Trên hành trình tìm đường cứu nước và trong công cuộc đấu tranh giành chính quyền, giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú ý đến công tác vận động kiều bào hướng về Tổ quốc. Trong các lời kêu gọi, thư gửi, thư chúc Tết hằng năm, Bác Hồ không bao giờ quên những người con xa Tổ quốc. Qua đó, Người luôn chú ý khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc của người Việt Nam; đồng thời, vận động, chỉ đạo phong trào Việt kiều hoạt động đúng hướng
Trong những năm 1911- 1945
Năm 1911, Nguyễn Tất Thành sang Pháp tìm đường cứu nước. Tại đây, Nguyễn Tất Thành đã nhận được sự hướng dẫn, hỗ trợ cả về tinh thần và vật chất của Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Phan Văn Trường. Năm 1919, Nguyễn Ái Quốc lập Nhóm người An Nam yêu nước tại Pháp, tiền thân của phong trào Việt kiều yêu nước và Hội người Việt Nam tại Pháp. Bản yêu sách 8 điểm tại Hội nghị Versaille, việc ra tờ báo Người cùng khổ (Le Paria) và những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc đã có tiếng vang trong cộng đồng người Việt Nam ở cả trong và ngoài nước, góp phần cổ vũ tinh thần đấu tranh giành độc lập dân tộc về trong nước.
Năm 1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), cùng với các đồng chí trong Tâm tâm xã, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tổ chức này đã liên hệ với nhiều cơ sở ở trong và ngoài nước, mở nhiều lớp huấn luyện cách mạng cho số thanh niên ưu tú từ trong nước sang. Năm 1926, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên thành lập Chi bộ đầu tiên ở Phichit (Thái Lan), sau đó lan rộng ra nhiều nơi khác có đông người Việt Nam sinh sống. Dưới sự lãnh đạo của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, phong trào Việt kiều yêu nước ở Thái Lan phát triển mạnh mẽ cả về tổ chức và trình độ lý luận.
Trong những năm 1928-1930, đồng chí Nguyễn Ái Quốc với tư cách là đại diện Quốc tế Cộng sản đến Thái Lan, trực tiếp lãnh đạo phong trào và đẩy mạnh công tác vận động kiều bào. Uy tín và ảnh hưởng của Nguyễn Ái Quốc đối với kiều bào ở Thái Lan rất lớn. Tại đây, Người khuyên cán bộ Việt kiều trong vận động “phải nhẫn nại, làm cách mạng đi vận động tuyên truyền giáo dục quần chúng mà nếu quần chúng tốt cả rồi thì không cần vận động gì nhiều… Hãy đến đó chọn gia đình nào xấu nhất, hư nhất mà vận động họ, khi nào họ thấy mến ta thì khơi dậy tinh thần yêu nước của họ. Các gia đình xung quanh thấy gia đình này tốt họ sẽ tin tưởng ta”[1]. Người còn khuyên cán bộ và Việt kiều phải cho con em học chữ Thái, ổn định công việc làm ăn.
Bác Hồ đón tiếp kiều bào từ Thái Lan trở về tại Cảng Hải Phòng (Ảnh tư liệu)
Trong thời gian hoạt động ở Thái Lan, Nguyễn Ái Quốc luôn chú ý coi trọng giáo dục ý thức bí mật cho cán bộ. “Cán bộ khi ấy đều là những thanh niên tiểu tư sản mới giác ngộ, ở trong nước vừa ra, chỉ có nhiệt tình cách mạng, mà còn thiếu kinh nghiệm công tác và chưa được thử thách trong hoạt động bí mật… anh em phần lớn quen với lề lối công tác công khai, hay bán công khai, nên họ thường có khi ngây thơ chính trị, hoặc thiếu cảnh giác với âm mưu phá hoại của địch.”[2] Theo Nguyễn Ái Quốc, cán bộ muốn thành công thì phải đi sát quần chúng, phải cùng lao động, cùng chịu đựng khó khăn gian khổ; cùng chia sẻ, bàn bạc giải quyết những vướng mắc trong cuộc sống của họ.
