Sớm đến với Chủ nghĩa Mác-Lê nin, tìm thấy con đường cứu nước, cứu dân, nhưng phải hơn 20 năm sau, ngày 28/1/1941, Nguyễn Ái Quốc mới có điều kiện trở về Tổ quốc để lãnh đạo cách mạng Việt Nam với công việc quan trọng đầu tiên là triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng tháng 5/1941
Sau hơn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước và hoạt động cách mạng ở nước ngoài, đầu năm 1940, Nguyễn Ái Quốc về tới Côn Minh (Trung Quốc) tìm cách bắt liên lạc với Trung ương Đảng, chuẩn bị về nước hoạt động.
Từ Trung Quốc, Người đã tính đến việc xây dựng khu căn cứ ở Cao Bằng, nơi có cơ sở quần chúng mạnh từ trước, có điều kiện phát triển phong trào về xuôi và liên lạc được với phong trào cộng sản quốc tế.
Tháng 11/1940, Trung ương Đảng tiến hành Hội nghị, xác định kẻ thù trước mắt là thực dân Pháp, quân phiệt Nhật và đề ra nhiệm vụ chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Hội nghị quyết định duy trì đội du kích Bắc Sơn, xây dựng khu căn cứ cách mạng, thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất chống phát xít Pháp- Nhật.
Trước tình hình mới, Nguyễn Ái Quốc nhận thấy cần phải gấp rút lập một hình thức mặt trận rộng rãi, đoàn kết toàn dân đấu tranh giải phóng dân tộc.
Thực hiện ý định đó, cuối tháng 12/1940, tại một làng sát biên giới Việt- Trung, Người mở lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ theo tài liệu do người biên soạn, với nội dung: Tình hình thế giới và trong nước, tổ chức đoàn thể quần chúng, cách tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện và đấu tranh cách mạng. Cùng với các đồng chí khác như Võ Nguyên Giáp, Phùng Chí Kiên, Vũ Anh, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Ái Quốc đã huấn luyện được 43 cán bộ cách mạng. Những cán bộ được Người trực tiếp huấn luyện sau đó trở về Cao Bằng tổ chức thí điểm các đoàn thể cứu quốc.
Ngày 28/1/1941, sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt chân về Tổ quốc. Khi bước tới cột mốc 108 nằm trên biên giới Việt - Trung (thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng), Người đứng lặng hồi lâu, xúc động.
Ngày 8/2/1941, Người đến ở hang Cốc Bó và đánh dấu thời gian đến ở hang trên vách đá. Đó là lý do sau này, chúng ta hay nhầm ngày 8/2/1941 là ngày Nguyễn Ái Quốc về nước.
Hang Cốc Bó thuộc địa phận làng Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng (Cốc Bó, tiếng Nùng, nghĩa là “đầu nguồn”), địa thế hiểm trở. Hang ăn thông ra một con đường kín dẫn sang bên kia biên giới, có thể rút lui an toàn khi bị lộ. Cùng đến Cốc Bó với Nguyễn Ái Quốc còn có các đồng chí Lê Quảng Ba, Phùng Chí Kiên, Hoàng Văn Lộc, Thế An, Đặng Văn Cáp
Những ngày đầu ở Pác Bó, cuộc sống của Người rất gian khổ khổ. Chỗ nằm chỉ kê mấy tấm ván khấp khểnh, một tấm cót rách phủ lên trên. Đêm mùa Đông giá rét, trong hang lạnh buốt, mà người chỉ có một tấm chăn chiên mỏng. Năm đó người đã ngoài 50 tuổi.
Để bảo vệ sức khỏe cho Người, cán bộ và dân làng làm một cái lán nhỏ bên bờ suối Khuổi Nậm. Còn bữa ăn hằng ngày của người rất đạm bạc, chỉ có rau măng, cháo bẹ, cá suối, hoặc ít thịt rang mặn với ớt… Không để ý đế những thiếu thốn trong cuộc sống, Người say sưa làm việc suốt ngày.
Với bí danh là Già Thu, Người trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng các đoàn thể cứu quốc ở Cao Bằng để rút kinh nghiệm; mở các lớp huấn luyện đào tạo cán bộ; lược dịch Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô và khẩn trương chuẩn bị tổ chức Hội nghị của Trung ương Đảng.
Tranh tái hiện những ngày hoạt động cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại Pác Bó, Cao Bằng trước khi người triệu tập Hội nghị Trung ương tháng 5/1941
Mặc dù sống kham khổ, Người sống Người vẫn thể hiện phong thái ung dung, tự tại. Người làm bài thơ Tức cảnh Pác Bó nói về cuộc sống của mình:
Sớm ra bờ suối, tối vào hang
Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang
Nhìn bao quát phong cảnh Pác Bó, Người thấy dòng suối trong xanh như ngọc, lại bắt nguồn từ đây, nên đặt tên suối là Lênin; còn ngọn núi hùng vĩ bên bờ suối gọi là núi Các Mác. Và Người làm bài thơ Pác Bó hùng vĩ:
Non xa xa, nước xa xa
Nào phải thênh thang mới gọi là
Đây suối Lênin, kia núi Mác
Hai tay xây dựng một sơn hà
Những bài thơ ngắn nói trên thể hiện sâu sắc phong thái lạc quan cách mạng của Người trong cuộc đấu tranh cách mạng giành độc lập cho dân tộc.
