Trong những ngày trước và sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhiều trí thức trẻ đã sục sôi nhiệt huyết và hoạt động yêu nước, cách mạng, góp phần vào khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đứng lên giành chính quyền về tay nhân dân. Dương Đức Hiền là một trong những trí thức trẻ đó
Người trí thức trẻ Dương Đức Hiền
Dương Đức Hiền sinh ngày 16/9/1916 tại thôn Linh Quy (còn có tên nôm là làng Vụi) xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh (nay là xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội).
Ông xuất thân từ một gia đình viên chức nhỏ; đỗ tú tài năm 1937; học khoa Luật trường Đại học Đông Dương và tốt nghiệp năm 1940.
Ông không ra làm công chức cho chính quyền thực dân, thuộc địa mà đi dạy học ở một trường tư thục và hoạt động xã hội trong giới học sinh, sinh viên.
Trong 2 năm hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên (1942- 1944) ông cùng với bạn học đã nhóm lên phong trào sinh viên yêu nước với khí thế nhận đúng đường hướng về ngày mai của đất nước với một tấm lòng trong sáng nhất.
Với tư cách là Tổng hội trưởng Tổng hội sinh viên Đông Dương, Dương Đức Hiền là người thường xuyên đề xướng cho Tổng hội tổ chức nhiều cuộc nói chuyện, diễn thuyết nhằm nâng cao trình độ hiểu biết văn hóa, lịch sử cho anh chị em trí thức, sinh viên, thanh niên về “con đường của thanh niên, mục đích của Tổng hội sinh viên, thanh niên; về những chiến tích lịch sử của cha ông như chiến thắng Bạch Đằng; Bình Ngô Đại Cáo; về văn hóa dân tộc như: Tính dân tộc trong ca dao, dân ca Việt Nam; về sinh viên với Tiếng Việt và bảo vệ sự trong sáng của Tiếng Việt”. Ông cùng với Tổng hội đã vận động, định hướng cho những sinh viên, nhạc sĩ trẻ như Lưu Hữu Phước, Hoàng Gia Lịch, Nguyễn Thành Nguyên sáng tác những ca khúc thể hiện tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm hy sinh vì đất nước; vì độc lập, tự do của thế hệ trẻ học sinh, sinh viên như: Hành khúc sinh viên, Tiếng gọi thanh niên, Bạch Đằng Giang, Đi hội đền Hùng, Lên đàng, … liên tục ra đời và lan tỏa nhanh chóng trong quần chúng nhân dân. Không những vậy, Dương Đức Hiền còn là một trong những người quyết tâm trong việc tổ chức các Trại thanh niên, sinh viên trải nghiệm thực tế, làm quen với lao động chân tay (cày cuốc, lội bùn, khuân vác, gánh gồng, …) để tự rèn luyện mình và cùng với đó là tìm hiểu, trải nghiệm cuộc sống của giai cấp nông dân và nông thôn.
Dương Đức Hiền (bên trái) chụp ảnh cùng bạn thân (Ảnh tư liệu)
Cũng trong những năm 1942-1944, Dương Đức Hiền có mối liên hệ với phong trào cách mạng của Việt Minh do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Tổng Bí thư Trường Chinh đã có một số lần gặp gỡ ông và các bạn thân tín khác của ông trong Tổng hội sinh viên Đông Dương. Ông và những người bạn thân thiết đã tự nguyện thành lập Đảng Dân Chủ (bí mật) làm đầu mối liên lạc giữa trí thức, thanh niên với mặt trận Việt Minh; phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xóa bỏ chế độ thực dân, giành độc lập tự do cho quê nhà.
Ngày 30/6/1944, Đảng Dân Chủ Việt Nam được thành lập, Dương Đức Hiền là “một trong những người sáng lập”, tập hợp các tầng lớp trí thức, tư sản dân tộc tham gia đấu tranh giải phóng dân tộc và ông là Tổng Thư ký đầu tiên của Đảng.
Bộ trưởng Thanh niên của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Tháng 8/1945, điều kiện cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc chín muồi, Đại hội quốc dân Tân Trào ra lời hiệu triệu “Giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập”.
Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi đồng bào toàn quốc “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.
Đại hội quốc dân Tân Trào đã thành lập Ủy ban Dân tộc Giải phóng gồm 15 người, ông Dương Đức Hiền được bầu là Ủy viên.
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 25/8/1945, Ủy ban Dân tộc Giải phóng về đến Hà Nội. Theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban Dân tộc Giải phóng do Đại hội quốc dân ở Tân Trào cử ra được mở rộng thành phần thành Chính phủ lâm thời. Theo đó, Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được ra mắt gồm các bộ và 15 thành viên, Dương Đức Hiền được cử làm Bộ trưởng Bộ Thanh niên.
Dương Đức Hiền cùng vợ - nhà báo Thanh Thủy, Tết năm 1958 (Ảnh: Dương Thanh Mai)
Sau này, đến ngày 1/1/1946, thực hiện sách lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ lâm thời cải tổ thành Chính phủ Liên hiệp lâm thời gồm 16 Bộ và 18 thành viên, Dương Đức Hiền vẫn giữ trọng trách Bộ trưởng Bộ Thanh niên.
Ngày 2/3/1946, Chính phủ Liên hiệp kháng chiến với 10 bộ được thành lập sau kỳ bầu cử Quốc hội. Bộ Thanh niên giải thể, Dương Đức Hiền làm Tổng giám đốc Nha Thanh niên và Thể dục (thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục), là giám đốc đầu tiên Trường Cán bộ thể dục Việt Nam. Một lần nữa, ông trở thành người tổ chức và lãnh đạo đầu tiên cơ quan thể dục thể thao Trung ương (từ tháng 4/1946)...
Ngày 19/02/1963, Dương Đức Hiền mất vì trọng bệnh.
Với 47 tuổi đời (1916-1963), Ông Dương Đức Hiền – một trí thức cách mạng yêu nước, dân chủ, năng động, sáng tạo luôn được tín nhiệm, giao phó những nhiệm vụ quan trọng như Hội trưởng Tổng hội sinh viên Đông Dương; Ủy viên Tổng bộ Việt Minh; Ủy viên Ủy ban Thường trực Quốc hội; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Liên Việt; Tổng Thư ký Đảng Dân Chủ Việt Nam.
Để ghi nhận công lao to lớn của ông trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, Nhà nước đã tổ chức an táng ông tại nghĩa trang Mai Dịch – Hà Nội theo nghi thức cấp Nhà nước.
Ngày 20/2/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 10-LCT, truy tặng Huân chương Độc Lập hạng Nhì cho ông Dương Đức Hiền, nguyên Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Uỷ viên Ban Thư ký Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vì những đóng góp trong việc xây dựng khối đoàn kết toàn dân, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Ông là người đầu tiên được nhận tấm Huân chương cao quý này.
Ngày 26/11/2001, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đức Lương ký quyết định truy tặng ông Huân Chương Hồ Chí Minh; ngày 31/10/2006, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký quyết định truy tặng ông Huân chương Đại đoàn kết Dân tộc.
Dương Đức Hiền là một tấm gương trí thức yêu nước, suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và hạnh phúc của nhân dân.
Minh Dương