Tháng 10 năm 1943, Hồ Chí Minh thoát khỏi nhà tù của Tưởng Giới Thạch (Trung Quốc), đặt quan hệ với Việt Nam cách mạng đồng minh hội. Cùng với những nhà cách mạng Việt Nam chân chính khác, Người tổ chức Hội nghị đại biểu các tổ chức của Việt kiều sở tại nhằm kêu gọi kiều bào đoàn kết với nhân dân trong nước đứng lên đánh giặc cứu nước, giành độc lập cho dân tộc.
Tại Quốc dân Đại hội Tân Trào (8-1945), đồng chí Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo của Đảng luôn quan tâm, ưu tiên thời gian phát biểu; đồng thời, gặp gỡ, trao đổi cụ thể về đời sống và hoạt động cách mạng của kiều bào. Gặp gỡ các đại biểu từ Lào – Thái về dự Hội nghị, đồng chí Hồ Chí Minh dặn dò: “Ở hải ngoại xa xôi, anh em làm được như thế là rất tốt. Phải đoàn kết nội bộ. Làm cái gì thì làm, cũng phải đoàn kết nội bộ. Càng đoàn kết bao nhiêu càng thắng lợi bấy nhiêu.”[3]
Từ tháng 2 đến tháng 4 năm 1945, Hồ Chí Minh sang Trung Quốc tranh thủ sự ủng hộ của Đồng minh đối với cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân ta. Đồng chí đã giảng giải tình hình cách mạng Việt Nam cho Việt kiều ở Nghi Lương (Vân Nam), kêu gọi họ trở về tham gia đấu tranh và trực tiếp lựa chọn 20 thanh niên Việt Nam ở Vân Nam về nước hoạt động.
Tại Côn Minh, khi bàn về việc chiêu đãi phúc đáp phái đoàn Hoa Kỳ, Người căn dặn vợ chồng đồng chí Tống Minh Phương - đại diện tiêu biểu cho Việt kiều yêu nước tại Trung Quốc: “Tôi biết cô chú cũng không giàu có gì, nhưng đây là một việc cần làm, có thể nói là việc “quốc gia đại sự”, cô chú cố gắng giúp đỡ, mai sau cách mạng thành công, nước nhà sẽ không quên công lao của cô chú.”[4]
Trong những năm 1945- 1969
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Ngay từ những ngày đầu lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi, động viên đồng bào Việt Nam ở nước ngoài phát huy tinh thần yêu nước, tranh thủ nhân dân sở tại, ủng hộ đất nước.
Tháng 9-1945, hưởng ứng Tuần lễ vàng do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam phát động, Việt kiều ở Lào đã tổ chức tuần lễ quyên góp vàng để mua sắm vũ khí gửi về nước; quyên góp tiền, gạo giúp đồng bào gặp khó khăn. Khi thực dân Pháp quay lại xâm lược Nam Bộ, Việt kiều đã tổ chức những đơn vị tình nguyện về nước tham gia chiến đấu.
