Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam lựa chọn từ mùa Xuân năm 1930. Hiện thực lịch sử hơn 90 năm qua cho thấy con đường đó phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. Bằng hoạt động cách mạng của mình, Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh đã dày công nghiên cứu, khảo nghiệm để cuối cùng tìm ra chân lý
Sớm nhận rõ những hạn chế của các phong đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đấu thế kỷ XX
Sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, tại làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, một miền quê giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm hấp thụ tinh thần yêu nước nồng nàn, lòng thương dân sâu sắc và ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất của ông cha. Người rất khâm phục tinh thần yêu nước của các cụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Hoàng Hoa Thám…nhưng Người cũng sớm nhận ra hạn chế của con đường cứu nước của các cụ: “Cụ Phan Châu Trinh chỉ yêu cầu người pháp thực hiện cải lương. Anh nhận ra điều đó là sai lầm, chẳng khác gì xin giặc rủ lòng thương. Cụ Phan Bội Châu dựa vào Nhật để đuổi Pháp. Điều đó nguy hiểm chẳng khác gì “đưa hổ cửa trước, reo beo cửa sau”. Cụ Hoàng Hoa Thám còn thực tế hơn vì trực tiếp đấu tranh chống Pháp Nhưng theo lời người ta kể thì cụ cũng nặng cốt cách phong kiến”[1]. Người nhận ra rằng, muốn cứu nước, giải phóng dân tộc phải tìm một con đường mới. Người nung nấu quyết tâm đi tìm con đường mới để cứu nước, cứu dân.
Nghiên cứu và chỉ ra những hạn chế của các cuộc cách mạng tư sản trên thế giới
Với lòng yêu nước thiết tha và ý chí, khát vọng cháy bỏng giải phóng dân tộc, ngày 05/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời Cảng Sài Gòn, bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước. Người quyết định sang Phương Tây, nơi khởi nguồn của chủ nghĩa thực dân, quê hương của các cuộc cách mạng tư sản, để tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ “Tự do”, “Bình đẳng”, “Bác ái”; xem nước Pháp và các nước khác làm như thế nào rồi sẽ trở về giúp đồng bào. Bôn ba khắp năm châu, bốn biển để nghiên cứu, tìm hiểu về các cuộc cách mạng điển hình, kiểm nghiệm nhiều học thuyết, nhiều con đường đấu tranh của giai cấp công nhân, nhân dân các nước thuộc địa. Người nghiên cứu bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776, Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791, Người nhận thấy: “Cách mạng Pháp cũng như cách mạng Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa. Cách mệnh đã 4 lần rồi, mà nay công nông Pháp hẵng còn phải mưu cách mệnh lần nữa mới hòng thoát khỏi vòng áp bức. Cách mệnh An Nam nên nhớ những điều ấy”[2]. Vì vậy, Người không đi theo con đường cách mạng tư sản.
Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội toàn quốc Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tua (Pháp)
tháng 12/1920 (Ảnh tư liệu).
Đến với Cách Mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và chỉ ra ý nghĩa đối với cách mạng Việt Nam
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 thành công, chủ nghĩa xã hội từ lý luận trở thành hiện thực, đồng thời mở ra một thời đại mới – thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ xã hội. Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 trở thành biểu tượng và tạo động lực to lớn thôi thúc các dân tộc thuộc địa, trong đó có Việt Nam, noi theo. Đánh giá ảnh hưởng và tác động sâu sắc của Cách mạng Tháng Mười tới thắng lợi của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam”[3], và Người khẳng định cách mạng Việt Nam muốn thắng lợi phải đi theo con đường của Cách Mạng Tháng Mười Nga.
Tiếp cận Sơ thảo luận cương về các vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin và tìm ra con đường giải phóng dân tộc
Năm 1920, Người đọc bản Sơ thảo luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin trên báo Nhân đạo. Người tìm thấy trong luận cương của Lênin ánh sáng chân lý của thời đại, tìm thấy con đường giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, đó là: giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[4]. Sau này nói về cảm tưởng khi đọc Luận cương, Người viết: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phải khóc lên, ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng của chúng ta”[5].
Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường đi Chiến dịch Biên Giới năm 1950 (Ảnh Tư liệu: TTXVN)
Sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, soạn thảo Cương lĩnh chính trị, khẳng định con đường của cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội
Mùa Xuân năm 1930, Người chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và thông qua Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Đây là bước ngoặt lịch sử trọng đại, chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài về đường lối chính trị và về tổ chức của các phong trào yêu nước Việt Nam. Trong Chánh cương vắn tắt của Đảng, Người chỉ rõ: “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”[6], đó chính là con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Những thành tựu của 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, đặc biệt, trong 10 năm thực hiện Cương lĩnh Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) là minh chứng sinh động tính đúng đắn của con đường cách mạng mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn, như Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại”[7].
Trương Viên
[1] Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ chủ tịch, Nxb Sự thật, Hà Nội, tr. 12 – 13.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.296
[3] Hồ Chí Minh:Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011,tr.304
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 30
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011,tr. 562
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 30
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia,, Hà Nội, 2021, tr.104