Cao Phong/TTXVN)
Đối với số cán bộ, chiến sĩ thuộc diện giảm quân số nhưng tuổi còn trẻ, có sức khỏe tốt, đồng chí Lê Đức Anh đề nghị các bộ, ban ngành có liên quan ưu tiên tạo việc làm, được tham gia đi hợp tác lao động ở nước ngoài. Đề nghị đó được Trung ương nhất trí, các bộ, ban ngành ủng hộ. Lần đầu tiên trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, bộ đội ra quân được tổ chức thành các đoàn có tổ chức chặt chẽ đi xuất khẩu lao động. Từ năm 1987 đến 1990, đã có 37.338 quân nhân xuất ngũ được cử đi lao động ở nước ngoài. Trừ một số rất ít ở lại nước sở tại, còn hầu hết đều về nước sau khi hết hạn lao động. Họ trở thành lực lượng có trình độ, tay nghề vững; đặc biệt là có một khoản thu nhập làm vốn đầu tư sản xuất ổn định kinh tế gia đình, góp phần giải quyết khó khăn chung cho đất nước. Có thể thấy, việc quyết định đưa cán bộ, sĩ quan quân đội đi xuất khẩu lao động đã thể hiện sự đổi mới tư duy của một nhà lãnh đạo quân sự; đồng thời cũng phù hợp với chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng về phát triển nền kinh tế thị trường ở Việt Nam.
Do quân số được giảm mạnh nên ngân sách quốc phòng có điều kiện tập trung cho hoạt động mua sắm trang bị, huấn luyện, chiến đấu; đồng thời, được dành một phần đáng kể để nâng cao đời sống cả vật chất cho quân nhân. Tiền lương của sĩ quan và những người hưởng lương trong quân đội được nâng lên gấp 1,5 lần so với trước năm 1986; người đã lập gia đình riêng thì có nhà ở. Do đó, cán bộ, chiến sĩ đã toàn tâm, toàn ý huấn luyện, chiến đấu và công tác. Chất lượng xây dựng đơn vị và hoạt động huấn luyện, chiến đấu và công tác được nâng dần lên.
Sự đổi mới trong lĩnh vực Quốc phòng ở chặng đường đầu tiên của thời kỳ đổi mới đất nước đánh dấu một bước phát triển quan trọng về nhận thức của Đảng đối với nhiệm vụ lãnh đạo sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; trong đó, có dấu ấn và đóng góp quan trọng của đồng chí Lê Đức Anh. Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã nhận xét: “Đồng chí Lê Đức Anh là một trong những nhà chính trị tầm cỡ, nhà quân sự lớn của Đảng và Nhà nước ta”[2].
Nhẫn Trần