Trong thời gian này, Người thường cải trang làm một thầy địa lý. Qua lại vùng biên giới Việt-Trung. Người giao nhiệm vụ cho đồng chí Vũ Anh triệu tập hội nghị cán bộ tỉnh Cao Bằng, được tổ chức vào tháng 4/1941 tại Cooc Mu (Pác Bó), do đồng chí Hoàng Văn Thụ chủ trì. Dự Hội nghị có các cán bộ của huyện Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình, là những huyện đã có phong trào quần chúng tương đối mạnh, để rút kinh nghiệm tổ chức thí điểm Mặt trận dân tộc thống nhất tại Cao Bằng.
Tháng 5/1941, thay mặt Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Hội nghị họp từ ngày 10 đến ngày 19/5 tại Pác Bó, Cao Bằng. Dự Hội nghị có các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Phùng Chí Kiên cùng một số đại biểu của Xứ ủy Bắc Kỳ, Trung Kỳ và một số đại biểu hoạt động ở ngoài nước.
Trên cơ sở phân tích tình hình thế giới và trong nước, Hội nghị xác định nhiệm vụ giải phóng dân tộc là một nhiệm vụ bức thiết của cách mạng Đông Dương: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc phải chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.
Theo sáng kiến của Người, Hội nghị quyết định thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh, gọi tắt là Việt Minh, chủ trương đoàn kết rộng rãi toàn dân cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Khi Di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó-Cao Bằng
Hội nghị quyết định thành lập, phát triển và tăng cường lãnh đạo các tổ chức vũ trang và nửa vũ trang, chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, đi từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Theo đề nghị của Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị bầu Ban Chấp hành Trung ương do đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư.
Dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị Trung ương Đảng tháng 5/1941 đã thành công rực rỡ và có một ý nghĩa lịch sử đặc biệt quan trọng. Nghị quyết của Hội nghị đã thể hiện một cách sâu sắc và hoàn chỉnh vấn đề giải phóng dân tộc, đánh dấu một bước tiến mới của cách mạng Việt Nam và có ý nghĩa quyết định thắng lợi của Cách mạng tháng Tám sau này.
Thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Trung ương Đảng, ngày 19/5/1941, Mặt trận Việt Minh chính thức ra đời, kêu gọi toàn dân đánh Pháp, đuổi Nhật cứu nước, cứu nhà. Chương trình và Điều lệ của Mặt trận được giới thiệu rộng rãi, phù hợp với nguyện vọng và đáp ứng những đòi hỏi cấp bách của nhân dân, thể hiện cao độ tinh thần đoàn kết dân tộc, cho nên được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Từ những vùng xây dựng để rút kinh nghiệm Mặt trận Việt Minh ở Cao Bằng, phong trào Việt Minh đã phát triển nhanh chóng rộng khắp, tạo thành một phong trào quần chúng rộng lớn. Sau này Người đã đánh giá phong trào Việt Minh như sau:
Cái tên Việt Nam độc lập đồng minh rất rõ rệt, thiết thực và hợp nguyện vọng của toàn dân, thêm vào đó chương trình giản đơn, thiết thực mà đầy đủ của mặt trận gồm 10 điểm như bài ca tuyên truyền đã kể:
Có mười chính sách bày ra
Một là ích nước, hai là lợi dân…
Mười điểm ấy, gồm những điểm chung của toàn dân tộc và những điểm đấu tranh cho quyền lợi của công nhân, nông dân và mọi tầng lớp nhân dân. Vì thế mà Việt Minh được nhân dân nhiệt liệt hoan nghênh, và cũng do cán bộ rất cố gắng đi sát với dân, cho nên Việt Minh đã phát triển mau và rất mạnh.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 5/1941có ý nghĩa to lớn trong tiến trình hoạch định đường lối và lãnh đạo thực hiện cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Đảng đặt ra những quyết sách lớn nhằm đoàn kết rộng rãi mọi lực lượng yêu nước trong Mặt trận Việt Minh, xây dựng lực lượng quần chúng cách mạng ở cả nông thôn và thành thị, xây dựng căn cứ địa cách mạng và lực lượng vũ trang, tích cực chuẩn bị lực lượng, đón thời cơ khởi nghĩa.
Việc Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc (28/1/1941) trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng (5/1941) cho thấy tầm nhìn chiến lược của của Người, đã tạo ra bước ngoặt to lớn của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX.
Vượt qua những năm tháng đầy cam go, hiểm nguy, thử thách, với quyết tâm giải phóng dân tộc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã về nước với những hoạt động tích cực và đầy sáng tạo của Người cùng với Trung ương Đảng đưa ra những quyết sách đúng đắn, sáng tạo, đưa cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam đến bến bờ thắng lợi.
Nguyệt Ánh