Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của Đảng, của dân tộc Việt Nam. Trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm đến đối tượng thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng và chính Người đã khởi xướng, phát động phong trào ưu đãi người có công với cách mạng
1. Xuất phát từ lòng trân trọng và biết ơn vô hạn của Hồ Chí Minh đối với thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng mà Người kêu gọi toàn thể Đảng, Nhà nước và Nhân dân phải tỏ lòng biết ơn, phải thương yêu giúp đỡ họ. Hồ Chí Minh yêu cầu:“Tất cả chúng ta phải noi theo các gương anh dũng, gương chí công vô tư ấy”, “phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sỹ để vượt qua tất cả mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sỹ đã truyền lại cho chúng ta”, “càng tưởng nhớ những con người dũng cảm hy sinh cho Tổ quốc thì mọi người càng phải thêm hăng hái thi đua làm tròn nhiệm vụ” [1]. Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở Đảng và nhân dân ta rằng: “Ăn quả phải nhớ người trồng cây. Trong cuộc vui vẻ tưng bừng hôm nay, chúng ta phải nhớ đến những anh hùng, liệt sỹ của Đảng ta, của nhân dân ta”.
Trước lúc đi xa, “Di chúc” Người không quên căn dặn: “Đối với các liệt sỹ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha, mẹ, vợ, con của thương binh, liệt sỹ thiếu sức lao động và túng thiếu thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ công việc làm ăn thích hợp quyết không để họ đói rét” [2].
2. Từ lòng thương yêu, tôn trọng đức anh dũng hy sinh của thương binh, liệt sỹ, các gia đình có công với cách mạng mà Hồ Chí Minh đã phát động toàn xã hội chăm lo đến họ, phải bù đắp những mất mát mà họ đã hy sinh vì lợi ích chung của toàn dân tộc.
Ngay sau cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng còn non trẻ, đất nước còn nghèo, nhưng chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào “Mùa đông binh sỹ” và người đã làm gương đầu tiên. Người có một chiếc áo len đang mặc, nghĩ tới thương binh trong hoàn cảnh quân đội đang thiếu thốn; Người đã trao áo len cho Ban tổ chức để tặng binh sỹ và chiếc áo của Bác bán đấu giá được 35.000 đồng. Vị chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã đem số tiền đó tặng thương binh, chiến sỹ ngoài mặt trận.
Để phong trào đi vào sâu rộng trong quần chúng nhân, trong toàn xã hội, chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị lấy ngày 27 tháng 7 hằng năm làm ngày thương binh toàn quốc. Người xem ngày 27 tháng 7 hàng năm là một ngày lễ lớn, là dịp để đồng bào cả nước, với tấm lòng thành kính, càng ghi sâu công ơn và tưởng nhớ đến anh em thương binh, tưởng nhớ đến các gia đình liệt sỹ, tưởng nhớ đến những người vô danh anh hùng, hoặc đã hy sinh tính mệnh, hoặc đã góp phần xương máu của mình cho phong trào giải phóng dân tộc. Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở nhân dân rằng, tình cảm thiêng liêng và sâu nặng đối với thương binh, liệt sỹ phải được thể hiện bằng những hành động cụ thể, thiết thực. Người kêu gọi các tầng lớp nhân dân hãy phát huy tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” mà tận tuỵ hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sỹ về vật chất cũng như tinh thần. Người nói rằng: “Từ trước đồng bào ta đã giúp đỡ nhiều. Nhưng tay chân tàn phế của thương binh không mọc lại được, và những liệt sỹ không thể tái sinh mà lòng bác ái của đồng bào cũng không có hạn. Vì vậy, tôi mong và chắc rằng đồng bào trước đã giúp đỡ, sau nữa sẽ sẵn sàng giúp đỡ mãi”.
Không chỉ dặn dò mà Bác luôn gương mẫu và thực hiện những hành động cụ thể hàng ngày đối với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sỹ. Tính từ năm 1947 đến năm 1954, năm nào cũng vậy, cứ đến ngày thương binh, liệt sỹ, Bác đều gửi thư và kèm theo những món tiền, món quà của đồng bào, chiến sỹ trong cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài biếu Người. Dù bận trăm công, nghìn việc, Bác vẫn dành thời gian thăm anh, chị em thương, bệnh binh nằm ở các bệnh viện Quân y, thăm nom, động viên các gia đình thương binh, liệt sỹ, có công với cách mạng.
Như vậy, Chủ tịch hồ Chí Minh không chỉ là người phát động mà còn là tấm gương cuốn hút đồng bào, chiến sỹ cả nước tham gia phong trào đền ơn đáp nghĩa đối với thương binh, gia ddingf liệt sỹ, đã tạo nên phong trào cách mạng sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân ta.
