V.I. Lênin đã khẳng định: “Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh, người học trò xuất sắc của Lênin, nhận thức rõ tầm quan trọng của việc trang bị lý luận cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Chính vì thế, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, công tác giáo dục lý luận chính trị luôn được Người đặc biệt quan tâm, hơn thế, Người còn là bậc thày về giáo dục lý luận chính trị
Vị trí, vai trò của giáo dục lý luận chính trị
Ngay từ năm 1927, trong tác phẩm “Đường cách mệnh”, Nguyễn Ái Quốc đã dẫn lại câu nói nổi tiếng của Lênin: “Không có lý luận cách mệnh thì không có cách mệnh vận động…Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong”(1). Vai trò của lý luận chính trị được Người khái quát: Thực tiễn mà không có lý luận là thực tiễn mù quáng.
Như vậy, Nguyễn Ái Quốc đã quán triệt quan điểm của V.I.Lênin và khẳng định vai trò quan trọng ấy đối với phong trào cách mạng, chỉ đạo phong trào thực tiễn. Tuy nhiên, khi bàn đến vai trò của lý luận, Người không tuyệt đối hoá lý luận mà thể hiện một cái nhìn rất biện chứng. Với thực tiễn, Người chỉ rõ: Lý luận mà không có thực tiễn là lý luận suông. Quan điểm của Người hoàn toàn phù hợp với nguyên lý nhận thức thế giới khách quan của triết học Mác-Lê nin: từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng và từ tư duy trừu tượng quay trở về với thực tiễn, thực tiễn là tiêu chuẩn cao nhất của chân lý-lý luận phải gắn với thực tiễn, chỉ đạo thực tiễn và được chính thực tiễn kiểm nghiệm.
Đánh giá về vai trò lý luận như vậy nên Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh đã có cách nhìn đúng đắn, đầy đủ về giáo dục lý luận chính trị: Mục đích, nội dung, phương châm, phương pháp giáo dục lý luận chính trị.
Mục đích của giáo dục lý luận chính trị
Theo Nguyễn Ái Quốc, trước hết là nhằm trang bị lập trường giai cấp: “Không có lý luận về Chủ nghĩa xã hội-khoa học thì không thể có lập trường giai cấp vững vàng. Vì vậy, các cô, các chú phải chịu khó học tập lý luận Mác-Lênin, học tập đường lối, chính sách của Đảng…”(2). Giữ vững lập trường giai cấp công nhân là tiêu chuẩn hàng đầu của người cách mạng và để đạt được điều đó phải trang bị lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin. Vì lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin cũng chính là hệ tư tưởng của giai cấp vô sản, giai cấp tiên tiến nhất, cách mạng nhất trong xã hội.
Học lý luận chính trị còn nhằm mục đích củng cố, trau dồi đạo đức cách mạng: “Có học tập lý luận Mác-Lênin mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị, mới làm tốt công tác Đảng giao phó cho mình” (3). Đạo đức cách mạng là tiêu chuẩn hàng đầu, Người yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên cần phải có, vì, theo Người, “Đạo đức là gốc của người cách mạng”. Để có đạo đức cách mạng trong sáng người học phải nắm vững lý luận, từ đó nhận thức rõ đúng, sai, đấu tranh bảo vệ cái đúng, chống cái sai và phấn đấu theo những chuẩn mực đạo đức cách mạng.
Mục đích cao hơn, xa hơn của học lý luận chính trị là: học để làm và làm người. Người dạy rằng: “Khi học tập lý luận thì nhằm mục đích học để vận dụng chứ không phải học lý luận vì lý luận hoặc tạo cho mình một cái vốn lý luận để sau này mang ra mặc cả với Đảng. Tất cả những động cơ không đúng đắn đều phải đưa ra tẩy trừ cho sạch” (4). Và “Hiểu Chủ nghĩa Mác-Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có, có nghĩa thì sao gọi là hiểu Chủ nghĩa Mác-Lênin được” (5).
Như vậy, về mục đích học tập lý luận, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, là nhằm mục đích để: làm cách mạng và và làm người cách mạng. Để làm cách mạng, phải hiểu Chủ nghĩa Mác-Lênin và biết vận dụng vào thực tiễn. Để làm người cách mạng, phải có lập trường giai cấp vững vàng, có đạo đức cách mạng, và phải “sống với nhau có tình có nghĩa”. Quan điểm của Người, về mục đích học tập lý luận, là hoàn toàn đúng đắn, thấm đượm tình người, tình đồng chí, ngời sáng tính nhân văn.