Ngày 5-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi kiều bào Việt Nam ở Pháp. Người hoan nghênh đồng bào đã gửi tờ kháng nghị cho Chính phủ Anh đòi rút quân đội Anh - Ấn ra khỏi Nam Bộ. Sau khi phân tích tính chất chính nghĩa và sự tiếp nối truyền thống đấu tranh bất khuất của ông cha ta trong suốt 80 năm Pháp thuộc; cuộc kháng chiến hiện thời là để bảo vệ nền tự do, độc lập, Người khẳng định: “Lịch sử nước nhà chưa bao giờ trông thấy chúng ta đoàn kết chặt chẽ như ngày nay để biểu dương ý chí mạnh mẽ của một dân tộc thích chết tự do hơn sống nô lệ.”[5]
Người chỉ ra nhiệm vụ của kiều bào làm cho dân tộc Pháp nghe thấy tiếng nói của Tổ quốc; đấu tranh chống những luận điệu tuyên truyền phản động của thực dân Pháp; nhắc nhở, động viên mọi người hãy hành động sao cho xứng đáng với những anh em đang chiến đấu anh dũng ở Nam Bộ để bảo vệ nền độc lập của nước nhà.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuối năm 1945, Việt kiều ở Pháp tổ chức đón chào sự kiện Cách mạng Tháng Tám thành công. Được tin nước nhà độc lập, 2.000 binh lính người Việt ở Bordeaux đã tổ chức mít tinh chào mừng, treo cờ đỏ sao vàng. Đại diện cho hai vạn Việt kiều ở Pháp đã gửi thư yêu cầu Liên hợp quốc công nhận nền độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Khi thực dân Pháp quay lại xâm lược Nam Bộ, 2.500 Việt kiều ở Pháp đã tổ chức mít tinh, biểu tình phản đối. Anh chị em trí thức Việt kiều đã có sáng kiến tổ chức các nhóm sưu tầm tài liệu về kinh tế, khoa học - kỹ thuật, xã hội và văn hóa tiên tiến, gửi về nước, góp phần vào công cuộc kiến thiết nước nhà. Những kiều bào giỏi chuyên môn đứng ra mở lớp dạy nghề cho bà con chưa có nghề nghiệp, để khi có điều kiện trở về Tổ quốc sẽ góp phần xây dựng đất nước.[6]
Ngày 2-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư chúc tết Việt kiều ở Lào và ở Thái Lan. Với đồng bào Việt Nam ở Lào, Người căn dặn: “Lào và Việt Nam là hai nước anh em. Mối quan hệ giữa 2 dân tộc là rất mật thiết. Đối với kiều bào ta làm ăn sinh sống ở đất nước Lào thì Lào như là một Tổ quốc thứ hai. Tục ngữ có câu: “Bán bà con xa, mua láng giềng gần” ý nghĩa là như thế.
Vậy nên sự đoàn kết chẳng những bao gồm đồng bào Việt, mà bao gồm cả đồng bào Việt với đồng bào Lào. Đoàn kết chặt thì lực lượng to. Lực lượng to thì quyết thắng lợi.”[7]
Trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng phái đoàn Chính phủ Việt Nam sang đàm phán ở Fontainebleau (Pháp), nhiều kiều bào đã tham gia phục vụ, bảo vệ phái đoàn, vận động dư luận và nhân dân Pháp ủng hộ nền độc lập của Việt Nam. Một số trí thức kiều bào đã theo Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước tham gia kháng chiến, hoạt động khoa học phục vụ Tổ quốc như: Trần Đại Nghĩa, Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ…
Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ đồng bào Việt Nam tại Pháp, năm 1946 (Ảnh tư liệu)
Tháng 7 năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh có bức thư gửi đồng bào ở Vân Nam, Trung Quốc, kêu gọi kiều bào ủng hộ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.[8] Bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện sự trân trọng và tình cảm yêu quý kiều bào ở Vân Nam của Người với lời căn dặn ân cần. Qua thư, Bác cũng mong muốn xây dựng tình đoàn kết giữa kiều bào với nhân dân Trung Quốc; thể hiện niềm mong mỏi thắt chặt tình đoàn kết Việt – Trung của Người.
Nhận thức rõ vai trò của công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giành độc lập dân tộc, ngày 11-11-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Quyết định thành lập Ban Việt kiều Trung ương. Ban Việt kiều Trung ương được thành lập là đầu mối tổ chức, phối hợp, vận động kiều bào đấu tranh cho hòa bình, thống nhất đất nước, xây dựng các phong trào Việt kiều yêu nước. Nhiều thành viên của phong trào sinh viên phản chiến đã trở thành nòng cốt của phong trào Việt kiều yêu nước ở Pháp và một số nước: Hoa Kỳ, Bỉ, Canada, Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia…, có quan hệ chặt chẽ với trong nước. Trên cơ sở đó, hình thành nhiều nhóm cốt cán và phong trào Việt kiều yêu nước vận động kiều bào ủng hộ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam.