3. Những quan điểm và tấm gương của Hồ Chí Minh đối với thương binh, gia đình liệt sỹ nói riêng và người có công nói chung được Đảng và Nhà nước cụ thể hoá thành những đường lối, chính sách về chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ và người có với cách mạng trong quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới đất nước.
Trong thư gửi thương binh, gia đình liệt sỹ và gia đình có công với cách mạng ngày 27/7/1986, đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh đã nêu lên rằng: “Hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng. Hãy suy nghĩ, tìm tòi nhiều biện pháp tích cực nhằm giải quyết công ăn việc làm, ổn định đời sống, chăm sóc con em, bố mẹ liệt sỹ già yếu cô đơn, tổ chức các hoạt động bảo trợ xã hội ở địa phương. Đặc biệt cần thể hiện tinh thần ưu tiên, ưu đãi chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ trong khi thực hiện các chính sách kinh tế, văn hoá, xã hội của Đảng và Nhà nước”.
Thực hiện chính sách ưu đãi thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng nó trở thành nguyên tắc và được nghi nhận trang trọng trong Hiến pháp nứơc Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992: “Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ được hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nứơc. Thương binh đựơc tạo điều kiện phục hồi chức năng lao động, có việc làm phù hợp với sức khoẻ và đời sống ổn định. Những người và gia đình có công với nước đựơc khen thưởng, chăm sóc” [3].
Trong thời kỳ đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công tác ưu đãi người có công vẫn đựơc Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo hết sức cụ thể. Như đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười đã khẳng định: “Cuộc chiến tranh lâu dài, gian khổ, vì độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc của dân tộc ta vô cùng oanh liệt. Nhưng hậu quả chiến tranh trên khắp đất nước ta còn rất nặng nề. Kỷ niệm 50 năm ngày 27 tháng 7 là dịp toàn Đảng, toàn dân, toàn bộ hệ thống chính quyền Nhà nước ta đưa công tác chăm sóc ưu đãi thương binh, và gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng phát triển mạnh mẽ hơn cả, mang lại những hậu quả thiết thực là cho các đồng chí, đồng bào yêu quý đó của chúng ta “yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần” như mong muốn của Bác Hồ. Cần đặc biệt coi trọng, thúc đẩy một phong trào nhân dân sâu rộng chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ở từng cơ sở, từng cộng đồng dân cư, cần vận động các tầng lớp nhân dân hoạt động tình nghĩa, giáo dục, đào tạo, bồi dưõng, sắp xếp việc làm cho thương binh, con em thương binh, liệt sỹ, người có công, xây dựng Quỹ “đền ơn đáp nghĩa” ở mọi nơi...”
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng chỉ rõ: “Huy động mọi nguồn lực xã hội cùng với Nhà nước chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của những người và gia đình có công. Giải quyết dứt điểm các tồn đọng về chính sách người có công, đặc biệt là người tham gia hoạt động bí mật, lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong các thời kỳ cách mạng và kháng chiến... [4]. Đến Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta yêu cầu: “Thực hiện tốt chính sách chăm sóc người có công; giải quyết tốt lao động, việc làm và thu nhập của người lao động; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội; coi trọng chăm sóc sức khỏe nhân dân [5].
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và tặng quà người có công tại Trung tâm nuôi dưỡng
và điều dưỡng số 2 Hà Nội (Ảnh Internet)
Tư tưởng, tình cảm, các chính sách của Bác Hồ, của Đảng, của Nhà nước ta đối với việc chăm sóc thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng thể hiện tính nhân văn, nhân đạo cao cả của dân tộc Việt Nam, thể hiện tính ưu việt sâu sắc của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Trong những ngày tháng 7 hôm nay, mỗi người chúng ta phải khắc nghi những lời căn dặn của Bác, bằng những việc làm cụ thể để đền đáp công ơn trời biển của những thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng. Chúng ta phải noi theo các gương anh dũng, gương chí công vô tư ấy, phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sỹ để vượt qua tất cả mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sỹ đã truyền lại cho chúng ta, càng tưởng nhớ những con người dũng cảm hy sinh cho Tổ quốc thì mọi người càng phải thêm hăng hái thi đua làm tròn nhiệm vụ.
Chinh Trần
[1] Hà Huy Giáp: Hồ Chí Minh với thương bệnh binh và gia đình liệt sỹ. Nxb. Quân đội nhân dân, H 1987, tr 4.
[2] Di chúc Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999.
[3] Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992, Nxb. Chính trị quốc gia, H 1993, tr 36.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 229 – 230
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 31.