Ngay từ những năm 1941-1945, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã nêu rõ những quan điểm về công tác Đảng, công tác chính trị trong xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng và đã trực tiếp chỉ đạo nhiều vấn đề liên quan đến quá trình xây dựng, trưởng thành của lực lượng vũ trang cách mạng
Sớm đưa công tác Đảng, công tác chính trị vào xây dựng lực lượng vũ trang
Tháng 5/1941, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương định ra Điều lệ của tiểu tổ du kích cứu quốc. Về tổ chức, từ 2 tiểu tổ du kích trở lên thì tổ chức thành liên tiểu tổ có Ban Chỉ huy, trong đó có Ủy viên chính trị[1].
Tháng 9/1941, thành lập trung đội cứu quốc quân thứ hai, trong đó có chi bộ Đảng lãnh đạo, do đồng chí Chu Văn Tấn, Xứ ủy viên, làm Bí thư chi bộ và trực tiếp chỉ huy.
Sau các đợt hoạt động, cứu quốc quân được tập trung học tập, giáo dục chính trị với các nội dung như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5/1941, Chương trình Việt Minh, 10 điều kỷ luật, chiến thuật đánh du kích… nhờ đó, trình độ chính trị và quân sự của cứu quốc quân ngày càng tiến bộ.
Trong giai đoạn này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghiên cứu, biên soạn nhiều tài liệu quân sự, trong đó không quên đề cập đến vai trò của công tác chính trị. Người chỉ đạo đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp biên soạn tác phẩm Người chính trị viên và Công tác chính trị trong quân đội cách mạng. Đó là những cuốn sách đầu tiên ở Việt Nam về công tác Đảng, công tác chính trị trong các lực lượng vũ trang nhân dân[2].
Quan điểm của Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh về vai trò công tác chính trị thể hiện trên một số khía cạnh sau:
Người đứng ra tổ chức và lãnh đạo các đội du kích là Đảng Cộng sản Đông Dương (lúc này được Nguyễn Ái Quốc gọi là đoàn thể). Công tác chính trị có mục đích giữ vững “đội du kích là tổ chức quân sự của Đoàn thế”. Nó có nhiệm vụ làm cho đội du kích hiểu rõ con đường cách mạng cứu nước, nâng cao trình độ giác ngộ chính trị cho cán bộ và đội viên, “tận tâm tận lực, vui lòng hy sinh vì sự nghiệp cứu nước, vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì cách mạng”.
Đối với nội bộ, nhiệm vụ của công tác chính trị là “đúc bền và nâng cao sức chiến đấu” của đội du kích, bằng cách làm cho toàn đội hiểu rõ con đường cách mạng, dùng giáo dục chính trị rèn luyện cho đội du kích có kỷ luật quân sự tự giác.
Đối với nhân dân, nhiệm vụ của công tác chính trị là “thực hiện quân dân nhất trí”, bảo đảm đội du kích luôn là “đội quân của nhân dân, ở trong nhân dân, bênh vực quyền lợi cho dân, vì nhân dân mà hy sinh chiến đấu.
Đối với kẻ thù, nhiệm vụ của công tác chính trị là “lôi kéo sĩ quan và binh lính địch, nhất là binh lính người Việt, dùng chủ trương làm tan rã hàng ngũ địch”.
Vai trò của công tác chính trị rất quan trọng. “Không có công tác chính trị đúng, các đội du kích dễ mất tính chất cách mạng, dễ đi vào sai lầm có hại cho cách mạng”.
“Chính trị viên là linh hồn của đội du kích”. Chính trị viên phải đi đúng đường lối chính trị của Đoàn thể. Năng lực lãnh đạo của chính trị viên phải gồm đủ mọi mặt, quân sự và chính trị, tuyên truyền, tổ chức. Chính trị viên phải “nhúng tay vào tất cả mọi việc để dìu dắt người khác”.
Một đơn vị vũ trang của Việt Minh trước Cách mạng Tháng Tám (Ảnh tư liệu do toán Con Nai của Hoa Kỳ chụp)Trong tác phẩm “Cách đánh du kích” của Nguyễn Ái Quốc viết năm 1941, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục khẳng định: “Về mặt chính trị, cấp nào cũng có một người chính trị phái viên do đoàn thể cách mạng chọn trong bộ đội ấy hoặcphái người ngoài đến làm”[3]. “Đội trưởng và chính trị phái viên phải tỏ tinh thần và năng lực lãnh đạo của mình. Khó khăn nguy hiểm chừng nào thì hai người ấy phải xung phong trước chừng ấy để dìu dắt bộ đội”[4].
Cuối năm 1943, Người căn dặn đồng chí Võ Nguyên Giáp trong khi xây dựng lực lượng vũ trang “phải lấy chi bộ đảng làm hạt nhân lãnh đạo”[5].
“Chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền”
Tháng 12/1944, Người ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Mặc dù lúc này, việc chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa rất cấp bách nhưng về mặt quan điểm, Hồ Chí Minh vẫn cho rằng việc thành lập Đội có ý nghĩa chính trị hơn là quân sự. Chỉ thị viết: “Tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền”[6].
Ngay sau lễ thành lập Đội, tối 22/12/1944, Đội đã tổ chức hình thức sinh hoạt chính trị tập thể đầu tiên, đó là “đêm du kích”, diễn ra đầm ấm, cảm động đến tận đem khuya bên đống lửa hồng[7]. “Lần đầu tiên, hình thức công tác chính trị này được Võ Nguyên Giáp vận dụng vào điều kiện cụ thể trong ngày lễ thành lập đội, đã thiết thực khơi gợi ý chí căm thù dân tộc và giai cấp, động viên tinh thần chiến đấu cho từng chiến sĩ trước ngày ra quân”[8]. Chỉ nhờ “đêm du kích” ngắn ngủi đó, toàn đội xích lại gần nhau, gắn kết với nhau hơn, người chỉ huy, người chính trị viên càng hiểu thêm về đồng chí, đồng đội.
Một tuần sau khi thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã phát triển thành một đại đội gồm 3 trung đội.
Công tác chính trị trong đội được chú trọng. Ban Công tác chính trị được thành lập do chính trị viên đại đội Xích Thắng phụ trách, có ba chính trị viên trung đội và một đội viên có năng lực chính trị tham gia. Bên cạnh giáo dục kiến thức quân sự, việc giáo dục chính trị được chú ý. Đội đã tổ chức học 10 lời thề danh dự, học tập nhiệm vụ của Đội. Công tác chính trị đã chú trọng duy trì đều đặn các buổi sinh hoạt tổ hay toàn đội để động viên tinh thần học tập, công tác, phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên và các đồng chí tích cực, đề cao tinh thần đoàn kết nội bộ, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Ảnh chụp bản viết tay Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân của Hồ Chí Minh (Ảnh tư liệu)Thực hiện phương châm chính trị trọng hơn quân sự, Đội luôn chú trọng công tác vũ trang tuyên truyền. Hoạt động vũ trang tuyên truyền của Đội đã từng bước mở rộng của cơ sở cách mạng, chuẩn bị thiết thực cho tổng khởi nghĩa.
Tiếp tục coi trọng vai trò công tác Đảng, công tác chính trị, thể hiện qua sự tồn tại và hoạt động của chính trị viên, đồng chí Xích Thắng chuyên chăm lo công tác chi bộ và những hoạt động chính trị của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân như công tác tuyên truyền, giáo dục sinh hoạt dân chủ, xây dựng đoàn kết, rèn luyện kỷ luật, vận động nhân dân, vận động binh lính địch, công tác tù hàng binh…. Ngoài ra, trong đội còn có đồng chí Lâm Cẩm Như (tức Lâm Kính), phụ trách công tác chính trị.
Cũng trong giai đoạn này, mặc dù việc trang bị vũ khí cho lực lượng vũ trang rất cấp bách, nhưng trong mối quan hệ giữa con người và vũ khí, Hồ Chí Minh vẫn rất chú trọng yếu tố con người. Người khẳng định, trong xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang “người trước, súng sau”.
Có thể nói, ngay từ những ngày đầu xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã luôn coi trọng yếu tố chính trị trong xây dựng và hoạt động của lực lượng vũ trang.
Trong bối cảnh ngày nay, việc các thế lực thù địch đang ra sức kêu gọi từ bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với toàn bộ xã hội nói chung và đối với lực lượng vũ trang quân đội nhân dân, công an nhân dân nói riêng, việc làm rõ quan điểm Đảng lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối lực lượng vũ trang và vai trò quan trọng của công tác Đảng, công tác chính trị đối với việc tổ chức và hoạt động của lực lượng vũ trang càng có ý nghĩa quan trọng.
Ôn lại di sản quân sự của Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh, trong đó có quan điểm về vị trí, vai trò của công tác Đảng, công tác chính trị, càng có ý nghĩa giữ vững bản chất cách mạng của quân đội ta trong bối cảnh quốc tế đầy biến động, nhiều nguy cơ thách thức đối với chế độ hiện nay.
Lê An
[1] Ban nghiên cứu lịch sử quân đội thuộc tổng cục chính trị - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam, tập 1, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994, tr. 55.
[2]. Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.59.
[3] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Hà Nội, 2011, t.3, tr. 502.
[4] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.528.
[5] . Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Sđd, tr. 125.
[6] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr. 539-540.
[7] . Hình thức sinh hoạt này sau này được gọi là “ôn nghèo, kể khổ”, qua đó các đội viên tự thuật, vạch tội ác của thực dân, đế quốc phát xít và tay sai đã gây ra cho bản thân, gia đình và quê hương mỗi người.
[8] . Trần Trọng Trung: Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.208.