Nội dung giáo dục lý luận chính trị
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Học tập Chủ nghĩa Mác-Lênin là học tập tinh thần xử trí mọi việc đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những nguyên lý phổ biến của Chủ nghĩa Mác-Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tiễn ở nước ta. Học để làm, lý luận đi đôi với thực tiễn”(6).
Như vậy, nội dung học tập lý luận chính trị, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là học Chủ nghĩa Mác-Lênin song không đơn thuần là đọc sách, thuộc làu làu kinh điển mà phải nắm được cái “thần” của Chủ nghĩa Mác-Lênin và sau đó thì tuỳ thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện mà vận dụng cho phù hợp. Bên cạnh đó, người còn yêu cầu phải nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, học tập những bài học kinh nghiệm quý từ các đảng cộng sản anh em trên thế giới…
Phương châm, phương pháp giáo dục lý luận chính trị
Quán triệt quan điểm: “Học đi đôi với hành”, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ giáo dục lý luận cũng phải tuân theo phương châm đó. Trên cơ sở xác định phương châm như vậy, Người yêu cầu người dạy và người học phải tuân thủ theo những nguyên tắc, cách thức (phương pháp) nhất định, trong quá trình giảng dạy và học tập lý luận chính trị.
Đối với giáo viên, Người căn dặn: “các chú dạy cán bộ , đảng viên về Chủ nghĩa Mác-Lênin chắc có nhiều người thuộc, nhưng các chú có làm cho họ hiểu Chủ nghĩa Mác-Lênin là thế nào không?” (7). Và “Trường Đảng là một trường học để đào tạo những chiến sỹ tiên tiến phấn đấu cho sự nghiệp của giai cấp vô sản, chứ không phải biến các đồng chí thành những người lý luận suông mà nhằm làm thế nào cho công tác của các đồng chí tốt hơn”(8). Người căn dặn thêm: “Đảng ta tổ chức trường học lý luận cho cán bộ để nâng cao trình độ lý luận của Đảng ta đặng để giải quyết sự đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng và tình hình thực tế của Đảng ta, để Đảng ta có thể làm tốt hơn công tác của mình, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ cách mạng của mình”(9).
Chủ tịch Hồ Chí Minh với cán bộ, nhân viên Trường Nguyễn Ái Quốc năm 1951 tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang (Ảnh tư liệu)
Đối với Trường Đảng và đội ngũ giảng viên, với mục đích cuối cùng là để học viên “phục vụ tốt hơn sự nghiệp cách mạng”. Vì thế, trong quá trình giảng dạy, ngoài trang bị lý luận chính trị, người giảng viên phải gắn với thực tiễn, bám sát tình hình thực tiễn để người học hiểu và nắm chắc lý luận. Và quan trọng hơn, người giảng viên phải giúp cho học viên biết cách vận dụng lý luận vào thực tiễn.
Đối với người học, Người dạy: “Học lý luận không phải để nói mép nhưng biết lý luận mà không thực hành là lý luận suông. Học để áp dụng vào việc làm. Làm mà không có lý luận thì không khác nào đi mò trong đêm tối, vừa chậm chạp vừa vấp váp. Có lý luận thì mới hiểu được mọi chuyện trong xã hội, trong phong trào để chủ trương cho đúng, làm cho đúng” (10). Ngắn gọn mà đầy đủ, sâu sắc, Người đã yêu cầu người học phải biết gắn lý luận với thực tiễn, vận dụng những điều đã học vào trong từng công việc cụ thể.
Như vậy, về phương pháp, phương châm giảng dạy và học tập lý luận chính trị, theo chủ tịch Hồ Chí Minh, không chỉ học để biết mà quan trọng hơn: phải biết vận dụng vào thực tiễn. Người cách mạng không có lý luận thì dễ “vấp váp”, nhưng có lý luận mà không biết hay vận dụng không đúng vào thực tiễn thì còn vấp váp nhiều hơn. Xuyên suốt, nhất quán trong phương pháp, phương châm giáo dục lý luận chính trị, theo quan điểm của chủ tịch Hồ Chí Minh, là “Học đi đôi với hành, lý luận phải gắn với thực tiễn”.
Tấm gương học tập và giáo dục lý luận chính trị của Bác
Không chỉ có quan điểm đúng đắn về giáo dục lý luận chính trị, mà bản thân chủ tịch Hồ Chí Minh còn là người trực tiếp thực hiện theo những quan điểm ấy. Người là tấm gương sáng ngời về học tập và giảng dạy lý luận chính trị cho chúng ta học tập, noi theo.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của lý luận cách mạng, Người đã ra đi tìm lý luận cho cách mạng Việt Nam trong những tháng, năm cách mạng Việt Nam đang bị khủng hoảng, bế tắc về đường lối; hệ tư tưởng phong kiến, tư sản lần lượt thất bại và bất lực trước nhiệm vụ lịch sử.