Bên cạnh việc vận động kiều bào ủng hộ kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn rất coi trọng nhiệm vụ bảo vệ lợi ích chính đáng của kiều bào, đảm bảo cuộc sống bình thường khi hồi hương. Ngày 23-10-1959, Hội đồng Chính phủ họp và ra Nghị quyết về việc đón tiếp Việt kiều ở Thái Lan, Tân Đảo, Tân thế giới về nước. Trong những năm 1960 - 1964, có khoảng 45.000 kiều bào ở Thái Lan, Tân Thế giới, Tân Đảo và ở Nam Mỹ được đón tiếp hồi hương. Cũng trong thời gian này, phong trào Việt kiều ở Lào, Campuchia, Pháp, Thái Lan… được tăng cường, trở thành cầu nối phát triển công tác vận động kiều bào ra các địa bàn khác, thiết lập được hệ thống nhiều tổ chức quần chúng có sự chỉ đạo, liên hệ chặt chẽ từ cơ sở đến Trung ương; hình thành nhiều nhóm cốt cán và phong trào Việt kiều yêu nước vận động kiều bào ủng hộ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vận động, đoàn kết người Việt Nam ở nước ngoài
Kế thừa và phát huy quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vận đồng đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc, trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng luôn coi “người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam”[9], các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài tích cực phối hợp với các tổ chức Đảng ở ngoài nước phát động các phong trào Việt kiều yêu nước hướng về quê hương. Đặc biệt, cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được triển khai mạnh mẽ và hiệu quả trong đảng viên và quần chúng người Việt Nam ở nước ngoài. Qua đó, góp phần khơi dậy lòng yêu nước, gắn bó với cội nguồn dân tộc của kiều bào, từng bước đẩy lùi và vô hiệu hóa các hoạt động đi ngược lại lợi ích cộng đồng và đất nước.
Hiện nay, có khoảng 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài. Bình quân mỗi năm có từ 300 đến 500 lượt trí thức kiều bào về nước hợp tác, nghiên cứu khoa học, giảng dạy. Trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, nhiều kiều bào ở Hoa Kỳ, Pháp, Đức, đặc biệt là ở các nước Đông Âu chọn giải pháp về Việt Nam đầu tư, kinh doanh; nhiều dự án hiệu quả, quy mô lớn. Lượng kiều hối lũy kế từ năm 1993 đến năm 2020 đạt khoảng 175 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới.[10] Kết quả này đã góp phần tạo dựng cơ đồ, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Sự nghiệp đổi mới đất nước đòi hỏi phải phát huy sức mạnh toàn dân tộc, trong đó có cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nhằm đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nhìn lại quan điểm và hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài sẽ góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Vui Thảo
[1] Trần Đình Lưu: Việt kiều Lào – Thái với quê hương, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.85.
[2] Lê Mạnh Trinh: Cuộc vận động cứu quốc của Việt kiều ở Thái Lan, Nxb. Sự thật, H,1961, tr.39.
[3] Hồi ký Dương Trí Trung, tư liệu lưu tại Viện lịch sử Đảng, tr.9.
[4] Nguyễn Văn Khoan: Bác Hồ ở Hoa Nam, Nxb. Công an nhân dân, H, 2004, tr.122-123.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.101.
[6] Theo đặc san Sự kiện nhân chứng, số 1-1994.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.161.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, Nxb.Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.141.
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết số 36-NQ/TWcủa Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004.
[10] Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài: Kỷ yếu Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, Hà Nội, 2021, tr.16.