Trải qua quá trình bôn ba tìm đường cứu nước, tìm lý luận đúng đắn cho cách mạng giải phóng dân tộc (1911-1920), Người đã bắt gặp chủ nghĩa Mác-Lênin, “lý luận tiên tiến nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất…”. Sau khi bắt gặp chủ nghĩa Mác-Lênin, Người tích cực nghiên cứu, học tập, tiếp thu, truyền bá vào trong nước, chuẩn bị về lý luận cho sự ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi về Quảng Châu,Trung Quốc, Người đã nhanh chóng mở lớp huấn luyện cán bộ và trực tiếp tham gia giảng dạy và để trang bị lý luận chính trị cho những người cách mạng Việt Nam. Và ngay tại lớp học đầu tiên này, quan điểm về giáo dục lý luận chính trị của Nguyễn Ái Quốc đã được thể hiện rõ. Người đã chú ý liên hệ thực tiễn, cho học viên thảo luận,…và đào tạo xong là chủ trương đưa về nước hoạt động ngay, để học viên kịp thời vận dụng những kiến thức đã học vào phong trào cách mạng trong nước lúc bấy giờ.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đầu năm 1930, cũng là kết quả của quá trình vận dụng sáng tạo lý luận vào thực tiễn của Nguyễn Ái Quốc và những người cách mạng Việt Nam-vận dụng Học thuyết về đảng kiểu mới của Lênin vào thành lập đảng Mác xít chân chính ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến.
Ngay từ khi chuẩn bị về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam, năm 1940, tại Trung Quốc, Người đã tranh thủ mở lớp huấn luyện cấp tốc cho những cán bộ, đảng viên cốt cán của cách mạng Việt Nam.
Sau khi cách mạng Tháng Tám thành công và trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên. Trên tinh thần chỉ đạo của Người, Trung ương Đảng đã thành lập các trường Đảng cấp Trung ương và địa phương.
Bản thân chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là một tấm gương sáng ngời về học tập và vận dụng lý luận vào thực tiễn. Người không ngừng nghiên cứu, học tập lý luận trong suốt quá trình hoạt động và lãnh đạo cách mạng. Việc học lý luận của chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ có lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, mà còn từ thực tiễn cách mạng Trung Quốc, Liên Xô, từ tổng kết phong trào cách mạng trong nước…Gắn lý luận với thực tiễn, dùng lý luận soi sáng cho thực tiễn, tổng kết thực tiễn bổ sung cho lý luận, Người đã thành công trong vận dụng sáng tạo lý luận vào thực tiễn cách mạng Việt Nam một cách sáng tạo. Nhờ vậy, từ “con đường cách mạng Việt Nam” đến khởi nghĩa toàn dân, kháng chiến toàn dân, lý luận cách mạng không ngừng…đã được chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo, phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh, thời kỳ, giai đoạn cách mạng Việt Nam. Nhờ thế, cách mạng Việt Nam đã đi đúng hướng và thành công. Người còn là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, về đối nhân xử thế…Từ tất cả những điều đó, Người trở thành một nhà lý luận thiên tài, một vĩ nhân và một “Nhà triết học của hành động”.
Quan điểm hết sức sâu sắc, toàn diện của chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục lý luận chính trị ngày nay vẫn còn nguyên giá trị và luôn nóng hổi tính thời sự. Trước những biến động hết sức to lớn của tình hình thế giới và những thay đổi của tình hình trong nước, những quan điểm về giáo dục lý luận chính trị của chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục soi sáng công tác giáo dục lý luận chính trị của Đảng. Hơn bao giờ hết, học tập và giáo dục lý luận chính trị luôn là công tác quan trọng của Đảng và chúng ta thấy Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh chính là bậc thày về học tập và giáo dục lý luận chính trị.
Văn Minh
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 2, tr 259.
(2) Sđd, tập 12, tr 92.
(3) Sđd, tập 9, tr 292.
(4) Sđd, tập 8, tr 497.
(5) Sđd, tập 12, tr 554.
(6) Sđd, tập 9, tr 292.
(7) Sđd, tập 12, tr 554.
(8) Sđd, tập 8, tr 496.
(9) Sđd, tập 8, tr 492.
(10) Sđd, tập 6, tr 47.